Formosa: Ván cờ đầy thách thức, phép thử cho cả lãnh đạo và người dân Việt Nam!
Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website
06/5/2016
Khi mọi khía cạnh cuộc sống cũng như những tồn tại của đất nước đã phơi bày thì đó là phép thử hoàn hảo cho cả lãnh đạo lẫn người dân Việt Nam. Nghệ thuật điều binh khiển tướng của cơ quan chức năng, văn hóa của con người Việt Nam thời đại công nghệ, tất tần tật sẽ được trình chiếu như một bộ phim mà người ngoài cuộc chính là khán giả đưa ra câu trả lời công tâm nhất?
Chưa bao giờ trên trên toàn đất nước Việt Nam nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ như vậy, bao gồm từ thực phẩm, hàng hoá, môi trường cho đến chính trị… Khắp nơi, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra nhưng đáng lo ngại, mặt trận nào Việt Nam cũng không nằm ở thế bị động. Cá chết đã làm cho cả xã hội Việt Nam hoang mang, rất nhiều người thường thờ ơ với thời cuộc nay cũng phải thấy rằng bài toán môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến họ, đến gia đình họ, chưa nói là đến các thế hệ con cháu của họ và họ phản ứng theo bản năng với muôn cách khác nhau, cốt làm sao để dân tộc thoát khỏi vấn nạn này.
Ban lãnh đạo Formosa Hà tĩnh cúi đầu xin lỗi |
Chưa bao giờ trên trên toàn đất nước Việt Nam, nỗi sợ hãi có tên gọi Trung Quốc đang hình thành rõ như vậy, bao gồm từ thực phẩm, hàng hoá, môi trường cho đến chính trị…
Một tháng đã trôi qua kể từ ngày hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung nhưng cơ quan chức năng nơi đây vẫn chưa đưa ra được câu trả lời: Formosa đã làm gì với 300 tấn hóa chất cực độc nhập về? Để cá chết hàng chục tấn trôi dạt vào bờ, nghêu chết trắng bãi, trách nhiệm này thuộc về ai cũng chưa có người đứng ra nhận trách nhiệm? Tại Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015) quy định, “Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát…”. Chỉ mỗi việc đường ống xả thải của Formosa đặt ở nơi quá kín đáo, muốn nhìn thấy, người ta phải lặn xuống đáy biển, cũng đủ chứng minh Formosa đã vi phạm luật pháp Việt Nam. Sự việc rành rành như thế, tại sao chưa có cơ quan nào xử phạt Formosa? Hàng loạt những câu hỏi đầy khuất tất người dân đưa ra nhưng không ai hiểu, vì sao cơ quan chức năng Hà Tĩnh lại chậm trễ đưa ra câu trả lời? Phải chăng do không thể vào Vũng Áng kiểm tra Formosa nên mọi dấu chấm hỏi của dân đều đang bị bỏ ngỏ phía sau những xác cá?
Trong khi người dân cần cơ quan chức năng trưng ra câu trả lời đúng nghĩa thì cán bộ cơ quan chức năng lại níu kéo lòng tin của dân bằng cách đồng lòng cùng nhau xuống tắm biển, ăn cá để chứng minh cho cái gọi là biển sạch. Không biết, các chuyên gia cố vấn, tùy viên truyền thông của các tỉnh có hiểu, biện pháp non trẻ này không có sức mạnh hữu hiệu, dù tất cả lãnh đạo các tỉnh gặp vấn nạn có xuống tắm biển hay ăn cá, đó không phải là câu trả lời thỏa đáng?! Câu trả lời đáng giá nhất, thỏa đáng nhất cho dân phải dựa trên bằng chứng khoa học.
Người dân cần cơ quan chức năng có câu trả lời thỏa đáng, khoa học chứ không phải cần cán bộ, cơ quan chức năng níu kéo lòng tin của dân bằng cách tắm biển, ăn cá để chứng minh cho cái gọi là biển sạch.
Xử lý khủng hoảng của đất nước là một việc làm cần sự đồng bộ của các cấp chính quyền, như thế mới tạo nên giá trị tác động một cách tổng thể theo hệ thống chứ không phải là nhiệm vụ của bất cứ một cá nhân nào. Còn nhớ, khi nhà máy hạt nhân ở thành phố Fukushima Nhật Bản rò rỉ phóng xạ, trong bán kính 30km, không một ai dám sống, khu vực biển xung quanh nhà máy cũng nhiễm phóng xạ nên chẳng ai còn đánh bắt. Với nỗ lực của tất cả thành viên trong chính phủ và người đứng đầu nội các Shinzo Abe, 3 năm sau đó, sự sống đã trở lại nơi đây.
