Hải đội Hoàng Sa (kỳ I & II)
Bài – ảnh: Trần Công Nhung
Nhà thờ Võ văn Khiết
Cho đến khi giặc vào nhà “cắm dùi”, sử cũ mới được khơi nóng trở lại, Hoàng Sa – Trường Sa mới được nhắc đến. Ðối với quần chúng đây là vấn đề sống còn của tổ quốc nên nhiều tầng lớp nhân dân đã nổi lên phản kháng dưới nhiều hình thức. Nhưng về mặt chính quyền do tế nhị ngoại giao, tránh né không muốn phiền lòng láng giềng anh em (16 chữ vàng 4 tốt) nên không ra mặt. Từ đó bao nhiêu người chỉ vì yêu nước mà bị tù đày (với tội danh chống phá nhà nước).
Hoàng Sa – Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam từ thời Trịnh Nguyễn, khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam. Ðây là hai đồn tiền tiêu của quân lính VN ở biển Ðông thời ấy. Năm 1786 đã có hải đội ra đảo Hoàng Sa.
Hải đội Hoàng Sa là nói về các đội thủy binh do triều đình phái ra các quần đảo Hoàng – Trường Sa (Bắc Hải), tuần tra, cắm mốc chủ quyền và sưu tầm các vật quí. Lịch sử nhà Tây Sơn và triều Nguyễn đã lưu lại nhiều chứng tích về hoạt động của các đội hùng binh (Sắc lệch của Thái Ðức Nguyễn Nhạc- của Gia Long – Minh Mạng). Tuy nhiên những trang sử oai hùng của bao nhiêu lớp người đã hy sinh ngoài biển cả để gìn giữ biên cương, thời cận đại không hề nhắc đến. Thậm chí năm 1974 Trung cộng đánh chiếm Hoàng Sa, quân lực VNCH đã đơn phương chống trả, trên 70 chiến sĩ đã hy sinh, lại bị xem như một đòn giáng xuống đầu “ngụy quân ngụy quyền”.
Nhưng, muốn hay không, đến một lúc, nhà nước cũng lui về quá khứ dựa vào sử cũ để chống đỡ kẻ chiếm nhà mình. Từ đó chủ đề Hoàng Sa – Hải đội Hoàng Sa – Hùng binh Hoàng Sa luôn nghe thấy trên các phương tiện truyền thông. Ðiều bi hài là trận hải chiến giữa quân đội VNCH và Trung cộng lại được “nhà nước ta” trang trọng ngợi ca, và cũng chỉ trong hoàn cảnh éo le này Thủ Tướng Dũng mới bấm bụng mà gọi đích danh chính phủ VNCH và xác nhận Hoàng Sa trước 75 thuộc chủ quyền VNCH.
Theo sử ghi, họ Võ là dòng họ đầu tiên đưa binh phu đi Hoàng Sa, được cả triều Tây Sơn và triều Nguyễn trọng dụng, được phong tước “Hầu” cao nhất so với các họ khác ở đây. Dòng họ này hiện còn lưu giữ tờ lệnh của năm Thái Ðức Nguyễn Nhạc thứ 9 (1786) và xem đó là một bảo vật của tộc họ nên luôn được giữ gìn cẩn mật. Mỗi khi muốn lấy ra xem cả họ phải họp tại nhà thờ cai đội Võ Văn Khiết, làm lễ hương đèn cáo bạch xin phép để tỏ lòng tôn kính vong linh Tổ, vừa cho con cháu thấy giá trị của bảo vật. Phải cẩn thận như thế, vì sau 75 miền Nam thất thủ nhiều địa phương đền miếu, di tích cổ bị phá hủy, trong đó có nhiều chiếu chỉ, sắc lệnh văn tự của thời trước.
