Gặp Gỡ Lịch Sử

Cac Bai Khac

No sub-categories

Gặp Gỡ Lịch Sử

22/03/2018

Tin chấn động thế giới thời gian qua dĩ nhiên là tin cậu Ấm Ủn mời TT Trump nói chuyện và ông này đã nhận lời. Chuyện trao đổi này có thể nói là bất ngờ không thua gì chuyện… ông Trump đắc cử tổng thống. Cả thế giới không ai ngờ cậu Ấm sẽ mời mà cũng chẳng ai đoán được TT Trump sẽ nhận lời nhanh như vậy.
Một anh nhà báo láu táu đã phán ngay “Hội nghị thượng đỉnh của hai ông khùng”!
Ở đây, có chuyện vui đáng kể lại. Mỗi năm các nhà báo ở thủ đô làm việc với Tòa Bạch Ốc đều tổ chức một buổi tiệc trong đó hai bên, truyền thông và Tòa Bạch Ốc, trao đổi chuyện diễu, gọi là để hạ hỏa không khí căng thẳng giữa đôi bên qua cả năm đánh nhau. Năm ngoái, TT Trump từ chối không tham dự. Năm nay ông tham dự và đọc một bài diễn văn toàn chuyện diễu trong gần một tiếng.
Về việc sẽ gặp cậu Ấm, ông nói “Bàn về cái khó khăn phải nói chuyện với một người khùng, thì đó chính là khó khăn của ông Kim”. Cả hội trường nổ tung vì lăn ra cười. TT Trump thẳng thừng cho mọi người biết ông mới là tay khùng.
Thật sự ra, câu chuyện nghiêm trọng hơn nhiều.
Đây là lần đầu tiên một lãnh tụ độc tài của BH công khai ngỏ lời muốn nói chuyện thẳng với tổng thống Mỹ, và cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ chấp nhận nói chuyện với một hoàng đế nhà Kim, tức là một tổng thống Mỹ đã gián tiếp công nhận BH và chấp nhận tự đặt mình ngang hàng với một lãnh tụ BH, là chuyện mà BH mơ mộng từ đời ông nội cậu Ấm. Hiển nhiên, TT Trump muốn chứng tỏ cho thế giới thấy ông đủ bản lãnh và thiện chí để xổ chấp chuyện ‘công nhận’ nhỏ nhặt, để tìm cách thực hiện chuyện lớn là hòa bình cho thế giới. Chỉ vì thế giới đang đứng trước một cuộc tranh chấp đang hồi cực kỳ căng thẳng có thể đưa đến chiến tranh chết cả chục triệu người như chơi.
Mỹ và BH nói chuyện với nhau không phải là chuyện mới lạ, chỉ khác là từ trước đến giờ chỉ là nói chuyện cấp chuyên viên hay đại sứ đặc biệt, qua trung gian một xứ nào đó, hay trong một hội nghị quốc tế, chưa bao giờ lên tới cấp ngoại trưởng chứ đừng nói tới quốc trưởng. Trước đây, TT Bill Clinton cũng đã đi BH năm 2009, nhưng chỉ sau khi ông đã về hưu, đi đón hai nhà báo Mỹ gốc Nam Hàn bị BH bắt nhốt. BH chịu thả họ với điều kiện cựu TT Clinton phải đích thân qua đón, nhưng khi qua tới BH, ông Clinton cũng chẳng được ai đón tiếp chứ đừng nói tới việc gặp Kim Chánh Nhựt, bố của cậu Ấm.
Phản ứng của thế giới về quyết định của TT Trump nói chung là hết sức phấn khởi và hy vọng, tuy vẫn còn nhiều dè dặt. Đó là phản ứng tự nhiên của những người bình thường. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những phản ứng quái lạ của vài người bất bình thường bị ám ảnh nặng bởi thái độ chống Trump đến chết. Kiểu như vài người mỉa mai “Trump bị anh nhóc Kim xỏ mũi quay như chong chóng”. Hay chê bai “Trump nhận gặp Kim để thỏa mãn cái tôi”.
Có người miệt thị ông Trump “tặng cậu Ấm một món quà vĩ đại”, cho cậu ngồi ngang hàng, mà chẳng ăn cái giải gì, “cậu Ấm vẫn ngồi đó, bom nguyên tử vẫn còn đó”. Lý luận kiểu này chỉ phản ảnh một đầu óc hẹp hòi, bị chi phối bởi sự thù ghét ông Trump, mà không nhìn thấy sinh mạng của cả triệu người đang được đặt trên bàn cân. TT Trump đi nói chuyện với cậu Ấm, có thể bom nguyên tử vẫn còn đó, nhưng ít ra thì nó chỉ nằm trong nhà kho, không mang ra xài. Có thể nào vì cái ‘thể diện quốc gia’ không thể cho cậu Ấm ngồi ngang hàng, thà đánh nhau chết vài triệu người còn hơn? TT Trump mà làm vậy, bảo đảm sẽ chẳng được tung hô đâu.
