Gs Thayer: Tại Hà Nội, Obama gởi tín hiệu cứng rắn / Gỡ bỏ cấm vận vũ khí ‘nâng tầm’ Hoa Kỳ / Hoa Kỳ-Việt Nam cùng bắt tay

Cac Bai Khac

No sub-categories

Gs Thayer: Tại Hà Nội, Obama gởi tín hiệu cứng rắn / Gỡ bỏ cấm vận vũ khí ‘nâng tầm’ Hoa Kỳ / Hoa Kỳ-Việt Nam cùng bắt tay

24.5.2016 – Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) bắt tay thứ trưởng bộ Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh, trong lễ đón tiếp tại Phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/05/2016. REUTERS/Kham

Ngay tại Hà Nội, nhân ngày công du đầu tiên, tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm nay 23/05/2016 đã công khai loan báo quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, Học Viện Quốc Phòng Úc, ông Obama như vậy đã gởi đi một thông điệp cứng rắn hướng về cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer trước hết nêu bật ý nghĩa của quyết định vừa được tổng thống Mỹ và chủ tịch Việt Nam loan báo trong cuộc họp báo tại Hà Nội :
Thayer : Quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một trong những hòn đá tảng của chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ qua châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Việt Nam là một trong những ví dụ thành công của Obama. Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã tham gia đàm phán hiệp định TPP. Cả tổng thống Mỹ lẫn chủ tịch Việt Nam đã ký kết Thỏa Thuận Đối Tác Toàn Diện vào năm 2013.
Quan hệ quốc phòng đã được nâng lên một cấp độ mới vào giữa năm 2015, khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh ra Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung về quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ. Một đoạn trong văn kiện này dự trù các khả năng mua bán thiết bị quốc phòng trong tương lai và hợp tác trong công nghệ quốc phòng.
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí không có nghĩa là sẽ không có hạn chế trong tương lai. Việt Nam phải tuân thủ luật lệ Mỹ như đã nêu lên trong bản Tuyên Bố Tầm Nhìn Chung. Hoa Kỳ cũng có thể từ chối các yêu cầu đối với hệ thống và phương tiện vũ khí quá nhạy cảm hoặc có khả năng gây mất ổn định trong khu vực. Việt Nam có lẽ không có khả năng để mua các mặt hàng quốc phòng như vậy.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí. Chủ đích của Việt Nam là muốn chấm dứt điều mà Việt Nam coi là một hành động phân biệt đối xử về mặt chính trị. Đây là một đòi hỏi mà phe bảo thủ tại Việt Nam luôn đẩy mạnh. Bây giờ họ đã được xoa dịu.
Việt Nam có rất nhiều khả năng là sẽ tiến hành (việc mua vũ khí Mỹ) một cách từ từ và thận trọng. Việt Nam sẽ tập trung vào các hệ thống kỹ thuật liên quan đến thông tin và tình báo, giám sát và trinh sát trong lĩnh vực hàng hải. Hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng kể từ nay có thể được tiến hành với việc phát triển các công nghệ mới và hợp tác sản xuất.
Tổng thống Obama đã thông báo quyết định của mình trong một cuộc họp báo. Cần phải chờ đợi bản thông cáo chung để xem chi tiết.
RFI : Phải chăng ông Obama đã tung ra một tín hiệu rất mạnh nhắm vào Trung Quốc ?
Thayer : Quyết định của tổng thống Obama bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một tín hiệu mạnh mẽ cho cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Nhưng việc Việt Nam mua vũ khí của Mỹ sẽ không tác động gì đến tương quan lực lượng hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai gần.
Trung Quốc sẽ phải lưu ý đến yếu tố trong chính sách của họ là Việt Nam và Hoa Kỳ đang trên con đường xích lại gần nhau do quyền lợi trùng hợp ở Biển Đông. Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng tự vệ và qua đó có tác dụng răn đe đối với Trung Quốc.
RFI : Theo giáo sư, Trung Quốc có thể phản ứng ra sao ?
Thayer : Truyền thông Trung Quốc có lẽ sẽ chỉ trích quyết định này và trách cứ ông Obama. Họ sẽ cho rằng Hoa Kỳ không thể mua Việt Nam. Tôi nghĩ là các quan chức Trung Quốc sẽ thận trọng hơn. Dù sao thì Việt Nam cũng đã mua vũ khí sát thương từ Nga mà không gây phản ứng chính thức nào từ phía Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
(RFI)
———————

