Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Một Cuộc Đời Hiếm Có

Cac Bai Khac

No sub-categories

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Một Cuộc Đời Hiếm Có
Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi  (Đặc San Lâm Viên)

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy qua đời vào ngày 28 tháng 7, 1990 trên bước đường hoạt động tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ tự do thực sự. Từ đó đến nay đã trải qua 29 năm, cứ đến độ hè về vào cuối tháng bảy hàng năm đều có lễ giỗ tưởng niệm đến Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Chính sự kiện khác thường này cho thấy hậu thế không muốn quên một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Thực vậy, sự ra đi vĩnh viễn của Gs Huy để lại biết bao nhiêu thương tiếc cho những người còn lại.

Điển hình năm nay có 2 buổi lễ tưởng niệm được chính thức tổ chức tại Úc và tại Mỹ:

  1. Ngày Chủ Nhật 28-07-2019 từ 1:30pm đến 4:30pm
    Tại Trung Tâm Văn Hoá & Sinh Hoạt Cộng Đồng VN
    6-8 Bibby Place, Bonnyrigg NSW 2177
  2. Ngày Chủ Nhật 28-07-2019 từ 1:30pm đến 4:30pm
    Tại hội trường thành phố Westminster
    8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683

I/ Bất ngờ

Mới đây, vào ngày 14 tháng 7, phía anh em chúng tôi bất ngờ nhận được từ trưởng nữ của Giáo sư Huy – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thúy Tần – một phóng ảnh chụp lá thư chia buồn và vinh danh của Tổng Thống Mỹ George Bush (còn được gọi là “Bush cha”)

Trong lá thư “chính gốc” này, TT George Bush lên tiếng ca ngợi Giáo sư Huy là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt và dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau.

“Tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt” thì đúng rồi, nhưng tại sao lại cho cả dân tộc Mỹ? Đây có thể là một bí ẩn, mà chúng tôi sẽ phân tích và giải thích phía dưới trong phần V.

II/ Khả năng đa tài xuất chúng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Điểm nổi bật nhứt của Giáo sư Huy là có khả năng đa tài xuất chúng:

1) Nổi tiếng về các bài thơ ái quốc.

Chỉ mới 19 tuổi, Giáo sư Huy đã sáng tác ra được những bài thơ ái quốc đi vào văn học sử VN. Tập Thơ Hồn Việt thể hiện rỏ lý tưởng của Giáo sư Huy từ lúc thiếu thời dấn thân vào con đường tranh đấu cho đến khi lìa đời. Những bài thơ “Anh Hùng Vô Danh”, “Ngày tang Yên Bái” …. đã được chọn giảng dạy tại học đường và đã trở thành những vần thơ lịch sử nổi tiếng của Dân Tộc Việt. Nhìn lại văn học sử VN có lẽ Giáo sư Huy là người duy nhứt có được một tập thơ nổi tiếng ái quốc ngay từ tuổi 19.

2) Xuất sắc trên bước đường học vấn

Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương. Một chuyện thật lạ là Giáo sư Huy đã tự học để lấy bằng Tú Tài Việt Nam. Cũng như trên bước đường lưu vong chính trị tại Pháp (1955 – 1963) Giáo sư Huy đã ghi tên học trường Khoa Học Chính trị Paris và trường Ðại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Giáo sư Huy đỗ bằng tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chính Trị Paris năm 1958, Cử Nhân Luật Khoa năm 1959, Cao Học Chính Trị năm 1960, và Tiến Sĩ Chính Trị Học năm 1963.

Lúc còn thời sinh viên chúng tôi có “duyên” gặp được Giáo Sư Huy “ngắn ngủi” trên bước đường đi thuyết trình tại Âu Châu vào dịp Mùa Hè Lửa Đỏ 1972. Có lẽ “hạp tuổi” nhau nên sau đó chúng tôi được Giáo Sư Huy gửi tặng một số tác phẩm do nhà xuất bản Cấp Tiến in.