Nhật Bản là cường quốc phát triển như thế mà trước vòng xoáy khủng hoảng, tất cả thành viên chính phủ phải đoàn kết cùng nhau mới giải được bài toán khó. Còn Việt Nam, cán bộ, cơ quan chức năng của Việt Nam rất “tài giỏi”, mỗi người làm một cách, không cần có sự nhất quán. Hôm trước Phó Chủ tịch Hà Tĩnh tuyên bố nước biển đạt ngưỡng bình thường, nhân dân vô tư mà tắm biển ăn cá, nuôi trồng thuỷ sản. Vài hôm sau, Bộ NN&PTNN lại ra công văn yêu cầu các cơ sở nuôi cá lồng tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Huế xác định nước biển nhiễm kim loại nặng còn các tỉnh khác thì nói biển sạch… trống đánh xuôi kèn thổi ngược, kết quả là làm cho vấn nạn ngày càng thêm phức tạp, dân không biết tin vào đâu?!
Đất nước có 24.000 tiến sĩ, cả tháng trời không tin là không tìm ra được nguyên nhân vì sao hải sản chết nhưng không hiểu sao im lặng dường như gần hết, làm cho lòng dân thêm bất an?
Ai đã dồn người dân đến bước đường này. Người dân đang sử sụng luật gì để đuổi Formosa về nước vậy? Có ai tỉnh táo để nhận ra hiểm họa đến từ những dòng chữ này hay không?
Chỉ vì sự chậm trễ, xử lý yếu kém, không đồng bộ, chưa thống nhất của cơ quan chức năng mà dẫn đến hàng loạt thiệt hại nghiêm trọng. Ngư dân vùng vấn nạn không bán được hải sản đánh bắt xa bờ, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, bóng ma nạn đói chực chờ; công chức, các bộ ngành liên quan từ T.Ư đến địa phương cứ đi tới đi lui, họp hành triền miên, bao nhiêu đoàn công tác đi vào đi ra các tỉnh miền Trung cả tháng trời tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền ngân sách mà không tìm ra câu trả lời cho dân.
Tức nước vỡ bờ, cộng thêm kích động của các phần tử phản động, hàng ngàn người dân xuống đường biểu tình, hàng ngàn cảnh sát cơ động xuống đường bảo vệ an ninh trật tự. Nhìn các chiến sĩ, cảnh sát cơ động nằm la liệt tại trạm y tế phường Kỳ Liên, nghỉ ngơi và điều trị vết thương; vừa tỉnh lại phải ra vùng lửa đỏ mà thấy thương cho đất nước mình. Đáng lẽ ra, những giọt mồ hôi, vết thương, sức người và sức của đất nước phải đổ nơi tiền tuyến thì bây giờ lại đổ nơi không đáng như thế này?
Nhưng điều cay đắng nhất ở đây, chính là trong cuộc khủng hoảng này, ta nhận ra niềm tin của người dân Việt Nam vào thể chế đất nước quá mong manh – mà đó lại chính là thứ giết con người Việt Nam nhanh nhất, khiến con người ta không đủ sức để tiếp tục “chiến đấu đòi công bằng”. Chỉ vì mất niềm tin vào một vài sự kiện, một vài cá thể công chức mà không ít người mất niềm tin vào tất cả, dẫn đến mất định hướng giữa đời, để rồi không tỉnh táo trở thành công cụ cho ai đó. Trong dòng người xuống đường biểu tình giơ cao dòng chữ “yêu cầu Formosa ra khỏi đất nước Việt Nam” mấy ai hiểu được tác hại của nó như thế nào?
Hàng trăm cảnh sát cơ động xuống đường bảo vệ an ninh trật tự rồi nằm la liệt tại trạm y tế
Hàng trăm cảnh sát cơ động xuống đường bảo vệ an ninh trật tự rồi nằm la liệt tại trạm y tế
Giá như người dân cầm những dòng chữ đuổi “Formosa ra khỏi đất nước Việt Nam” hiểu rằng, chưa có bằng chứng chứng minh Formosa vi phạm luật pháp Việt Nam đã nóng vội đuổi chủ doanh nghiệp này về nước thì chắc chắn từ đây về sau, sẽ không một doanh nghiệp nước ngoài nào dám đến Việt Nam làm ăn?
