Gây áp lực cho Tập Cận Bình bằng việc ‘thống nhất Đài Loan’: Đòn phản công của Tăng Khánh Hồng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Gây áp lực cho Tập Cận Bình bằng việc ‘thống nhất Đài Loan’: Đòn phản công của Tăng Khánh Hồng?

Trong Chính luận thiên hạ
đăng ngày 10/10, khi phân tích về việc các công ty lớn của Trung Quốc
gặp vấn đề trong thời gian gần đây, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã đưa ra
một nhận xét như sau: “Nếu bạn không biết: Kinh tế Trung Quốc gắn liền
với chính trị, mà chính trị lại gắn liền với đấu tranh phe phái… bạn sẽ
không hiểu được vì sao kinh tế Trung Quốc trở thành như vậy”.

Ở đây Giáo sư Chương đã đề cập đến một vấn đề rất đặc trưng chính là:
kinh tế gắn liền với đấu tranh phe phái, tức là nếu một doanh nghiệp
gặp vấn đề, nếu không phải vi phạm nguyên tắc kinh doanh thì rất có thể
nó là mục tiêu của những cuộc đấu tranh chính trị. 

Logo Fantasia, hình Tăng Khánh Hồng và Tập Cận Bình (ảnh ghép từ nhiều nguồn).

Ngày 7/10, tờ Wall Street Journal
đưa tin với tiêu đề: ‘Nhà phát triển bất động sản cao cấp Trung Quốc
Fantasia Holdings không trả được khoản nợ 206 triệu đô-la Mỹ đến hạn’. 

Tăng Bảo Bảo (cũng gọi là Tăng Khiết) là con gái của Tăng Khánh Hoài,
Tăng Khánh Hoài là em trai của Tăng Khánh Hồng. Do đó Tăng Khánh Hồng
là bác của Tăng Bảo Bảo. 

Tăng Bảo Bảo thành lập Fantasia Holdings vào năm 1996. Tăng Bảo Bảo không trả được nợ vào thời điểm đó là một việc rất kỳ lạ. 

Bởi vì chỉ cần người bác của cô là Tăng Khánh Hồng nói một câu, là
hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đô-la từ ngân hàng có thể đưa cô mượn để
trả nợ. Nhưng Tăng Bảo Bảo lại không thể vay được tiền, điều này chứng
tỏ Tăng Khánh Hồng đang gặp rắc rối. 

Tăng Khánh Hồng và cháu gái Tăng Bảo Bảo (ảnh ghép từ nhiều nguồn).

Sự việc về Fantasia Holdings vẫn âm ỉ… Đến ngày 26/11, tờ South China Morning Post
đăng bài viết với tiêu đề: ‘Fantasia lâm vào cảnh nợ nần, trở thành nhà
phát triển Trung Quốc đầu tiên đối mặt với một yêu cầu thanh lý’. 

Lý do là vì Tập đoàn Fantasia Holdings có nhiều công ty con dưới
quyền, mà trong đó có một công ty con là Fantasia Investment nợ một
khoản 150 triệu đô-la Mỹ (gần 3400 tỷ đồng) mà không trả đúng hạn, cho
nên người cho mượn yêu cầu cưỡng chế thanh lý Fantasia. Lúc này Tăng
Khánh Hồng cũng không làm gì được…

Đây rõ ràng là dấu hiệu cho thấy Tăng Khánh Hồng đang thất thế, mà
Tăng Khánh Hồng lại là mục tiêu tấn công của Tập Cận Bình, do đó sự việc
của Fantasia có thể coi là đòn tấn công của ông Tập nhắm vào Tăng Khánh
Hồng. 

Tăng Khánh Hồng cũng không thể ngồi yên. Ngày 24/11, tờ Duowei
đăng một bài viết với tiêu đề: “Giang Trạch Dân: ‘Vấn đề Đài Loan mà
mối quan tâm lớn nhất của tôi’”, đề cập đến việc Giang Trạch Dân muốn
thống nhất Đài Loan. Trong cùng ngày 24/11, Báo Giải phóng quân đăng bài
viết với tiêu đề: ‘Phải giao quyền chỉ huy chiến tranh cho người thấy được quân địch‘, ý tứ chính là muốn Tập Cận Bình giao lại quyền lực trong quân đội. 

Chuyên gia nhận định, bài báo thứ nhất là đòn phản công của Tăng
Khánh Hồng, nếu Tập Cận Bình làm theo có thể đưa ông Tập vào hiểm cảnh.
Còn báo thứ hai chứng tỏ: tuy ông Tập là Chủ tịch Quân uỷ nhưng lại
không nắm thực quyền trong quân đội.

