Giải mã quan hệ tay ba Phi-Mỹ-Trung thời Duterte
Sau khi mắng mỏ đồng minh lâu năm là Mỹ, tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức đi thăm Trung Quốc (18-21/10/2016), với mục tiêu rõ ràng là chiêu dụ Trung Quốc. Theo hãng tin Mỹ AP ngày 17/10, chuyến đi này có thể giúp hiểu rõ thêm là ông Duterte muốn xa rời đồng minh kết ước Washington đến đâu để xích lại gần một siêu cường châu Á đang cương quyết tranh giành lãnh thổ của một quốc gia nhỏ và nghèo như nước ông.
Theo nhận định của AP, đây quả là một canh bạc với tiền ăn thua cực lớn đối với tân tổng thống Philippines : Việc ông điều chỉnh lại quan hệ giữa Philippines với hai cường quốc lớn nhất thế giới sẽ tác động đến liên minh Mỹ-Phi đã có từ 65 năm nay, một liên minh được xem là trụ cột chính trong chính sách xoay trục qua châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama. Trung Quốc có nhiều dấu hiệu là sẽ thừa dịp lấn lại phần sân đã bị mất trên một quốc gia Đông Nam Á đã chiến thắng trong một vụ kiện trọng tài quan trọng đánh vào yêu sách lãnh thổ quá lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông, chỉ mới ba tháng trước đây.
Để hiểu rõ tầm mức hệ trọng của chuyến công du Trung Quốc của ông Duterte, hãng tin Mỹ đã nêu bật 4 vấn đề cốt lõi cần lưu ý dưới dạng câu hỏi
1. Tại sao ông Duterte chuyển hướng ngoại giao và ông chờ đợi gì từ phía Trung Quốc ?
Có vẻ như là ý muốn hoạch định một chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ của ông Duterte bắt nguồn từ nhiều nguyên do, trong đó có cả lịch sử thời Mỹ còn đô hộ Philippines.
Ông Duterte giận Mỹ sau một sự cố năm 2002, trong đó ông cáo buộc các nhân viên FBI của Mỹ là đã đánh tháo cho một người Mỹ bị quy trách nhiệm phá nổ một phòng khách sạn ở thành phố Davao, nơi ông Duterte từng là thị trưởng trong một thời gian dài.
Gần đây, ông đã nặng lời với ông Barack Obama, đòi đày đối phương « xuống địa ngục » sau khi đồng nhiệm Mỹ chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu của ông. Ông đã loan báo các kế hoạch giảm thiểu sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ tại Philippines mà theo ông, chỉ có tác dụng chọc giận các thành phần Hồi giáo tại miền Nam Philippines, trong lúc lại không giúp được quân đội èo uột của Philippines nâng cao năng lực.
Vào tháng trước ông từng nói : « Tôi không phải là fan của người Mỹ ».
Ông Duterte muốn có tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc và mở rộng hợp tác quốc phòng song phương, với Bắc Kinh có thể là một nguồn cung cấp vũ khí mới cho Philippines.
2. Liệu ông Duterte có nêu hồ sơ Biển Đông rất gai góc khi có mặt ở Trung Quốc ?
Trước khi đi thăm Brunei và Trung Quốc, ông Duterte nói là ông sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ, kể cả phán quyết ngày 12/07/2016 của một tòa án trọng tài quốc tế, phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, dựa trên cơ sở lịch sử. Trong khi cam đoan là sẽ « không mặc cả » về chủ quyền của Philippines và bám sát các tuyên bố chủ quyền của nước mình, ông Duterte lại nói là « sẽ không có việc áp đặt cứng ngắc. »
Trong các thông điệp hướng về phía Trung Quốc, ông Duterte nói rằng ông chủ yếu muốn ngư dân Philippines có lại quyền đánh bắt tại vùng bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đang tranh chấp giữa hai bên nhưng lại bị Trung Quốc chiếm giữ. Ông đồng thời cũng muốn đẩy mạnh thương mại và đầu tư sau nhiều năm quan hệ băng giá. Có tin cho rằng ông Duterte có thể tìm kiếm sự đảm bảo từ phía Trung Quốc là sẽ dừng việc bồi đắp thêm các hòn đảo trong khu vực tranh chấp.
Những chủ đề nhạy cảm này có thể được đề cập đến trong cuộc hội đàm với Tập Cận Bình. Ông Duterte cũng cho biết là ông cũng sẽ gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang.
