Hai con chuột
Nguyễn Đức Lập
Mới sáng sớm, vừa đặt chưn vô tới cái chòi trong rẫy, chưa kịp cất cây cuốc trên vai xuống, chưa kịp treo cái bình toong đựng nước lên vách chòi, Thanh đã nghe tiếng thằng Sơn Đen la chói lói ở cuộc đất giáp ranh.
Mặc dầu cũng tò mò lắm, cũng háo hức muốn chạy qua bên cuộc đất của bác Hai Khánh để coi cớ sự gì mà thằng Sơn Đen làm như đang cháy nhà, nhưng Thanh lại uể oải dựng cây cuốc dựa vô cái gò mối trước chòi. Hắn từ từ mở nắp bình toong, uống một ngụm nước. Tuy mặt trời chưa lên, tuy mặt đất, lá cây còn ẩm ướt sương mai, nhưng ba cây số ngàn đường mòn gồ ghề làm cho hắn bở hơi tai. Hồi hắn mới về rẫy, vợ Hai Nhi đã chép miệng:
– Bộ tịch yếu nhớt, cuốc đất gì nổi mà về cái xứ rừng xanh núi đỏ nầy làm gì cho khổ?
Nghe cái câu than giùm của thị mà hắn muốn thoát bộ về thành phố. Nhưng cũng may, chú Sáu Liệt, tổ trưởng Nông Hội đã trấn an:
– Cái chuyện cuốc đất cũng giống như tập võ, tập thể thao, có mệt là mệt mấy ngày đầu, rồi từ từ nó quen. Ăn thua là chú có hạ quyết tâm hay không mà thôi.
Chú Sáu còn “động viên” nghe đã con ráy:
– “Tư tưởng mà không thông, đeo cái bình toong cũng thấy nặng”. Bộ đội người ta đeo cả trăm ký trên vai, vượt Trường Sơn còn nổi, chẳng lẽ chú cầm có một cái cuốc nhẹ hều mà không xong.
Cha! Nói theo cái điệu “cách mạng đầy mình” của chú Sáu Liệt coi bộ rắc rối dữ. Hơn cả một năm trời ở rẫy rồi, chỉ vác có một cây cuốc, cầm thêm một cái bình toong, đi có ba cây số, mà hắn vẫn thở không muốn ra hơi. Cái điệu nầy coi bộ tư tưởng của hắn chẳng những không thông, mà còn bế tắc tới tận cùng.
Thanh chợt phân vân. Hồi đó, ông bà có nói “đi đường xa, cái bánh đa cũng thành nặng”. Nội cái bình toong nước không thôi cũng nặng gấp mấy cái bánh đa rồi, hà huống cộng thêm cái cuốc, cán bằng gốc tre tầm vông, lưỡi tai tượng bằng thép ống đạn đại bác. Ba cây số đường mòn gập ghềnh đâu có thể nói là không xa. Như vậy, mệt là sự dĩ nhiên, không mắc mớ gì tới chuyện tư tưởng thông hay không thông hết. Mà nói cho cùng, biết tới chừng nào tư tưởng hắn mới thông cho nổi…
Giọng của thằng Sơn Đen coi bộ gấp gáp hơn. Thêm vô đó, có vài giọng khác nữa cũng chát chúa không kém. Không dừng được nữa, Thanh vội máng cái bình toong lên vách chòi, rồi xấp xải bước mau qua cuộc đất của bác Hai Khánh.
*
Trước mắt Thanh, bốn năm thanh niên đang bu quanh miệng giếng. Đứa nào cũng quỳ gối, chúc đầu xuống giếng nên Thanh không nhận diện được tụi nó là những thằng nào.
Cơ nhỡ thì thôi, làm gì mới sáng sớm mà đã có thằng lọt xuống giếng nên cái miệng của thằng Sơn Đen mới bài hải làm vậy.
Mà hình như không phải. Nếu có thằng lọt xuống giếng thì giọng thằng Sơn Đen không vui như vậy:
– Thấy hông? Thấy hông, nó đó… nó đó…
Giọng Huế đặc sệt của thằng Thi cũng không có vẻ gì lo lắng:
– Có thấy chi mô?
Thằng Nhựt còn reo lên thích thú:
– Thấy rồi. Tao thấy rồi…
Thanh ứng tiếng hỏi:
– Cái gì vậy, tụi bay?
Không có thằng nào thèm ngước mặt lên trả lời trả vốn cho hắn một câu. Thanh cảm thấy hơi quê quê. Bề gì, hắn cũng là anh Tám của tụi nó mà. Tối tối, tụi nó vẫn tụ lại nhà hắn, một điều anh Tám, hai điều anh Tám, để nghe hắn thiên hô bát sát chuyện Phong Thần, Tây Du Ký, Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long… mà. Chắc có cái gì quan trọng ghê gớm nên tụi nó mới không thèm để ý tới “anh Tám” của tụi nó như vậy.
Thôi thì, tụi nó sao mình vậy cho rồi, Thanh cũng tới bên miệng giếng, cũng quỳ xuống, cũng chúc đầu xuống giếng.
Mặt trời vẫn chưa lên. Lòng giếng tối đen, dòm cho kỹ chỉ thấy một chút mặt nước lấp lánh. Hình như có một con vật gì ở dưới đó, bởi mặt nước có hơi xao động.
Thanh kéo đầu thằng Sơn Đen, buộc nó phải ngửng mặt lên. Hắn hỏi chăm bẳm:
– Con gì ở dưới đó vậy, mầy?
Thằng Sơn Đen trả lời gọn:
– Con chuột.
>ó chợt liến thoắng:
– Con chuột bự tổ nái, anh Tám ơi. Em thấy nó đang đào khoai mì ở đằng kia. Em rượt nó một hồi, nó chạy quýnh quíu làm sao mà đâm đầu xuống giếng.
Tới lúc đó, cả bọn mới chịu ngước mặt lên. Ngoài thằng Thi với thằng Nhựt, nghe giọng nhận ra tên rồi, Thanh còn thấy thêm anh em thằng Trước, thằng Sau. Hai thằng nầy sanh đôi.
Thằng Trước thắc mắc:
– Con chuột cỡ bao nhiêu mà mầy nói nó bự tổ nái?
Thằng Sơn Đen kéo giọng dài nhằng:
– Cỡ bằng bắp chuối.
Thằng Sau coi bộ muốn trớ trêu:
– Bắp chuối gì mới được chớ. Bắp chuối cau nhỏ xíu chớ lớn lao gì.
Chưa chi mà thằng Sơn Đen đã muốn nổi cộc. Nó vỗ đùi bồm bộp:
– Bắp chuối của tao đây nè, nghe chưa, đồ cà chớn.
Thằng Nhựt chép miệng:
– Cỡ đó mà xào sả ớt chắc cũng được một chảo.
Kể cả Thanh, mấy cặp mắt đều sáng rực lên. Thằng Nhựt còn nói thêm:
– Mùa nầy, chuột nhỏ phải biết.
Tự nhiên mà thằng Thi nuốt nước miếng khiến cho đứa nào đứa nấy đều nuốt nước miếng theo.
Thằng Sơn Đen nghinh nghinh cái mặt như con trâu cui đang ghìm địch thủ:
– Bởi vậy tao mới kêu tụi bây. Nói gì thì nói, trưa nay mình cũng có thịt ăn rồi.
Nghe nói trưa nay có thịt, mà thiệt ra, thịt đã thấy trước mắt rồi, đứa nào đứa nấy mặt mày đều nở ra như cái bánh thuẫn hấp. Chưa chi mà tụi nó đã bàn nghe muốn đã con ráy:
– Bằm nhuyễn, xào với bột cà-ri, xúc bánh tráng, hết sẩy.
– Kho với mắm ruốc, bỏ ớt nhiều nhiều, ăn với khoai mì mới no bụng hơn.
– Tao đã nói xào sả ớt là xào sả ớt, rồi muốn xúc bánh tráng hay muốn độ với khoai mì gì cũng được hết.
– Tụi bay bàn trật lất. Muốn xào muốn kho gì cũng phải về nhà. Sao hổng nướng liền tại chỗ, mỗi thằng ăn một miếng? Mình còn phải cuốc nữa chớ bộ.
– Bàn như mầy mới là trật. Đem nướng, nó chảy hết mỡ, còn cái đách gì mà ăn?
