Giấy nhập cư mới gây lo ngại cho người Việt tại Campuchia
Ông Trương Văn Tới, Phân Hội trưởng thuộc Hội người Việt Nam tại xã Aregya Ksach, trả lời phỏng vấn RFA ngày 28/8/2014 – Photos by: RFA/Quốc Việt
Theo RFA – Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia 2014-08-30
Chính phủ Campuchia ngày 27/8, đã quyết định cấp giấy công nhận người nước ngoài nhập cư vào Campuchia cho cộng đồng người Việt sinh sống tại đây. Đây là loại giấy tờ mới nhất do phía Campuchia cấp cho cộng đồng người Việt sinh sống ở xứ chùa Tháp. Giấy công nhận người nước ngoài nhập cư vào Campuchia do Bộ Nội vụ xứ chùa Tháp cấp cho 150 người Việt vào ngày 27/8 vừa qua, hầu như không khác gì các loại giấy tờ tùy thân mà cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Campuchia đã có trước đó. Đóng 1.300 000 đồng VN để chính phủ dễ quản lý? Vì những người Việt được sinh ở Campuchia, bố mẹ và ông bà của họ cũng được sinh ở đây và mới đây nhất đến Campuchia để kiếm tiền cũng chỉ được cấp chứng minh thư, mỗi gia đình có một sổ hộ khẩu, sổ cư trú tạm thời hoặc một số nơi cấp thẻ ngoại kiều. Tuy cộng đồng người Việt hiện có các loại giấy tờ nói trên nhưng họ vẫn bị coi là cư trú bất hợp pháp, vì chính quyền Campuchia không công nhận các loại giấy tờ này để làm thủ tục pháp lý như giấy khai sanh, giấy chứng minh nhân dân và hộ chiếu cho người Việt Nam, thay vì họ căn cứ vào luật nhập cảnh và sắc lệnh liên quan đến người nước ngoài. Trao đổi với phóng viên Quốc Việt/RFA, bà Lê Thị Thấm, người Việt sống ở xã Sareka Keo, huyện Lvea Aem, tỉnh Kandal cho biết gia đình bà đã đăng ký tạm trú tại đây từ thập niên 70. Chính quyền cấp xã đã cấp sổ cư trú tạm thời và thẻ ngoại kiều nhưng cả gia đình vẫn bị phía Campuchia từ chối cấp quốc tịch. Bà Lê Thị Thấm: “Ta nói đem giấy này về phải giữ sạch sẽ đừng để bị ướt, chuột cắn. Đem về trình đồn công an địa phương để cho công an chứng nhận mình ở đây từ đó tới giờ.
Mục đích để chính phủ quản lý cộng đồng người Việt dễ hơn và thứ hai Nhà nước cũng có thể thu lệ phí từ người Việt đang sống ở đây. Trước đó, họ là người nhập cư bất hợp pháp. Chính phủ không biết họ có quê quán ở đâu, sang Campuchia để làm gì, từ lúc nào, và sống ở đâu… – Đại tướng Khieu Sopheak
Nhưng chúng tôi không hiểu giấy công nhận người nước ngoài nhập cư này họ làm từ bao giờ. Họ gọi chụp hình thì mình chụp hình. Khi người ta mời đi nhận giấy này, người ta chỉ nói trong một giấy chứng nhận thì phải đóng 250.000 Riel (tương đương 1 triệu 300 ngàn đồng), thời hạn 2 năm. Chúng tôi không biết giấy này có giá trị thế nào, thuộc loại giấy gì. Chỉ biết người ta bắt cho đóng 250.000 Riel nhưng gia đình tôi nghèo khổ có tiền đâu mà đóng.”
Ông Nguyễn Văn Thanh, sống ở Campuchia hơn 20 năm nay vừa nhận được giấy công nhận người nước ngoài nhập cư vào Campuchia nói ông cần sổ gia đình và giấy chứng minh nhân dân chứ không phải giấy công nhận người Việt nhập cư: “Tôi sống ở đây từ năm 1985, ông già tôi sống trước đây nữa. Tôi mới nhận được giấy nhập cư từ Bộ Nội vụ Campuchia hôm qua nhưng không biết lý do gì mà người ta cấp giấy này cho tôi. Tôi cũng không biết giấy này có giá trị thế nào bởi vì tôi mới có được nên không biết ổn hay không ổn sau này. Nếu người ta cho mình ở thì trong lòng cũng vui. Người ta cấp cho mình thì mình vui mừng biết làm sao bây giờ. Nhưng có nhiều trường hợp không đi nhận giấy này.” Theo giấy công nhận người nước ngoài nhập cư vừa cấp cho cộng đồng người Việt Nam, giấy tờ tùy thân mới này có thời hạn hai năm, ghi rõ nguyên quán ở Việt Nam. Để được cấp giấy này, mỗi người từ 18 tuổi trở lên phải đóng 250.000 Riel (tương đường 1.300.000Đ). Nếu một gia đình có 4 người thì phải đóng 1 triệu Riel (tương đương 5.200.000Đ). Giấy công nhận người nước ngoài nhập cư này không được ghi rõ quyền lợi của công dân nước ngoài trong đó nhưng buộc người có giấy này phải tuân thủ luật pháp nước sở tại. Hiện, Bộ Nội vụ Campuchia đã làm gần 4.000 giấy công nhận người Việt nhập cư vào Campuchia nhưng đến nay chỉ có khoảng 50% người Việt đến nhận giấy tờ nói trên vì lý do không tiền nộp lệ phí. Đại tướng Khieu Sopheak, phát ngôn nhân Bộ Nội vụ Campuchia nói chính phủ nước này bắt đầu siết chặt luật lệ quản lý người Việt Nam, bắt buộc người Việt phải tôn trọng luật xuất nhập cảnh và trình chính quyền địa phương. Ông Khieu Sopheak cho biết: “Mục đích để chính phủ quản lý cộng đồng người Việt dễ hơn và thứ hai Nhà nước cũng có thể thu lệ phí từ người Việt đang sống ở đây. Trước đó, họ là người nhập cư bất hợp pháp. Chính phủ không biết họ có quê quán ở đâu, sang Campuchia để làm gì, từ lúc nào, và sống ở đâu nhưng bây giờ phải thực hiện đầy đủ luật xuất nhập cảnh.”
