Giới trẻ Miến Điện

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giới trẻ Miến Điện

Từ xưa tới nay, trong tất cả các phong trào biểu tình trên thế giới đều có sự tham gia hưởng ứng của giới trẻ. Họ là những người trên dưới 20 tuổi đầy nhiệt huyết và thường luôn đứng ở hàng đầu trong các cuộc xuống đường tranh đấu cho một lý tưởng nào đó. Sống trong thời đại kỹ thuật như hiện nay, vai trò của họ càng ngày càng trở nên quan trọng hơn và là thành phần nòng cốt không thể thiếu, vì họ có khả năng thích ứng và biết sử dụng rất nhanh những kỹ thuật mới: theo dõi và cập nhật tin tức trên mạng xã hội, kết nối liên lạc qua các ứng dụng – là những công cụ cần thiết cho việc tổ chức trong các phong trào biểu tình của thời đại mới.

image.png

Dấu hiệu phản kháng trong một đám tang của người biểu tình – nguồn AP 

Khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra trên khắp nước Miến Ðiện để phản đối cuộc đảo chánh của quân đội vào đầu tháng Hai vừa qua, em Sithu Shein, 17 tuổi, đã lao lên tuyến đầu trong các cuộc xuống đường. Nam sinh trung học này trước đây mỗi khi rảnh rỗi thì dành thì giờ để chơi videogames, nhưng thời gian vừa qua em đã quy tụ được bạn bè và hàng xóm cũng như kêu gọi những công nhân làm việc tại một xưởng may gần đó cùng em tham gia vào các cuộc biểu tình mà em gọi là cuộc đấu tranh cho dân chủ.

Hai tuần trước, lực lượng an ninh Miến đã nổ súng bắn vào đám đông biểu tình ngay trong khu xóm nơi Sithu Shein ở tại Yangon, thành phố lớn nhất của Miến Ðiện, và em bị ngã gục. Một viên đạn xuyên qua lồng ngực, một viên khác phá vỡ phần hông của em. Sithu Shein qua đời mấy tiếng sau đó vì mất quá nhiều máu trong một phòng cấp cứu hỗn loạn của bệnh viện.

Giới trẻ Miến Ðiện là lớp người vừa mới trưởng thành trong thời kỳ tương đối cởi mở và trên con đường chuyển hoá dân chủ trong một đất nước mà nhiều thập niên qua bị kềm kẹp dưới ách độc tài và cô lập với thế giới bên ngoài, và nay họ đang đứng ở tuyến đầu của phong trào đòi khôi phục lại chính phủ do chính người dân bầu lên. Cuộc đấu tranh của họ, theo sau các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông, Thái Lan, Belarus và Nga, đến vào thời điểm khi mà tình trạng căng thẳng giữa một bên là sự cai trị độc tài chuyên chế và bên phía kia là sự phản kháng chống lại đang ngày càng gia tăng, đưa tới kết quả là nhiều đám đông, thường đa số là những người trẻ, đã đổ xuống đường để chống lại chế độ man rợ sẵn sàng sử dụng bạo lực bất cứ lúc nào để bắt bớ, đe doạ và thậm chí giết người để tiếp tục bám giữ quyền hành.

Thế hệ người trẻ ngày nay ở Miến Ðiện đã có được ít năm kinh nghiệm sống trong một xã hội tự do. Chính sách kiểm duyệt của nhà nước đã được gỡ bỏ năm 2012, và hàng triệu người trẻ đã được kết nối với thế giới bên ngoài qua internet lần đầu tiên. Họ đã nhìn thấy sự hứa hẹn của đầu tư ngoại quốc, và nhiều người mong muốn có được việc làm trong những lĩnh vực như kỹ nghệ và du lịch. Quá trình chuyển đổi đất nước chưa hoàn tất, nhưng sau nửa thế kỷ cai trị bởi quân đội, con đường dân chủ hoá đã mở ra cánh cửa cho sự thay đổi quan trọng để họ có thể góp phần xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.

Mặc dù Miến Ðiện trong suốt một thập niên qua chưa thể gọi là một quốc gia dân chủ, nhưng cả một thế hệ mới vừa trưởng thành đã biết thế nào là sinh hoạt chính trị tự do ở một mức độ nào đó, một thế hệ tự tin hơn đang đặt nhiều kỳ vọng cuộc sống của họ sẽ là một bước nhảy vọt so với thế hệ cha ông của họ. Kể từ khi nhà cầm quyền của quân đội Miến bắt đầu sử dụng vũ lực, các người trẻ, nam cũng như nữ, ở tuyến đầu của các cuộc biểu tình đã biết điều chỉnh chiến thuật của họ và mượn chiến lược từ các cuộc đấu tranh trên đường phố ở Hồng Kông, điều động người một cách linh hoạt và sử dụng các ứng dụng nhắn tin được mã hóa. Trong khi nhiều người trẻ vẫn tiếp tục ủng hộ phong trào tranh đấu dân chủ mà trong suốt mấy thập niên qua được lãnh đạo bởi bà Aung San Suu Kyi – nữ lãnh tụ dân sự 75 tuổi vừa bị quân đội truất phế và hiện bị giam tại nhà riêng – nhưng nay lớp thế hệ trẻ Miến đang bắt đầu xem họ như là những lãnh tụ tương lai của một phong trào đấu tranh mới đang thành hình, đa dạng hơn và tránh tập trung hơn so với trước đây.

