Đuổi hết công an giao thông để ra tín hiệu chống tham nhũng?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng copyrightGETTY IMAGES
Image caption
19 tháng 10 2016
Trả lời cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thừa nhận chống tham nhũng “là vấn đề lớn, đặt ra từ lâu, nay lại tiếp tục lưu ý, nói phải đi đôi với làm”.
Ông cũng nói:
“Chúng tôi tha thiết muốn làm hiệu quả…nhưng thực tế vô vùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta”, VietnamNet trích thuật cuộc tiếp xúc cử tri Ba Đình, Hà Nội của ông Trọng hôm 17/10.
Ngay từ 2012, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện một cuộc điều tra rộng khắp về tham nhũng tại Việt Nam.
Bản tổng kết phát hành năm 2013 mang tên ‘Corruption from the perspective of citizens, firms, and public officials‘ nêu nhiều khuyến nghị cho công tác chống tham nhũng ở Việt Nam:
“Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam cần có các hành động không khoan nhượng từ các lãnh đạo cao nhất để chứng tỏ rằng chống tham nhũng là việc nghiêm túc.
“Một số nước khác đã có những biện pháp dứt khoát nhằm tạo ra thay đổi trước hết về thái độ.
Ở Hong Kong và Singapore, chống tham nhũng bắt đầu bằng việc “làm sạch” hệ thống cảnh sát giao thông.
Tại Georgia (Gruzia), người ta sa thải toàn bộ các công an giao thông và tuyển mới lại để thay thế.
Ở một số nước trong giai đoạn chuyển đổi thuộc Đông Âu, số liệu về tài sản, thu nhập và các quyền lợi làm ăn của quan chức được đăng ngay trên mạng internet cho cả thế giới xem.
Mongolia và Indonesia thì tăng quyền cho các cơ quan độc lập nhằm điều tra ngay các quan chức cao cấp nhất.
Ở Romania, một công tố viên cao cấp chuyên về chống tham nhũng được bổ nhiệm để điều tra các vụ cao cấp.
Những biện pháp đó không phải là dễ làm nhưng đã gửi ra tín hiệu cho người dân thấy không thể nào dung thứ được tham nhũng và không ai “miễn nhiễm” khỏi trách nhiệm giải trình.”
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị
Báo chí quốc tế hồi tháng 4/2014 trích lời cựu tổng thống Georgia, ông Mikhail Saakashvili kể lại chiến dịch chống tham nhũng khi ông cầm quyền từ 2008 đến 2013:
“Chúng tôi sa thải mọi nhân viên công an và phòng thuế. Georgia không có họ trong ba tháng, và sau đó nhân dân tuyển chọn mọi nhân viên mới.”
“Điều ngạc nhiên là lượng tội phạm không hề tăng sau chiến dịch đó, chứng tỏ chính cảnh sát là nguyên nhân của vấn đề an ninh.”
Nhưng ngoài các biện pháp mạnh, Ngân hàng Thế giới cũng đề ra một loạt cải cách cho Việt Nam, gồm có:
- Đặt ra luật về quyền được tiếp cận thông tin
- Sửa lại Luật Đất để giảm các vụ cưỡng chế giao đất cho các dự án tư
- Sửa Luật Phòng chống tham nhũng làm sao quyền tiếp cận thông tin của công dân được tăng cường
- Có các biện pháp giám sát các quyền lợi riêng tư mâu thuẫn nhau
- Có biện pháp mạnh để công khai tài sản và thu nhập quan chức
- Tuyển công thức theo tài năng
Ngân hàng Thế giới cho rằng để tiến lên quốc gia có thu nhập trung bình, đã đến lúc Việt Nam cần cải tổ các cơ quan để hiện đại hóa chúng, nhằm chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Tuy thế, có vẻ như là tình hình chống tham nhũng đến cuối năm 2016 vẫn còn nhiều thách thức.
Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thừa nhận, theo trang VietnamNet 17/10/2016:
“Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung”. – BBC