Nhìn lại việc TT Clinton đi BH, không phải là chuyện cho Kim Chánh Nhựt ngồi ngang hàng với Obama hay Clinton, mà là chuyện BH ‘chơi cha’ Mỹ, bắt cựu tổng thống Mỹ phải đích thân tới mà không có ma nào ra đón, nhưng lại được cả TT Obama lẫn ông Clinton chấp nhận, chỉ vì muốn cứu mạng hai ký giả. TTDC khi đó nức nở ca tụng tính nhân đạo bác ái của hai vị tổng thống. Bây giờ TT Trump cho cậu Ấm ngồi ngang hàng để cứu cả triệu người, thì bị chửi đã vứt thể diện quốc gia vào thùng rác mà chẳng ăn được cái giải gì.
TT Trump mài dao, lên đạn, dĩ nhiên bị chửi. Ông bỏ dao, sẵn sàng đi nói chuyện, vẫn bị chửi. Chắc có nhắm mắt, bịt tai, ngậm miệng như Obama thì cũng vẫn bị chửi thôi.
Dưới thời các TT Clinton và Bush, Mỹ đều đã đạt được thỏa hiệp với BH về vấn đề ngưng nghiên cứu và phát triển vũ khí nguyên tử, đổi lấy viện trợ kinh tế và thực phẩm. Nhưng cả hai lần, BH đều coi thỏa hiệp như pha, chìa tay nhận viện trợ nhưng vẫn không ngừng phát triển bom và hỏa tiễn. Đến thời TT Obama, ông này rút kinh nghiệm không thoả hiệp gì hết, nhưng cũng chẳng biết làm gì khác, nhắm mắt chấp nhận BH tung hoành.
Kinh nghiệm điều đình với BH nói riêng, hay các xứ độc tài nói chung, cả thế giới đều quá rành, ngay cả kinh nghiệm của ông TT Nobel Hòa Bình bị Iran lừa cũng vẫn còn trước mắt đấy. TT Trump không có lý do gì không biết tới. Như vậy tại sao TT Trump lại vẫn nhận lời gặp cậu Ấm?
Câu trả lời không khó lắm: thứ nhất vì khó từ chối, bảo đảm sẽ bị cả thế giới vốn đã không ưa TT Trump xúm vào mạt sát là hiếu chiến điên rồ, không chịu điều đình; thứ nhì, ông Trump là ‘chuyên gia điều đình’, nên tự tin có kinh nghiệm điều đình với bất cứ ai chứ đừng nói là anh nhóc mới hơn ba chục tuổi với zero kinh nghiệm điều đình quốc tế cấp cao nhất. Thứ ba, cho dù có nhiều triển vọng thất bại, vẫn phải thử để cứu vãn hòa bình.
Phải nói ngay thế giới đang nhẩy nhổm về viễn tượng hội nghị thượng đỉnh này, nhưng mừng quá thành ra có thể mừng quá sớm, chưa chắc gì sẽ có cuộc gặp mặt này. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã khẳng định hủy bỏ vũ khí nguyên tử -denuclearization- là điều kiện tiên quyết để TT Trump gặp cậu Ấm. Cậu Ấm thì đòi họp mặt vô điều kiện. Chỉ một vấn đề này cũng có thể khiến cuộc họp mặt không thành. Tuy nhiên, không ai lạ gì cách hành xử của TT Trump: luôn luôn ‘hét giá’ rất mạnh để mở màn, rồi hạ giá sau.
Cậu Ấm là tay ma đầu xảo trá theo đúng truyền thống các lãnh tụ cộng sản. Ta nên coi lại kỹ: lời mời gặp TT Trump của cậu Ấm là do giám đốc An Ninh Quốc Gia Nam Hàn chuyển, trong khi cho đến nay, cậu Ấm tuyệt đối im lặng không nói một tiếng nào, cho dù xác nhận hay cải chính. Cái mánh là nếu cậu đổi ý, vẫn có thể ra nói ông giám đốc này hiểu lầm ý của cậu. Có tin là ông giám đốc này đã chuyển đến TT Trump một bức thư chính thức của cậu Ấm. Chưa có một ai lên tiếng xác nhận chuyện này, và cho dù có thư thật, thì cũng không ai biết trong thư đó có gì.