Trong đó đặc biệt có quyển Đề Tài Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chánh Trị Trung Quốc Cổ Thời. Quyển này chính là Luận Án Tiến Sĩ của Giáo Sư Huy và được chấm xuất sắc nhứt trong niên khóa 1962-1963 tại Viện Đại Học Paris. Có lẽ đây là bản in duy nhứt còn tồn tại được sau bao nhiêu biến chuyển.

3) Thành công trong sự nghiệp giáo dục

Khi trở về VN, Giáo sư Huy vào làm giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh dạy về chính trị và luật hiến pháp, đồng thời làm giảng viên ở nhiều trường đại học khác: Viện Ðại Học Ðà Lạt, Viện Ðại Học Huế, Viện Ðại Học Cần Thơ, Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Viện Ðại Học Minh Ðức, trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn.  Giáo sư Huy cũng được mời làm giảng viên ở các trường quân sự như trường Cao Ðẳng Quốc Phòng, trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, Giáo sư Huy được mời làm khoa trưởng trường Ðại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ.

4) Trở thành một học giả uyên bác

Với trí óc cực kỳ thông minh như vậy, Giáo sư Huy nhanh chóng trở thành một học giả với tầm kiến thức rất uyên bác trên nhiều lãnh vực. Điều này thấy thực rõ ràng phía dưới trong phần IV về sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.

Đặc biệt trong tác phẩm “Quốc Triều Hình Luật” với nội dung bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Trong đó qua thời gian dài nghiên cứu, Giáo Sư Huy đã khám phá ra quân sư Nguyễn Trãi là tác giả thực sự của Bộ Luật Hồng Đức và từ triều đại Hậu Lê phát sinh tinh thần giáo điều, mà đã làm một dân tộc Việt Nam thông minh, can đảm, quật cường nay phải chịu thảm cảnh đất nước tan nát nghèo đói. Trong di bút cuối cùng được đọc tại Hòa Lan vào ngày 4 tháng 8 năm 1990, Giáo sư Huy ước mong khi đất nước được thanh bình thì lập tức lui về quê nhà viết sách phân tích rỏ ràng tại sao một dân tộc có lịch sử oai hùng mà lần lần lụn bại đến nổi nay trở nên một trong vài quốc gia nghèo nhất thế giới.

5) Một chiến sĩ tranh đấu cho VN đến hơi thở cuối cùng

Đối với Giáo sư Huy: Tổ quốc VN là trên hết. Thực vậy, lớn lên với tâm tình nồng nhiệt cho quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu tự do cho đất nước. Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy hiến dâng trọn vẹn cho Dân Tộc Việt Nam. Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gởi gấm vào tâm tình nồng nàn ấy. Vì tình yêu tổ quốc, con người tài hoa lỗi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách. Ông đã đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa VN.

III/ Cuộc đời “hiếm có” của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

Sanh vào ngày 2 tháng 11 năm 1924, quê tại Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa.

Văn bằng:

– 1963: Tiến Sĩ Chánh Trị Học, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris. Luận án: “Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chánh trị Trung Quốc cổ thời”
– 1960: Cao Học Chánh Trị, Trường Đại Học Luật Khoa & Kinh Tế Paris.
– 1959: Cử Nhơn Luật Khoa và Kinh Tế, Viện Đại Học Paris.
– Tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị  Đại Học Paris.
– Tự học thi đậu bằng Tú Tàị.
– Học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, thi đậu bằng Trung Học. Một trong học sinh đậu xuất sắc nhứt tại Đông Dương (xem phim tài liệu về Thân Thế & Sự Nghiệp Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Câu Lạc Bộ Đằng Phương thực hiện năm 2007).

Chức vụ:

Trong Ngành Giảng Huấn:

– Từ 1976: Phụ Khảo tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard (Hoa Kỳ).
– 1965-1975: Giáo Sư Chánh Trị Học và Luật Hiến Pháp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ, Trường Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn, Trường Đại Học Luật Khoa tại Huế. Ngoài ra còn giảng dạy tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Minh Trí… và ở Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Trường Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.
– 1967-1968: Khoa Trưởng Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội tại Cần Thơ.

Trong Chánh Quyền:

– 1973 và 1968-1970: Nhơn viên phái đoàn tham dự thương thuyết Hòa Đàm Paris.
– 1967: Hội Viên Hội Đồng Dân Quân.
– 1964: Đổng Lý Văn Phòng Phủ Phó Thủ Tướng Đặc Trách Bình Định.

