Fidel Castro và ‘kẻ thù phương Bắc’
Theo BBC
Phố cổ Havana – Bui Van Phu |
Cựu Chủ tịch Fidel Castro của Cuba vừa qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Lãnh đạo lâu năm của đảo quốc sát cạnh Hoa Kỳ là người đã đối đầu với 11 tổng thống Mỹ từ hơn sáu thập niên qua.
Thập niên trước, vì sức khoẻ yếu nên Fidel đã trao quyền lại cho người em là Raul Castro.
Cuối năm 2014, Hoa Kỳ và Cuba tái lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ quán của hai nước đã được mở ra tại Washington và Havana.
Đầu năm nay, Tổng thống Barack Obama có chuyến viếng thăm chính thức Cuba, là tổng thống Mỹ đầu tiên công du đến đây trong gần một thế kỷ, kể từ khi Tổng thống Calvin Coolidge thăm nước này vào năm 1928.
Fidel: “Lãnh đạo Mỹ không đáng tin, Cuba không cần Mỹ giúp”
Ngay sau chuyến viếng thăm của ông Obama, Fidel Castro đã viết trên báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba rằng lãnh đạo Hoa Kỳ không đáng tin cậy và Cuba không cần sự giúp đỡ của Mỹ.
Tối 25/11 vừa qua, tin Fidel Castro từ trần được nhanh chóng truyền đi ở Little Havana và hàng nghìn người Mỹ gốc Cuba đã xuống đường nhảy múa reo mừng.
Từ ngày Fidel lên nắm quyền năm 1959, cả triệu người Cuba đã bỏ nước ra đi, nhiều người vượt biển. Hiện có hai triệu người Cuba sinh sống tại Mỹ, hơn một nửa ở tiểu bang Florida, tập trung đông nhất ở Miami, cách Havana chưa đến 200 km.
Nhiều người Mỹ cũng như người Cuba chưa quên những tháng ngày căng thẳng vào đầu thập niên 1960 với sự kiện CIA Mỹ tài trợ vụ tấn công Vịnh Con Heo, nhưng thất bại trong việc lật đổ Fidel. Và sự kiện Fidel cho Liên Xô đem vũ khí nguyên tử vào đặt trên đất Cuba nhắm vào Hoa Kỳ đã gây căng thẳng cao độ vì nguy cơ chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra.
Hơn nửa thế kỷ qua, vì không được tự do du lịch đến một đảo quốc với dân số hiện nay là 11 triệu người, chỉ cách Hoa Kỳ một khoảng ngắn, nơi Fidel Castro lúc nào cũng sôi sục chống Mỹ, sợ Mỹ ám sát và xâm lăng, nên luôn có những huyền thoại về xứ sở của xì gà và rượu rum trong lòng nhiều người Mỹ.
“Đảm bảo quyền lợi căn bản cho dân”
Mấy năm trước, tôi có dịp đến Cuba một tuần trong một chương trình giáo dục.
Khi ở đó, tôi đọc được trên báo và nghe nhắc đến nhóm chữ “kẻ thù phương Bắc” – theo lời người hướng dẫn dịch lại từ tiếng Tây Ban Nha ra tiếng Anh là “enemy from the North” – mà người dân Cuba nhìn đó là các lãnh đạo Mỹ.
Nhưng đi nhiều nơi, khi biết chúng tôi là người Mỹ, dân Cuba thường nói giữa nhân dân hai nước có quan hệ tốt đẹp, còn chuyện chính trị là việc của lãnh đạo.
Mỗi ngày đoàn chúng tôi được nghe các giới chức nói chuyện về một lĩnh vực trong đời sống dân Cuba, từ y tế, giáo dục đến văn hoá, xã hội. Các bài nói chuyện đều có dẫn chứng Hiến pháp bảo đảm quyền lợi căn bản cho dân, có ghi lại phát biểu của Fidel Castro về các chính sách.
Ngồi nghe tôi liên tưởng đến những phát biểu, những buổi nói chuyện của quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế hay trong các buổi họp. Na ná một kiểu là Hiến pháp ghi rõ điều này, điều kia hay Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói thế này thế nọ.
Như nhiều người Việt đã trải nghiệm, từ văn bản, dù là Hiến pháp hay văn bản pháp qui đến thực tế áp dụng là một bước rất xa, đôi khi còn trái ngược. Và đó là nghịch lý của những quốc gia cộng sản mà Việt Nam hay Cuba không là ngoại lệ.
Về quan hệ bang giao quốc tế, những đề tài nghiên cứu để đối chiếu quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam và quan hệ Hoa Kỳ với Cuba sẽ được nhiều học giả chú ý đến trong tương lai.
Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1980, khi mới đổi mới và mở cửa đón du khách phương Tây, đặc biệt là du khách Mỹ thì người Việt trong nước gặp du khách Mỹ cũng đều nói nhân dân hai nước không có thù hận gì nhau, chỉ có giữa hai chính phủ.
Vai trò của Fidel Castro trong quan hệ Cuba-Hoa Kỳ
Sau cái chết của Fidel, Cuba có cơ hội trở thành bạn của Hoa Kỳ hay không?
Tôi không tin điều đó sẽ xảy ra nếu không có cải cách dân chủ ở Cuba. Vì như trường hợp Việt Nam, sau 20 năm bang giao mà đến nay đâu đã có thực sự là bạn của Hoa Kỳ.
Cũng giống như Việt Nam với Điều 4 Hiến pháp, khi Đảng Cộng sản Cuba còn độc quyền cai trị, như ghi trong Điều 5 của Hiến pháp Cuba, thì chưa thể có dân chủ trên đảo quốc này.