Thằng Nhựt coi bộ độc tài hạng nặng:
– Tao đã nói xào sả ớt là xào sả ớt.
Thằng Sơn Đen tán thành ý kiến của thằng Nhựt và muốn hạ quyết tâm cho anh em:
– Cuốc thì ngày nào mà hổng cuốc tới còng lưng, nghỉ ăn tiệc một bữa hổng được sao?
Thằng Trước ngó thằng Sau một cái rồi dè dặt:
– Tụi tao mà hổng cuốc cho xong vạt đất bữa nay, ông già tao ổng nạo cho tróc da me.
Thằng Sau nói thêm:
– Dám bà già tao cất phần cơm tối luôn.
Thằng Nhựt tỉnh bơ:
– Như vậy thì tụi bây cứ ở đây mà cuốc, khỏi dự.
Hai thằng, Trước, Sau, cùng hốt hoảng kêu một lượt:
– Ý, đâu được nà!
Thằng Sau còn hấp tấp:
– Bỏ cuốc thì bỏ chứ buổi thịt trưa nay đâu có thiếu tụi tao được.
Tới giờ phút đó, tụi nó mới thấy sự quan trọng của Thanh. Thằng Sơn Đen đề nghị:
– Đem về nhà anh nghen, anh Tám?
Thằng Nhựt để thêm:
– Nhà anh rộng rãi mà hổng có ai, tụi mình muốn Hát Bội cũng được.
Thanh cũng sáng mắt, cũng nuốt nước miếng như tụi nó, nên tán thành liền:
– Nhà tao sả ớt có sẵn, dầu ăn cũng có, chỉ thiếu đậu phọng với bánh tráng.
Thằng Thi lụp chụp như sợ mấy đứa kia tranh phần:
– Đậu phụng nhà tui còn nhiều lắm.
Thằng Sơn Đen cười ha hả:
– Còn bánh tráng thì để tui. Bánh tráng mè đàng hoàng.
o O o
Vậy là coi như số phận của con chuột và chi tiết của bữa tiệc có thịt đã được quyết định xong. Chưa ăn mà Thanh đã thấy ngọt ngọt ở cần cổ. Trời đất ơi, suốt mấy tháng trời nuốt khoai lang, khoai mì chấm với mắm ruốc hay muối ớt, nghe nhắc tới thịt không thôi cũng đã thấy xốn xang trong ruột rồi, hà huống gì mà tới cả một chảo thịt thơm phức, có sả, có ớt, có rắc đậu phọng rang đâm nhỏ, đang bày ra trước mắt…
Thanh thực tế:
– Nói gì thì nói, bây giờ phải lo rước “ngài” lên mới được chớ.
Thằng Nhựt cởi áo, dợm cẳng, vọt miệng:
– Để tui leo xuống.
Thàng Sơn Đen cản lại:
– Giếng sâu như vậy, mầy xuống tới dưới, ngộp chịu hổng nổi đâu.
Thanh đề nghị thòng cái gàu xuống, cho con chuột đeo vào, rồi từ từ kéo nó lên. Cả đám đồng ý với giải pháp đó. Thằng Sơn Đen từ từ thả cái gàu xuống.
Mặt trời đã lên, ánh sáng đã trải rộng. Lòng giếng sáng sủa hơn. Nhờ đó, ai cũng thấy con chuột đang lội lũm chũm trên mặt nước.
Cái gàu chưa đụng tới mặt nước, thần kinh của thằng Sơn Đen coi mòi căng thẳng. Nó phát ngôn bất kể quân thần, không còn phân trên dưới:
– Tụi bay dang rộng ra tao mới thấy đường canh nó được chớ.
Thanh dang ra như một cái máy và cảm thấy cái giờ phút nghiêm trọng nầy không phải là lúc để bắt phép bắt lễ.
Thằng Sơn Đen vừa chăm chú ngó xuống giếng, vừa khéo léo hai tay điều khiển sợi dây gàu, vừa huyên thuyên:
– Đó, đó, leo lên đi con… Con nầy ngu, tao cứu cho mà không chịu leo lên… Ừ, vậy phải được hông… Đeo cho chắc nghen con…
Đứa nào đứa nấy đều hồi hộp theo từng câu nói của thằng Sơn Đen và cùng hồi hộp hơn nữa khi thằng nầy từ từ kéo sợi dây lên…
Giọng thằng Sơn Đen trở thành một ông tướng soái trên chiến trường:
– Tụi bây chuẩn bị cho kỹ nghen, hễ tao kéo lên tới thì phải chụp liền, đừng để nó sẩy.