Ông Trương Văn Tới, Phân Hội trưởng thuộc Hội người Việt Nam tại xã Areya Ksach khẳng định với RFA rằng giấy công nhận người Việt nhập cư là loại giấy chứng nhận người Việt sang sống bất hợp pháp
Cộng đồng người Việt đã sinh sống qua nhiều thế hệ ở Campuchia song chưa có giấy tờ chính thức, chỉ có sổ cư trú tạm thời; số có thẻ ngoại kiều; số sang làm ăn theo thời vụ, đa phần không có giấy tờ vì chính phủ Phnom Penh vẫn chưa có những chính sách riêng phù hợp với tính đặc thù của cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia. Theo kết quả phỏng vấn với 20 gia đình người Việt thuộc cộng đồng người Việt tại xã Areya Ksach, huyện Lvea Aem, tỉnh Kandal vào ngày 28/8, những gia đình trên đã bày tỏ bất bình với chính quyền và từ chối nhận loại giấy tờ trên. Giấy chứng nhận người Việt sang sống bất hợp pháp? Ông Trương Văn Tới, Phân Hội trưởng thuộc Hội người Việt Nam tại xã Areya Ksach khẳng định với RFA rằng giấy công nhận người Việt nhập cư là loại giấy chứng nhận người Việt sang sống bất hợp pháp. Do đó, khoảng 200 gia đình người Việt sinh sống tại xã này không cần loại giấy trên: “Trời ơi, tôi ở lâu năm rồi sau mà cấp cho tôi giấy nhập cư vào vậy. Giấy đó để cấp cho những người ngoại kiều chưa nhập quốc tịch được. Nó dành cho dân mới lên. Nhưng dân ở đây không cần giấy công nhận nhập cư vì họ sinh sống ở đây lâu đời. Cộng đồng người Việt tại xã Areya Ksach này chỉ cần giấy sống hợp pháp.” Còn bà Lê Thị Thấm: “Nói thật, cầm giấy tờ này đi qua biên giới người ta không cho đi. Đi thì phải đóng tiền 50-100$, mới cảnh sát cho qua lại. Còn các loại giấy tờ này trình với công an biên phòng thì họ nói không sử dụng. Mình muốn có tấm giấy phù hợp luật pháp để đi đây đi đó làm ăn như người ta. Mình muốn làm giấy CMND cho con mình, để sau này vào làm trong công ty nhưng họ không làm cho.”
Nói thật, cầm giấy tờ này đi qua biên giới người ta không cho đi. Đi thì phải đóng tiền 50-100 Riel, mới cảnh sát cho qua lại. Còn các loại giấy tờ này trình với công an biên phòng thì họ nói không sử dụng – bà Lê Thị Thấm
Trong khi đó, Đại tướng Khieu Sopheak, người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia cho biết cộng đồng người Việt có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch Campuchia nếu họ có đủ điều kiện. Bao gồm, có chứng nhận tư cách đạo đức tốt của xã trưởng hoặc trưởng phường; có giấy chứng nhận chưa bị kết án về tội hình sự; có giấy xác nhận sống có nơi ở Campuchia và sống liên tục trong thời gian 7 năm kể từ ngày được cấp phép cư trú trong phạm vị của luật nhập cư; có nơi ở tại Campuchia vào thời điểm nộp đơn xin nhập quốc tịch; biết nói và viết tiếng Khmer, có hiểu biết nhất định về lịch sử Khmer và có bằng chứng rõ ràng là bản thân có thể sống tốt trong xã hội Campuchia. Ông Khieu Sopheak nhấn mạnh: “Mặc dù một số người Việt hội đủ điều kiện nhưng họ không nộp đơn xin nhập quốc tịch, thì chính phủ không thể cấp quốc tịch cho họ. Trừ trường hợp Quốc vương ký sắc lệnh cấp quốc tịch. Nhưng khi cộng đồng người Việt chưa có quốc tịch thì phải đăng ký giấy tờ giống người sống bất hợp pháp.” Đối với hoạt động cấp giấy chứng nhận người Việt nhập cư này, giới phân tích xã hội và các tổ chức theo dõi quyền dân tộc thiểu số ở Campuchia cho rằng sẽ gây nhiều bức xúc cho cộng đồng người Việt sống lâu đời ở Campuchia. Ngoài ra, phần nào làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của cộng đồng người Việt đang không có việc làm ổn định và thiếu vốn sản xuất. Đến năm 2002, theo thống kê của Bộ Nội vụ Campuchia, người Việt Nam ở Campuchia có khoảng 100.000 người nhưng con số thực tế có thể hơn thế khá nhiều. Phần lớn cộng đồng người Việt ở Campuchia mong muốn chính phủ xứ chùa Tháp giải quyết địa vị pháp lý cho họ, nhất là các đối tượng đã định cư lâu đời ở Campuchia.