Hoạt Động Chánh Trị:

– Từ 1986: Hội Viên Ủy Ban Danh Dự của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ VN Tự Dọ
– Từ 1981: Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Dân Chủ Việt Nam.
– 1973-1975: Đồng Chủ Tịch Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội (gồm 6 đảng).
– 1969-1975: Tổng Thơ Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.
– 1964-1990: Thành lập đảng Tân Đại Việt và là lãnh đạo đảng cho đến năm 1990.
– 1945-1964: Đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và tham dự Ủy Ban Chấp Hành năm 1948.

Tưởng Lục:

– WHO’S WHO đông bộ Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 18, 1981-1982.
– Giải thưởng của Viện Đại Học Paris trao luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm.

Chuyên Môn:

– Luật Hiến Pháp, Tư Tưởng Chánh Trị, Định Chế Chánh Trị, Bang Giao Quốc Tế.
– Thông thạo ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Hán văn.

IV/ Sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Tiếng Việt:

1. HỒN VIỆT, thơ, Sài Gòn, 1950, tái bản ở Paris năm 1984.
2. QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT (Quyển A), Việt Publisher, Canada, 1990.
3. DÂN TỘC SINH TỒN, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng, được bổ túc, phong phú hóa và thâu nhận các nguyên tắc tự do dân chủ, (2 quyển), Sài Gòn, 1964.
4. DÂN TỘC HAY GIAI CẤP ?
5. BIỆN CHỨNG DUY XẠO LUẬN (Trào phúng).
6. CÁC ẨN SỐ CHÁNH TRỊ TRONG TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP KIM DUNG, Thanh Phương Thư Quán, San Jose, Hoa Kỳ, 1986.
7. HÀN PHI TỬ: bản dịch ra Việt ngữ tác phẩm của Hàn Phi, nhà lý thuyết trứ danh của học phái Pháp Gia Trung Quốc, (2 quyển), Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974.
8. LỊCH SỬ CÁC HỌC THUYẾT CHÁNH TRỊ, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1970-1971.
9. ĐỀ TÀI NGƯỜI ƯU TÚ TRONG TƯ TƯỞNG CHÁNH TRỊ TRUNG QUỐC CỔ THỜI, bản dịch Luận án Tiến sĩ viết bằng tiếng Pháp, Cấp Tiến, Sài Gòn, 1969.
10. Tên Họ Người Việt Nam . Mekong-Tỵnạn, California, USA
– Cùng viết với Gs Trần Minh Xuân (2 cuốn 11 và 12 trong danh sách này):
11. Hiệu đính và chú thích LỤC SÚC TRANH CÔNG. Đi tìm tác giả và dụng ý chánh trị trong tác phẩm. Mekong-Tỵnạn, California, USA, 1991.
12. HỒ CHÍ MINH: TỘI PHẠM NHƠN QUYỀN VIỆT NAM. Mekong-Tỵnạn, USA, 1992.

Tiếng Pháp:

13. POUR UNE NOUVELLE STRATÉGIE DE DÉFENSE DU MONDE LIBRE CONTRE L’EXPANSION COMMUNISTE, Alliance Pour La Démocratie Au Vietnam, Paris, 1985.

Tiếng Anh:

14. THE LÊ CODE: LAW IN TRADITIONAL VIETNAM, bản dịch ra tiếng Anh và chú thích bộ QUỐC TRIỀU HÌNH LUẬT, tục danh LUẬT HỒNG ĐỨC của nhà Lê (1428-1788), Ohio University Press, Hoa Kỳ, 1987 – cùng viết với Gs Tạ Văn Tài và Gs Trần Văn Liêm –
15. A NEW STRATEGY TO DEFEND THE FREE WORLD AGAINST COMMUNIST EXPANSION, Alliance For Democracy In Vietnam, 1985.
16. PERESTROIKA OR THE REVENGE OF MARXISM OVER LENINISM, Việt Publisher, Canada, 1990.
Cùng viết với Gs Stephen B. Young (2 cuốn 17 và 18 trong danh sách này)
17. UNDERSTANDING VIETNAM, do T.D.T. Thomason xuất bản, The Displaced Persons Center Information Service, Bussum, The Netherlands.
18. THE TRADITION OF HUMAN RIGHTS IN CHINA AND VIETNAM, Yale Southeast Asia Studies, The LẠC VIỆT Series, New Haven, CT, USA, 1990.