Gỡ bỏ cấm vận vũ khí ‘nâng tầm’ Hoa Kỳ

BBC – 23-5-2016

Cuộc gặp mặt ngày 23/5 của Tổng thống Obama với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: AFP

Cuộc gặp mặt ngày 23/5 của Tổng thống Obama với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: AFP

Tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam là “tin vui” cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam nói.

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, tiến sỹ Trục nhận định: “Đây là một dấu ấn thắng lợi to lớn của ông chủ chính sách tái cân bằng châu Á, là ông Obama. Trong chuyến đi này ông đã thể hiện hoàn toàn ý tưởng và nguyện vọng đó.”

“Tôi cho rằng rào cản cuối cùng cản trở mối quan hệ của hai nước đã được gỡ bỏ. Có thể nói lệnh gỡ bỏ chấm dứt tình trạng hai nước nghi kị lẫn nhau, bây giờ là mối quan hệ toàn diện như ý nguyện giữa hai bên.”

Trưa ngày 23/5, trong cuộc họp báo chung có sự tham gia của Tổng thống Obama và Chủ tịch Trần Đại Quang, Hoa Kỳ tuyên bố “dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam”.

Ông Quang đọc thông cáo nói hai bên “nhất trí ưu tiên cao hơn việc giải quyết hậu quả chiến tranh, và cam kết tiếp tục hợp tác tích cực về vấn đề này”.

Ông Obama nói việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí chứng tỏ quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hoàn toàn bình thường.

Tiến sĩ Trần Công Trục bình luận việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí “có ý nghĩa rất lớn trong tình hình phức tạp hiện nay trên Biển Đông”.

H1

Tiến sỹ Trần Công Trục nói đây là tin vui cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: ???

Ông nói: “Việc Việt Nam được sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nhằm nâng cao khả năng tư vệ, chắc chắn sẽ là một tiếng nói, là sức mạnh rất lớn ngăn cản những hoạt động phi pháp đang diễn ra trên Biển Đông.”

“Tôi nghĩ rằng việc tìm mọi cách nâng cao hơn năng lực chiến đấu, sức mạnh quân sự là nhu cầu tất yếu của bất kỳ quốc gia nào.”

“Năng lực đó góp phần bảo vệ hòa bình an ninh khu vực và quốc tế. Điều đó không xâm hại đến lợi ích quốc gia của nước nào cả.” – Ông Trục nói.

Về phía Hoa Kỳ, ông Trục cho rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm vận “nâng tầm sự quan tâm của Hoa Kỳ với khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà trước đây có phần bị cho rằng Hoa Kỳ không quan tâm.”

Bình luận về lợi ích Hoa Kỳ có được, ông Trục cho biết: “”Quốc gia có nền quốc phòng sản xuất rất nhiều vũ khí như Mỹ thì sẽ có điều kiện để có thể tiếp thị với thị trường có thể tiêu thụ các sản phẩm vũ khí của mình.”

____

BBC

Ý nghĩa của việc bỏ cấm vận vũ khí

23-5-2016

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn

Gửi cho BBCVietnamese.com

Tổng thống Obama vừa tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có điều kiện đối với Việt Nam.

Nhiều người Việt Nam phản ứng vui mừng. Nhưng theo tôi, sự việc chỉ thay đổi về cách nói, cách diễn đạt, mà thực chất vẫn không đổi: Mỹ chỉ bán vũ khí cho Việt Nam nếu Việt Nam tỏ thiện chí tôn trọng nhân quyền.