May thay nhiều dòng họ của đảo Lý Sơn vẫn giấu được sắc lệnh vua ban liên quan đến việc ra đi thiết lập chủ quyền và giữ gìn biển đảo ở Hoàng Sa. Tờ lệnh của Thái Phó Tổng Lý quản binh dân chư vụ Thượng Tướng công được phong ngày 14-2-1786 (năm Thái Ðức thứ 9 Nguyễn Nhạc), lệnh cho ông Võ Văn Khiết đưa binh phu đi Hoàng Sa thu lượm vật quí đã bị mất bản gốc. Hỏi ra được biết hồi đó có ông Diệp Ðịnh Hoa (viện Hán Nôm) và ông Trần Văn Cầu (viện Khảo cổ học) được chính quyền cử đến gia tộc họ Võ “mượn” tờ lệnh để nghiên cứu. Các ông hứa sau khi nghiên cứu xong sẽ trả lại bản gốc. Nhưng rốt cuộc họ Võ chỉ nhận được bản photocopy. Người con họ Võ (tập kết ra Bắc) đến gặp hai nhà nghiên cứu nói trên để đòi lại tờ sắc lệnh, nhưng cũng chẳng được gì.(1).
Từ ngày mất bản gốc của sắc lệnh, dòng họ Võ chỉ còn giữ bản photocopy. Ðó là lý do tại sao sắc lệnh này công bố trễ (năm 2009) hơn các sắc lệnh của các dòng họ khác trên đảo, vì sợ thêm một lần nữa mất luôn sắc lệnh.
Gia phả họ Võ (Võ Văn Khiết chấp bút) cũng có ghi: cai đội Võ Văn Khiết là người đầu tiên ở đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa năm 1786. Ðiều đáng nói là dù có quy định con trưởng ở Lý Sơn không phải sung quân đi Hoàng Sa, nhưng con cháu của ông Khiết: Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng, Võ Văn Sanh… đều ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Ông Võ Văn Phú (con Võ Văn Khiết), dưới triều Minh Mạng là người hướng dẫn thủy binh ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền.
Năm 1789, khi 15 ghe lớn của Tàu ô vào đảo Lý Sơn cướp phá đã bị dân đảo Lý Sơn (họ Võ cùng các họ khác) đánh đuổi.
Sau khi dẹp được quân Tây Sơn, vua Gia Long trả thù quan lại nhà Tây Sơn tàn khốc, nhưng với dòng họ Võ ở Lý Sơn, nhà vua vẫn tiếp tục trọng dụng. Vẫn giữ nguyên tước “Hầu” do nhà Tây Sơn ban cho Võ Văn Khiết (Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm tri Hoàng Sa cai cơ thủ ngự Phú Nhuận Hầu) và còn được Vua Gia Long phong tước Hội Nghĩa Hầu. Các nhà nghiên cứu cho biết, “Chức chánh suất đội, phó vệ úy… nhà triều Nguyễn ban cho các dòng họ ở Lý Sơn sau này, đều nhỏ hơn so với tước “Hầu” mà họ Võ được ban”.
Cuối thôn Tây, xã An Vĩnh, có nhà thờ và mộ của cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết.
Theo lời chỉ dẫn của ông Ðạt (xem bài Mộ gió), tôi đi tìm thăm nơi thờ của vị Cai Ðội đầu tiên ra cắm mốc chủ quyền đảo Hoàng Sa.
Có những chuyện người ở xa đến cho là quan trọng, người địa phương thì ú ớ chẳng thiết gì, tôi đã đứng ngay xóm có mộ Võ Văn Khiết nhưng hỏi ai cũng ngơ ngác, lại còn chỉ chỗ nọ chỗ kia rất mất thì giờ. Ði lần về bến tàu, hỏi mấy người lớn họ cũng tù mù lẫn lộn nhà thờ và mộ gió. Một bác cả quyết mộ gió Võ Văn Khiết là miếu ông Thắm ở thôn Tây. Ông quay sang một chị đang ẵm con nhỏ nói như ra lệnh “Mi dẫn ổng đi chút đi”. Chị này lại tìm cách thoái thác bảo về làm vịt chuẩn bị cháo chiều bán. Tôi hỏi ngay:
– Quán chị chỗ nào?
– Chỗ đầu đường xuống bến tàu.
– Ðược rồi, chị giúp tí, chiều tôi ăn cháo.
Chị bán cháo vui vẻ gửi con, đạp xe đi trước tôi theo sau. Nhà thờ ngay chỗ sửa xe vào chừng 20m vậy mà mấy anh thợ chẳng hề biết.