Lý giải những điều trên như thế nào, tại sao vấn đề thống nhất Đài
Loan lại là đòn phản công của Tăng Khánh Hồng, nếu ông Tập giao quyền
bính cho quân đội sẽ mang đến kết quả gì?

Nhà sử học, đồng thời cũng là người có am hiểu sâu sắc về chính
trường Trung Quốc và văn hoá Trung Hoa – Giáo sư Chương Thiên Lượng
trong Chính luận thiên hạ
đăng ngày 27/11 đã phân tích bài viết trên tờ Duowei, kể câu chuyện về
việc đi đánh trận của Thái tử Lưu Doanh – con trai Hán Cao Tổ Lưu Bang,
từ đó giải đáp những vướng mắc ở trên như sau.

Bài viết trên tờ Duowei gây sức ép lên Tập Cận Bình

Nhiều người nói rằng trang web Duowei là của Tăng Khánh Hồng, về phần
mình Giáo sư Chương chưa xác minh chính xác thông tin trên nhưng có đưa
ra một số phân tích như sau.

Duowei là một công ty truyền thông nước ngoài, nhưng lại đặt trụ sở
chính tại Bắc Kinh. Điều này rất kỳ lạ, bởi vì thông thường một kênh
truyền thông hải ngoại chỉ thiết lập một trạm phóng viên hoặc để một vài
phóng viên thường trú ở vùng sở tại, nhưng Duowei lại đặt toàn bộ trụ
sở ở Bắc Kinh. 

Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, tờ Duowei nhất định có sự ủng hộ của phe cấp cao nào đó trong ĐCSTQ. 

Ngày 24/11, tờ Duowei đăng một bài viết có tiêu đề: “Giang Trạch Dân:
‘Vấn đề Đài Loan mà mối quan tâm lớn nhất của tôi’”. Trong đó đưa ra
một số quan điểm của Giang Trạch Dân về vấn đề Đài Loan, nhiều lần đề
cập rằng cựu lãnh đạo ĐCSTQ muốn ‘thống nhất Đài Loan bằng vũ lực’. 

Bài viết nói rằng Giang Trạch Dân từng biểu đạt thái độ 2 lần về vấn
đề trên, một là “nếu chúng ta hành động quân sự với Đài Loan thì phải
làm càng sớm càng tốt”, hai là “vấn đề Đài Loan không thể trì hoãn, phải
có thời gian biểu”. 

Là người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc, Giáo sư
Chương nhìn nhận, Duowei mượn câu chuyện của Giang Trạch Dân để thúc ép
Tập Cận Bình thống nhất Đài Loan càng sớm càng tốt, và đằng sau nó lại
là một cạm bẫy…

Thái tử Lưu Doanh – con trai Lưu Bang đi đánh trận: nếu thắng vẫn là Thái tử, nếu thua sẽ… gặp hoạ

Có một chi tiết rất thú vị trong bài viết này, đó là vào tháng
6/1995, Tổng thống Clinton đã cho phép Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc là
Lý Đăng Huy đến thăm Hoa Kỳ, phá bỏ lệnh cấm nhân vật cấp cao Đài Loan
thăm Mỹ. Vì sự kiện này, Giang Trạch Dân đã ám thị hành động quân sự với
Đài Loan trong cuộc trò chuyện với tướng lĩnh cấp cao của Quân đội Giải
phóng Nhân dân. Sau đó Đặng Tiểu Bình đưa ra chỉ dẫn rằng: vấn đề Trung
– Mỹ và eo biển Đài Loan cần được xử một cách lý tính. 

Dưới hoàn cảnh dư luận và tâm thái xã hội ở Trung Quốc, sự việc này
đã tô đắp hình tượng mạnh mẽ cho Giang Trạch Dân, miêu tả ông ấy là một
lãnh đạo luôn ‘đau đáu trong lòng về việc thống nhất quốc gia’. 

Nhưng dưới nhãn quang là một nhà sử học, Giáo sư Chương nhìn nhận:
‘Giang Trạch Dân giống một kẻ đầu cơ, ông ấy thực sự không có gan dùng
vũ lực thống nhất Đài Loan’, đồng thời chứng minh luận điểm của mình
bằng một câu chuyện lịch sử thời Tây Hán. 

Trong ‘Sử ký’ kể về sự kiện vào những năm cuối đời của Hán Cao Tổ Lưu
Bang. Năm thứ 11 nhà Hán, tức năm 196 TCN, Hoài Nam vương Anh Bố tạo
phản. Nguyên nhân là khi ấy Hàn Tín, Bành Việt đều bị giết, khiến Anh Bố
không còn cách nào khác. Lúc đó thân thể Lưu Bang không tốt như trước
(1), ông dự tính cho Thái tử Lưu Doanh lãnh binh đánh trận. 