Chuyến thăm viếng của Obama thể hiện nhiều điều miễn cưỡng.

Obama tới Hà Nội lúc “phố đã lên đèn”. Tiếp đón ông nổi bật là cô gái áo vàng với bó hoa trao tặng. Theo tập quán Tây phương, hình thức, màu sắc bó hoa thể hiện phần nào tâm trạng của chủ nhà. Tấm hình không chụp rõ, chỉ thấy thiên hạ phê bình bó hoa lá nhiều hơn bông.

Nhưng vấn đề là không ai đến thăm nhà bạn ban đêm, lúc mọi người sắp ngủ.

Obama ghé thăm Việt Nam một công hai chuyện, mà chuyện chính là tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật. Việt Nam không phải là cái đích.

Cách Việt Nam tiếp đón vì vậy cũng “đúng tầm”. Bó hoa lá nhiều hơn bông đã nói lên nhiều thứ. Nghi lễ vắn tắt, không tương xứng với quan hệ hai bên Việt-Mỹ có quyền lợi kinh tế và tầm nhìn chiến lược tương đồng.

Hình chụp trước phủ chủ tịch, một Obama tươi cười bên cạnh Trần Đại Quang ảm đạm, cũng nói lên nhiều điều.

Dầu vậy, nghi lễ đôi khi là chuyện rất phụ, so với những gì sẽ được hai bên sẽ ký kết.

Nhưng mọi mặt Việt Nam đều ở “thế kém”, cần Mỹ hơn Mỹ cần Việt Nam.

Về kinh tế, Việt Nam đang mong tài phiệt Mỹ đầu tư. Nhưng trở ngại là vấn đề “pháp lý”.

Trở ngại chính

H1

Tổng thống Obama được tiếp đón ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Reuters.

Tư bản Mỹ đầu tư vào Việt Nam vẫn khiêm nhường, so với Đài Loan, Singapore, Nam Hàn, Trung Quốc… Bởi vì tài phiệt Mỹ có lối làm ăn minh bạch, trọng luật… không quen lối làm ăn chụp giựt, hối lộ, đi đêm… ở Việt Nam (như các tài phiệt gốc Hoa).

Về quốc phòng, lộ liễu hơn cả, Việt Nam cần mua vũ khí tối tân của Mỹ để bổ sung cho hệ thống phòng thủ biển của mình.

Từ khi hai bên thiết lập bang giao, 21 năm, lòng dân Việt Nam đã thay đổi lớn lao. Khuynh hướng thân Mỹ (và bài Hoa) lên cao trong dân chúng. Tình bạn của nhân dân hai bên chắc chắn đã thắt chặt và bền vững.

Trở ngại duy nhất để hai bên Việt-Mỹ tiến tới hợp tác “đồng minh” vẫn là chế độ chính trị.

Cho dầu Mỹ đã tỏ thái độ “nhìn nhận và tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam” nhưng chính điều này đã ngăn cản tầm nhìn về tương lai của hai bên.

Việt Nam không phải là “vua dầu hỏa” Ả Rập, hay làm chủ những hải lộ cực kỳ quan trọng Malacca hay Suez… để treo giá làm cao.

Mỹ có thế “chống” Trung Quốc với những đồng minh truyền thống của họ. Điều Mỹ mong muốn là Việt Nam không đứng về Trung Quốc để chống lại Mỹ. Việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương (có điều kiện) cho phép Mỹ gạt bỏ lo ngại này.

Việt Nam cũng có thể dùng vũ khí của Mỹ, bằng phương cách của mình, để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông.

Điều chắc chắn là Mỹ sẽ thắng và Việt Nam sẽ thua.

Nếu lường được hệ quả (của việc thua trận), lãnh đạo Việt Nam cần phải biết mình phải làm gì bây giờ.

