Ed Thorp: Thiên tài toán học đánh bại mọi thứ, từ sòng bạc đến thị trường chứng khoán

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ed Thorp: Thiên tài toán học đánh bại mọi thứ, từ sòng bạc đến thị trường chứng khoán

13/07/2017

 

Ed Thorp - Thiên tài toán học đánh bại mọi thứ, từ sòng bạc đến thị trường chứng khoán

Theo quan điểm của Ed Thorp, phố Wall cũng không tốt đẹp hơn 1 sòng bạc là bao, không phải bởi vì như nhiều người so sánh việc chơi chứng khoán cũng giống như đánh bạc mà bởi vì mọi thứ đều được sắp xếp từ trước. “Bàn tay vô hình trở thành ngón trỏ vô hình. Đó là một thị trường được kiểm soát và bị thao túng”, ông nói.

” Ăn trưa với FT ” (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật chính là nhà đầu tư định lượng nổi tiếng Ed Thorp – người từng khiến các sòng bạc phải sợ hãi và cấm ông chơi bạc vì ông thắng quá nhiều.

Thorp, người đàn ông vẫn tỏ ra nhanh nhẹn hoạt bát dù đã ở tuổi 84, đứng ở một vị trí đặc biệt để suy xét thị trường. Là 1 thiên tài toán học, ông từng tìm ra cách đánh bại các nhà cái trong trò blackjack khi đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Học viện công nghệ Massachuset (MIT). Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tay năm 1962 về cách đếm bài và chiến thắng nhà cái, ông trở nên nổi tiếng đến nỗi một số casino đã cấm ông vào chơi. Nhiều sòng bạc cũng đã phải thay đổi luật chơi để những người sử dụng hệ thống đếm bài của ông không thể chiến thắng và lấy hết tiền của họ.

Tài năng của Thorp tiếp tục được sử dụng khi ông bước chân vào thị trường chứng khoán. Trên phố Wall, ông đã kiếm được hàng trăm triệu USD. Ra đời năm 1969, quỹ Princeton Newport Partners của Thorp được coi là quỹ đầu cơ định lượng (tức sử dụng thuật toán để tự động giao dịch) đầu tiên của thế giới. Sau 18 năm không có quý nào thua lỗ, quỹ này đã biến 1,4 triệu USD thành 273 triệu USD, đạt mức lợi suất cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Có thể nói những kỹ năng siêu việt về toán học, định giá quyền chọn và những chiếc máy tính đã đem đến cho ông lợi thế khổng lồ so với các nhà đầu tư khác.

Những gì mà Thorp đã làm được mang đến cho ông danh hiệu “người đỡ đầu” của nhiều trong số những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới. Warren Buffett, bạn chơi bài bridge thân thiết của Thorp, khuyên các nhà đầu tư trong quỹ đầu cơ đầu tiên của ông hãy chuyển sang quỹ của Thorp. Một trong những cuốn sách yêu thích của Bill Gross, nhà sáng lập PIMCO và xây dựng nó thành quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới, là cuốn “Đánh bại thị trường” mà Thorp viết năm 1967. Ken Griffin, nhà quản lý quỹ đang được trả lương cao nhất thế giới hiện nay, cũng cho biết quỹ Citadel của ông chịu nhiều ảnh hưởng từ những tài liệu mà Thorp chia sẻ.

Thị trường ngày nay khác xa so với những gì Adam Smith miêu tả

Đó là 1 CV có thể khiến người ta cảm thấy sợ hãi và tôi đã cảm thấy thực sự hồi hộp khi đến gặp Thorp tại văn phòng của ông ở Newport Beach. Nhưng người đàn ông rắn rỏi trong bộ đồ thể thao đứng trước mặt tôi lại không đáng sợ. Với dáng người cao ráo và mái tóc cắt ngắn gọn gàng, ông có thể dễ dàng vượt qua người kém mình tới 30 tuổi. Trên mặt Thorp nở một nụ cười mang vẻ tinh quái.

Sau khi chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt vời bên ngoài cửa sổ phòng làm việc của Thorp, tôi được ông chở tới nhà hàng bằng chiếc Tesla màu đỏ. Điểm đến là 1 nhà hàng của nhà Rothschild ở Corona del Mar, nơi mà Thorp cho là có mức giá không quá đắt.

