Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh III hay Cuộc tranh chấp Palestine – Do thái
Cuộc chiến kinh hoàng giữa cánh Hamas Palestine và Do thái hiện nay có thể tác động đến cán cân quyền lực thế giới, ai cũng biết Mỹ là cường quốc hàng đầu thế giới, còn Tàu với nền kinh tế hàng nhì thế giới không che giấu ý đồ xoán ngôi Mỹ, đây không phải là ý đồ viễn vong mà thực tế đã minh chứng khoảng cách giữa hai nước đang thu hẹp dần (xem Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh II), mọi cơ hội lấn sân đều được các đối thủ khai thác, thử xem lợi thế về ai trong cuộc chiến này?
Có thể nói thế giới hiện có ba khuynh hướng rõ rệt là:
- Chống Hamas tiêu biểu là Mỹ và đa số các nước tây phương,
- Chống Do thái tiêu biểu là Iran và đa số các nước hồi giáo,
- Khuynh hướng mập mờ, không công khai bày tỏ lập trường, có thể hiểu ngầm là đa số các nước này ủng hộ dân Palestine mà Hamas là cánh cực đoan nhứt trong đó là Tàu, Nga, nhiều nước Phi châu, Nam Mỹ.
Cũng cần ghi nhận là ngay trong các nước dân chủ ủng hộ Do thái mạnh mẽ nhứt cũng có thành phần dân chúng chống Do thái, tùy tình hình thực địa, cuộc chiến càng kéo dài với tương quan thế lực bất cân xứng, các khuynh hướng ban đầu sẽ dần dần đổi chiều bất lợi cho Do thái mà lãnh đạo các nước đó phải quan tâm.
Cảnh chiến binh Hamas tàn sát dã man thường dân Do thái bất kể già trẻ đánh động lương tâm nhân loại thì cảnh sát hại thường dân Palestine cũng vậy thôi, cảnh trẻ con Do thái bị sát hại thật đáng ghê tởm, cảnh trẻ em Palestine đói khát chờ chết cũng đáng ghê tởm không kém, điều kiện sống còn của hàng triệu người dân dãi Gaza bị bóp nghẹt càng gây thêm nỗi bất bình.
Việc Mỹ tiếp tế bom đạn cho Do thái – vốn đã mạnh nhứt trong khu vực trong lúc cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt là đổ dầu vào lửa, việc Do thái trả đủa quá mức sẽ tạo lợi thế cho Tàu trong việc tranh thủ khối Á rập, thế giới thứ ba, Mỹ coi như đánh mất vai trò kiến tạo hòa bình, vị thế trung gian hòa giải các cuộc tranh chấp, có nghĩa là trong các diễn đàn quốc tế trong tương lai, tiếng nói của Tàu sẽ có trọng lượng hơn Mỹ và các nước Tây phương, thái độ ỡm ờ của Tàu và Nga cho thấy họ sẽ thừa nước đục thả câu, lợi dụng cơ hội khai thác lợi thế này, dầu biết rằng họ chẳng tốt lành gì, nhưng giữa cảnh dầu xôi lửa bỏng, đa số vẫn nghiêng về phe cổ vũ cho việc chửa cháy, đây mới thật sự là điều đáng quan ngại.
Mọi biến cố lớn nhỏ đều bị chi phối bởi luật nhân quả, mọi cuộc xung đột từ trước đến nay chỉ được giải quyết trên ngọn, chưa giải quyết tận gốc, các nhà lãnh đạo nào thật sự nghĩ đến việc kiến tạo một nền hòa bình bền vững lâu dài giữa Do thái và dân Palestine nói riêng và khối Á rập hay dân hồi giáo nói chung đều bị phe diều hâu chống đối mạnh mẽ hoặc bị triệt tiêu.
Ai quan tâm đến đến các cuộc xung đột đẩm máu từ ngày nhà nước Do thái xuất hiện từ năm 1948 đến nay chắc không khỏi tự hỏi vì đâu nên nỗi và có câu giải đáp riêng.
Phần tôi, nghĩ đến lời khuyên: “Lấy oán báo oán, oán nọ chập chồng, lấy ân báo oán oán nọ tiêu tan.”, thoạt nghe có vẻ lạc lõng giữa lúc hận thù đằng đằng này nhưng thử hỏi nên nói vào lúc nào?
Lê Huỳnh 10-2023