Bài phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả, nhà nghiên cứu sống tại Pháp.

————————–

Hoa Kỳ-Việt Nam cùng bắt tay chống Trung Quốc

24.5.2016

media
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo tại phủ Chủ tịch, ngày 23/05/2016. REUTERS/Carlos Barria
Chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 23-25/05/2016 được hai nhật báo Pháp Le Figaro và La Croix đề cập trong số ra ngày 23/05 với cùng một nhận định :« Hoa Kỳ-Việt Nam, bắt tay nhau chống Trung Quốc ».
Cả hai nhật báo Pháp đều nhấn mạnh rằng chuyến công du đầu tiên của ông Obama tại Việt Nam đánh dấu mong muốn xích lại gần nhau giữa Hoa Kỳ với cựu thù Việt Nam tại vùng Biển Đông nơi Bắc Kinh không ngừng tăng cường ảnh hưởng. La Croix và Le Figaro cùng điểm lại những chuyến công du trước đây của cựu tổng thống Bill Clinton, người đã mở đầu cho thời kỳ bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù, tiếp theo là tổng thống George W. Bush.
Theo La Croix, chưa bao giờ Trung Quốc lại đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ gần nhau hơn như bây giờ. Còn Le Figaro thì nhận định, tổng thống Obama có ba ngày để vận động cho chiến dịch tái cân bằng tại châu Á của Washington.
Trước những hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông, Nhà Trắng đã liên tục đưa ra những cử chỉ thân hữu với chế độ cộng sản, được đánh giá là nước đi đầu để đối phó với Trung Quốc. Trong chuyến công du lần này, ngoài tinh thần tăng cường mối quan hệ thương mại và chiến lược với Hà Nội, tổng thống Obama còn quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, bất chấp các chỉ trích từ phía các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền.
Nhận định về mối quan hệ giữa hai cựu thù, nhật báo La Croix trích phát biểu của giáo sư Jonathan London, chuyên gia về Việt Nam tại đại học Hồng Kông, khẳng định : « Cả hai Nhà nước đã trở thành những đối tác cần thiết của nhau ». Còn Le Figaro trích phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc : « Quá trình hòa giải ngày có nhiều tiến triển. Chúng tôi nhìn nhận Hoa Kỳ như một yếu tố tích cực mà chúng tôi có chung lợi ích, đặc biệt là để chống lại Trung Quốc ».
Trong chuyến công du của tổng thống Mỹ, hàng loạt hợp đồng thương mại cũng được ký kết, như hợp đồng mua máy bay Boeing của hãng hàng không Vietjet.
Về lĩnh vực quân sự, cả La Croix và Le Figaro có chung quan điểm rằng Hà Nội đang muốn đa dạng hóa các đồng minh của mình để tránh bị phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Theo Le Figaro, từ tuần trước, rất nhiều tập đoàn quốc phòng Hoa Kỳ đã đến Hà Nội, như Lockheed Martin, để đàm phán các hợp đồng với Việt Nam. Trên bàn đàm phán là các hợp đồng về việc bán máy bay trinh sát P3-Orion mà Hà Nội muốn trang bị để theo dõi tầu ngầm của Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông.
Ngoài các tập đoàn Mỹ, nhiều nhà sản xuất vũ khí châu Âu cũng nỗ lực hiện diện tại Việt Nam. Hà Nội đang nghiên cứu một số khả năng mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp hay Griffin của Thụy Điển.
