Giải mã: Mỹ “vô hiệu hóa” được mối đe dọa từ Bắc Hàn? – Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
30 Tháng 06, 2019
I/ Gặp gỡ lần thứ 3: Rất bất ngờ và khác thường
Vâng, cuộc gặp gỡ lần thứ 3 này vào ngày 29/06/2019 quả thực rất bất ngờ không ai có thể tưởng tượng nổi. Chỉ trước đó một ngày TT Trump đã bất thần gửi ra “tín hiệu” trên truyền thông Twitter trong khi đang dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhựt là mong muốn gặp CT Bắc Hàn Kim Chánh Ân tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm. Mục đích chỉ võn vẹn là bắt tay nhau và nói chào hello thôi (xem Nguồn 1 phía dưới). Thú thực lời mời cũng khác thường chưa hề xảy ra trong lịch sử ngoại giao, bởi vì không qua một công văn như thường lệ và thời gian quá cấp bách cho một cuộc họp mặt có tính cách “thượng đỉnh”.
Ấy vậy chính cái đặc điểm rất bất ngờ và khác thường đó đã khiến đề nghị gặp gỡ này đạt được thành công qua sự chấp thuận nhanh chóng của CT Kim Chánh Ân.
Tại sao lại thành công dễ dàng như vậy ?
1) Có thể đơn giản giải thích là vì rất bất ngờ và khác thường nên đã khiến CT Kim Chánh Ân ở tư thế bị động chỉ trả lời: được hoặc không được mà thôi. Không có thì giờ để đàm phán hoặc sửa soạn gì được cả. Vã lại tin tức về đề nghị này được loan truyền nhanh chóng khắp nơi nên khó có thể bác bỏ vì làm như thế sẽ mang tiếng thiếu thiện chí muốn giải quyết bế tắc đang tồn đọng qua sự tan vỡ của cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội.
2) Phía bên Mỹ đã nắm được nhược điểm của Bắc Hàn là đang bị nạn đói kém trầm trọng vì lịnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. Điển hình là Nam Hàn vừa phải tiếp tế nhân đạo cho khoảng 50.000 tấn gạo trong thời gian vừa qua (xem Nguồn 2 phía dưới).
Mỹ biết trước rằng trong tình thế như vậy trước sau gì CT Kim Chánh Ân cũng muốn đàm phán lại và không gì hay hơn là nhận lời gặp gỡ TT Trump tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm để mở đường điều đình bỏ cấm vận trong tương lai.
II/ Một TT Mỹ đặt chân lên đất Bắc Hàn: Sự kiện đầu tiên trong lịch sử
Đúng vậy, trong suốt trên nữa thế kỷ qua hai quôc gia này coi nhau như kẻ tử thù. Nếu gặp được cơ hội thì sẳn sàng ám hại nhau không gớm tay. Vậy mà nay xảy ra chuyện một Tổng Thống Mỹ xin một Chủ Tịch Bắc Hàn cho phép đặt chân trên đất Bắc Hàn thiệt quả hạn hữu khó ai ngờ nổi. Đây quả thực là bước chân lịch sử.
1) Hai nhà lãnh đạo này đã viết lên trang lịch sử khác thường và biến vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm từ chỗ nguy hiểm đầy sát khí chết chóc thành nơi có màu sắc hoà hoãn và hy vọng.
2) Giáo sư John Delury của Đại học Yonsei ở Hán Thành đã nhận định rằng sự kiện CT Kim Chánh Ân nối chuyện cùng TT Trump là điều rất phi thường. Đồng thời sự kiện TT Trump bước qua đất Bắc Hàn được CT Kim Chánh Ân đánh giá là một hành động rất can đảm và quyết đoán.
III/ Đàm phán mật bên trong hậu trường chính trị ?
Thực là ngây thơ tin rằng TT Trump chỉ muốn gặp CT Kim Chánh Ân để bắt tay nhau và nói chào hello thôi.
1) Sự thực là ngay sau đó đã có cuộc nói chuyện tay đôi giữa 2 nhân vật lãnh đạo này và đạt được thoả thuận rằng các nhân vật đàm phán từ hai nước sẽ gặp nhau trong hai hoặc ba tuần tới.
2) TT Trump xác nhận rằng đã mời CT Kim Chánh Ân tới Tòa Bạch Ốc, nhưng chưa chính thức được đồng ý.
Bởi vì cuộc mật đàm kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ nên dĩ nhiên còn nhiều điểm mật khác còn giữ kín mà hai nhân vật lãnh đạo này chưa vội tiết lộ.
IV/ Có chuẩn bị từ trước ?
