EVFTA: Cơ hội hành động (phần 2)
Thục Quyên
6-9-2018
Tiếp theo phần 1
Những diễn tiến đáng chú ý
1/ Từ khi Hiệp Định Đối Tác và Hợp Tác Toàn Diện (PCA) được phê chuẩn năm 2012 tới nay, đã có 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở VN cho thấy những cuộc đối thoại này hoàn toàn không đạt được một kết quả khả quan nào và Việt Nam không tôn trọng những điều đã ký kết.
Sau hoặc trước những cuộc đối thoại, Phái đoàn Liên minh châu Âu luôn có những buổi tiếp xúc với một số nhân vật VN thuộc khối Xã hội Dân sự tự do, nhưng cho tới nay chưa thấy Liên minh châu Âu thực tình đặt điều kiện với nhà nước Việt Nam phải chấp nhận sự tham gia của các tổ chức độc lập vào công việc giám sát.
Đại diện Phái đoàn EU đã tìm cách khỏa lấp bằng lập luận khó có thể biết tổ chức nào là chính quyền chỉ định, tổ chức nào thật sự độc lập (theo tin một người tham dự cuộc tiếp xúc tháng 11/2017) (4) Trong khi trong bản thông cáo báo chí ngày 23/02/2017 sau cuộc viếng thăm Việt Nam, ông Panzeri, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Âu châu, đã có nhận định rõ ràng là (5): Đòi hỏi đăng ký với Mặt trận Tổ quốc loại trừ khả năng độc lập… (của các tổ chức phi chính phủ: xã hội, tôn giáo…). Như vậy không hề có sự khó khăn để nhận định những tổ chức độc lập.
2/ Ngày 26/02/2016 sau khi thụ lý hồ sơ khiếu nại của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt nam (VCHR) vì lý do Ủy ban châu Âu đã không tiến hành đánh giá tác động nhân quyền trong bối cảnh đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam, bà O´Reilly, Thanh tra liên Âu, đã đưa ra phán quyết:
Ủy ban châu Âu đã không cắt nghĩa được một cách hợp lý việc từ chối thực hiện đánh giá tác động nhân quyền tiền hiệp định, trong khi các cuộc đàm phán về Hiệp dịnh Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đang tiếp diễn. Đây là một sai phạm quản lý nghiêm trọng. (6)
Điều này cho thấy, Ủy ban châu Âu tuy đã có những buổi tham khảo các tổ chức phi chính phủ nhưng tiến trình đàm phán đã được kết thúc với những sơ suất mà Quốc hội Âu châu cần được lưu ý phải xem xét, đòi hỏi sửa đổi và bổ sung trước khi phê chuẩn. ̣Đây là giai đoạn cần những hoạt động tích cực của các tổ chức phi chính phủ, Xã hội Dân sự độc lập.
3/ Trong 7 thông cáo báo chí sau 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền thường niên, Liên minh châu Âu luôn đề cập tới vấn đề Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ Nhân quyền. Quốc hội Âu châu cũng đã ra những nghị quyết gần như mỗi năm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, mới đây là nghị quyết về quyền tự do bày tỏ ở Việt Nam (7) và đã bị ông Nguyễn Thanh Sơn – Chánh văn phòng – Văn phòng Thường trực Nhân quyền của Việt Nam, kết án là không khách quan, can thiệp vào công việc nội bộ của VN, sử dụng những thông tin sai lệch qua những kênh không chính thống, xuất phát từ những cá nhân có tư tưởng chống đối VN, xuyên tạc tình hình nhân quyền VN (8)
Những tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự, cần nghiên cứu kỹ và phản biện chi tiết những lập luận của nhà nước Việt Nam, với những bằng chứng cụ thể, để trình Quốc hội Âu châu trước khi 750 nghị viên biểu quyết phê chuẩn EVFTA.
4/ Ngày 16/04/2018, 19 hiệp hội thương mại Việt Nam và quốc tế đã gửi một tuyên bố chung ủng hộ xúc tiến nhanh chóng EVFTA (9). Trong thư, họ đã chỉ trích:
“Chúng tôi kêu gọi Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội Âu châu hãy ngưng việc ngăn giữ EVFTA vì lý do quản trị, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đôi bên…
…Đưa ra các mối quan ngại trên, chúng tôi muốn đảm bảo rằng chính sách thương mại của LM châu Âu tiếp tục phục vụ lời hứa về tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cam kết phát triển bền vững”.
5/ Ngược lại, theo tài liệu của đảng Việt Tân (10), ngày 6/6/2018, một kiến nghị gửi theo dạng thư ngỏ, ký tên 90 tổ chức VN và quốc tế, trong đó có đảng Việt Tân, hội Bầu Bí Tương Thân, hội Anh Em Dân Chủ, hội Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, Reporters without Borders (Phóng Viên không Biên Giới).v.v… đã kêu gọi Liên Minh Âu Châu bác bỏ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vì tình trạng quá tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam.
Lời bàn
Như đã viết trong phần 1 của bài, trong bối cảnh thương mại thế giới đầy bất ổn hiện nay, một cánh cửa đưa tới sự ổn định với thị trường Âu châu là con đường sống cho doanh nghiệp Việt Nam. Giảm lệ thuộc kinh tế là ngõ thoát thiết yếu cho Việt Nam khỏi lệ thuộc chính trị vào Trung Quốc. Còn đối với Liên minh châu Âu, trong tình trạng chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, con đường thông thương này với VN cũng là một miếng mồi rất hấp dẫn mà họ đang cố đạt được.
Liên minh châu Âu cũng rất ý thức sự cạnh tranh với Trung Quốc tại VN là một vấn đề hóc búa, vì LM phải tôn trọng các giá trị nhân bản của Âu châu. Cũng cần phải hiểu là hiện nay đường hướng của Âu châu, để có thể ảnh hưởng tích cực nhất, là tham gia thay vì cắt đứt liên hệ. Chính vì những giá trị này mà LM châu Âu là một đối tác quý báu của người dân Việt, một lý do chính đáng để mọi người, mọi tổ chức, cần thực tiễn hợp lực với Quốc hội Âu châu đòi hỏi Việt Nam phải hoàn tất một số điều kiện về tôn trọng quyền con người, quyền công nhân, bảo vệ môi trường trước khi EVFTA được phê chuẩn.
Đòi bác bỏ hoàn toàn Hiệp định Thương mại Tự do là một ý kiến không có lợi cho người dân Việt Nam và là một sự chống đối quá cực đoan, đẩy Liên minh châu Âu vào thế kẹt trong bối cảnh thương mại hiện tại, có thể đi đến hiệu ứng Boomerang.
_________