Facebook ‘vì lợi nhuận mà để cho tin giả, tin xấu lan tràn’
VOA Tiếng Việt – Việc Facebook đặt lợi nhuận lên trên hết không chỉ dẫn đến hậu quả là ‘để cho tin giả tràn lan’, ‘khuyến khích sự nóng giận của người dùng’ mà còn ‘dập tắt tiếng nói của sự thật theo yêu cầu của các nhà nước độc tài’, một kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ gốc Việt vốn dành nhiều thời gian theo dõi Facebook nói với VOA.
Facebook, mạng xã hội được nhiều người Việt sử dụng nhất hiện nay, đang bị chính quyền Mỹ săm soi sau những tiết lộ gây sốc của cô Frances Haugen, một cựu quản lý dự án của Facebook, khi ra điều trần ở Quốc hội hồi tháng trước.
Cô Haugen đã nói trước một tiểu ban ở Thượng viện rằng Facebook ‘đặt lợi nhuận ngất ngưỡng của họ trước người dân’ và kêu gọi Quốc hội hành động để kiềm chế hãng công nghệ khổng lồ này, theo USA Today.
“Chúng ta có thể tận hưởng mạng xã hội giúp kết nối chúng ta mà không phải phá nát nền dân chủ của chúng ta, đưa con em chúng ta vào nguy hiểm và gieo rắc bạo lực sắc tộc khắp thế giới,” cô Haugen được USA Today dẫn lời phát biểu trong buổi điều trần truớc Quốc hội.
‘Người thổi còi’ này đã phân tích bằng cách nào mà các thuật toán nhằm kích thích người dùng bỏ nhiều thời gian trên Facebook đã ‘dẫn đến các mức độ nguy hiểm của bạo lực và xung đột trên khắp thế giới, điều mà Facebook không hề chặn bởi vì nó sẽ làm giảm lợi nhuận’.
Do đó, muốn tránh tác hại cho người dùng và xã hội, Facebook cần xây dựng các sản phẩm làm sao để chúng ‘ít gây căng thẳng, ít gây phản ứng và ít lan truyền hơn’, cũng theo lời cô Haugen được USA Today dẫn lại.
“Dường như Facebook đầu tư vào những người dùng có thể đem lại tiền cho họ,” cô Haugen nói và lập luận rằng mạng xã hội này tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tăng cường tương tác của người dùng bằng mọi giá. Cô cho rằng việc Facebook sắp xếp các bài đăng theo số lượng tương tác ‘đặc biệt có hại’.
Những nhận định này được ông Nguyễn Bình Phương, một lập trình viên ở California từng làm việc cho hãng Google nay ra mở công ty riêng, khẳng định lại với VOA. Ông Phương đã có thời gian theo dõi cách thức hoạt động của mạng xã hội này rất lâu trước buổi điều trần của cô Haugen.
“Những gì cô Haugen nói đã xác minh cho những gì mà tôi còn mơ hồ,” ông Phương nói với VOA. “Nhưng nó ở mức độ hơn rất nhiều so với những gì tôi ngờ vực.”
Tin giả hoành hành
Ông Phương đã bỏ thời gian trong hơn một năm qua để tự mình chống tin giả bằng cách kiểm chứng và dịch những thông tin chính xác để chuyển tải đến người Việt sau khi ông nhận thấy nạn tin giả hoành hành trong cộng đồng gốc Việt. Nền tảng mà ông hướng tới là Facebook vì nơi đó tập trung đông người Việt.
Cũng giống như cô Haugen, ông Phương cho rằng Facebook đã ‘đặt nặng lợi nhuận lên cao hơn các giá trị hay lợi ích khác’.
“Khi người ta dành nhiều thời gian trên Facebook, bỏ thời gian để tranh cãi với nhau trên đó thì sẽ có cơ hội những quảng cáo của Facebook sẽ được người ta nhấn vào nhiều hơn, họ sẽ thu được nhiều tiền hơn,” ông giải thích.
Ông cho rằng nhiều khán giả, nhất là người Việt, ‘rất thích nghe những gì hợp với suy nghĩ của họ bất kể đúng hay sai’. Qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, nhiều người Việt ủng hộ ông Donald Trump ‘rất thích nghe những tin tức tâng bốc ông Trump’, ông nói, nên họ tích cực chia sẻ.
“Cho nên những tin giả mức độ lan tỏa của nó rất kinh khủng, hơn rất nhiều so với tin thật,” ông nói.
Khi thị hiếu của nhiều người là thích nghe và xem tin giả, ông Phương phân tích: “Tin giả càng nhiều thì càng có lợi cho Facebook về mặt lợi nhuận,”
Ông chỉ ra rằng trên Facebook việc đưa tin giả rất dễ dàng trong khi bản thân ông khi dịch một bản tin nào đó ‘phải kiểm chứng ít nhất 2-3 nguồn uy tín khác nhau’ chứ không phải thấy thông tin ở đâu đó là vội đưa lên.