Cuba cũng như Việt Nam hiện không có tự do báo chí, tự do phát biểu. Những người nêu quan điểm bất đồng với nhà nước thường bị bỏ tù.
Học sinh, sinh viên Cuba được đi học hoàn toàn miễn phí. Điều này khác với Việt Nam, thế nhưng đó chưa hẳn đó là một chính sách giáo dục tốt.
Lý do là bởi ở các nước cộng sản, giáo trình học tập là do nhà nước đưa xuống, học sinh, sinh viên không quen phản biện mà chỉ biết học tập kiểu thuộc lòng.
Người hướng dẫn cho đoàn chúng tôi là người đã lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin. Anh ra làm hướng dẫn du lịch được nhiều tiền hơn là làm công chức nhà nước. Lương trung bình một năm của người Cuba chừng 300 đôla. Một tuần hướng dẫn chúng tôi, chỉ tiền boa thôi anh cũng được 700 đôla, người tài xế được 600 đôla.
Cuba đã có chính sách nới lỏng về tự do kinh doanh, như việc cho tư nhân mở nhà hàng. Những nơi tôi đến ăn, một bữa tối trung bình 20 đôla. Tôi tự hỏi những chủ nhân nhà hàng đó có phải là cán bộ hay con cháu của họ, vì người dân thường lấy vốn ở đâu để mở nhà hàng đắt tiền như thế.
Tình hữu nghị giữa các nước cộng sản
Để đối trọng với Mỹ đang dần nâng cấp quan hệ với Cuba, các lãnh đạo cộng sản còn lại của Trung Quốc là Tập Cận Bình và của Việt Nam, từ Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, cho tới gần đây nhất là Trần Đại Quang, cũng đã thăm viếng đảo quốc này.
Việt Nam thường viện trợ gạo cho Cuba, mà theo người hướng dẫn đoàn của tôi nói là gạo ngon nhất.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, chính sách đối đầu với Mỹ của Fidel Castro được các nước cộng sản hoan nghênh, trong đó có Việt Nam là hết lòng hơn cả. Hà Nội đã quyết định dành ngày 4/12 làm quốc tang cho Fidel.
Quan hệ giữa Việt Nam và Cuba là tình đồng chí từ những ngày cuộc chiến chống Mỹ ở Việt Nam được Hồ Chí Minh khởi xướng vào cuối thập niên 1950, cùng thời điểm chiến tranh cách mạng ở Cuba do Fidel lãnh đạo đạt thành công.
Mấy năm trước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Havana và đã có lời phát biểu nhớ đời là Cuba và Việt Nam, một nước ở phía đông, một nước ở phía tây, khi Cuba thức thì Việt Nam ngủ và khi Cuba ngủ thì Việt Nam thức để thay nhau canh giữ hòa bình thế giới.
Nền kinh tế Cuba và ‘khúc ruột trăm dặm Miami’
Từ thập niên 1980 tôi đã có dịp tham quan những nước có khuynh hướng chống Mỹ, trước khi Liên bang Nga và Đông Âu chưa sụp đổ. Tôi đã đi Trung Quốc, Ghana, Benin, Nigeria, Hungary. Thời đó, phát triển nhất theo tôi là Hungary.
Gần 30 năm sau đến Cuba thì thấy đất nước này thua Hungary của năm 1985 rất xa. Thủ đô Havana nghèo nàn, nhà cửa xuống cấp. Nhiều nhà cao tầng đang xây mà bỏ dở dang. Ở đây thiếu phương tiện di chuyển công cộng.
Dọc theo Malecón, những căn nhà ngó ra biển đáng lý ra phải là những nơi nghỉ mát đắt tiền, nhưng trên thực tế lại nhà những căn nhà xuống cấp tồi tệ, mầu sơn úa bạc và mưa nắng, gió biển đã soi mòn những cột sắt, bờ tường.
Lãnh đạo Cuba đổ lỗi cho Hoa Kỳ cấm vận.
Hơn nửa thế kỷ kiên trì theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, dưới chế độ của Fidel Castro, đất nước Cuba thật nghèo nàn. Cửa tiệm ít mặt hàng. Ít thấy chợ. Hai trạm y tế ở thủ đô và ở miền quê đều rất đơn sơ.
Tổng thống Barack Obama đã mở ra quan hệ với Cuba như ông đã hứa khi vận động tranh cử năm 2008.
Năm 2009 ông đã ký sắc lệnh cho người Mỹ gốc Cuba về thăm quê hương, được gửi tiền về giúp thân nhân.
Mỗi năm có khoảng 400 nghìn người Mỹ gốc Cuba về thăm nhà và gửi hàng tỉ đôla về cho thân nhân.
Sau một tuần thăm Cuba, khi tôi ra phi trường Marti thì bị cúp điện vài lần và chuyến bay trễ nhiều giờ.
Về lại Miami, qua kiểm soát nhập cảnh nhân viên di trú hỏi tôi qua Cuba làm gì. Tôi đưa giấy chứng nhận và nói qua đó theo một chương trình tìm hiểu về giáo dục và y tế. Nghe thế ông nói với tôi rằng: “In Cuba they don’t teach you anything, only about communism.” – Ở Cuba họ không dạy gì ngoài chủ nghĩa cộng sản.
Với rất đông người gốc Cuba sinh sống ở Miami, tôi tin ông có những hiểu biết về Cuba nhiều hơn tôi.
Điều ông nói cũng giải thích tại sao khi nghe tin Fidel Castro qua đời, người Cuba ở Little Havana đã ra đường nhảy múa vui mừng.
Như thế điều tôi nghe được ở Havana về “kẻ thù phương Bắc” có phải là chính là khúc ruột trăm dặm ở Miami, là chính phủ Mỹ – hay là cả hai?