Khi ấy xung quanh Lưu Doanh có một nhóm người phò tá, trong đó có
Trương Lương, Chu Bột… và 4 quan cố vấn gọi là: ‘Thương Sơn tứ hạo’ (4
ông lão tóc trắng vùng Thương Sơn). Trước đây ‘Thương Sơn tứ hạo’ cũng
là quan cố vấn cho nhà Tần, nhưng sau này vì chiến loạn, ‘Thương Sơn tứ
hạo’ ẩn cư ở Thương Sơn, Lưu Bang đã mời nhiều lần nhưng họ không xuống
núi. Sau này được Trương Lương thỉnh mời, họ mới ra phò tá Thái tử. 

Khi Lưu Bang để Thái tử Lưu Doanh lãnh binh đánh trận, ‘Thương Sơn tứ
hạo’ đã thương lượng với nhau rồi phân tích với Thái tử rằng: Nếu Thái
tử dẫn quân đi dẹp loạn sẽ rất nguy hiểm. Thái tử lãnh binh đánh trận,
nếu thắng vẫn là Thái tử, địa vị không được đề cao; còn nếu thua thì sẽ
gặp tai hoạ. 

Lúc ấy Lưu Bang cũng muốn phế Lưu Doanh để lập Triệu vương Lưu Như Ý
làm Thái tử. Nếu Lưu Doanh phạm sai lầm sẽ cho Lưu Bang lý do chính đáng
để lập Lưu Như Ý.

‘Thương Sơn tứ hạo’ đã thấy rất rõ vấn đề: Lưu Doanh nếu thắng vẫn
không có gì thay đổi, còn nếu thua có thể sẽ bị phế truất Thái tử. Thế
là ‘Thương Sơn tứ hạo’ đã nhờ Lã Hậu khi có cơ hội hãy ‘khóc kể’ với Lưu
Bang rằng: Thái tử Lưu Doanh không thể làm việc đánh trận này, hơn nữa
nếu thất bại, giang sơn nhà Hán không khéo nguy hiểm mất, cho nên Hoàng
thượng thân chinh mới tốt. 

Cuối cùng Lưu Bang miễn cưỡng phải dẫn binh đánh Anh Bố, rất nhanh hạ
được Hoài Nam Vương, nhưng bị trúng tên, rất nhanh sau đó băng hà.

Giáo sư Chương kể câu chuyện lịch sử này để nói rằng: Năm 1995, Giang
Trạch Dân năm có muốn thống nhất Đài Loan không? Căn bản là không thể.
Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình không làm được, Giang Trạch Dân dựa vào
điều gì để làm việc đó? 

Giáo sư Chương nhìn nhận, lúc ấy Giang Trạch Dân cũng nghĩ rằng: nếu
thắng, ông ấy vẫn là lãnh đạo tối cao tức Tổng Bí thư; còn nếu thua thì
ĐCSTQ vụt mất giang sơn. Do đó Giang Trạch Dân sẽ không dám làm chuyện
mạo hiểm như vậy. Ông ta biểu đạt thái độ cứng rắn chỉ để tạo dựng hình
tượng một lãnh đạo luôn ‘đau đáu trong lòng về việc thống nhất quốc
gia’, chứ thực sự không có gan để thống nhất Đài Loan. 

Vấn đề Giang Trạch Dân đối diện năm ấy giống hệt vấn đề của Tập Cận
Bình bây giờ. Hiện tại Tập Cận Bình bị các đối thủ chính trị dòm ngó.
Trong Nghị quyết lịch sử thông qua ở Phiên họp toàn thể Ban chấp hành
Trung ương lần thứ 6, Tập Cận Bình không hạ thấp Đặng Tiểu Bình, Giang
Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào; ông Tập cũng không đặt mình ngang hàng với Mao
Trạch Đông; ông Tập chỉ có thể tiếp tục chính sách của những người tiền
nhiệm.

Tập Cận Bình không đạt được ‘quyền uy tối thượng’ như Mao Trạch Đông,
không nắm được hết quyền lực trong tay, làm sao ông Tập dám mạo hiểm
đánh Đài Loan. Nếu thắng Tập Cận Bình vẫn làm Tổng Bí thư, những việc
như tái đắc cử không bị ảnh hưởng; nhưng nếu thua, ĐCSTQ tiêu mất giang
sơn, ông Tập cũng khó tránh khỏi tai hoạ. Do đó Tập Cận Bình cũng tuyệt
không dám đánh Đài Loan.

