Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa có sách lược ứng phó với sự cô lập của quốc tế

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa có sách lược ứng phó với sự cô lập của quốc tế

Kết quả bầu cử của Hoa Kỳ vẫn chưa rõ ràng, Trung Quốc không dám tùy tiện tỏ thái độ. Giới lãnh đạo ĐCSTQ tất nhiên rất sợ Tổng thống Trump tái đắc cử, trước đó Trung Quốc đã một dạo đặt cược hết vào ông Joe Biden, truyền thông Trung Quốc không ngừng tuyên truyền ông Biden dẫn đầu các cuộc thăm dò, nhưng bây giờ lại đành phải “xếp cờ im trống” không còn phô trương tuyên truyền.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thấy được rằng, tuyệt đại đa số các cuộc thăm dò ý kiến đều đã không còn “linh nghiệm” (kết quả không chính xác), tin tức báo cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể lại sai lầm. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc không dám đưa ra bất kỳ phân tích, bình luận nào theo quan điểm của mình nữa.

Các lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ dĩ nhiên hy vọng TT Trump không tái đắc cử, như vậy có lẽ áp lực từ bên ngoài lên Trung Quốc sẽ giảm bớt. Đến nay Trung Quốc vẫn chưa có sách lược gì để ứng đối với sự cô lập của quốc tế, phiên họp Toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương Trung Quốc khóa 19 đã chuẩn bị xong cho việc tách rời khỏi thế giới.

Hoa Kỳ và các nước u Châu đã thấy rõ các mánh khóe thâm nhập mọi mặt của Trung Quốc, và hiện đang khai triển một cuộc đối đầu toàn diện. Tập Cận Bình càng ngày càng ý thức được rằng nguy cơ ĐCSTQ bị đánh đổ đang tăng nhanh, bị buộc phải lựa chọn cách co mình lại nhằm tránh nguy cơ sụp đổ. Sách lược tránh né tiêu cực như vậy thực sự rất bi quan, bế quan tỏa cảng liệu có thể giữ được Trung Quốc hay không, thì trong nội bộ của ĐCSTQ cũng chưa đạt được sự đồng thuận.

Tập Cận Bình nói rõ những điểm chính trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14

Ông Tập Cận Bình đã nói rõ về kế hoạch 5 năm lần thứ 14 tại phiên họp Toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương Trung Quốc khóa 19, gần đây các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã công bố một số nội dung chính quan trọng nhất, đó là đánh giá về tình hình quốc tế hiện nay.

Trong lời phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục nói rằng [Trung Quốc] đang ở “thời kỳ có những cơ hội chiến lược quan trọng”, nhưng lại nói “Cơ hội và thách thức đều có những thay đổi phát triển mới”. Nguyên văn là: “Tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, tính bất ổn và tính không xác định ngày càng gia tăng, dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới gây ảnh hưởng sâu rộng, kinh tế toàn cầu lâm vào khó khăn, thế giới bước vào thời kỳ biến động hỗn loạn, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa bá quyền tạo thành mối đe dọa đối với nền hòa bình thế giới.”

Nhìn bề ngoài thì đoạn phát biểu này giọng điệu về cơ bản có vẻ giống với trước đây, nhưng lại thêm vào những từ khóa mà trước đây không có, chủ yếu là “tình hình dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng …, thế giới bước vào thời kỳ biến động hỗn loạn …. tạo thành mối đe dọa”.

Hôm 15/10, trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đặc khu kinh tế Thâm Quyến chỉ nêu rằng “đại dịch bệnh toàn cầu đã thúc đẩy sự thay đổi lớn của đại cục diễn ra nhanh hơn, nền kinh tế toàn cầu hóa gặp khó khăn, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy, kinh tế thế giới trì trệ …. Trật tự kết cấu đang có những thay đổi to lớn”.

Hơn một tuần sau, những gì ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương Trung Quốc khóa 19 càng cho thấy rõ vấn đề “mối đe dọa”. Vấn đề “Tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng sâu rộng” ở đây cũng không chỉ là nói về hai lần bùng phát tình hình dịch bệnh hiện nay, điều mà các lãnh đạo cao cấp ĐCSTQ lo lắng hơn đó chính là phải đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm che giấu dịch bệnh. Nội hàm của “Bách niên vị hữu chi đại biến cục” (đại cục biến đổi lớn trăm năm chưa từng có), mộng tranh bá thế giới của mấy năm trước đây giờ đã biến thành tận lực tránh né nguy hiểm, ứng đối với mối đe dọa.

