Đường đến không đi và đường đi không đến – Lê Minh Nguyên
Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Daniel Kritenbrink, nói rằng Mỹ và VN hầu như có lợi ích song trùng về vấn đề an ninh và ổn định khu vực. Điều đó lý giải vì sao chính quyền Biden quyết định coi Hà Nội là một đối tác chính ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi đưa tên Việt Nam, mà không phải là hai đồng minh của Mỹ ở khu vực là Phi và Thái, vào Hướng dẫn Chiến lược An ninh Tạm thời được công bố hôm 3/3. Mối quan hệ giữa Mỹ và VN là “đối tác toàn diện”, nhưng theo nhà phân tích Grossman (RAND Corp), trên thực tế là hoạt động ở mức “chiến lược.”
Ấn Độ và Việt Nam, cả hai đều có chung những mối quan ngại sâu sắc và thường xuyên về tác động địa chiến lược của sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của TQ. Ấn Độ, chứ không phải là Nga, giờ đây là đối tác quốc phòng đáng tin cậy nhất của VN, theo ông Grossman.
Kỳ họp thượng đỉnh Bộ Tứ (B4) đầu tiên hôm 12/3 giữa Biden, Yoshihide, Morrison và Modi, đã coi tổ chức này là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Chính quyền Biden và một cơ chế đã được định hình để thực hiện điều đó. Các lãnh đạo của B4 dự kiến sẽ gặp mặt trực tiếp vào cuối năm 2021 này. Các điểm lớn của B4 là: tự do hàng hải, chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung đất hiếm, ngoại giao vaccine và biến đổi khí hậu.
Mỹ đang tìm cách đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi TQ trong khi Nhật tìm cách giảm phụ thuộc vào TQ về đất hiếm.
VN cho đến lúc này chưa được mời tham gia B4, theo Grossman, các quốc gia thành viên B4 là các nền dân chủ trong khi VN là một thể chế độc tài xã hội chủ nghĩa.
VN dù có những sự gắn kết chiến lược với các thành viên của B4, nhưng không dám công khai ủng hộ liên minh này vì theo giới quan sát, Hà Nội không muốn làm điều gì để Bắc Kinh có thể hành động “trừng phạt.”
Chính sách quốc phòng “4 Không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, và không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ) chính là một trong những lý do vì sao cho đến lúc này không có gì khẳng định được về sự tham gia của VN vào B4, theo ông Grossman, nguyên tắc “4 Không” này sẽ là những hạn chế trong mối quan hệ của VN với liên minh B4. Ông cho rằng chỉ khi nào VN đạt đến điểm phá bỏ chính sách “4 Không” thì lúc đó Hà Nội mới có thể xem xét lại mối quan hệ của họ và liên kết nhiều hơn với B4.
Chính sách “4 Không” còn có thêm nguyên tắc “Một Tuỳ thuộc” (tuỳ thuộc vào tình hình và các điều kiện cụ thể, VN sẽ xem xét lại…). Đây là câu để thoát “4 Không”, nhưng phải chờ cho TQ lấn sân chủ quyền trầm trọng đến mức nào thì câu thoát này mới được khởi động?
Theo ông Grossman, VN chắc chắc sẽ đặt nặng vào việc hợp tác song phương với mỗi thành viên (trong B4) để thúc đẩy hợp tác chiến lược. VN sẽ tiếp tục tham gia vào đối thoại (của B4) và vẫn đóng một vai trò trong B4 dù có thể không bao giờ trở thành một thành viên của nhóm.
Lê Minh Nguyên
https://bit.ly/2PDpQxt