Gieo nhân ngu, gặt quả ác
Phật không phải thần thánh, Phật chỉ tin vào nhân quả, tức gieo nhân gì gặt quả đó, và Phật chỉ có tri thức (sự giác ngộ) và đi truyền giảng những thuyết lý mình cho là đúng để người dân bớt si (ngu) và bớt tham thì sẽ thoát được khổ đau, bất hạnh. Phật không có phép màu nào để hoá giải các cái “vận hạn” nào của chúng sinh ở cái thời mà ông nào còn có mặt nữa.
Phật để lại cho đời di sản là những giáo lý và phật pháp và những môn đồ đắc đạo để đi truyền bá và giúp cho nhân sinh tránh được sự đau khổ. Phật càng không có tài sản hay lấy gì của ai bao giờ, mà đi hành hương khắp chốn để phổ độ chúng sinh nên biết từ bi, biết cho đi và phải biết xây dựng những giá trị tốt đẹp của con người.
Vậy mà trong đời sống, sống giữa người với người, sau hàng nghìn năm trôi qua, họ nhìn thấy những điều xấu họ không coi đó là trách nhiệm của mình, mà họ lại đến đình, chùa để bỏ tiền mà mua xuất lễ cầu khấn để xin được giải hạn, được bình an, được tài lộc.
Các vận hạn hay xui rủi nếu có trong đời sống không phải do Phật đưa tới, nên Phật càng không có phép màu để hoá giải nó. Mà hạn đó nếu có, là do chính con người gieo nên từ trước trong cách hành xử đối với nhau.
Trong đời sống, Phật không mang điều tai ác, hạn hoạ tới cho con người, mà chính con người đã không tự xây dựng để đảm bảo các điều kiện sống tốt cho mình để thụ hưởng, trong đó chính quyền phải đảm bảo về các vấn đề an ninh, trật tự, môi trường kinh doanh, môi trường sống, luật pháp, cơ sở hạ tầng…nếu những điều đó không do chính mỗi người trong xã hội làm việc và xây dựng thì những rủi ro, xui hạn sẽ có khả năng xảy đến nhiều hơn và mức độ lớn hơn với bất cứ ai. Những điều đó không ai có thể hoá giải được.
Muốn tránh bệnh tật thì môi trường sống phải trong lành, muốn tránh ngu dốt thì phải đi học, muốn tránh bạo lực thì phải biết nhường nhịn, muốn tránh được tai nạn phải có đường xá và phương tiện an toàn, muốn tránh gia đình mâu thuẫn phải biết yêu thương và bao dung, muốn xã hội an ninh thì phải có chính quyền dân chủ và luật pháp phải nghiêm.
Những điều kiện sống ấy nếu không được đảm bảo và do chính chúng ta gây dựng nên thì chính nó là nhân để mang quả (hạn hoạ, xui rủi) tới cho chúng ta vào một lúc nào đó. Nên nhớ Phật, thần không gieo điều ác thì không thể cầu họ để xoá đi vận hạn trong đời thực của con người. Con người đến đình, chùa là để vãn cảnh và tĩnh tại tâm hồn, học hỏi phật pháp, nghe giảng giáo lý, để giác ngộ và trở nên tốt đẹp hơn, và khi trở về cuộc sống sẽ đối đãi với người khác tử tế và lương thiện hơn.
Đằng này đến đình, chùa mà nhốn nháo ngồi tràn cả ra đường bất chấp thời tiết, giao thông, trộm cắp, lấn chiếm và gây cản trở sinh hoạt công cộng của người khác, thì ngay cái đó đã là một sự nhạo báng với Thánh, Phật mà họ đang tìm đến bái lạy cầu khấn rồi.
Mà hơn thế là, nếu đến chùa, đình cúng cầu xong rồi trở về đời sống vẫn xả rác bừa bãi, vẫn ăn to nói lớn tục tằn, vẫn sinh hoạt vô độ, vẫn gian manh lọc lừa, vẫn tâm địa xấu xa, vẫn làm điều ác, thì đó khác gì sỉ nhục những đức Thánh, Phật.
Ở phương Tây, vào thế kỷ thứ 15, cũng phải nhờ đến một linh mục là Martin Luther quả cảm đương đầu đấu tranh cương quyết với các thế lực nhân danh tôn giáo đang hoành hành và phá hoại nền tảng văn hoá và xã hội ở các vùng miền để làm cho dân chúng ngu đần và mê muội hơn (khiến cho nó trở thành một vùng đệm chính trị cho những kẻ cầm quyền lợi dụng để cai trị dân chúng, thậm chí giới cầm quyền còn e ngại cả chức sắc tôn giáo). Tình trạng đó đã khiến Ông phải đứng lên đấu tranh để cải cách ngay chính đối với tôn giáo thời bấy giờ và từ đó bước vào thời kỳ khai sáng và phục hưng vĩ đại của nhân loại.
Nếu cứ ngu dốt và u mê, cuồng tín loạn thần trong dốt nát thế này thì dân tộc và đất nước không thể tự cường và phát triển, văn minh lên được. Vì đó chính là việc gieo nhân ngu dốt, thì ắt gặt quả tai hoạ.