Vì vậy, ông Tập Cận Bình yêu cầu tăng cường “ý thức về nguy hiểm”, “duy trì vững vàng chiến lược, làm tốt việc của mình”, “xây dựng cách tư duy chấp nhận tình huống xấu nhất”, “hướng lợi tránh hại”.

Khi ông Tập Cận Bình giải thích về chính sách “Nội tuần hoàn” (phát triển thị trường trong nước) còn nói, “Theo sự biến đổi của hoàn cảnh kinh tế chính trị toàn cầu, xu hướng trái ngược toàn cầu hóa tăng lên”, “Sự tuần hoàn quốc tế truyền thống ngày càng yếu đi”, “Nhất thiết phải đem cơ sở cho sự phát triển đặt ở trong nước”.

Điều này cho thấy, cái gọi là “Nội tuần hoàn” chính là tình thế bắt buộc phải làm chứ không phải do chủ động. Những nội dung được truyền thông Trung Quốc đăng tải đương nhiên là đã được kiểm soát và cắt bớt. Tại phiên họp Toàn thể lần thứ 5 việc ông Tập Cận Bình nói những nội dung cụ thể nào, ông trích dẫn những ví dụ thực tế nào, thì cũng sẽ không dễ dàng lộ ra bên ngoài.

Những biến đổi quan trọng này không dễ để nhận thấy rõ, nhưng lại xác thực là những biến đổi vi diệu. Ông Tập Cận Bình mặc dù lớn giọng trong lễ kỷ niệm chiến tranh Triều Tiên, nhưng trên thực tế cơ bản đã không còn sức để đối kháng với Hoa Kỳ và nhiều nước u Châu.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 coi nhẹ việc mở cửa đối ngoại

Trong toàn văn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 vừa được công bố, một số nội dung được trình bày và phân tích hoàn chỉnh, cũng đã cho thấy rõ ràng tư tưởng co mình hướng nội của ông Tập Cận Bình.

Liên quan đến vấn đề cải cách mở cửa, nguyên tắc mà Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 miêu tả là “Kiên định vững vàng thúc đẩy cải cách, kiên định không ngừng mở rộng mở cửa, tăng cường hệ thống quản lý quốc gia và xây dựng hiện đại hóa năng lực quản lý, loại bỏ các chướng ngại về thể chế và cơ chế gây hạn chế cho sự phát triển chất lượng cao, cuộc sống chất lượng cao, tăng cường các biện pháp cải cách mở cửa quan trọng có lợi trong việc nâng cao hiệu quả phân phối nguồn tài nguyên, có lợi cho việc huy động sự nhiệt tình của toàn xã hội, tiếp tục tăng cường phát triển động lực và sức sống”.

Trong nội dung này, cơ bản là bàn luận về nguyên tắc chỉ đạo công tác nội bộ, còn cải cách nội bộ đều rất sơ lược, lại càng không có nội dung về mở cửa đối ngoại. Sau đó, ở trong phần mục tiêu chủ yếu, vấn đề cải cách mở cửa được miêu tả là:

“Hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa càng thêm hoàn thiện, hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao về cơ bản được hình thành, chủ thể thị trường trở nên tràn ngập sức sống, cải cách chế độ quyền tài sản và cải cách phân phối các nhân tố trọng yếu theo xu hướng thị trường hóa đã đạt được những bước tiến to lớn, chế độ cạnh tranh công bằng ngày càng thêm kiện toàn, hệ thống kinh tế mở mới theo hình thức mở cửa ở mức độ cao hơn về cơ bản được hình thành.”

“Hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” là một khẩu hiệu mâu thuẫn, hoàn toàn không phải là kinh tế thị trường thực sự, trên thực tế ảnh hưởng của nhà nước là rất rõ ràng, bản thân Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 chính là sản phẩm của kinh tế kế hoạch, trong các nền kinh tế thị trường trưởng thành trên toàn thế giới, chưa thấy có quốc gia nào làm kế hoạch kinh tế 5 năm giống như vậy. Vấn đề mở cửa đối ngoại bị bỏ qua, cơ bản là không có xây dựng mục tiêu, chỉ nói là “hệ thống kinh tế mở mới theo hình thức mở cửa ở mức độ cao hơn về cơ bản được hình thành”, sau đó giải thích rõ như sau:

“Thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư … tăng cường năng lực cạnh tranh toàn diện của ngoại thương. Hoàn thiện đãi ngộ quốc dân trước khi thương nhân nước ngoài được vào đầu tư và chế độ quản lý các hóa đơn xấu, mở rộng có trật tự các ngành dịch vụ mở cửa đối ngoại … Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài”, “Xây dựng phát triển ổn định tự do mậu dịch cảng Hải Nam”, “Thận trọng và ổn định thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ”, “Phát huy tốt tác dụng của các nền tảng mang tính triển lãm như Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc”.