Một quan chức Philippines biết rõ việc soạn thảo bản tuyên bố chung sau chuyến thăm tiết lộ : Một vài ngày trước chuyến quốc du của tổng thống Philippines tại Trung Quốc, hai bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến về các đoạn nói về tranh chấp Biển Đông.
3. Mỹ phản ứng ra sao trước việc ông Duterte thúc đẩy quan hệ với đối thủ chủ chốt của mình tại châu Á ?
Mỹ nói rằng họ muốn nhìn thấy quan hệ tốt đẹp hơn giữa Philippines và Trung Quốc, vì lo ngại rằng mọi sự xấu đi nghiệm trọng nào cũng có thể làm khu vực mất ổn định và có thể buộc Washington phải hành động theo tinh thần Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi năm 1951.
Cho dù vậy, Mỹ không muốn thấy quan hệ Phi-Trung chuyển biến đến mức gây hại cho quan hệ giữa Washington và Manila, và môt sự suy giảm rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Phi sẽ gióng lên tiếng chuông báo động, vì lẽ Philippines vẫn là một phần quan trọng trong chuỗi liên minh mà Mỹ đã thành lập ở châu Á, chạy từ Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống đến Úc.
Bất kỳ nỗ lực nào của ông Duterte nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc đều có thể khiến cho quân đội Hoa Kỳ bất an, nếu họ cảm thấy sự an toàn của các hoạt động và các nhân viên quân sự Mỹ có thể bị tổn hại.
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines rất sâu đậm, thể hiện qua một thế kỷ bang giao và hơn 3 triệu người Mỹ gốc Philippines. Mối liên kết như vậy có thể đảm bảo rằng quan hệ giữa hai bên vẫn gần gũi, bất kể việc chính sách đối ngoại thời ông Duterte đi theo hướng nào.
Quan hệ giữa Trung Quốc với các láng giềng, thường lên xuống theo nhịp độ các cuộc khủng hoảng, và rất có khả năng là một cuộc tranh chấp mới trên Biển Đông có thể kéo theo các biện pháp trả đũa kinh tế, ngoại giao mới của Bắc Kinh. Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ chắc hẳn là sẽ lại bênh vực Philippines, vì rất muốn nhắc nhở Manila rằng ai mới là bạn thật sự của họ.
4. Trung Quốc hy vọng thu hoạch được gì từ chuyến thăm và từ bất kỳ một sự chuyển hướng nào của ông Duterte ?
Trong khi bày tỏ sự cởi mở đối với những nỗ lực của ông Duterte để thúc đẩy thương mại và tìm kiếm nguồn tài trợ cho hệ thống đường sắt và cơ sở hạ tầng khác tại Philippines, không chắc là Trung Quốc sẽ lùi bước trên các yêu sách chủ quyền Biển Đông mà họ có từ lâu, kể cả đòi hỏi đối với bãi Scarborough, nơi lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc tiếp tục ngăn chặn ngư dân Philippines.
Trung Quốc được cho là sẽ hoan nghênh bất kỳ sự suy giảm ảnh hưởng nào của Hoa Kỳ trong các quốc gia châu Á, vì lẽ điều đó tạo ra nhiều khoảng trống hơn để Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình.
Trung Quốc đã bị bất ngờ trước chính sách « xoay trục » của Mỹ sang châu Á – trong đó mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Philippines là một yếu tố quan trọng – vì vậy một sự chuyển hướng của Manila sẽ phục vụ mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là xóa bỏ các nỗ lực của Washington trong việc gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong vùng.
Bắc Kinh cũng rất muốn xếp xó phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, và tiếp tục cách tiếp cận của Trung Quốc, tức là đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở song phương với các nước liên quan. Phán quyết La Haye – mang tính chất đa phương – sẽ làm giảm trọng lượng tương đối của Trung Quốc đối với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, và mở cửa cho các loại can thiệp từ bên ngoài, điều mà Bắc Kinh luôn tố cáo.
Cuối cùng, mối quan hệ ấm áp hơn với Philippines cũng có thể mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là cho Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á vừa thành lập và được Bắc Kinh ủng hộ như là một định chế thay thế cho Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các tổ chức tài chính toàn cầu khác. Các công ty Trung Quốc sẽ tích cực chộp lấy bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng lớn nào được Philippines đưa ra, đặc biệt là trong lãnh vực xây dựng đường bộ và đường sắt.