Giá như người dân ai cũng hiểu, hành động thiết thực nhất lúc này là yêu cầu cơ quan chức năng phải đưa ra câu trả lời hợp lý Formosa có vi phạm luật pháp Việt Nam hay không thay cho sự nóng vội đuổi Formosa về nước thì hay hơn nhiều. Khi có bằng chứng chứng minh Formosa vi phạm luật pháp Việt Nam, lúc đó Việt Nam danh chính ngôn thuận buộc Formosa phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái, phải rời khỏi Việt Nam. Có như vậy, Việt Nam mới khôn ngoan, không tạo cái cớ cho ai đó bắt bẻ; người ngoài cuộc mới nể phục. Trên nền tảng đó bất cứ doanh nghiệp nào đến Việt Nam đầu tư cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Như thế thì, luật pháp đất nước ta mới có chỗ đứng đúng nghĩa của nó!
Trong cơn nguy khốn này, mới biết đâu là vàng, đâu là thau; đâu là trí thức yêu nước và trí thức nhân danh yêu nước. Là người mạnh mẽ, kịch liệt lên tiếng về sự việc cá chết ở Hà Tĩnh, nhưng khi được những cá thể nhân danh yêu nước mời, lôi kéo tham dự cuộc xuống đường hôm 1/5 để thể hiện lòng yêu nước, giảng viên đại học ở Hà Nội Nguyễn Hoàng Ánh đã thẳng thắng khước từ. “Điều quan trọng bây giờ là tìm ra bằng chứng để biết ai hoặc tổ chức nào chịu trách nhiệm gây cá chết, và cơ quan chức năng quản trị khủng hoảng. Còn bây giờ mọi người rủ nhau đi tuần hành là để phản đối ai”.
TQ đổ hóa chất độc hại ra biển, dư luận cả nước hút vào đấy, cơ quan công quyền lo chống đỡ giải quyết; ngoài kia TQ vi vu đưa tàu chiến đến các đảo ở Trường Sa của ta ăn mừng, múa hát.
TQ đổ hóa chất độc hại ra biển, dư luận cả nước hút vào đấy, cơ quan công quyền lo chống đỡ giải quyết; ngoài kia TQ vi vu đưa tàu chiến đến các đảo ở Trường Sa của ta ăn mừng, múa hát.
Không phải ngẫu nhiên mà giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh viết trên mạng xã hội: “Vụ bạo loạn 2014 đã làm Việt Nam thua thiệt quá nhiều, mọi người rút kinh nghiệm đi”. Càng không phải ngẫu nhiên mà bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam vừa ra đời chưa đầy 5 phút đã được rất nhiều người đồng cảm, chia sẻ, phổ nhạc và hát một cách say mê như chính những lời từ trái tim của họ vậy! Nó đã phơi bày sự thật, rất nhiều người dân Việt Nam đã nhìn thấy những tồn tại của đất nước mình?
Khi bài viết này đăng tải, ngoài kia, hải sản vẫn chết la liệt trôi vào bờ; nghêu chết trắng bãi; nước biển đổi màu; ngư dân tiếp tục rơi nước mắt, hàng trăm tấn gạo cứu đói vẫn liên tục rời kho chính phủ đến với khúc ruột miền Trung đau thương. Trong khi người dân cả nước đang bị hút vào sự kiện hóa chất độc hại của Formosa giết chết môi trường, cưỡng đoạt sự sống; cơ quan chức năng Việt Nam bù đầu giải quyết vấn nạn thì tại Trường Sa, Trung Quốc đang vi vu lái tàu chiến 20.000 tấn đưa người dân của họ đến đảo Chữ Thập của Việt Nam hát ca, ăn mừng. Chưa dừng lại ở đó, dịp này, tàu chiến và vũ khí quân sự tối tân của Trung Quốc cũng đã cập bến, đến các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trên chính vùng biển của Việt Nam mà không tốn một viên đạn hay bất cứ lực cản nào…
Tường Vy