Cổng nhà thờ khóa, tôi tần ngần chưa biết làm sao, chị bán cháo bảo “Cửa cột dây, bác mở mà vô”. Ðúng là cửa chỉ quấn sơ sợi kẽm nhỏ.
Nhà thờ ba cửa vòm cao rộng, bốn cột bốn câu đối đỏ kẽ chữ vàng, hoa văn trang trí Tứ Linh hoa lá, hơi rườm rà. Ba gian cửa pa nô, có bàn thờ lộng che trước hiên, hai bàn mỗi bàn có đủ lư hương chân đèn, bàn trước thấp, thay vì khung ảnh người chết lại là khung tranh khảm xa cừ. Bàn sau cao hơn cũng một bộ tam sự bằng đồng thay vì bằng sứ. Án thờ khá trang trọng nhưng không biết thờ ai. Ba gian chánh điện cửa khép, tôi tự động vào. Ba án thờ, đầy đủ đồ tế tự: Lư hương, chân đèn, bình hoa, hạc chầu… Trên có nghi môn, cửa võng chạm trỗ công phu. Án thờ gian giữa trang trọng hơn hết, phía trước là bàn thờ gỗ quí cẩn xa cừ, đồ tế tự lớn và tinh xảo hơn. Sau lư đồng là bức tranh gỗ khảm xa cừ cảnh trời mây. Hai hạc đỏ đặt hai bên lư hương, hai hạc vàng cao to chầu trước tủ thờ. Phía trong, bệ thờ xây thấp hơn, đồ thờ cũng đầy đủ như vậy, hai hạc gỗ sơn vàng, hai hạc đồng bài trí trên bệ đều nhỏ gọn hơn. Hai gian bên, bệ thờ thấp hơn bàn thờ gian giữa, đồ tế tự đơn giản bằng sành, chỉ có khung ảnh thờ là giống nhau. Có lẽ đây là mô tả cảnh thanh tịnh thay cho ảnh người quá cố.
Rảo quanh khuôn viên nhà thờ tìm mộ của hùng binh hải đội đầu tiên bỏ mình vì nước, tôi không thấy dấu hiệu gì. Ðối diện điện thờ, sát bờ thành, có một “hoa viên” nhỏ, một bình phong đắp phù điêu ngựa, hai bên hai trụ cao, đầu trụ có tượng nghê chầu. Trước bình phong có một nền xi măng bằng mặt bàn cao hơn mười phân. Giữa có khoét lỗ trong dựng một cục đá lớn không rõ hình thù, lồi lên chừng 20cm. Hai trụ xi măng cao chừng 1m như để kềm giữ đá, có chậu kiểng trang trí hai bên. Không một chú giải nào về khu vực này. Tôi nghĩ đây có thể là mộ gió của Cai đội Võ Văn Khiết.
Cha Võ Văn Khiết là ông Võ Văn Thắm nguyên là lý trưởng làng An Vĩnh đã xin triều đình cho lập đền thờ Võ Văn Khiết tại xóm Vĩnh Thành (thôn Tây) xã An Vĩnh huyện Lý Sơn. Ngôi đền thờ nằm trong khu đất của dòng họ Võ, dân địa phương quen gọi là miếu ông Thắm.
Võ Văn Khiết và con cháu dòng họ Võ là những hùng binh tiên chinh ra Hoàng Sa, đã hy sinh mất xác để làm tròn nhiệm vụ với đất nước. Liệu những trang sử này có được truyền đạt đến lớp trẻ hôm nay, hay chỉ nhồi nhét những chủ thuyết ngoại lai, tôn vinh sùng bái những “anh hùng” xa lạ?
(1) Ở VN chuyện này quá bình thường. Khảo cổ mượn 600kg xương cá voi để nghiên cứu rồi xin luôn (Ngư Linh Miếu trong QHQOK tập 17). Mới đây TV “chuyển động 24 giờ” có những chuyện ngộ nghĩnh: “mua nhà 15 năm vẫn chưa xin được sổ đỏ – Mà có rồi chưa chắc đã yên. Vì từ trắng qua hồng qua đỏ, biết đâu rồi sẽ “xanh lam chàm tím!”, mỗi lần đổi màu là mỗi lần hầu quan (chức) mất bạc triệu. Mua nhà trả xong nợ cả chục năm, nay có giấy đòi tiền đất hàng trăm triệu đến cả tỉ. “Bó tay”!