Ngoài ra, cả vạn câu hỏi liên quan đến cuộc gặp gỡ còn chưa bàn tới chứ đừng nói thỏa thuận. Bất cứ một chi tiết nhỏ nhoi nào cũng có thể trở thành cái cớ chính đáng để hủy bỏ cuộc họp.
Ta thử coi lại vài câu hỏi chính.
Trước hết là khi nào họp? TT Trump nói trong tháng Năm tới. Giám đốc An Ninh NH nói cậu Ấm muốn càng sớm càng tốt, có thể tháng Tư không chừng. Bỏ qua những yếu tố chính trị, chỉ nói về an ninh không cũng đã thấy nhiêu khê cỡ nào rồi. Đây là cuộc họp thượng đỉnh của hai ông quốc trưởng, ông nào cũng đầy kẻ thù muốn giết, chỉ nội việc lấy các biện pháp an ninh thì một hai tháng đã là quá ngắn, nhất là với tổng thống Mỹ, đi đâu cũng phải có cả ngàn người đi theo lo đủ mọi chuyện từ an ninh, đến di chuyển, liên lạc, y tế, ăn uống, tùy tùng, báo chí,…
Công việc này cực kỳ phức tạp, nhất là cho tới nay, chưa ai biết hai ông quốc trưởng này sẽ họp ở đâu? Họp ở đâu, đó là đề tài sốt dẻo mà chẳng ai đoán được.
Điều chắc chắn nhất là TT Trump sẽ không thể nào đi tới Bình Nhưỡng, và ngược lại, cậu Ấm cũng không thể nào đi Hoa Thịnh Đốn. Vì an ninh không thể bảo đảm.
Bàn Môn Điếm, là nơi đã có những cuộc họp chấm dứt cuộc chiến đầu thập niên 50, đã được nhắc. Nhưng có vấn đề là nơi đây quá nhỏ và thô thiển, không thích hợp cho một cuộc họp giữa hai ông tổng thống và chủ tịch.
Thụy Sỹ hay Thụy Điển, là hai xứ có triển vọng đón tiếp hai ông đến nói chuyện. Thụy Sỹ trung lập và trước đây, cậu Ấm đã du học một thời gian ở đó. Thụy Điển cũng giữ quan hệ tốt với BH và trong cả chục năm qua, thường đóng vai trung gian, đại diện cho Mỹ khi có vấn đề cần giải quyết với BH. Tin giờ chót, ngoại trưởng BH đã lên đường đi Thụy Điển, không nói rõ đi làm gì.
Vấn đề kế tiếp phải giải quyết: ai sẽ tham dự buổi họp? Đó sẽ là buổi họp tay đôi Mỹ-BH? Hay tay ba với sự tham dự của NH? Hay tay tư với TC? Hay đại nhạc hội quốc tế với Nhật, Nga và Liên Âu luôn?
Vai trò của NH dĩ nhiên quan trọng hàng đầu, không thể không có NH tham dự cuộc họp. Đồng thời, cũng không ai có thể lơ là vai trò của TC. Dù sao, TC cũng nắm yết hầu của cậu Ấm. TC hậu thuẫn cuộc thương thảo thì mới có nhiều hy vọng thành công cũng như có nhiều hy vọng TC giúp kềm chế BH, bắt BH phải nhượng bộ gì đó, rồi sau khi ký hiệp ước, phải tôn trọng nữa, chứ cho TC ra rìa, khiến TC muốn phá thì dễ hơn trở bàn tay.
Đó là chưa kể các nước lân bang như Nhật và Nga cũng đều muốn có bảo đảm nào đó về an ninh. Liên Hiệp Quốc, là tổ chức đã biểu quyết những biện pháp phong tỏa mới nhất, với sự đồng ý của Nga và Liên Âu, tất nhiên cũng muốn có tiếng nói. Không phải TT Trump đồng ý nói chuyện với BH là LHQ tự động bỏ cấm vận. Chính quyền Trump chẳng những phải điều đình với BH mà còn phải điều đình với các đồng minh NH, Nhật, Liên Âu, và LHQ luôn trong khi không thể quên TC và Nga.
Câu hỏi quan trọng nhất: họp để làm gì, dĩ nhiên.
Thông thường, các buổi họp thượng đỉnh cần vài tháng, có khi cả năm để thảo luận và có vài điểm đồng ý sơ khởi trước. Như chuyến đi Bắc Kinh của TT Nixon, ngoại trưởng Kissinger đi đêm cả mấy năm trời mới có được. Bây giờ, TT Trump đi gặp cậu Ấm trong hai tháng nữa, làm sao chuẩn bị cái gì cho kịp?