Tất cả đều bu quanh miệng giếng trở lại. Thằng nào hai mắt cũng lom lom, đưa tay ra thủ sẵn.
Cái gàu lên lần, lên lần, gần sát miệng giếng. Lanh như chớp, thằng Nhựt phóng tay ra. Miệng nó la i ới:
– Được rồi, được rồi!
Nó lùi lại phía sau, cách xa miệng giếng. Thằng Sơn Đen quăng vội cái gàu, chạy theo thằng Nhựt. Cả Thanh, lẫn thằng Thi, thằng Trước, thằng Sau đều bu lại.
Bỗng thằng Nhựt la oái lên một tiếng, tung con chuột ra. Nó vừa bị con vật cắn một phát vô cườm tay. Con chuột rớt xuống đất nhẹ nhàng, vụt phóng chạy, không kịp giũ lông cho ráo nước. Cả bọn vừa hò vừa hét. Mạnh đứa nào đứa nấy đều cố làm cái gì có thể làm được để bắt lại con chuột. Thằng thì chụp cục đất chọi theo. Thằng thì vớ cái cuốc mà rượt. Thằng thì lo chạy chận đầu. Lãnh nguyên một cục đất của thằng Sơn Đen, con chuột lộn nhào, nhưng bò dậy chạy tiếp. Thêm một cục đất nữa của thằng Thi xáng vô lưng. Nhưng rồi, con vật khốn khổ cố gượng, cóm ra, cóm róm rúc vô trảng tranh ngút ngàn, đem theo nào là món xào lăn bỏ bột cà-ri, nào món xào sả ớt có rắc đậu phọng rang đâm nhỏ, nào là món kho mắm ruốc bỏ ớt thiệt nhiều, luôn cả món nướng ăn liền tại chỗ.
Thanh lẩm bẩm:
– Con chuột nhỏ xíu, chưa bằng cườm tay, chớ bự tổ nái bằng cái bắp chuối hồi nào đâu…
o O o
Mười lăm năm sau…
Mới sáng sớm, vừa pha xong ly cà phê, chưa kịp nhâm nhi, Thanh đã nghe tiếng vợ chồng ông David la hét om sòm như dậy giặc. Xen lẫn với những tiếng la, còn có âm thanh của những đồ vật bị đổ vỡ, ngã nhào. Giọng của bà Joane chát chúa. Giọng của ông David ồm ồm. Không khéo mà cặp vợ chồng nầy sắp giết nhau tới nơi.
Suốt hơn ba năm ở sát bên nhau, đây là lần đầu tiên Thanh mới nghe có sự ồn ào trong nhà ông David như vậy.
Ông David mà Thanh thường gọi thân mật là Dave, đã trên bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng, dáng cao ráo khoẻ mạnh, đi đứng vẫn còn thẳng thớm, chỉ hơi kém vẻ nhanh nhẹ. Bà Joane cao không kém gì chồng, tóc xám, hơi nới về bề ngang. Bà không mập, chẳng qua thân hình bà thuộc loại dình dàng phốp pháp như đờn ông lớn con. Nói theo kiểu Việt Nam, bà Joane thuộc loại to xương…
Thanh tới sát bên cửa sổ, núp sau tấm màn cửa, len lén nhìn sang nhà ông David. Cửa cái nhà ông vẫn còn khóa kín, ba cái cửa sổ vẫn còn kéo màn kín mít.
Tiếng la hét lại tiếp tục nổi lên. Lần nầy, chỉ có giọng của bà Joane. Nghe cho kỹ, không phải họ gây lộn với nhau mà in tuồng như cả hai vợ chồng đang phải đối phó với một con vật nào đó.