Phong trào khởi đầu là các cuộc biểu tình tập trung rầm rộ thì nay đang chuyển sang thành những cuộc biểu tình nhỏ hơn trong các khu xóm, khiến cho các giới chức an ninh khó lòng theo dõi và kiểm soát được người biểu tình. Nhiều người tự tạm thời phòng thủ bằng những chướng ngại vật như ván gỗ, thùng rác và vỏ xe cũ để làm chậm bước tiến của lực lượng an ninh, và nhiều tình nguyện viên làm công việc theo dõi sự di chuyển của cảnh sát và binh lính trên các đường phố. Nếu bị phát hiện, đám đông thường sẽ giải tán và di chuyển đến một vị trí an toàn hơn hoặc tập hợp lại khi lực lượng an ninh rút đi.

Trong khi giới trẻ đang đóng vai trò quan trọng trong phong trào biểu tình hiện nay, cuộc phản kháng cũng thu hút được tất cả mọi tầng lớp người dân trong xã hội Miến, với sự trợ giúp bởi hàng loạt tổ chức dân sự. Các tổ chức này là lực lượng tổng hợp của sinh viên và liên đoàn lao động, các nhóm xã hội dân sự và nhiều mạng lưới khác đã từng hoạt động lâu năm cho phép họ truyền tải nhanh các kế hoạch biểu tình tới nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt là thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Cộng thêm vào đó là các công chức và nhân viên nhà nước đang đình công – họ là công nhân nhà máy điện và đường sắt, nhân viên ngân hàng, bác sĩ và nhiều thành phần khác nữa – đe dọa có thể đẩy chính phủ vào tình trạng phải ngưng hoạt động.

Nhiều đoạn phim quay trực tiếp tại chỗ các cuộc tuần hành, súng nổ và người biểu tình bị đánh đập bởi dùi cui và báng súng tràn ngập trên Facebook mỗi ngày. Các người trẻ thường xuyên rà soát các nguồn cung cấp tin tức trên mạng truyền thông xã hội và hàng chục nhóm liên lạc trên ứng dụng Telegram và Signal được mã hoá để cập nhật tình hình tranh đấu trên các đường phố sát với thời điểm hiện tại. Một nhóm liên lạc trên Telegram, với người điều hành được giấu tên, liên tục thông tin về các đợt hành quân của quân đội và các đoạn đường bị chặn. Cho đến nay, giới chức thẩm quyền của quân đội đã ra lệnh bắt bớ hàng nhiều trăm người biểu tình, chính trị gia và nhà hoạt động từ trên đường phố cũng như trong các cuộc bố ráp ban đêm tại nhà riêng của họ.

Trong khi một số nhà tranh đấu dân chủ được nhiều người biết tới, một số khác thì đang âm thầm hoạt động ở đằng sau hậu trường, bao gồm cả những người đã từng tham gia trong các phong trào biểu tình trước đây vào những năm 1988 và 2007. Từ một nơi ẩn náu kể từ ngay sau khi cuộc đảo chánh, một nhà hoạt động tìm cách cung cấp cho người biểu tình những nguồn thực phẩm cần thiết và những tấm lá chắn bằng sắt để bảo vệ. Ông cũng tìm cách sắp xếp nơi ẩn náu cho những người muốn rời bỏ lực lượng cảnh sát và nhiều nhà hoạt động khác giống ông, là những công dân đang bị giới chức an ninh truy lùng.

Trong vụ đàn áp ngày 3 tháng Ba vừa qua là lần đầu tiên nhiều người trẻ mới tham gia phong trào đã phải chạy bán sống bán chết trong khi lực lượng an ninh được trang bị súng ống bắn xả vào đám đông biểu tình. Nhiều người may mắn trốn thoát nhưng một số khác thì không. Trong đó có em Sithu Shein như đã kể ở trên.

Hàng nhiều ngàn người đã tham dự đám tang của em. Biểu tượng của sự phản kháng xuất hiện ở khắp mọi nơi, như cách giơ chào bằng ba ngón tay thường thấy của các nhà hoạt động trong khu vực, lá cờ màu đỏ của đảng ủng hộ dân chủ và khẩu hiệu phản kháng: “Chúng tôi tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ cho đến hơi thở cuối cùng.”

Không ai có thể dám đoán trước phong trào đấu tranh dân chủ của người dân Miến rồi đây sẽ đi về đâu. Nhưng một điều mà ai cũng thấy là phong trào này đang được tiếp tục bởi một lớp thế hệ trẻ vừa trưởng thành và họ sẽ là lớp người cầm đuốc mới cho phong trào đấu tranh bền bỉ kéo dài trong nhiều thập niên qua. Ngọn đuốc đó có lúc bùng cháy dữ dội, có lúc lại âm ỉ, nhưng lửa của nó không bao giờ tắt hẳn.

Vũ Hiến

https://baotreonline.com/tin-tuc/ghi-nhan-trong-tuan/gioi-tre-mien-dien.baotre?fbclid=IwAR0OKo0aoNeoBkctLv4OvazgJEza3eGxO9tqWntSfJkr0sVagqDQNv-2sIM