Vấn đề ở đây là, tại sao Tăng Khánh Hồng ‘ép’ Tập Cận Bình đánh Đài
Loan? Giáo sư Chương nhìn nhận, ông Tập đánh hay không đánh Đài Loan là
việc chưa biết, còn dọn dẹp Tăng Khánh Hồng là việc phải làm. Do đó ít
nhất Tăng Khánh Hồng muốn gây rắc rối cho Tập Cận Bình, từ đó tìm cơ hội
đàm phán hoặc thoả hiệp.

Tập Cận Bình không nắm thực quyền trong quân đội

Ngày 11/10, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc – Báo Giải phóng quân – đăng một bài viết có tiêu đề: ‘Luôn giữ danh tiết không đoạ lạc‘, ý tứ là quân đội sẽ đứng trung lập nếu Thái Thượng Hoàng (ý chỉ Giang Trạch Dân hoặc phe Giang – Tăng) phục vị.

Tiếp đó Nghị quyết lịch sử lần 3 được thông qua ở Phiên họp toàn thể
lần thứ 6 diễn ra từ 8-11/11, nhưng quân đội vẫn chưa ‘học tập, quán
triệt, lĩnh hội, biểu đạt thái độ’. 

Đến ngày 24/11, Báo Giải phóng quân đăng một bài viết với tiêu đề:
‘Phải giao quyền chỉ huy chiến tranh cho người thấy được quân địch’.
Trong đó đề cập đến quyền chỉ huy trong quân đội, cũng tức là trong các
cuộc chiến tranh cụ thể thì nên cho phép sĩ quan chỉ huy gần được linh
hoạt xử lý tình huống trên chiến trường.

Đây là lý thuyết quân sự không có gì mới. Chương thứ 3 – Thiên ‘Mưu
công’ trong Binh pháp Tôn Tử viết rằng: “Tướng giỏi mà vua không kiềm
chế thì thắng” cũng đã đề cập đến quyền chỉ huy khi tác chiến. 

Vấn đề ở đây là, từ các bài viết trên Báo Giải phóng quân và thái độ
của quân đội thấy được rằng: Tuy Tập Cận Bình là Chủ tịch Quân uỷ Trung
ương nhưng lại không nắm thực quyền. Ông không giống Mao Trạch Đông hay
Đặng Tiểu Bình. Mao, Đặng có thể giao một ít quân quyền cho quan chỉ
huy. Ví như Mao Trạch Đông có thể giao quyền cho 4 Tư lệnh quân dã chiến
đi đánh trận, còn Đặng Tiểu Bình dám giao quân đội cho Hứa Thế Hữu. 

Nhưng vì Tập Cận Bình không nắm thực quyền, cũng không mạnh mẽ như
Mao – Đặng, cho nên ông Tập không dám giao binh quyền cho chỉ huy quân
đội. Trung Quốc nếu đánh Đài Loan, chỉ cần quân đội Mỹ tham gia thì
Trung Quốc không có cửa thắng. Nếu đặt tình huống giả định là Trung Quốc
thắng, thì vị tướng chỉ huy quân đội sẽ ‘công cao lấn chủ’, lúc đó
người ấy có thể lật đổ Tập Cận Bình. 

Do đó Tập Cận Bình sẽ không dám đánh Đài Loan. Còn những lời hò hét
trên trang Duowei có thể là đòn phản công của Tăng Khánh Hồng dành cho
Tập Cận Bình.

Hiện tại cả Tập Cận Bình và Tăng Khánh Hồng đều không còn đường rút lui. 

Tập Cận Bình vẫn còn để trong lòng sự việc đảo chính năm đó do Giang –
Tăng đứng đằng sau, nhưng vì ở Đại hội 19 năm 2017, ông Tập không còn
thời gian dọn dẹp Tăng Khánh Hồng nên mới thoả hiệp. 

Còn Tăng Khánh Hồng cũng có suy nghĩ tương tự, trước Đại hội 20 mà
không hành động thì quá muộn vì những người ông đề bạt đến lúc ấy đã đến
tuổi nghỉ hưu. Cho nên sắp tới có thể là trận quyết chiến giữa Tập Cận
Bình và Tăng Khánh Hồng. 

Gió mây luôn khó đoán và ẩn chứa nhiều điều bất giờ, và liệu ông Tập
có dọn dẹp được ‘hổ lớn’ Tăng Khánh Hồng, mở đường cho việc tái đắc cử ở
Đại hội 20 diễn ra vào năm sau 2022 hay không, chúng ta chỉ có thể chờ
xem.

Mạn Vũ

Chú thích: 

(1) Năm đó là năm 196 TCN, Lưu Bang mất 1 năm sau đó, tức năm 195 TCN.

https://www.dkn.tv/the-gioi/gay-ap-luc-cho-tap-can-binh-bang-viec-thong-nhat-dai-loan-don-phan-cong-cua-tang-khanh-hong.html