Bài Đăng Báo:

Tiếng Việt:

– 1947-1990: Bài nhận định Tình Hình Thế Giới Trong Tháng Vừa Qua cùng nhiều bài báo về văn hóa & chánh trị Việt Nam trên nhiều tờ báo tiếng Việt ở trong và ngoài nước, như: TỰ DO DÂN BẢN, ĐƯỜNG MỚI, MEKONG-TỴNẠN, SAIGON, THẰNG MÕ, HỒN VIÊT, HƯỚNG VIỆT, DIỄN ĐÀN VIỆT NAM, CẤP TIẾN, DÂN QUYỀN, LỬA THIÊNG, QUỐC PHÒNG, ĐUỐC VIỆT, THANH NIÊN …

Tiếng Pháp:

– LA FRANCE ET LE VIETNAMIEN PARTISAN DE LA DÉMOCRATIE LIBÉRALE, trong ĐƯỜNG MỚI, Pháp Quốc, số 4, 1985.
– LE CODE DES LÊ, nhận xét về bản dịch bộ luật nhà Lê ra tiếng Pháp của Ông Deloustal và về niên biểu ấn hành của bộ luật này, trong BULLETIN DE L’ÉCOLE FRANCAISE D’EXTRÊME ORIENT, Quyển LXVII, Pháp Quốc, 1980.

Tiếng Anh:

– Cùng viết với Gs Tạ Văn Tài: THE VIETNAMESE LEGAL TEXTS, trong THE LAW OF SOUTH-EAST ASIA, Quyển 1, THE PRE-MODERN TEXTS, do M.B. Hooker xuất bản, Butterworth & Co, 1986.
– LIMITS ON STATE POWER IN TRADITIONAL CHINA AND VIETNAM, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 6, Hè-Thu 1985.
– THE MING CODE IN VIETNAMESE LEGAL HISTORY: ITS INFLUENCE ON THE VIETNAMESE CODES AND OTHER LEGAL DOCUMENTS, trong MING STUDIES, số 19, Thu 1984.
– ON THE PROCESS OF CODIFICATION OF THE NATIONAL DYNASTÝS PENAL LAWS, trong THE VIETNAM FORUM, Ban Nghiên Cứu Đông Nam Á Châu của Đại Học Yale, Hoa Kỳ, số 1, Đông-Xuân 1983.
– THE PENAL CODE OF VIETNAM’S LÊ DYNASTY, trong STATE AND LAW IN EAST ASIA, để kỹ niệm ngày Ông Karl Bunger trí sĩ, do Dieter Eikemeier và Herber Franke xuất bản, Otto Harrassowitz, Weisbaden, 1981.

Thuyết Trình:

· VAI TRÒ HỒ CHÍ MINH TRONG DIỄN TIẾN CỦA TÌNH TRẠNG NHƠN QUYỀN TẠI VIỆT NAM, HỘI THẢO VỀ ĐỀ TÀI “CON NGƯỜI VÀ DI SẢN CỦA HỒ CHÍ MINH” tại Điện Luxembourg (Trụ sở Thượng Nghị Viện Pháp), trong 2 ngày 25 và 26-5-1990.
· CHÁNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA CỘNG SẢN VIỆT NAM tại Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 11-4-1988.
· KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ TẠI VIỆT NAM , Đại Học Không Quân Hoa Kỳ, Colorado Springs, ngày 12-4-1988.
· CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH Á CHÂU tại Đại Học Monash, Melbourne, Úc Đại Lợi, ngày 17-9-1987.
· LIÊN MINH LIÊN XÔ – CỘNG SẢN VIỆT NAM VÀ NỀN AN NINH CỦA ĐÔNG NAM Á CHÂU, Hội Thảo Bàn Tròn do Hội Đồng An Ninh Quốc Tế tổ chức ở Bangkok từ ngày 6 đến 8-7-1986.
· TRẬN CHIẾN ĐẤU CUỐI CÙNG VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM: 1973-1975, Hội Thảo do Đại Học Glassboro tổ chức trong ngày 7 và 8-4-1986.
· VIỆT NAM DƯỚI ÁCH CỘNG SẢN, Hội Thảo tại Đại Học Harvard, ngày 23-11-1981, sau được Đại Học George Mason đăng trong bài nghiên cứu về VN.
· THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ DO CÁC NƯỚC ẤY GÂY RA, Đại Học Minnesota, 3-10-1981.
· NGUYÊN NHƠN VÀ HẬU QUẢ CỦA VIỆC MIỀN NAM VIỆT NAM SỤP ĐỔ NĂM 1975, tại Đại Học Washington ở Seattle, 1980.