Giải thích về khuynh hướng ngả sang Mỹ để đối phó với những hành vi bồi đắp và quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc, ông Nguyễn Ngọc Trương, chủ tịch Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế, nhận định với Le Figaro : « Trong nội bộ (đảng Cộng sản Việt Nam) đã có nhiều cuộc tranh luận căng thẳng. Chúng tôi phải tìm ra một điểm cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington. Để thúc đẩy trọng lược chiến lược của mình, chúng tôi phải có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ ».
Sự thay đổi quan điểm cũng được ghi nhận trong giới lãnh đạo Việt Nam, thông qua nhận định của ông Murray Hiebert, thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies), được nhật báo công giáo La Croix trích dẫn : « Dĩ nhiên giới tinh hoa Việt Nam vẫn nghi ngờ Hoa Kỳ, nhưng quyết tâm bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm thay đổi thật sự quan điểm của họ và đẩy họ xích lại gần Hoa Kỳ ngày càng nhanh hơn ».
Ngư dân Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc
Vẫn liên quan đến Việt Nam, Le Figaro đề cập đến chủ đề ngư dân Việt Nam liên tục bị tầu của Trung Quốc tấn công ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Mở đầu bài phóng sự « Ngư dân Việt Nam dưới sức ép của Trung Quốc », đặc phái viên của Le Figaro thuật lại sự kiện tối ngày 03/05 khi một tầu thép không rõ nguồn gốc do trời tối đen tấn công một chiếc tầu cá của Việt Nam đang chờ những chiếc thuyền thúng nhỏ đánh bắt trở về. Thuyền trưởng Phạm Phú Thanh và hai người trên tầu chỉ còn biết nhảy xuống nước để tránh chiếc tầu thép mở hết tốc lực đâm thẳng vào con tầu của ông. Chỉ trong vòng vài phút, con tầu chìm nghỉm và tầu thép tấn công biến mất trong màn đêm giữa đại dương.
Ba mươi tư ngư dân được lực lượng tuần duyên Việt Nam cứu vớt vào sáng hôm sau. Với những ngư dân này, vụ tấn công chắc chắn là do tầu của Trung Quốc. Vì, theo chủ tịch Ủy ban Nhân dân quần đảo Hoàng Sa, « hàng tháng vẫn xảy ra nhiều cuộc tấn công như vậy. Tôi chắc chắn đó không phải là do ngư dân. Họ có vũ khí trên tầu. Hơn nữa, ngư dân không bao giờ bỏ rơi người gặp nguy ở ngoài khơi ».
Theo phóng viên của Le Figaro, vụ tấn công đêm ngày 03/05 khiến người ta nhớ lại một vụ tấn công bí ẩn khác cũng vào tháng Năm, năm 2014 nhưng ngay giữa ban ngày. Con tầu bằng gỗ dài 19,5 mét của ông Trần Văn Lợi, bỗng nhiên bị một quái vật thép dài gấp đôi tông trực diện và sau đó chìm nghỉm, theo như đoạn video mà các ngư dân kịp ghi lại.
Lực lượng tuần duyên Việt Nam chuẩn bị đối phó với hành động gây hấn ngoài khơi của Trung Quốc, đồng thời nhận thấy rằng lực lượng của nước láng giềng ngày càng hùng hậu và hiếu chiến. Đại tá Trần Văn Dũng phát biểu với phóng viên của Le Figaro : « Họ tăng cường hoạt động đánh bắt và tuần duyên. Hàng ngày, chúng tôi đều gặp ngư dân Trung Quốc, đôi khi là những nhóm từ 15 đến 20 tầu cá. Chúng tôi dùng loa phóng thanh yêu cầu họ ra khỏi vùng biển, nhưng họ quay lại ngay khi chúng tôi trở về căn cứ ».
Tờ báo kết luận, từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh thực hiện chính sách “việc đã rồi” để mở rộng lãnh hải. Theo một bản báo cáo của Lầu Năm Góc, chỉ trong vòng hai năm, Trung Quốc đã chiếm được khoảng 1.300 ha ngoài quần đảo Trường Sa, nhờ các hoạt động bồi đắp đảo tại khu vực này. Đại tá Trần Văn Dũng kết luận : « Trung Quốc có tham vọng xâm chiếm biển. Việt Nam thật sự mệt mỏi làm bạn với một đất nước như vậy ».
Thu Hằng (RFI)