Giọng bà Joane chói lói:
– David! David! Nó đây rồi!… Đó, đó… Nó chạy vô gầm giường… Coi chừng… Nó chạy ra rồi… Đó… đó… David đóng cửa phòng lại… Đừng cho nó chạy ra ngoài…
Nghe bà Joane hét từng chập, Thanh hình dung được ngay cảnh tượng đang diễn ra trong nhà bà. Chắc chắn là bà đang đứng ở một chỗ nào đó, cách sàn nhà, có thể là trên giường hoặc trên ghế, hả họng ra mà la, không phụ giúp gì cho chồng hết và ông David đang luống cuống quay tới quay lui theo tiếng la hét của vợ.
Rõ ràng là đang có một con thú lọt vào nhà ông David, khiến cho bà vợ sợ hãi và làm cho ông chồng phải lo đối phó.
Bà Joane vẫn thường nói về cái tánh thương yêu thú vật của bà, mặc dù bà không có nuôi một con vật nào hết. Bà nói bà bị bịnh suyễn kinh niên, kỵ lông chó, lông mèo, lông chim… Bà còn nói thêm, bà già rồi, lo lắng cho ông David không thôi cũng đủ mệt rồi, lại thêm lo chăm sóc nhà cửa nữa, không còn hơi sức đâu mà nuôi chó, nuôi mèo. Vả chăng, bà có thể vui với những con thú của hàng xóm mà không phải mất thời giờ săn sóc.
Bà Joane không nói láo. Mỗi lần cô Vicky ở nhà đối diện đem con chim anh vũ ra hàng ba cho nó phơi nắng, là mỗi lần bà Joane chạy qua, chìa mặt sát vô lồng, liến thoắng với nó cả mười lăm phút. Mỗi lần con chó Lucky của ông Citron ở sau nhà sổng cửa, chạy ra đường, bà đều kêu nó lại, đút vô miệng nó một miếng gì đó, rồi vuốt ve nựng nịu nó một hồi. Mỗi lần con mèo Kitty của bà Emma, ở xéo xéo nhà, lang thang qua trước cửa nhà bà, bà đều kêu lại, gãi tai, cào lông nó…
Thanh còn đang do dự, chẳng biết có nên chạy qua phụ với ông David để đối phó với con vật nào đó không, thì cửa nhà ông vụt mở.
Bà Joane chạy ra trước. Dáng điệu của bà khác hẳn ngày thường và trông rất ngộ nghĩnh. Đầu bà được trùm kỹ bằng một cái khăn màu đỏ điểm bông trắng. Hai chưn bà mang một đôi giày bằng cao su màu vàng, cao tới tận đầu gối, đôi giày mà ông David thường mang để lội nước trong những buổi đi câu và hai tay bà mang một đôi bao tay bằng da của ông David thường dùng khi sửa điện.
Bà Joane phát ngôn liên tu bất tận:
– Coi chừng, David. Cẩn thận, David. Đừng làm nó sợ. Đừng làm nó đau.
Vừa nói, bà vừa vói tay giữ tấm cửa lưới để chồng bà lách ra. Hai tay ông bưng một cái thùng giấy, bằng tất cả sự nhẹ nhàng, cẩn thận, làm như ông đang nưng niu một món đồ vật dễ bể.
Không dừng được sự tò mò, Thanh co giò phóng thẳng qua nhà ông David.
Vừa thấy Thanh, bà Joane đã vội giải thích liền:
– Con chuột, to lắm. Không biết tại sao nó lọt được vô nhà tôi. David thấy nó ở trong phòng tắm. Phải lừa một hồi lâu mới cho được nó vô thùng.
Ông David chìa cái thùng tới trước mặt Thanh. Hắn ghé sát mắt vào trong khe hở trên nắp thùng để coi con chuột lớn tới cỡ nào. Nhưng, trong thùng tối om hắn chỉ lờ mờ thấy con chuột động đậy mà không ước lượng được độ lớn của con vật.
Thanh hỏi:
– Bà muốn tôi giết nó giùm bà không?
Hắn làm một cử chỉ nghịch ngợm: Đưa một bàn tay lên khỏi đầu, quay tròn, làm như hắn đang nắm đuôi con chuột mà quay, rồi hắn làm cử chỉ đập mạnh xuống đất.
Thanh không ngờ là hắn vừa gây ra một hậu quả tai hại. Bà Joane lui về phía sau một bước, nhìn hắn bằng đôi mắt vừa ngạc nhiên tới tột độ, vừa kinh hãi tới tận cùng. Bà làm như trước mặt bà là một thằng người dã man, tàn ác đâu từ thời tiền sử còn sống sót tới ngày giờ nầy.
