Giàn khoan Trung Cộng: Ấn Độ lo ngại
Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản và khối ASEAN, Ấn Độ cũng lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại căng thẳng tại Biển Đông đe dọa quyền tự do lưu thông trên biển. Tuyên bố của New Delhi đã bị Bắc Kinh phản bác ngay lập tức. Hôm qua, 12/05/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc nhở rằng «Ấn Độ không cần phải lo lắng».
Là quốc gia ngoài khu vực đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến quyền tự do hàng hải trong vùng Biển Đông, Ấn Độ dĩ nhiên đã theo dõi sát diễn biến tình hình vụ giàn khoan Trung Quốc gần bờ biển Việt Nam.
Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra thông cáo tỏ ý lo lắng trước các diễn biến gần đây ở Biển Đông, tại nơi tàu Trung Quốc bị tố cáo là đã đâm vào tàu Việt Nam. Các sự cố đã nẩy sinh sau khi Hà Nội công khai phản đối việc Tập đoàn dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNOOC đưa giàn khoan xuống hoạt động trong khu vực.
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Ấn Độ còn kêu gọi các bên «giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc phổ quát được công nhận của luật pháp quốc tế.»
Đối với Ấn Độ, quyền tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở, và cần phát huy hợp tác trong việc bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải và tăng cường an ninh trên biển.
Thái độ quan ngại của Ấn Độ đã bị lập tức bị Trung Quốc bác bỏ. Trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh vào hôm qua, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hàm ý cho rằng chuyện ở Biển Đông không liên quan gì đến Ấn Độ cho nên New Delhi không cần phải lo lắng.
«Tôi đã nhiều lần khẳng định lập trường của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tôi muốn nói với nhân dân Ấn Độ rằng họ không nên lo lắng quá nhiều về tình trạng hiện nay ở Biển Đông».
Quan điểm xuyên suốt của Trung Quốc từ trước đến nay là không muốn cho các cường quốc ngoài khu vực xen vào vấn đề Biển Đông, để Bắc Kinh dễ bề chèn ép các nước nhỏ hơn mình trong vùng Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, các tuyên bố quan ngại của Mỹ, Nhật hay Ấn Độ về tình hình Biển Đông luôn luôn bị Bắc Kinh bác bỏ, cho rằng các tuyên bố đó chỉ «đổ thêm dầu vào lửa».