Theo ông những tin giả tiếng Anh đã bị phản bác nhưng vẫn bị phát tán bằng Tiếng Việt vì các nhóm kiểm chứng tin người Việt ‘không đủ sức mạnh lan truyền’.
Mặc dù bản thân Facebook cũng nỗ lực chống tin giả nhưng ông Phương cho rằng đó là một cách làm hời hợt, chẳng hạn như dán lên phía dưới tin dòng cảnh báo và đường dẫn để kiểm chứng. “Nhưng với tốc độ thông tin như hiện nay thì không mấy ai nhấp vào đó để xem mà họ cứ like và share cái đã,” ông nói.
Theo quan sát của ông Phương thì ‘chưa có tài khoản nào loan tin giả bằng Tiếng Việt bị Facebook đóng cả mà họ chỉ gỡ vài bài thôi’, và ‘có những tài khoản của người Việt loan tin giả hàng ngày hàng giờ, đưa đủ thứ tin giả được chia sẻ rất nhiều nhưng vẫn tồn tại’.
Sức mạnh của ‘mặt giận’
Đối với cáo buộc của cô Haugen rằng Facebook ‘nuôi dưỡng sự thù hận và kích động bạo lực’, ông Phương cho rằng đó là do một biểu tượng cảm xúc mà Facebook mới thêm vào sau này là hình mặt giận.
“Facebook cần phải tăng số giờ sử dụng chứ không chỉ số người sử dụng,” lập trình viên này phân tích. “Nghiên cứu của Facebook đã cho thấy rằng khi có ‘mặt giận’ hiện lên, người ta vô đó bình luận nhiều hơn, tranh cãi, chia sẻ cũng nhiều hơn.”
“Số lượng mặt giận càng nhiều thì bài đăng đó càng được đẩy lên trên để tiếp cận nhiều người đọc hơn,” ông nói và dẫn ra hồ sơ Facebook được tiết lộ cho thấy mạng xã hội này tính ‘mỗi mặt giận có giá trị gấp 5 lần like bình thường’.
Ông chỉ ra việc nhiều người tham gia vào cuộc bạo loạn ở Quốc hội Mỹ hôm 6/1 là ‘nghe theo lời kêu gọi giận dữ trên Facebook’
“Bất chấp trên xã hội ảo người ta trở nên nóng giận để rồi ngoài đời thật xảy ra bao nhiêu chia rẽ giữa bạn bè và gia đình, Facebook chỉ cần biết người ta bỏ nhiều thời gian lên mạng xã hội để họ có thêm lợi nhuận mà thôi,” ông chỉ trích.
‘Phục tùng độc tài’
Tờ Washington Post mới đây cũng đưa tin Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, đã phục tùng các yêu cầu của chính quyền Việt Nam là tăng cường kiểm duyệt những thông tin bất lợi cho Đảng Cộng sản để không bị chặn ở một trong những thị trường đem lợi nhuận lớn nhất ở châu Á cho Facebook.
Báo cáo minh bạch thường niên của Facebook cho thấy số lượng bài đăng bị họ chặn ở Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 là 2.200, tăng gần gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm.
Ông Phương cho biết bản thân ông đã chứng kiến việc Facebook hợp tác với chính quyền Việt Nam – điều khiến ông từng nghi ngờ ‘có người của cộng sản làm việc cho Facebook’.
“Thị trường Việt Nam đem lại cho Facebook doanh số 1 tỷ đô la một năm, tức là Facebook và chính bản thân Mark Zuckerberg bán đứng quyền tự do ngôn luận, sự tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam với cái giá 1 tỷ đô la,” ông nói.
Ông cho rằng việc các hãng công nghệ bị các nhà nước độc tài gây áp lực là ‘điều không mới’, chẳng hạn như Google từng bị Trung Quốc yêu cầu phải chặn các từ khóa tìm kiếm nhạy cảm, và Google dù nghe theo nhưng vẫn có dòng chữ là ‘có những kết quả đã bị xóa theo yêu cầu của chính quyền’. Đằng này, Facebook ‘không có nỗ lực gì bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dùng’.
Ông dẫn ra một trường hợp là nhóm ‘Lều của đầy tớ’ vốn phơi bày dinh thự xa hoa của các quan chức Việt Nam đã bị Facebook đánh sập vào tháng 12/2020, tức trước thềm Đại hội Đảng 13, với lý do ‘vi phạm sở hữu trí tuệ’ mà không nói rõ là ‘vi phạm thế nào, lấy hình của ai’.
“Lều của đầy tớ’ bị đóng đến nay không mở lại được. Các quản trị viên của nhóm liên tục khiếu nại lên Facebook nhưng không có hồi âm,” ông cho biết và lên án Facebook ‘không tôn trọng người dùng’.
‘Phản dân chủ’
Ông Phương đặc biệt chỉ trích cách Facebook tiếp nhận các trình báo mà theo ông là ‘thực thi dân chủ một cách phản dân chủ’.
Ông kể là ông và những người cùng chí hướng lập một nhóm gồm 300 thành viên chuyên trình báo các trang tin giả Tiếng Việt nhưng trên thực tế đến nay ‘hiệu quả là con số không’.