V/ Tại sao TT Mỹ lại chia buồn và vinh danh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy?

1) Có lẽ lần đầu tiên một người Việt Nam qua đời, được chính Tổng Thống Hoa Kỳ đương nhiệm – ông George Bush – chia buồn và lên tiếng ca ngợi là một nhân vật tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt & dân tộc Mỹ với tấm gương sáng ngời cho thế hệ mai sau.

Như phía trên đã nhận xét: “Tận tụy phụng sự cho dân tộc Việt” thì đúng rồi, nhưng tại sao lại cho cả dân tộc Mỹ?

Khách quan mà nói: Giáo sư Huy không phải là một nguyên thủ quốc gia, lại không phải công dân Mỹ (Giáo sư Huy giử quốc tịch VN đến lúc qua đời!) và thực sự chỉ là làm việc phụ khảo cho trường Ðại Học Luật Khoa Harvard. Như thế Tổng Thống Mỹ đương nhiệm đâu cần phải viết thư chia buồn với lời lẽ ca ngợi lớn lao như thế. Vậy đây có thể là một bí ẩn lớn!

2) Thực vậy nhìn kỹ lại trong 12 năm chánh phủ Reagan & Bush đã xảy ra biến cố quan trọng nhứt trong thế kỷ 20 là Bức Tuờng Berlin sụp đỗ vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 và sau đó toàn thể vùng Đông Âu & Liên Xô được tự do.

Để tìm ra ai là người có công lao tạo ra biến cố quan trọng này thì mỗi quốc gia đều hãnh diện cho rằng chính là người của mình đã có công lao lớn nhứt.

Chẳng hạn: Ba Lan với lãnh tụ tranh đấu Walesa & Đức Giáo Hoàng John Paul II, Hung Gia Lợi với Thủ Tướng Nemeth, Đông Đức với lực lượng cải cách, Tây Đức với Thủ Tướng Brandt, Áo với Hoàng Thân Otto von Habsburg, Liên Xô với Tổng Bí Thư Gorbachev, Anh với Nữ Thủ Tướng Thatcher.

3) Riêng theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy phân tích cho rằng ông Gorbachev phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Reagan đang leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiển SDI (Strategic Defense Initiative). Chỉ trong lúc tâm sự, Giáo sư Huy mới “tiết lộ & giải thích” đưa một cái nhìn độc đáo cho rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua (Chess) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé (Poker) nên thường phải “tháu cáy” với cây bài xấu nhưng vẫn có thể “tố” cho địch thủ bỏ chạy.

Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đã “tố” dùng kế hoạch SDI “tháu cáy” để “hù” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev vốn có thói quen đa nghi ắt phải cải tổ nền tảng để có đủ thực lực đương đầu lại. Quả nhiên ông Gorbachev xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế (Perestroika), sau đó về chính trị (Glasnost). Nhưng chính vì cải tổ chính trị khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đỗ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21 tháng 12 năm 1991 là hậu quả tất nhiên đó. Quả thực sau khi Liên Xô sụp đổ, chương trình SDI cũng được dẹp bỏ vì đã đạt được mục tiêu là xí gạt “tố” “tháu cáy” cấp lãnh đạo Liên Xô.