Những vấn đề cần thảo luận không phải là những chuyện nhỏ.
Cậu Ấm muốn Mỹ và thế giới bỏ cấm vận, bảo đảm an toàn cho BH và cho bản thân cậu, gia đình cậu và di sản của bố và ông nội, cũng như Mỹ phải rút quân ra khỏi NH, tôn trọng BH như một cường quốc nguyên tử, có tiếng nói trong các vấn đề thời sự lớn của thế giới, hay ít nhất cũng của Á Châu, cũng muốn Mỹ giúp thoát được phần nào ra khỏi vòng kim cô của TC, và dĩ nhiên BH cần viện trợ kinh tế.
Mỹ thì muốn BH giải giới trong vấn đề vũ khí nguyên tử, bảo đảm không xâm chiếm NH, hay đe dọa ổn định cho cả vùng. NH cũng muốn duy trì tình trạng hiện hữu, với bảo đảm BH sẽ không bắn đại bác san bằng thủ đô Hán Thành.
Toàn là những chuyện rắc rối nhất, làm sao có thể có quyết định gì một sớm một chiều? Nhất là khi tất cả các phe, kể cả LHQ đều chưa bao giờ nghĩ tới một giải pháp cụ thể nào?
TTDC sẵn không có cảm tình với TT Trump nhưng không thể công khai đả kích, nên đành nhún vai nghi ngờ TT Trump sẽ đạt được thành công.
Vấn đề là định nghĩa thế nào là thành công? Nếu thành công có nghĩa là sau khi họp với nhau vài tiếng đồng hồ hay thậm chí vài ngày, TT Trump và Chủ Tịch Kim sẽ ký ngay hiệp ước theo đó BH sẽ hủy hết bom nguyên tử và hỏa tiễn, hay ngưng hết việc nghiên cứu và phát triển vũ khí nguyên tử và Mỹ chấm dứt cấm vận rồi vài tháng sau rút hết quân, thì chắc chắn là sẽ không có ‘thành công’. Không ai hy vọng hão huyền như vậy, trừ phi muốn nâng hy vọng lên để mai này nếu không ‘thành công’, có cớ đả kích Trump.
Trên thực tế, phải hiểu cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ chỉ mang ý nghĩa là cấp lãnh đạo cao nhất của hai bên chấp nhận nói chuyện với nhau, đồng ý khai thông bế tắc, mở cánh cửa, không chuẩn bị chiến tranh nguyên tử nữa thôi. Coi như là một hình thức chứng tỏ thiện chí của cả hai bên. Còn sau đó thì hai bên sẽ phải tiếp tục thảo luận, tranh cãi với nhau ở cấp dưới cả vài tháng hay vài năm không chừng.
Chưa có bất cứ thoả thuận nào hết, hai ông xếp gặp nhau, bắt tay nhau, rồi ra lệnh cho đàn em bắt đầu nói chuyện. Trường hợp đặc biệt này dễ hiểu vì sự tranh chấp đang leo thang quá nhanh đến mức nguy hiểm cho cả đôi bên, cần phải có quyết định ngay của hai vị lãnh đạo cao nhất để hạ hỏa. Hơn nữa, cũng đừng quên là cả TT Trump lẫn cậu Ấm đều là những lãnh tụ… không giống ai hết, không thể lấy khuôn thước bình thường để luận về họ. Chỉ biết là cả hai bên đều trong thế nguy hiểm, cần phải hạ hỏa.
Nguy hiểm cho BH vì cấm vận đã tác hại mạnh. BH không nhập cảng dầu hay các nhu yếu phẩm tối cần thiết được, đồng thời chẳng xuất cảng được gì, khiến số lượng ngoại tệ cạn rất nhanh. Theo các chuyên gia, BH đang bên bờ phá sản. Cậu Ấm mấy tháng nay đã không thử nghiệm hỏa tiễn hay bom gì nữa, và cũng đã cam kết sẽ không thử nghiệm trong khi nói chuyện với Mỹ. Ai biết đây là do thiện chí hòa bình hay vì hết tiền, hết bom, hết hỏa tiễn? Trong khi đó thì ông đồng minh TC không có vẻ hồ hởi ủng hộ gì, một phần vì bị áp lực của Mỹ, một phần vì bác Tập đang lo củng cố quyền hành cá nhân của tân hoàng đế, không rảnh cõng cậu Ấm trên lưng trong lúc này.
Nguy hiểm cho Mỹ vì chẳng ai biết khả năng của BH thật sự như thế nào trong khi cậu Ấm có vẻ như anh khùng, có thể liều mạng bất tử với Mỹ, xịt bom qua Guam hay Hawaii thì phiền to.