Đây chính là “chìa khóa” để hiểu về Thorp, người có được thành công một phần nhờ những thói quen đã học được từ khi còn là 1 đứa trẻ sinh ra đúng thời chiến tranh và Đại suy thoái. Lớn lên trong điều kiện khá khó khăn, bố mẹ mải mê kiếm tiền, Thorp đã phải tự rèn giũa bản thân và ông cũng học được rằng không nên quá tham lam.

Ở thời điểm hiện tại, Thorp không đánh bạc nữa. “Tôi thích quá trình học hỏi thứ gì đó mới mẻ. Một khi điều đó trở thành công việc đều đều nhàm chán, tôi không thấy hứng thú nữa”, ông nói. “Blackjack không thú vị lắm vì khoản đặt cược quá nhỏ. Nếu bạn thường xuyên đặt cược hàng triệu USD trên thị trường chứng khoán, vài nghìn USD trên bàn blackjack không có nhiều ý nghĩa”.

Cả tôi và Thorp đều gọi món đặc biệt. Thorp chọn cá hồi còn tôi gọi cá kiếm theo gợi ý của ông. Đồ uống là những loại tốt cho sức khỏe: trà đá và nước khoáng.

Khi tìm hiểu mà nhân vật mà mình sẽ cùng ăn trưa, tôi khá ấn tượng với chuyện Thorp có cái nhìn quá tiêu cực về phố Wall và quyết định sẽ hỏi ông lý do. Chẳng cần phải lên giọng, Thorp như đọc ra 1 bản cáo trạng: “Thị trường mà Adam Smith nói đến khác xa so với thị trường của chúng ta ngày nay. Ông ấy đã hình dung ra 1 thị trường có rất nhiều kẻ mua người bán, không ai có thể thống trị hay chi phối nó. Còn ngày nay thì sao? Có những người chơi lớn và quyền lực đến nỗi họ có thể tác động đến cả chính sách quản lý”. Ông cũng cho rằng hiện trên phố Wall vẫn còn rất nhiều chiến thuật lừa đảo kiểu mô hình Ponzi. Năm 1991, tức 10 năm trước khi mô hình này sụp đổ, ông đã từng khuyến cáo về rằng lợi nhuận mà Bernard Madoff thu được quá cao để có thể trở thành sự thật. Nhưng không có nhiều người nghe theo ông và đã bị lừa.

Câu chuyện về Madoff là motip quen thuộc mà người ta thường nhắc lại suốt 10 năm kể từ khủng hoảng tài chính: thường thì số đông nhà đầu tư không thể nhận ra dấu hiệu bất ổn trước khi mọi thứ đổ vỡ. Bởi vậy, khi chúng tôi bắt đầu ăn đến món chính, tôi hỏi Thorp chúng ta nên làm như thế nào với khủng hoảng. “Đáng lẽ các ngân hàng quá lớn để sụp đổ nên được phép sụp đổ để các cổ đông không phải trả giá. Các tập đoàn lớn cũng được cho phá sản một cách có tổ chức. Tại sao những tổ chức ấy lại quyền lực đến nỗi có thể thuyết phục chính phủ cứu họ?”

Thorp cho rằng bộ phận tự doanh phải được tách khỏi các ngân hàng đầu tư để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, đặc biệt là cần khôi phục đạo luật Glass-Steagall – điều mà Tổng thống Trump khi tranh cử đã tuyên bố sẽ làm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Như ông miêu tả trong cuốn tự truyện “A Man for All Markets”, tuổi thơ của ông tràn ngập những thí nghiệm tự làm tại nhà. Ông thích làm ra những thứ sẽ nổ tung. Cả thời cấp 3 và đại học ông đều học giỏi môn vật lý và hóa học. Vậy thì tại sao Thorp lại trở thành 1 chuyên gia tài chính chứ không phải 1 kỹ sư ở thung lũng Silicon?

