Hà Nội ngăn chặn biểu tình ủng hộ phán quyết Biển Đông
Tuy nhiên cuộc biểu tình ở thủ đô bị nhà cầm quyền Hà Nội ngăn chặn.
Thực tế ra sao và nhận định của người trong cuộc thế nào?
Chặn biểu tình
Anh Lê Dũng, một nhà hoạt động tại Hà Nội, cho biết từ sáng sớm đã có mặt tại trung tâm Hà Nội nơi dự định diễn ra cuộc biểu tình, tuần hành theo lời kêu gọi mà No-U FC đưa ra hồi trong tuần.
Chính quyền huy động lực lượng rất đông. Tại số 1 Ngô Thì Nhậm gần 100 lực lượng đeo băng đỏ. Các nhà trọ quanh đó bị phong tỏa.
– Anh Trịnh Bá Phương
Anh tường thuật lại tình hình tại đó như sau:
“Tôi ra từ 6 giờ sáng chỗ Tượng Đài để quan sát, đến lúc 8 giờ kém 10 họ mang quân đến rất đông: các loại lực lượng, đeo băng đỏ, xe phá sóng. Các ngã đường vào đều bị chặn. Loa từ các xe kêu gọi du khách ở Khu Bờ Hồ giải tán.
Một số anh em mặc áo No-U và một số anh em khác ra đó thì bị bắt giữ đưa lên xe. Có xe bảy chỗ, có xe buýt bắt người đưa đi.
Lực lượng công an đông lắm.”
Thanh niên Trịnh Bá Phương, người hưởng ứng kêu gọi của No-U FC, hôm nay cũng muốn tham gia cuộc biểu tình thế nhưng bị chặn trước khi đến được khu vực dự kiến. Anh cho biết:
“Nhiều chốt được lập ra chặn tất cả các lối vào Bờ Hồ rồi. Một số người như Trịnh Bá Tư em trai của tôi, cô Đặng Bích Phượng, chú Trương Văn Dũng, cô Nguyễn Thúy Hạnh, chú Huỳnh Ngọc Chênh… bị bắt rồi.”
Nhà hoạt động nữ Đặng Bích Phượng bị khi có mặt cùng một số người khác tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Bà bị đưa về công an phường Cửa Nam. Vào lúc 8:55 phút sáng khi đang bị giữ tại công an Cửa Nam cho biết:
“Sáng nay tôi dắt xe đạp điện ra khỏi nhà thì các chú công an đi theo tôi; tôi dắt xe vào để đi xe buýt, họ cũng theo tôi. Khi ra đến Vườn hoa Lý Thái Tổ tôi đang đứng với một số người thì họ bắt đưa tôi lên xe về đồn công an Cửa Nam. Tôi hỏi thì họ nói đang có công an phường tôi cư trú đến đưa về!”
Nhận định
Sau khi Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở La Haye công bố phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, nhằm tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông, phát ngôn nhân Lê Hải Bình của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng hoan nghênh phán quyết đó.
Nhiều người Việt Nam cho rằng việc hoan nghênh như thế là đúng đắn và họ cũng muốn được bày tỏ chính kiến như thế. Tuy nhiên biện pháp chính quyền ngăn chặn đối với hoạt động biểu tình, tuần hành ủng hộ phán quyết của PCA về đường lưỡi bò khiến họ đi đến một số nhận định như của bà Đặng Bích Phượng sau đây:
“Với những động thái như thế này thì tôi thấy được lý do tại sao họ không kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Có rất nhiều biểu hiện để chứng minh cho việc họ bảo vệ ý kiến của họ.
Họ nói Việt Nam hoan nghênh phán quyết đó, nhưng họ ‘độc quyền’, chỉ có họ được hoan nghênh thôi chứ không cho người dân hoan nghênh.
Trong thâm tâm họ rất hiểu họ có những khuất tất nên rất sợ người dân lên tiếng.”
Và nhận định của anh Lê Dũng:
“Ai ở Việt Nam đều biết họ có những phát ngôn bên ngoài, nhưng những việc làm bên trong của họ chẳng giống ai cả. Họ làm những việc vi phạm quyền của người dân. Gì với quốc tế họ cũng cam kết hết, họ vào nhân quyền quốc tế nhưng họ bắt bất cứ ai ở Bờ Hồ, không cần lý do, không cần lệnh của tòa án.
Trên truyền thông loan Bộ Ngoại giao ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài, nhưng người dân muốn có hành vi ủng hộ tuyên bố đó bằng việc in khẩu hiệu, mặc áo No-U… thì nhà nước không cho làm.
Đây là điều đặc biệt, nhà nước VN khác với những quốc gia khác. Họ không muốn người ta làm những điều mà họ không muốn. Họ không đứng trên khuôn khổ luật pháp hay quyền con người gì hết!”
Anh Trịnh Bá Phương cũng nhắc lại:
“Trước phán quyết của Tòa án Quốc tế bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc thì hôm nay người dân muốn hoan nghênh phán quyết đó. Và mang một số biểu ngữ để chúc mừng người dân Philippines.
Gì với quốc tế họ cũng cam kết hết, họ vào nhân quyền quốc tế nhưng họ bắt bất cứ ai ở Bờ Hồ, không cần lý do, không cần lệnh của tòa án.
– Anh Lê Dũng
Nội dung chính là mong muốn chính quyền Việt Nam ra tòa án quốc tế vì cả biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ, cướp đoạt của Việt Nam, trong khi chính phủ Việt Nam chỉ có những phản ứng mang tính chất hời hợt: đưa lên phản đối mà không có hành động gì. Trong khi đó việc chiếm đóng biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc thực hiện ngày càng gia tăng, rồi tấn công ngư dân Việt Nam.
Ngày hôm nay người dân muốn được bày tỏ chính kiến của mình; thế nhưng chính quyền huy động lực lượng rất đông. Tại số 1 Ngô Thì Nhậm gần 100 lực lượng đeo băng đỏ. Các nhà trọ quanh đó bị phong tỏa.
Còn tại Dương Nội, ông chủ tịch Lã Quang Thức và các ban ngành đến nhà người dân để chặn.”
Theo những người quan tâm đến tình hình đất nước như anh Lê Dũng, bà Đặng Bích Phượng thì hành xử của nhà cầm quyền trong việc ngăn chặn, thậm chí bắt bớ, những người dân lên tiếng bày tỏ chính kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền biển đảo, thảm họa môi trường do Formosa gây nên… sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Hệ lụy đầu tiên theo những người này là dân chúng mất niềm tin vào chính phủ. Một bộ phận người dân sẽ trở nên thờ ơ trước những vấn đề lớn của đất nước.
Họ cũng cho rằng hành xử bất nhất của nhà cầm quyền cũng làm mất uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.