Chuyện gì cụ thể có thể xẩy ra nếu hai bên thật sự muốn có hiệp ước nào đó. Chuyện này, may ra cụ Trạng Trình sống lại mới đoán được. Tuy nhiên, ta cũng thử đoán mò xem sao.
Theo ngu ý, điều kiện tiên quyết hai bên phải thoả thuận trước là BH sẽ thật sự ngưng ngay mọi thử nghiệm bom hay hỏa tiễn, trong khi Mỹ và NH sẽ hủy bỏ cuộc tập trận dự tính vào tháng Tư.
Việc đầu tiên cần có thỏa thuận có thể là việc các bên chính thức chấm dứt cuộc chiến của thập niên 50. Ta đừng quên là BH và LHQ chỉ ký hiệp ước ngưng bắn chứ chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh thật sự. Bây giờ có thể là lúc ký hiệp định đó, coi như là một văn kiện chính thức nhìn nhận sự hiện hữu và tồn tại của hai nước độc lập, Hàn Quốc và Triều Tiên. Đó là một trong những điều ông cháu nhà họ Kim đòi hỏi từ hồi nào đến giờ.
Việc tới mọi người hy vọng là hai bên Bắc và Nam Hàn sẽ đồng ý về một tiến trình sống chung – chưa ai có thể bàn chuyện thống nhất được đâu. May ra chỉ có thể hy vọng cả hai bên chấp nhận sự hiện diện và sống còn của cả đôi bên, cam kết từ bỏ mọi ý nghĩ hủy diệt, xâm chiếm hay đánh phá nhau, rồi chấp nhận có quan hệ từng bước đi đến bình thường hóa. Từng bước, bắt đầu bằng trao đổi thương mại, mở he hé cánh cửa cho dân hai miền qua lại gặp nhau, NH viện trợ kinh tế và thực phẩm cho BH, BH ngưng việc nghiên cứu phát triển vũ khi nguyên tử, ngưng thử nghiệm bom hay hỏa tiễn, nhưng không phá hủy gì hết, LHQ và Mỹ tháo gỡ cấm vận từng bước, cùng nhịp với tiến trình hòa giải, có thể Mỹ sẽ chứng tỏ thiện chí bằng cách giảm quân dần, hay rút các lực lượng tàu chiến, tầu ngầm, hàng không mẫu hạm dần dần.
Toàn bộ tiến trình sẽ được thực hiện từng bước, bên này đi một bước, bên kia đi một bước. Sẽ không có những biện pháp quy mô một sớm một chiều, vì sự nghi kỵ giữa đôi bên quá lớn. Thực hiện được những chuyện trên trong 5-10 năm thì may ra mới bắt đầu thảo luận về thống nhất được. Sau đó, may ra 10-20 năm nữa mới có thống nhất thực sự. Khi đó, cậu Ấm vào tuổi cổ lai hy, có thể mãn nguyện đã đi vào lịch sử như lãnh tụ đã thống nhất được cả nước, hưởng nhàn với gia tài kếch xù gom góp từ đời ông nội, con cháu sẽ là đại gia đỏ nắm giữ những đại công ty lớn nhất của BH.
TT Trump cũng đi vào lịch sử như người đã chấm dứt cuộc chiến lâu dài nhất lịch sử cận đại, và mang hết quân Mỹ về. Về mặt chiến lược lâu dài, đây là giải pháp hay nhất cho quyền lợi Mỹ, bớt một gánh nặng xa tít mù khơi để tập trung vào America first.
Nếu những chuyện trên xẩy ra, nghĩa là thế giới xóa được một nguy cơ đại chiến nguyên tử, thì TT Trump đã thành công và thành công lớn, đáng để ông hạ mình đi nói chuyện với anh nhóc họ Kim. Biết đâu Hàn Lâm Viện Thụy Điển lại chẳng tặng hai ông Trump và Kim một giải Nobel Hòa Bình?
Ai cũng hiểu đây là cơ hội cuối cùng, và TT Trump đã hạ mình hơn tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm để cứu vãn hòa bình. Nếu thất bại và chiến tranh xẩy ra, khó ai có thể trách ông đã không cố gắng hết mình. Quyết định của TT Trump là loại mà Mỹ gọi là win-win, chỉ có thắng, không có thua. Thất bại, không ai trách ông được, thành công, ông sẽ đi vào lịch như một tổng thống vĩ đại, như nhà báo Erin Burnett của CNN đã phải nhìn nhận.
Vũ Linh Theo DĐTC
Chuyên gia dự đoán kết quả cuộc gặp gỡ ‘lịch sử’ Donald Trump – Kim Jong-un