Cái gọi là mở cửa đối ngoại, cũng không có mục tiêu và kế hoạch mang tính đột phá trong 5 năm tới. Chiến lược “Một vành đai Một con đường” cũng biến thành “phát triển chất lượng cao”, chẳng khác nào là công khai chính thức xếp cờ im trống không dám phô trương nữa.

Trong kế hoạch còn nêu, “Xác định rõ quyền quản lý toàn diện của Trung ương đối với đặc khu hành chính”, “Hồng Kông, Ma Cao dung nhập tốt hơn vào phát triển chung của quốc gia, xây dựng vùng vịnh lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Ma Cao chất lượng cao”.

ĐCSTQ cũng nhất định xem Hồng Kông như một cửa sổ đối ngoại. Trong nội dung kế hoạch còn nêu rằng, “Kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, thúc đẩy trao đổi ngoại giao các lĩnh vực các cấp”, kiểu nói như thế này giống như là quay trở về hơn 40 năm trước vậy. Sau khi ông Tập Cận Bình cầm quyền, từng lớn giọng khởi xướng “Nguyên thủ ngoại giao” (ngoại giao nguyên thủ quốc gia) với các cường quốc, đặc biệt là ngoại giao với Hoa Kỳ và các nước u Châu, hiện giờ kiểu “Tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình” này hoàn toàn không còn thấy nữa, mở cửa đối ngoại chỉ còn lại chỉ là khẩu hiệu đơn thuần mà thôi.

Cuộc khảo sát của ông Lý Khắc Cường ở Hà Nam, tiếp tục không đồng điệu

Ngày 30/10, ông Lý Khắc Cường triệu tập một hội nghị tiểu ban lãnh đạo công tác biên soạn “Đề cương dự thảo” của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của chính phủ, ông nói, “Nước ta vẫn là nước đang phát triển lớn nhất thế giới, việc lập kế hoạch phải dựa trên tình hình thực tế trong nước”, “làm cho kế hoạch vừa cổ vũ được lòng người lại phù hợp thực tế, vừa tận lực làm vừa lượng sức mà thực hiện, có thể vượt qua kiểm nghiệm của thực tiễn cùng với lịch sử”.

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ từng đăng tải một phần nội dung bài phát biểu của ông Lý Khắc Cường, nhưng vẫn có sự cắt xóa, sau đó trên trang web của chính phủ Trung Quốc đăng tải nhiều phần nội dung hơn. Ông Lý Khắc Cường lúc ấy còn nói, việc lập kế hoạch cần phải “tôn trọng quy luật kinh tế”, “phát huy hết mức vai trò quyết định của thị trường trong việc phân phối nguồn lực”, “Phải chú ý đến việc nắm bắt tốt ranh giới giữa nhà nước và thị trường, làm rõ công tác nào cần phải do nhà nước vạch kế hoạch và thúc đẩy, hạng mục công việc nào cần kích thích tính năng động của thị trường và sức sáng tạo xã hội lớn hơn nữa”.

Ông Lý Khắc Cường còn nói, “Dùng biện pháp cải cách mở cửa để giải quyết các vấn đề khó khăn và đẩy nhanh phát triển”, “cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực trọng điểm và các khâu quan trọng”, “thực hiện mở cửa đối ngoại cao cấp, đưa ra nhiều biện pháp hơn mạnh mẽ hơn trong việc mở cửa, đẩy mạnh hợp tác quốc tế”, “xây dựng và thực thi thúc đẩy cải cách mở cửa”, “cần sử dụng biện pháp thị trường, biện pháp cải cách”.

Những nội dung này cũng không hề xuất hiện trong phần mô tả kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Từ ngày 3-4/11, ông Lý Khắc Cường đến Hà Nam để khảo sát, mặc dù truyền thông ĐCSTQ có đưa tin, nhưng đã lược bớt không ít nội dung nói chuyện của ông Lý Trang web của nhà cầm quyền Trung Quốc kịp thời đăng 4 bài liên tục ghi chép lại nguyên văn nội dung nói chuyện của Lý Khắc Cường.