“Nhưng nếu có bài nào đó bất lợi cho chính quyền cộng sản thì lực lượng dư luận viên thi nhau báo cáo khiến cho tài khoản đăng bài đó bị Facebook đóng cửa,” ông chỉ ra và nói Facebook không hề cho biết số lượng báo cáo là bao nhiêu là đủ để họ hành động.
“Khi họ đóng thì họ cũng đưa ra lý do rất mơ hồ và cơ hội để khiếu nại là zero,” ông nói thêm và nhận định rằng người dùng ‘rất thấp cổ bé họng’ trước ông lớn mạng xã hội này.
Ông nói nhóm của ông bất lực nhìn tin giả hoành hành trong cộng đồng Việt dù đã báo cáo rất nhiều lần.
‘Hành động không đủ’
Kỹ sư phần mềm này cho rằng trước các vấn nạn trên, Facebook đã ‘hành động quá ít’ để xử lý.
Ông chỉ ra việc Facebook dành đến 87% chi phí chống tin giả của họ để chống tin giả bằng tiếng Anh ở thị trường Mỹ, còn các trang tin giả bằng các ngôn ngữ khác, trong đó có Tiếng Việt, hầu như không có nỗ lực gì.
“Không rõ họ có người nào để theo dõi mảng tin giả (Tiếng Việt) hay không hay chỉ dùng trí tuệ nhân tạo để bắt lỗi này lỗi kia,” ông nói và cho biết nghiên cứu nội bộ của Facebook đã phát hiện được những chỉ dấu của tin giả hay kích động bạo lực nhưng ‘họ đã hành động không đủ’.
Ông dẫn chứng mãi đến khi xảy ra cuộc bạo loạn hôm 6/1 tại Quốc hội Mỹ thì Facebook mới họp khẩn cấp để quyết định áp dụng biện pháp nào. “Trước đó, họ biết những việc họ có thể làm nhưng họ không làm,” ông nói.
Ông nói mặc dù là một công ty kinh doanh với ‘trách nhiệm tận cùng’ là ‘làm việc vì lợi nhuận’ nhưng hành động vì lợi nhuận đó lại gây hại cho xã hội thì cần phải có chế tài.
Theo ông, Facebook không thể viện cớ ‘đáp ứng thị hiếu người đọc’ mà để cho tin giả tràn lan và ví von với việc chính phủ Việt Nam để cho nông dân vì chạy theo cái lợi trước mắt, vì thiếu hiểu biết mà làm việc có hại như nuôi ốc bươu vàng theo lời dụ dỗ của thương lái Trung Quốc.
“Tin giả về bầu cử đánh phá nền dân chủ Mỹ, làm cho giá trị Mỹ bị ngờ vực, còn tin giả về vaccine dẫn đến sự chết chóc,” ông phân tích.
Từ đó, ông Phương đề xuất ‘cần có một tổ chức độc lập để giám sát, kiềm chế Facebook và phải có chính sách rõ ràng Facebook được làm gì, không nên làm gì’.
“Tôi không thể tin Facebook có thể tự kiểm soát được,” ông khẳng định.
Facebook phản hồi
Cho đến giờ, các lãnh đạo Facebook như ông Mark Zuckerberg và bà Sheryl Sandberg, giám đốc hoạt động (COO), đều chưa lên tiếng về những cáo buộc của cô Haugen.
Trong khi đó, trong một tuyên bố được gửi cho tờ USA Today, bà Lena Pietsch, giám đốc thông tin chính sách, chỉ trích cô Frances Haugen là ‘làm việc với Facebook chưa tới hai năm, không có báo cáo trực tiếp, chưa từng tham dự một cuộc họp ra quyết định nào với các giám đốc điều hành cấp cao và đã làm chứng hơn sáu lần rằng cô ta không làm việc trên vấn đề được nêu’.
“Mỗi ngày, chúng tôi phải có những quyết định khó khăn về việc tách bạch giữa tự do biểu đạt và những phát ngôn gây hại, quyền riêng tư, an ninh, và các vấn đề khác, và chúng tôi sử dụng của nghiên cứu nội bộ và nghiên cứu của các chuyên gia bên ngoài để cải tiến các sản phẩm và chính sách của chúng tôi,” tuyên bố viết. “Nhưng chúng tôi không thể tự mình ra quyết định và đó là lý do tại sao trong nhiều năm chúng tôi đã cổ súy cho việc cập nhật các quy định mà ở đó các chính quyền dân chủ đặt ra các chuẩn mực mà tất cả chúng tôi phải tuân theo.”
Trước đó, trả lời VOA Tiếng Việt qua email, một người phát ngôn của Facebook nói rằng ‘mục tiêu của chúng tôi là duy trì hoạt động của các dịch vụ tại Việt Nam để chúng tôi có thể cung cấp không gian cho nhiều người nhất có thể để bày tỏ, kết nối với bạn bè và điều hành công việc kinh doanh của họ’.