Ông nhe răng cười trước câu hỏi này. “Trong ngành nào cũng vậy, sẽ xuất hiện những thời điểm chín muồi để điều gì đó xảy ra. Nếu bạn ở đúng thời điểm đó, bạn sẽ có cơ hội rất lớn’. Thiết bị giúp ông đánh bại nhà cái trong trò roulette ra đời hơn 1 thập kỷ trước khi Apple tung ra chiếc máy tính đầu tiên và sớm hơn chiếc iPod đầu tiên tới 40 năm. Rõ ràng là ở thời điểm ông tạo ra chiếc máy tính có thể đeo đầu tiên, mọi thứ chưa sẵn sàng.

Thay vào đó, Thorp đã vận dụng kinh nghiệm ở sòng bài vào thị trường tài chính, sử dụng toán học cao cấp để phát triển các chiến lược mua cổ phiếu với số lượng lớn. Biến hoạt động đầu tư thành 1 bài toán, ông đã giải được nó và tận dụng tốt sự hỗ trợ của máy tính.

Tôi đặt câu hỏi tại sao ông có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng cách này trong khi người khác thì không. “Mọi người làm không tốt khâu xử lý thông tin chứ không phải khâu thu thập chúng. Hãy nhìn cuộc bầu cử Mỹ 2016. Phần lớn dễ dàng bị những thông tin giả mạo đánh lừa”.

Bí quyết là biết khi nào là đủ và dừng lại

Món chính đã hết và chúng tôi chuyển sang uống cà phê. Tôi nói với Thorp rằng có lẽ độc giả sẽ thích nghe một vài lời khuyên đầu tư từ ông. Tại sao ông không “sao chép” người bạn Buffett và thử phương pháp đầu tư giá trị, phân tích các bảng cân đối kế toán để tìm ra những công ty đang được định giá ở mức thấp hơn giá trị thực?

“Tôi chưa bao giờ thấy điều đó hấp dẫn”, Thorp nói. “Điều tôi học được từ Ben Graham (cha đẻ của phương pháp đầu tư giá trị) là bạn cần phải cố gắng trong suốt cả cuộc đời. Nếu thời gian có quay trở lại và tôi được đặt vào vị trí của Warren, tôi sẽ không làm như vậy. Khi còn trẻ đầu tư không phải là thứ tôi muốn làm. Thậm chí phải đến năm 32 tuổi, tôi mới bắt đầu nghĩ về tài chính”. Trong khi đó Buffett chơi cổ phiếu từ năm ông 11 tuổi.

Nhưng Thorp đồng tình với Buffett ở 1 điểm. Lời khuyên của ông là nếu như bạn không thể trở thành 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp thì hãy cứ đầu tư theo chỉ số. Những người cố gắng đánh bại thị trường có lợi suất hàng năm thấp hơn 2% so với người chỉ mua 1 quỹ chỉ số, và qua thời gian chuyện sẽ trở nên tệ hơn. Sau 35 năm, con số chênh lệch sẽ lớn hơn nhiều.

Đây cũng là lý do khiến ông buông xuôi quỹ đầu cơ của mình. “Tôi nhận ra rằng mình sẽ đánh mất cả cuộc đời với Princeton, dành cả đời ngồi đo đếm tiền nong”. Có lẽ bí quyết của Thorp chính là tự nhận ra mình đã đủ đầy.

Thay vào đó, Thorp cùng vợ đã quyết định đi du lịch vòng quanh thế giới và vui đùa cùng con cháu. 3 đứa cháu sinh ba của họ đều đang học ở MIT. Trong một cuốn sách mà ông đã phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành do người vợ đã quá cố Vivian phải chống chọi với bệnh ung thư, ông miêu tả cuộc đời chính là 1 chuyến phiêu lưu mà trong đó bạn cần phải cân bằng được công việc với cuộc sống.

Và cuộc phiêu lưu của Thorp vẫn chưa dừng lại. Sau khi thanh toán hóa đơn với mức giá rất vừa phải 80 USD, chúng tôi hướng về bờ biển trong khi Thorp kể về sở thích mới nhất của ông. Thorp đang học lặn cùng với bạn gái mới, người là 1 nhà sinh vật học. “Tôi cảm thấy mình còn nhiều năng lượng để cống hiến và tận hưởng cuộc sống này hơn là những gì 1 cuộc đời bình thường cho phép”, ông nói.

Thu Hương

Theo Trí thức trẻ/Financial Times