Ngày 03/11, khi khảo sát Công ty TNHH trí tuệ nhân tạo Động Lực Trung Nguyên, ông Lý Khắc Cường đã nói rằng “Đột phá sáng tạo thì không thể vội vàng muốn thành công, cũng không đi tắt đốt cháy giai đoạn, phải trầm tĩnh xuống, xây dựng cơ sở cho lĩnh vực số này một cách vững chắc.”

Lần trước Cục Chính trị Trung Quốc đã tổ chức học tập kỹ thuật lượng tử, ông Tập Cận Bình đương nhiên là muốn khuyến khích, nhấn mạnh đổi mới khoa học kỹ thuật, và đưa nó lên hàng đầu. Nhưng ông Lý Khắc Cường lại nói “xây dựng cơ sở cho lĩnh vực số này một cách vững chắc”, “không đi tắt đốt cháy giai đoạn”.

Cùng ngày, ông Lý Khắc Cường đến thôn Đông Lộ, xã Ngõa Điếm, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, hỏi tình hình thu nhập trong việc trồng trọt với những gia đình trồng lương thực: Quy mô gieo trồng lớn bao nhiêu thì mới có thể cân bằng lời lỗ.

Câu hỏi này cho thấy nông dân trồng trọt vốn có thể cân bằng lời lỗ như thế là tốt rồi, cơ bản không kiếm được nhiều tiền. Ông Lý Khắc Cường còn hỏi thu nhập của họ năm nay thế nào: so với năm trước thì người ra ngoài làm công nhiều hơn hay ít hơn? Người về quê lập nghiệp so với năm trước nhiều hơn hay ít hơn?

Chắc hẳn những diễn viên quần chúng đóng vai “các hương thân” sẽ nói: “Ngày nay cơ hội việc làm rất linh hoạt và đa dạng: vào ngày mùa nông dân có thể làm thuê cho những nhà trồng lương thực, ngày nông nhàn thì lại có thể đi ra ngoài làm thuê; có một vị tốt nghiệp đại học trở về quê nhà mở một gian cửa hàng tổng hợp, có thể tạo việc làm cho hơn 20 người dân trong thôn; có một vị nông dân mua một cái máy gặt chuyên nghiệp, ngoài việc gặt hái lúa mạch cho nhà mình thì chủ yếu mang máy sang huyện khác gặt lúa mạch thuê cho người khác”.

Giúp đỡ nhau trong ngày mùa vụ ở nông thôn cũng được coi là công việc làm thuê; sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm đành chấp nhận trở về quê mở cửa hàng, nông dân trồng trọt đều không dễ cân bằng lời lỗ, thì lấy đâu ra nhu cầu trong nước; luân phiên thuê một cái máy gặt … những điều này lại được tính là có công ăn việc làm, thì có thể thấy được tình hình thực tế công ăn việc làm của nông dân và sinh viên tốt nghiệp đại học là như thế nào, chính sách nội tuần hoàn có thể giải quyết được vấn đề này sao?

Trên các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ thì những chi tiết này đều bị lược bỏ, ông Lý Khắc Cường lại kiên trì công bố ra, hẳn là ông đang thể hiện sự không đồng ý với chính sách nội tuần hoàn. Ông Lý Khắc Cường có lẽ vẫn muốn tiếp tục hội nhập tuần hoàn kinh tế quốc tế, như thế ĐCSTQ nhất định phải thay đổi hoàn toàn, nếu không sẽ không được Hoa Kỳ và các nước u Châu chấp nhận, và chuỗi cung ứng cũng không tuần hoàn được.

Ông Lý Khắc Cường có lẽ đại diện cho một tiếng nói bất đồng nào đó trong nội bộ ĐCSTQ, nhưng đối mặt với sự cô lập của quốc tế, giới lãnh đạo ĐCSTQ quả thực không có sách lược gì để ứng phó. Bản chất của ĐCSTQ quyết định là sẽ không thay đổi. Vì để ngăn ngừa sự sụp đổ, nó thà rằng bế quan tỏa cảng, thực hiện nội tuần hoàn, nhưng như vậy cũng không tránh được những khó khăn nội bộ chồng chất. Chẳng trách được tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Trung ương khóa 19 thức ăn đều phải nghiêm khắc thực hiện tiết kiệm.

Gao Yi – Tiểu Minh biên dịch

Thứ Bảy, 14/11/2020

https://etviet.com/china/gioi-lanh-dao-trung-quoc-van-chua-co-sach-luoc-ung-pho-voi-su-co-lap-cua-quoc-te.html