Giăng lưới trên trời
Lê Minh Nguyên – Sun, May 22, 5:01 PM
Mỹ, Nhật, Úc và Ấn hôm thứ Ba 24/5 sẽ công bố một sáng kiến hàng hải nhằm hạn chế đánh bắt cá trái phép ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong nỗ lực mới nhất của “Bộ tứ” nhằm chống lại hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác của Bộ Tứ – thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và thủ tướng mới đắc cử của Úc Anthony Albanese – sẽ công bố sáng kiến này tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, cáo buộc rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với 95% việc đánh bắt cá bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sáng kiến này sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối các trung tâm giám sát hiện có ở Singapore, Ấn Độ và Thái Bình Dương nhằm tạo ra một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép từ Ấn Độ Dương và Đông Nam Á đến Nam Thái Bình Dương.
Hệ thống này sẽ cho phép Mỹ và các đối tác giám sát các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, ngay cả khi các tàu đánh cá đã tắt bộ phát định vị (transponders) thường được sử dụng để theo dõi các tàu hàng hải.
Ông Charles Edel, Chủ tịch chi nhánh Úc của CSIS, cho biết: “Trung Quốc đã trở thành thủ phạm đánh bắt cá trái phép lớn nhất thế giới. Họ đã làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn cá toàn cầu và phá hoại sinh kế truyền thống của nhiều quốc gia, vì vậy bất kỳ bước nào được thực hiện để theo dõi, xác định và hạn chế hoạt động như vậy sẽ mang lại lợi ích về môi trường và an ninh cho khu vực”.
Mỹ coi sáng kiến này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc của một số đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương.
Một viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm: “Chúng tôi muốn mọi người trong khu vực nhớ rằng Hoa Kỳ cùng các đối tác và đồng minh của HK đã là những đối tác được lựa chọn trong việc thực hiện an ninh và hòa bình kể từ ngày thế chiến thứ hai kết thúc. Washington đang làm sâu sắc hơn các mối quan hệ của HK với khu vực” để chống lại Trung Quốc.
Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ giúp đỡ mọi thứ, từ giáo dục cho trẻ em gái đến khoa học và dạy tiếng Anh, và cũng sẽ tìm cách giúp họ bảo vệ tài nguyên biển và các thể chế dân chủ.
“Mỹ có các phương tiện và nói chung là những nước khác cũng vậy, có thể giúp họ đáp ứng những gì họ muốn. Điều mà hầu hết họ muốn không phải là một căn cứ quân sự với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.”
Mỹ đang xây dựng một chiến lược nhiều mặt, từ can dự nhiều hơn đến trợ giúp về biến đổi khí hậu, vốn là mối đe dọa hiện hữu đối với một số đảo quốc Thái Bình Dương.
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan, Anh và Pháp sẽ sớm khởi động một sáng kiến có tên là “Đối tác của Thái Bình Dương” để giúp các đảo quốc Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ cũng đang nói chuyện với Fiji về việc gắn bó “chặt chẽ hơn vào kiến trúc kinh tế mới nổi mà Hoa Kỳ đang thiết kế”. Vào thứ Hai 23/5, Biden sẽ khởi động “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” để tăng cường sự tham gia kinh tế với các nước ở Châu Á.
Sáng kiến hàng hải mới này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Bắc Kinh đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Kiribati, một quốc gia gồm 33 hòn đảo trải dài khoảng 3.000 km dọc theo ranh giới giữa Bắc và Nam Thái Bình Dương, nằm phía đông-bắc Solomon.
Hoa Kỳ đã báo động khi Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon, nó có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân và phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương.
Ông Gregory Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại CSIS, cho biết việc quân đội Trung Quốc tiếp cận Kiritimati (Đảo Christmas) hoặc các đảo khác ở phía đông Kiribati sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với Solomons.
“Chúng không chỉ tương đối gần Hawaii, mà theo Hiệp ước Tarawa, Mỹ đã đồng ý từ bỏ yêu sách của mình đối với những hòn đảo đó với điều kiện Kiribati không cho phép bất kỳ bên thứ ba nào dựa vào chúng mà không tham khảo ý kiến của Mỹ.”
Phát biểu về nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút các quốc đảo Thái Bình Dương đi với TQ, một viên chức cao cấp của Mỹ cho biết nó đánh dấu TQ đã có một chiến lược đầy tham vọng, đòi hỏi Washington phải “đẩy mạnh cuộc chơi của HK.”
“Trung Quốc đã làm rất nhiều thứ ở Thái Bình Dương, dưới hình thức rượu cũ trong bình mới… Đây là một bước thay đổi trong tham vọng của họ. Và đó là một thách thức trực tiếp mà chúng tôi ở phương Tây, với tư cách là các quốc gia có lợi ích lâu đời ở Thái Bình Dương, phải giải quyết ”.