Thanh cảm thấy chới với, như bị lỡ bộ, hụt cẳng. Hắn khỏa lấp bằng cách lại chìa sát mặt vô cái thùng. Nhưng, hắn lỡ bộ thêm một lần nữa, vì ông David đã xoay mình qua một bên, đưa cái thùng qua hướng khác.
Thanh gượng gạo hỏi:
– Ông bà tính giải quyết con chuột nầy ra sao?
Ông David ngần ngừ, như thể là ông không tin vào ý kiến của chính ông:
– Chắc là phải gọi cho Cơ Quan Kiểm Tra Thú Vật?
Bà Joane la lên:
– Không được. Họ tính tiền mắc lắm.
Bà hạ giọng nói thêm:
– Điều chắc chắn là họ sẽ mang nó đi. Nhưng, chẳng có cái gì bảo đảm là sau đó họ sẽ không giết chết nó.
Ông David nhẹ nhàng để cái thùng xuống đất, ông vội vàng:
– Phải dán cái nắp thùng nầy lại cái đã.
Bà Joane đi lẹ vô nhà. Chỉ ít phút sau, bà mang ra nào băng keo, nào dao, nào kéo. Bà cẩn thận giữ nắp thùng để ông David dán kín lại. Ông David còn lấy mũi dao đục những lỗ thủng nhỏ ở hai bên thành thùng. Ông nói làm như vậy để cho con chuột có đủ không khí để thở và có ánh sáng để nó đừng sợ hãi.
Thanh quỳ xuống, mọp sát người, nhìn qua mấy cái lỗ. Con chuột thiệt là lớn, gần bằng con mèo trộng trộng, chớ không nhỏ nhít gì.
Tới lúc đó, bà Joane mới lột cái khăn trùm đầu xuống, mới tháo bao tay, cởi đôi giày ống. Bà sốt sắng, làm như vừa chợt tìm ra một giải pháp:
– Hãy gọi cho Ricky. Nhờ nó mang con chuột nầy thả vào núi.
Bà giải thích liền cho Thanh:
– Anh nhớ không? Ricky là con rể của vợ chồng tôi. Nhà nó ở gần chưn núi. Nó có thể mang con chuột nầy thả vào núi.
Ông David nói thêm:
– Nó có nông trại ở San Bernadino.
Bà Joane vào nhà, điện thoại cho người con rể. Bà vui vẻ lúc trở ra:
– Ricky nói nó sẽ đến liền.
Thanh ước lượng quãng đường từ chỗ ở của anh Ricky xuống tới nhà ông David cũng phải hơn một trăm năm chục dặm, mất hơn hai tiếng đồng hồ lái xe.
Suốt thời gian chờ đợi hơn hai tiếng đồng hồ đó, vợ chồng ông David thay phiên nhau ngồi bên cái thùng, canh chừng con chuột.
Khi anh Ricky tới, bà Joane căn dặn đủ điều, như đã nhắc chừng ông David:
– Coi chừng, Ricky. Cẩn thận, Ricky. Đừng làm cho nó sợ hãi. Đừng làm cho nó đau.
Làm như không mấy tin tưởng ở người con rể, chính tay ông David bưng cái thùng đặt vào nệm xe. Và hai vợ chồng đứng nhìn theo mãi cho tới khi chiếc xe quẹo khuất nơi ngã ba.
o O o
Đêm hôm đó, trong giấc ngủ chập chờn, Thanh thấy con chuột được anh Ricky mang lên tận lưng chừng núi, mở nắp thùng cho nó được tự do phóng chạy giữa đất trời cao rộng. Nó không mang theo một cái gì hết ngoài sự mãn nguyện của ông bà David. Cũng chập chờn, Thanh thấy con chuột khốn khổ năm nào, bị chọi hai cục đất, cóm ra cóm róm lủi vào cánh đồng tranh, đem theo nào là món xào lăn bỏ bột cà-ri, nào món xào sả ớt có rắc đậu phọng rang đâm nhỏ, nào là món kho mắm ruốc bỏ ớt thiệt nhiều, luôn cả món nướng ăn liền tại chỗ….
NDL