Hải đội Hoàng Sa (kỳ II)
Nối tiếp sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa, sau cai đội Võ Văn Khiết là cai đội Phạm Quang Ảnh. Ông nhận lệnh nhà vua ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
Phạm Quang Ảnh, người làng An Vĩnh, Lý Sơn chỉ huy. Tháng giêng năm 1815 vua Gia Long phong ông làm cai đội của Ðội Hoàng Sa và giao ông dẫn theo một đội quân gồm 70 người từ Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) ra Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) để xem xét, đo đạc thủy trình, trấn giữ Biển Ðông và tìm kiếm sản vật quý. Mỗi chuyến đi 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 8 thì quay về để tránh mùa biển động. Những người lính ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, ngoài những vật dụng cấp phát như lương thực ăn trong 6 tháng còn có đôi chiếu, 7 nẹp tre, 3 sợi dây mây và một thẻ (bài) ghi tên tuổi, quê quán. Ðó là những thứ phòng khi có người vì sóng gió hoặc vì lý do nào khác phải chết giữa biển thì nẹp xác rồi thả xuống nước, hy vọng xác trôi về quê nhà.
Ðoàn thuyền của Phạm Quang Ảnh đã đi được nhiều chuyến thành công, nhưng rồi trong chuyến đi cuối cùng, gió bão đã nhận chìm những người con của Tổ quốc ngoài biển khơi. Vua Gia Long đã đích thân ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một thầy Pháp nổi tiếng nhất thời bấy giờ làm chủ lễ chiêu hồn.
Thầy Pháp lên núi Giếng Tiền lấy đất sét về, nhào nặn thành hình nhân người đã chết. Hình nhân cũng quần dài, áo the, khăn xếp. Sau đó lập đàn cúng suốt đêm, chiêu hồn các tử sĩ nhập vào tượng đất rồi đem an táng như người chết bình thường.
Tìm nơi thờ ông Phạm Quang Ảnh không khó, “nhà thờ” có bảng cắm ngay con đường chính chạy quanh đảo. Nhưng nhìn từ ngoài đường không ai biết đây là nhà thờ của vị Thượng Ðẳng Thần, mà chỉ là mái nhà tôn tầm thường dân dã. Tôi lưỡng lự một lúc trong lúc con chó mực sủa rân trong sân. Một lúc sau có một ông lão ra đuổi chó, tôi mới dám vào. Thấy vẻ không mấy thiện cảm của chủ nhà tôi biết tâm lý phần đông không thích bóng dáng chính quyền, nên “uốn lưỡi” tâm sự như mình là người cùng phía “nhân dân”.
– Thưa bác, tôi ở xa đến thăm Lý Sơn và muốn tìm hiểu về các vị tiền bối đã hy sinh giữ gìn biển đảo, thực hư thế nào để nói lại cho con cháu biết, chứ không phải người ăn lương nhà nước, xin bác đừng ngại.
Y như rằng, ông già trút ngay bao nhiêu bực bội, bất mãn vào tôi:
– Công lao giá trị gì mà ông tìm hiểu cho mất thì giờ. Ông thấy đó, người ta đổ bạc tỉ ra làm tượng đài xây lăng, nhà thờ này chỉ có mấy tấm tôn lợp không kín. Mà đây là nhà thờ Tổ họ Phạm chớ không phải nhà thờ Phạm Quang Ảnh.
Ông lão lấy hơi vừa nói vừa chỉ xuống đất:
– Ông coi đây, bảng này trước ghi “Di tích VHLS cấp tỉnh”, nay nhổ vứt cắm bảng khác “Nhà thờ Phạm Quang Ảnh”, khinh chê rõ ràng.
Tôi lại lựa lời trấn an ông lão:
– Tôi chắc có sự nhầm lẫn gì đây, chớ ông Ảnh ông Khiết đều là Cai Ðội Hoàng Sa. Ông Ảnh lại còn được chính vua Gia Long ra Lý Sơn làm lễ chiêu hồn. Tôi sẽ ghi điều này vào bài báo. Xin lỗi, bác là hậu duệ đời thứ mấy?
