“Giải Pháp VNCH” để tranh đấu pháp lý cho Hoàng-Trường-Sa – Tâm Việt
Thượng Viện tiểu bang Virginia vinh danh VNCH
Trong một bức thư cho Nghị-hội mới đây, Thượng-nghị-sĩ tiểu-bang Dick Black đã viết: “Thật là một vinh-dự cho tôi được giới-thiệu phái-đoàn VNCH với Thượng-viện Virginia. Rõ ràng đây là một trong những nhóm anh-hùng nhất mà chúng ta được thấy tề tựu ở thủ-phủ Virginia.” Trong nguyên-văn ông viết, “this was one of the most heroic groups of people ever assembled in the capital of Virginia.”
Ông cũng tỏ ra rất phấn-khởi là các báo Việt-ngữ và đài truyền hình SBTN, qua cuộc phóng-sự của phóng-viên Destiny Nguyễn, đã mang lại tin tức về buổi vinh danh VNCH và Quân-lực VNCH ở Thượng-viện Virginia hôm 10/2/2014 đi rất xa, sang cả Âu-châu và Úc-châu, thậm chí có người ở VN cũng xem được. Đó chính là một điều ông mong muốn khi ông chia xẻ hôm thứ Hai 10/2. Ông tuyên-bố: “Tôi mong là bản văn Nghị-quyết J.R. 455 của Virginia sẽ về tới Việt-nam để con em của bao chiến-sĩ oai hùng của VNCH biết được là sự hy-sinh của cha ông họ không bị lãng quên mà con được công-nhận, vinh danh.”
Bản tin báo chí được Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia phổ-biến
Nếu tin tức về buổi lễ vinh danh VNCH và Quân-lực VNCH được phổ-biến rộng rãi qua mấy bản tin tiếng Việt thì một “bản tin báo chí” trong tiếng Anh cũng đã được gởi đến Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (National Press Club) ở ngay gần Tòa Bạch Ốc và họ đã chuyển đi cho chừng 200 văn-phòng báo chí, truyền thanh, truyền hình của Mỹ và quốc-tế ngay sau đó.
Nhưng song song với bản tin, Ủy-ban Lâm-thời VNCH đã cử một phái-đoàn lên tiếp-xúc với một số văn-phòng trên Quốc-hội Liên-bang. Mục-đích của phái-đoàn là để thông-báo về những nỗ lực phục-hồi chỗ đứng cho VNCH như qua việc vinh danh hôm rồi ở Thượng-viện Virginia.
Sở dĩ phải phục-hồi VNCH, ông Nguyễn Ngọc Bích trình bầy với cô Maggie Dougherty, phụ-tá lập pháp của văn-phòng Thượng-nghị-sĩ Marco Rubio (thuộc Đảng Cộng-hòa, Florida), chẳng hạn, là vì chỉ có chính-quyền VNCH (và tiền-thân của nó là chính-quyền Quốc gia của cựu-Hoàng Bảo Đại) là đã được quốc-tế công-nhận có chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thúc đẩy một giải-pháp pháp-lý dựa trên lịch-sử vững vàng
Việc lên tiếng của Thủ-tướng Trần Văn Hữu ở Hội-nghị Hòa-bình San Francisco 1951 khẳng-định chủ-quyền lịch-sử của VN trên hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã không bị ai phản-đối, và thực-tế là từ năm đó đến năm 1974, VNCH đã đóng quân ở Hoàng Sa và cai quản đài khí-tượng do Pháp xây ở ngoài đó để hướng-dẫn tàu bè đi qua Biển Đông.
Đến năm 1954 khi Hiệp-định Genève phân chia VN ra thành hai miền thì Hoàng Sa-Trường Sa cũng được định nghĩa là thuộc về Miền Nam, trước là Quốc gia Việt-nam, sau là Việt-nam Cộng-hòa. Sự “toàn vẹn lãnh-thổ” được nhắc đi nhắc lại trong Hiệp-định Paris 1973 vẫn gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Và cuối cùng, Định-ước Quốc-tế Bảo đảm Hiệp-định Paris (ký vào ngày 1/3/1973) do 12 quốc gia dưới sự chứng-kiến của Liên-hiệp-quốc (Tổng-thư-ký LHQ lúc bấy giờ là ông Kurt Waldheim) cũng nhắc nhiều lần là không ai được vi-phạm sự toàn vẹn lãnh-thổ của VNCH. Như vậy, khi đánh chiếm miền Nam vào hai năm 1974-75 là Hà-nội trắng trợn vi-phạm Hiệp-định Paris 1973 và khi Trung-Cộng xâm-chiếm Hoàng Sa vào tháng 1/1974 là Trung-Cộng cũng xé bỏ Định-ước mà họ đã ký và long trọng tuyên-bố sẽ tôn-trọng.
Nghe những điểm này, cô Maggie Dougherty cho biết:
Thứ nhất, “boss” của cô tức Thượng-nghị-sĩ Marco Rubio rất quan tâm đến vấn-đề Biển Đông. Chính ông trước đó không lâu đã có một buổi điều trần về tình-hình Biển Đông và biển Đông-hải giữa Nhật và Trung-quốc. Không những ông quan tâm từ quan-điểm chiến-lược mà còn ủng-hộ mạnh mẽ những giải-pháp ôn hòa và hoà-bình để tránh vấp phải những biến-cố có thể đưa đến chiến-tranh.
Ông, do đó, cũng theo dõi rất kỹ chính-sách “quay gót về Á-châu” của Tổng-thống Obama và mong là nó thành công.
Cô Maggie cho rằng “giải-pháp VNCH” mà phái-đoàn đưa ra là rất hữu lý, nhất là sau khi văn-phòng UNCLOS (UN Convention on the Law of the Sea) đã ghi nhận được thư và hồ-sơ của ông Nguyễn Bá Cẩn đệ nạp vào tháng 5/2009 là hạn chót để cho các quốc gia có thể nộp hồ-sơ định nghĩa vùng lãnh-hải của mình.
Như vậy là, cộng vào chuyến đi vận-động vào tháng 6/2010 tới 8 văn-phòng Quốc-hội Mỹ trong cùng mục-đích thúc đẩy “giải-pháp VNCH” nhằm củng-cố căn-bản pháp-lý của chủ-quyền VNCH trên hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lần này chúng ta lại có dịp trình bầy thêm với mấy văn-phòng Quốc-hội khác, trong đó đáng kể nhất là cuộc tiếp-xúc với văn-phòng TNS Marco Rubio, một ngôi sao sáng giá và đang lên của Đảng Cộng-hòa.
Được biết, trong dịp này G.S. Nguyễn Ngọc Bích có anh Hồ Văn Sinh và cô Phạm Thị Diệu Chi đi cùng, cả hai cùng thuộc Ủy-ban Lâm-thời VNCH.