Vì vậy, ông Gorbachev ở hải ngoại được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông Âu, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì, vì bị chỉ trích là không có khả năng lãnh đạo làm Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới.

4) Nếu xem lại tất cả tài liệu về sự sụp đổ của Liên Xô thì không hề thấy dòng chữ nào về “mưu thần chước quỷ” tố tháu cáy này. Chỉ có duy nhứt Giáo sư Huy nhìn thấy thấu rõ đường đi nước bước này của chánh phủ TT Reagan & Bush.

Nên nhớ thông thường chỉ người “bày mưu chuốc kế” mới thấy rõ trước được những biến chuyển sẽ xảy ra.

Vì vậy đọc qua nội dung lá thư của TT Bush chia buồn & vinh danh Giáo sư Huy “đã phụng sự dân tộc Mỹ” thì rất có thể nói phần lớn e rằng chính Giáo sư Huy đưa ra mưu lược “tố tháu cáy” cho chánh phủ Mỹ đối phó với Liên Xô.

Ngoài ra lá thư của TT Bush còn dùng luôn tiện để cám ơn Giáo sư Huy về những đóng góp cùng chánh phủ Mỹ – nhứt là những hội thảo và thuyết trình trong các hội nghị quốc tế (xem trong phần IV phía trên).

Vả lại một người Mỹ rất ngưỡng mộ và thường kính phục coi Giáo sư Huy như bậc thày của mình. Đó là Giáo sư Stephen B. Young (Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa Minnesota).

Ông này là một nhân vật nổi tiếng quen biết rất nhiều cấp lãnh đạo trong đảng Cộng Hòa của chánh phủ TT Reagan & Bush. Nên rất có thể qua đường dây đó, Giáo sư Huy đã chuyển đạt được mưu chước này.

VI/ Kết luận

1) Như mọi người đều biết trong lịch sử đã xảy ra nhiều trường hợp đưa ra mưu kế rất ngắn gọn. Chẳng hạn nhân vật Nguyễn Trãi khi đầu quân với vua Lê Lợi đã đưa ra mưu lược “Đánh vào lòng người (tâm công kế)” để thắng quân Minh. Cũng như trong Tam Quốc Chí, nhân vật Mã Thốc dâng kế “Chinh phục lòng người” cho Khổng Minh đối phó với Mạnh Hoạch. Vậy với trí óc cực kỳ thông minh & uyên bác và luôn phân tích thời cuộc, thì ắt Giáo sư Huy có thể nghĩ ra mưu chước “tố tháu cáy”.

2) Cuộc đời của Giáo sư Huy quả thực “hiếm có” và đúng là tấm gương sáng cho hậu thế – như TT Bush đã ca ngợi.

Giáo sư Huy âu lo nhiều về tinh thần giáo điều đã thấm sâu vào huyết quản dân tộc Việt Nam, đưa đến nạn chia rẽ, kỳ thị (tôn giáo, địa phương, chủng tộc…) làm đất nước càng ngày càng suy vong.

Tuy vậy Giáo Sư Huy đặt rất nhiều hy vọng vào tương lai, vì nọc độc đó đã phát hiện được thì sẽ tuyệt trừ được. Ông đã từng tâm sự tin chắc đất nước Việt Nam mai này sẽ được tự do dân chủ và thế hệ tương lai sẽ tài giỏi hơn, xây dựng được một đất nước ấm no hơn thế hệ của ông.

3) Có lẽ đó chính là biểu tượng rỏ ràng cho tinh thần Nguyễn Ngọc Huy, lúc nào cũng đầy quyết tâm và lạc quan hướng về tương lai dân tộc. Dù khen hay chê, phải khách quan nhìn nhận trong cùng hoàn cảnh thời đại này chưa ai dám chắc làm được nhiều việc tốt đẹp hơn ông. Một nhân tài VN đã dám sống tận tụy một tay chăm sóc mọi việc lớn nhỏ cho đến nổi kiệt sức trút hơi thở cuối cùng. Thật khó tìm lại được một tấm gương tài đức vẹn toàn và cung cúc tận tụy hy sinh cho đại cuộc như vậy trong cõi đời đầy nhiểu nhương này.

Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
Tháng 07, 2019