– Phạm Quang Ảnh hậu duệ đời thứ 4 của Tổ họ Phạm, tôi Phạm Quang Tỉnh, hậu duệ thứ 4 của Phạm Quang Ảnh.
– Vậy là ông Phạm Quang Ảnh được phối thờ với Tổ họ Phạm.
– Ðúng vậy.
– Giờ bác vui lòng cho tôi vô thăm trong nhà thờ rồi nhờ bác dẫn cho xem mộ ông Phạm Quang Ảnh.
Tôi theo ông Tỉnh vào căn nhà tôn trông tồi tàn, tuy nhiên bên trong, bộ sườn nhà gỗ xưa, ba gian thờ khá trang nghiêm sáng sủa. Ông Tỉnh không quên chỉ cho tôi bằng công nhận di tích cấp tỉnh, được lộng khung treo trên cột. Sau đó ông đưa tôi đi xem mộ.
Nay (2014) mộ cai đội Phạm Quang Ảnh được xây đàng hoàng nằm trong khu đất sát nhà thờ tổ họ Phạm do ông Phạm Quang Tỉnh trông coi(1). Khu mộ gió gồm có 8 mộ. Hai mộ lớn hai đầu là của ông Phạm Quang Ảnh và ông Phạm Quang Thanh, những ngôi mộ còn lại là của dòng họ Phạm. Ông Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng Ðẳng Thần để hộ vệ và ban phúc cho người dân Lý Sơn. Nhân dân xã An Vĩnh thờ ông như thờ Thành Hoàng. Tổ quốc (trước 75) ghi nhớ công lao của ông bằng cách đặt tên một hòn đảo lớn trong nhóm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa là đảo Quang Ảnh.
Xuống hướng Nam chừng 200m là nhà thờ Phạm Hữu Nhật. Phạm Hữu Nhât là Chánh Ðội Trưởng thủy binh suất đội của Ðội Hoàng Sa. Năm Bính Thân (1836) ông nhận lệnh vua Minh Mạng đưa binh thuyền gồm khoảng 50 người đi thăm dò, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền của triều Nguyễn tại quần đảo Hoàng Sa. Mỗi binh thuyền đem theo 10 cái bài gỗ, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, trên có khắc dòng chữ “Minh Mạng thập thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh Ðội trưởng suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chi thử lưu đẳng tự” (nghĩa: năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân, Thủy quân Chánh Ðội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét đo đạc đến đây, để ghi nhớ).
Không biết ông đã đi được bao nhiêu chuyến, nhưng đến chuyến cuối cùng năm 1854 thì ông và thủy thủ đoàn đã bị mất tích giữa biển khơi. Gia đình, họ tộc và quê hương đã an táng ông bằng mộ chiêu hồn (mộ gió) tại thôn Ðông làng An Vĩnh, bên cạnh ngôi mộ của cụ Thủy Tổ họ Phạm Văn, một trong 6 vị tiền hiền khai canh làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. Các bộ chính sử của triều Nguyễn đều có ghi chép về sự kiện này. Hữu Nhật là tên một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa. Các tư liệu còn lưu trữ trong Nhà thờ thứ phái họ Phạm Văn ở An Vĩnh (hiện do ông Phạm Văn Ðoàn phụng tự) đã xác định Phạm Hữu Nhật tên thật là Phạm Văn Triều sinh năm 1804 mất năm 1854, con ông Phạm Văn Nhiên thuộc đời thứ tư của Thủy tổ họ Phạm Văn- một trong 13 vị tiền hiền khai phá đất đảo Lý Sơn. Vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa 19 tháng 2 âm lịch hằng năm, dòng họ Phạm Văn cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật bên cạnh việc tưởng nhớ các vị tham gia Ðội Hoàng Sa đã hy sinh vì đất nước.
Tôi đứng trước thềm nhà thờ một lúc lâu mới có người đàn bà bước ra. Hỏi thăm nhà thờ Chánh Ðội Trưởng Phạm Hữu Nhật, bà cho biết đây là nhà thờ Tổ Phạm Văn. Còn nhà thờ Phạm Hữu Nhật phía bên kia, bà chỉ cho tôi ra đường cái rồi vòng vào ngôi nhà ngói phía sau, do hậu duệ Phạm Văn Ðoàn chăm sóc. Căn nhà gỗ xưa, ba gian hai chái còn nguyên, mái đã thay do bão số 9.
Nói về Hải Ðội Hoàng Sa từ Tây Sơn xuyên suốt các triều đại nhà Nguyễn biết bao nhiêu chiến binh đã hy sinh.
Những khúc tráng ca bi hùng về Phạm Quang Ảnh và đội hùng binh giữ đảo như một lời thề nhắn gửi với thế hệ mai sau về bài ca dựng nước và giữ nước của cha ông. Những câu chuyện ấy đã, đang và sẽ khắc sâu vào tâm khảm các thế hệ người Việt Nam quốc nội cũng như hải ngoại, lời thề bằng máu đào: Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần da thịt thiêng liêng của mẹ Việt Nam.
Trần Công Nhung
(1) Nhiều tài liệu ghi ông Tỉnh là hậu duệ đời thứ 5 thứ 6, nhưng ông Tỉnh xác nhận ông là hậu duệ đời thứ tư của ông Phạm Quang Ảnh. Và, Phạm Quang Ảnh là hậu duệ thứ tư của Tổ họ Phạm. Nhà thờ Tổ họ Phạm không phải nhà thờ Phạm Quang Ảnh như nhà nước gọi và cắm bảng trước cổng.
Không hiểu sao có sự thay đổi như vậy. Nhà thờ Võ Văn Khiết và Phạm Quang Ảnh đều là “Di tích VHLS cấp tỉnh, nay lại bỏ một, giữ một. Nếu không công nhận nữa cũng nên có văn thư thông báo chứ không thể tự tiện nhổ bảng vứt. Theo tôi nghĩ, có lẽ đây là chủ trương chung của nhà nước VN XHCN là triệt hạ tất cả những gì dính dấp đến triều Nguyễn Gia Long, ngược lại suy tôn Quang Trung Nguyện Huệ lên tận mây xanh. Phố Gia Long (Huế), trường Gia Long Sài Gòn… xóa sổ sau năm 75. Cung điện lăng tẩm may mắn thoát nạn bởi nơi đây hái ra tiền (lẻ). (Trích một đoạn trong bài Ðồ Sơn trang 157 QHQOK tập 5): “Bảo Ðại là vị Vua cuối cùng của Triều Nguyễn, được nhắc nhở nhiều, song dư luận chung thì không vì ý nghĩa lịch sử mà vì giúp nhiều cho việc kinh doanh của ngành Văn Hóa. Bởi thế, ngay phòng tiếp khách Biệt Thự có bán vé (Cục Thuế Hải Phòng) :
Cho thuê Hoàng Bào (áo nhà Vua) chụp hình 20 nghìn đồng
Phòng ngủ của Vua 100 USD một đêm.
Phục vụ ăn Cung Ðình.
Sau khi đi xem hết một vòng, trở lại bàn bán vé, không hiểu tôi nghĩ gì mà đã góp ý với mấy cô nhân viên: “Cháu à, chú thấy làm ăn có nhiều cách, ai lại đem một ông Vua ra mua bán. Hai chục nghìn đồng có là bao, một tên ăn trộm cũng có thể lên làm vua để có một tâùm ảnh kỷ niệm”. Cô bán vé ngạc nhiên nhìn tôi không trả lời, mấy bà khách cũng như vỡ lẽ, cho rằng tôi có lý. Trong Hoàng Thành Huế, Biệt Ðiện Ðà Lạt cũng kiếm tiền cách như vậy. Một đất nước đang lớn mạnh, đang cổ xúy cho một nền Văn Hóa, tôi không hiểu việc làm trên có phù hợp chăng, hay chứng tỏ điều ngược lại. Tôi tin chắc trên thế giới này không có một nước nào làm chuyện cho thuê áo quần nhà Vua, ngồi ngai vàng chụp hình để lấy tiền. Vua một nước không phải ông già Noel. Có ai dám cho thuê áo mão các lãnh tụ của thời cận đại, mặc chụp ảnh không?”