Giới Hạn Của Lằn Ranh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giới Hạn Của Lằn Ranh

Theo Diễn Đàn Thế Kỷ – Mạnh Kim – 08 tháng 1 năm 2015

Trưa hôm nay (7-1-2015), một nhóm khủng bố mang mặt nạ đã xộc vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris và vảy đạn giết 12 người. Sự việc liên quan đến nhóm khủng bố khát máu ISIS nói riêng và Hồi giáo nói chung. Charlie Hebdo từng nhiều lần bị dọa (và bị tấn công bởi bom xăng năm 2011) bởi các tranh biếm Nhà tiên tri Muhammad. Đây không là lần đầu tiên báo chí phương Tây gặp trường hợp tương tự. Cách đây gần 10 năm, gần như cả thế giới Hồi giáo đã phát điên và thực hiện loạt bạo động nhiều nơi thế giới sau khi tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten vẽ 12 tranh biếm Đấng tiên tri Muhammad trong đó có bức miêu tả Đấng tiên tri đội khăn trùm hình quả bom với ngòi nổ đang cháy (đăng trên số báo 30-9-2005). Trước đó, năm 2004, một kẻ Hồi giáo quá khích đã giết chết nhà làm phim Hà Lan Theo van Gogh khi ông thể hiện Hồi giáo dưới góc nhìn “phi Hồi giáo”.
Vấn đề gây tranh cãi là ranh giới của tự do thông tin và giới hạn của sự tự do thể hiện các vấn đề liên quan tôn giáo. Trong khi đó, phương Tây vốn quen với tự do thông tin, tự do ngôn luận và hẳn nhiên tự do nghệ thuật. Đặc biệt trong thể loại biếm, gần như không đối tượng nào bị loại trừ. Người ta chẳng lạ gì những tranh biếm bôi bác nhằm vào chính trị gia. Tuy nhiên, có những giới hạn bất thành văn. Lầu năm góc từng gửi thư phản đối Washington Post khi họ đăng tranh biếm Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (của tác giả Tom Toles – cây cọ biếm lừng danh) trong bộ dạng một bác sĩ và nói với một người lính mất tay-chân bị băng bó toàn thân: “Tôi sẽ liệt kê tình trạng anh vào loại “tổn thất chiến trường”. Năm 1999, cuộc triển lãm Sensation tại Viện bảo tàng Brooklyn (do nhà sưu tập Anh Charles Saatchi tổ chức) đã gây phẫn nộ cộng đồng Công giáo Mỹ với bộ sưu tập tranh Mẹ Đồng trinh Mary được cắt-ghép từ các tạp chí khiêu dâm.
Dân phương Tây quá quen với những thể hiện gây sốc tương tự. Không ai đốt viện bảo tàng và chẳng ai đòi chặt đầu “thủ phạm”. Tuy nhiên, Hồi giáo nằm ở một phạm trù và một “ngưỡng giới hạn” khác. Xin đừng quên những người dịch quyển Những vần thơ của quỷ (tác giả Salman Rushdie) tại Nhật và Ý đã bị đâm (nạn nhân Nhật tử vong); và một nhà xuất bản Na Uy từng bị bắn… Vấn đề còn ở chỗ ranh giới chấp nhận được và không thể chấp nhận trong sự tự do thể hiện tư duy tại phương Tây cũng rất phức tạp. Tại Đức, người ta có thể ngồi tù 3 năm nếu quảng bá hình ảnh Hitler (hoặc mô phỏng Hitler) hay mang nội dung phủ nhận sự kiện Đức quốc xã thảm sát người Do Thái. Tại Pháp năm 2005, Giáo hội Thiên chúa giáo đã yêu cầu tòa cấm một ảnh quảng cáo cải biên dựa theo tác phẩm Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo Da Vinci (vẽ tất cả là đàn ông, trừ Judas là phụ nữ).
Pháp cũng cấm học sinh quyền thể hiện tôn giáo công khai (nữ sinh Hồi giáo không được đội khăn choàng) với mục đích hạn chế phân biệt đối xử tôn giáo. Tại Anh cách đây không lâu, người ta đã xử giáo sĩ Hồi giáo Abu Hamza al-Masri 7 năm tù tội tổ chức thuyết giảng kêu gọi giết tất cả những người không theo Hồi giáo. Tháng 12-2005, cầu thủ Ý Paolo Di Canio sau khi chào người hâm mộ theo kiểu phát xít đã bị truất quyền thi đấu và bị phạt 10.000 euro. Năm 2005, một công tố viên Ý cũng yêu cầu tòa ra lệnh đóng một website miêu tả Giáo hoàng Biển Đức (Benedict XVI) trong trang phục Nazi SS và viết rằng Benedict XVI từng phục vụ thời gian ngắn trong Hội Thanh niên của Hitler. Cũng tại Ý, người ta cũng xử vụ nhà văn nổi tiếng Oriana Fallaci khi bà tung ra quyển Sức mạnh của lý lẽ mang nội dung miệt thị Hồi giáo.
Sự tranh luận về quyền tự do thông tin liên quan yếu tố tôn giáo thật ra chưa minh bạch. Đan Mạch có luật cấm báng bổ tôn giáo nhưng vụ Jyllands-Posten không bị lôi ra tòa bởi nó liên can “ranh giới cho phép” của tự do thông tin. Tại Đức, luật chống báng bổ tôn giáo có từ năm 1871. Thập niên 1920, họa sĩ Đức George Grosz bị lên án khi vẽ Jesus mang giày nhà binh, băng ngang đường với mặt nạ chống hơi cay. Vụ xử kéo dài ba năm; Grosz kháng án hai lần và cuối cùng trắng án! Năm 1994, vấn đề luật báng bổ tại Đức từng được hâm nóng khi người ta cấm một hài kịch châm biếm Công giáo.
Luật chống báng bổ tôn giáo Hà Lan qui định ba tháng tù và phạt tiền 70 euro. Dù vậy, luật một chuyện và thực tế là chuyện khác. Năm 1968, một cây bút từng gây xìcăngđan khi làm thơ miêu tả cảnh làm tình với Chúa nhưng cuối cùng vụ án không được tòa xử! Luật chống báng bổ tại Áo nghiêm cấm mọi hành vi nhạo báng tôn giáo (bị tù 6 tháng) nhưng chẳng ai sờ gáy những người thực hiện quyển tranh biếm ấn hành năm 2005, trong đó có bức miêu tả Chúa Jesus như một kẻ hippie đang hút cần sa. Còn ở Ba Lan, nơi có đông cộng đồng Công giáo, luật chống báng bổ được thực thi khá mạnh tay (phạt tù 2 năm). Nghệ sĩ Ba Lan Dorota Nieznalska từng bị kiện khi thực hiện bức điêu khắc với bộ phận sinh dục nam “nằm nguyên con” ngay giữa cây thánh giá!
Dù thế nào, thái độ gay gắt trước quyển The Da Vinci Code của Dan Brown (một số ý kiến cho rằng quyển sách bôi nhọ và xúc phạm Công giáo), trong xã hội phương Tây, cũng ít có khả năng bùng nổ thành cuộc phản đối kinh khủng, như đối với các trường hợp chọc vào “ổ kiến lửa” Hồi giáo.
……
Ảnh: Charlie Hebdo và hiện trường vụ khủng bố trưa nay (NBC News, France24)