Sự kiện xảy ra rất bất ngờ và khác thường, cho nên có vẽ như không chuẩn bị gì hết. Tuy nhiên nếu phân tích các dữ kiện liên hệ thì thấy rõ ràng phía Mỹ đã dự trù sẳn:
1) Từ lâu đã có chương trình TT Trump sau hội nghị G20 sẽ cùng TT Nam Hàn Kim bay về thăm binh lính trú đóng tại vùng phi quân sự Bàn Môn Điếm. Nên nhớ rằng quân đội Mỹ với quân số khoảng 28.000 người rãi ra nhiều nơi đóng quân. Bình thường một TT Mỹ đi thăm binh lính tại vùng phi quân sự sát biên giới thường bị coi là khiêu khích Bắc Hàn. Nhưng lần này thì hoàn toàn khác nhằm tạo cơ hội cho CT Kim Chánh Ân dễ dàng di chuyển tới vì còn nằm trong lãnh thổ Bắc Hàn.
2) Phái đoàn Mỹ tháp tùng TT Trump có đầy đủ các chuyên viên đàm phán đối đầu với Bắc Hàn. Như vậy phía Mỹ đã hy vọng và tính toán là Bắc Hàn trong tư thế hạ phong đang bị kinh tế suy sụp đói kém vì biện pháp cấm vận hữu hiệu nên CT Kim Chánh Ân phải chấp nhận gặp gỡ TT Trump.
V/ Kết luận
1) Vào tháng 3 năm 2018 đột nhiên CT Kim Chánh Ân ngỏ ý muốn gặp gở nói chuyện cùng TT Trump, chúng tôi đã phân tích nguyên do chính trong bài viết “Ly kỳ: Tại sao lãnh tụ Bắc Hàn muốn gặp TT Trump?” như sau:
“Về kinh tế Mỹ thuyết phục được Trung Cộng, Nga và Liên Hiệp Quốc phong tỏa Bắc Hàn. Then chốt nhứt là giới hạn nhập cảng dầu xăng chỉ đủ sống “lây lất”. Mới đầu Trung Cộng và Bắc Hàn định dùng phương thức “ma giáo” như thời xưa để đối phó. Nhưng Mỹ, Nhựt và Nam Hàn dùng vệ tinh kiểm soát rất chặt chẻ để ngăn chận và TT Trump nhiều lần gián tiếp cảnh cáo Trung Cộng chớ vi phạm. Lần này Trung Cộng biết gặp tay “sừng sỏ chơi liều” nên không dám “thử sức” Mỹ” (xem Nguồn 3 phía dưới).
Chính vì biết được đã nắm “tử huyệt” của Bắc Hàn, nên chánh phủ Mỹ hiện nay chả cần vội vã phải cần một kết quả tạm thời như các chánh phủ Mỹ thời trước
2) Trước Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ & Bắc Hàn kỳ 2 tại VN vào tháng 2/2019, chúng tôi có phân tích và tiên đoán trước:
“Mỹ chưa cần gấp gáp giải quyết rốt ráo xong vấn đề Bắc Hàn vì Nhựt, Nam Hàn (và có thể kể cả Trung Cộng) đều sợ Bắc Hàn có hỏa tiền tầm trung mang đầu đạn nguyên tử có thể bắn tới 2 quốc gia này. Thành ra cả Nhựt & Nam Hàn bắt buộc phải mua võ khí tối tân của Mỹ trong thời gian qua và sắp tới lên cả hàng trăm tỷ Mỹ kim. Cuối cùng nhờ vậy, Mỹ càng có lý do đóng quân và lập căn cứ quân sự tại Nam Hàn và Nhựt để kiềm chế được Trung Cộng.” (xem Nguồn 4 phía dưới).
3) Rõ ràng Bắc Hàn đang ở thế hạ phong với tình trạng dân chúng chết đói và như vậy rất nguy hiểm cho “ngai vàng” của CT Kim Chánh Ân. Còn phía chánh phủ Mỹ ở thế thượng phong vì dư luận dân chúng Mỹ chả còn coi Bắc Hàn là hiểm họa gì cả. Cho nên chánh phủ TT Trump rất có thể sẽ cố ý trì hoãn cho đến ngày gần bầu cử Tổng Thống vào gần cuối năm 2020 để tạo cơ hội hữu hiệu “kiếm phiếu” & thu phục nhân tâm.
Như vậy, những mưu kế tính toán về chính trị đã ảnh hưởng rất nhiều tiến trình giải quyết khủng hoảng. Vã lại “Thành phố La Mã không thể xây xong trong một ngày” (Roma uno die non est condita). Cho nên đừng vội mong chuyện Mỹ & Bắc Hàn sớm giải quyết được ngay lập tức!
Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi