Đừng Để Đèn Cù Làm Chóng Mặt, Hãy Nhìn Joshua Wong Và Tuổi Trẻ VN – Giáo Già (Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy)
Ngày 5 tháng 10 năm 2014
H,
Tháng 9 vừa qua, qua email, Giáo Già nhận được “Lời Giới Thiệu” sách “Đèn Cù” của Trần Đĩnh do Ngô Nhân Dụng viết, xin trích nguyên văn đoạn đầu:
“Quý vị phải lắng nghe bài Đèn Cù. Tự mình hát lên, hát cho thấm thía vào lòng, cho những câu dân ca văng vẳng trong đầu trong khi đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh. Khen ai khéo vẽ (ối a) đèn cù. Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh… Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh nó chạy tít mù. Đèn Cù, cũng gọi là đèn kéo quân, là một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em và cho cả người lớn. Quý vị sẽ dần dần nhìn thấy hoạt cảnh xã hội Việt Nam những hình nhân voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh trên màn ảnh đèn cù trong hơn nửa thế kỷ. Trong đó có tác giả. Một nhân chứng, một người tham dự trong đám Voi giấy (ối a) ngựa giấy lần lần hồi tưởng lại những cảnh cùng nhau chạy vòng quanh (ối a) nó tít mù. Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu chưa phải là một kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vặt, thao thức, kinh tởm, giận dữ, sót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù.”
Giáo Già không biết bài hát “Đèn Cù”, nên không thể tự hát lên, theo yêu cầu của Ngô Nhân Dụng; nhưng đọc qua “Lời Giới Thiệu” Giáo Già cảm thấy “rối” và thôi không thèm để ý tới nữa.
Mấy hôm sau, Giáo Già nhận được điện thoại hỏi “đã đọc Đèn Cù chưa”. Giáo Già trả lời chưa, rồi tiếp tục “không thèm để ý tới nữa”. Nhưng “không thèm để ý” cũng không được, vì mấy hôm sau, qua email, Giáo Già nhận được nguyên cuốn “Đèn Cù” 594 trang, cộng thêm bài phỏng vấn tác giả Trần Đĩnh của Đinh Quang Anh Thái là 599 trang, dưới dạng PDF.
Giáo Già bắt đầu đọc “Đèn Cù”, đồng thời theo dõi các bài viết liên quan đến “Đèn Cù” trên mạng. Nhiều người đã không tiếc lời khen “Đèn Cù” như Ngô Nhân Dụng đã khen. Tuy nhiên, Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất thì cho rằng “Đèn Cù Trong Nước Cờ Thí Xe Giữ Tướng Của Cs Hànội”. Ông viết:
“Người ta không mấy ngạc nhiên khi thấy điểm hẹn của cuốn Đèn Cù cũng giống như các cuốn Thằng Hèn của Tô Hải, hay cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức. Từ đó người ta có thể suy ra – mà chắc là trúng – điểm xuất phát của Đèn Cù là ở đường Yết Kiêu, Hànội, và như thế là nó cũng xâm nhập vào cộng đồng tỵ nạn tại hải ngoại qua con đường mòn mang tên lão giặc già. Lại nữa, khi tới điểm hẹn là tờ Người Việt, cuốn sách này còn được các nhà bình luận của trường phái ‘Trăng Liên Sô tròn hơn trăng Mỹ’ thổi ống đu đủ lên đến tận tầng mây xanh, hơn cả Thằng Hèn của Tô Hải hay Bên Thắng Cuộc của Huy Đức…”
Để cuối cùng Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất kết luận:
“…Chạy tội cho Hồ Chí Minh trong vấn đề xâm lược miền Nam chỉ là một mánh lới lừa bịp người dân ít học và bọn trí thức đầu bò gía trị không bằng cục phân. Kể cũng tội Lê Duẫn, nhưng hắn đã chết rồi chẳng biết được, con xe bị thí để cho con tướng tội đồ được yên vị. Tác phẩm Đèn Cù đã góp công không nhỏ trong nước cờ thí này của bọn đầu lãnh Hànội…”
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất cũng không quên viết thêm: “Chuyện ngoài lề. Anh bạn bác sĩ châm cứu của người viết như đã nói đến ở trên, sáng nay lại phone than phiền: ‘…. Loại sách viết về vấn đề VN luôn luôn rất hấp dẫn đối với tôi, nhưng từ trước tới nay, tôi chưa đọc cuốn sách nào tầm thường như cuốn Đèn Cù. Toàn là chuyện … khổ lắm, biết rồi. Nói mãi. Chán’!”
Bên cạnh đó, blogger trẻ Đoan Trang đã nói thật là [xin trích nguyên văn]:
“cuốn sách cũng bộc lộ một số nhược điểm mà độc giả, nhất là các bạn trẻ hoặc những người có ít thời gian, nên cân nhắc trước, trong và sau khi đọc:
1. Cuốn sách có vấn đề nghiêm trọng về cách hành văn tiếng Việt. Nếu bạn là người rất yêu tiếng Việt, hoặc nếu bạn chưa / không vững về ngữ pháp và chính tả tiếng Việt lắm, bạn nên thận trọng khi quyết định có đọc Đèn Cù hay không. Trong văn phong của Đèn Cù, rất khó phân biệt đâu là trích dẫn trực tiếp, đâu là trích dẫn gián tiếp, đâu là văn nói, đâu là văn viết, thậm chí, đâu là ý kiến và quan điểm của các cá nhân, kể cả tác giả (opinion), đâu là dữ kiện thực tế (fact). Nhiều từ địa phương, từ cổ, từ cũ, tiếng lóng (cổ) không được giải thích; nên khó hiểu ngay cả với người đọc ở miền Bắc (coi như “đồng hương” với tác giả), chứ chưa nói với độc giả miền Trung, miền Nam và người Việt ở nước ngoài.
2. Cuốn sách tuy rất nhiều thông tin nhưng ít tính khoa học. Nhiều câu chuyện được kể thiếu câu trả lời cho các câu hỏi căn bản: Ai, cái gì, bao giờ, ở đâu, tại sao, như thế nào. Chẳng hạn, thiếu ngày tháng chính xác cho các sự kiện, thiếu những tựa đề bài báo, tác phẩm, tư liệu nói chung, những thông tin khả tín về các cá nhân liên quan. Tất cả những cái thiếu đó làm giảm đáng kể độ tin cậy của thông tin và đồng thời, cũng gây khó khăn cho độc giả nào có mong muốn kiểm chứng.
3. Cuốn sách không có một cấu trúc rõ ràng (các bạn có thể thấy ngay là nó không có… mục lục), nên có thể nói là nó được trình bày một cách thiếu tính hệ thống, khiến người đọc khó theo dõi.”
Mặt khác, cũng cần nói thêm là trong một bài viết được đăng trên Báo Mai Nguyễn thị Cỏ May nói rằng:
“…Khi biết chắc Đèn Cù đúng là Đèn Kéo quân, Cỏ May bổng nhớ tới một giai thoại về Đèn Kéo quân mà ngày nay đọng lại ở chữ Song Hỉ thường thấy trong lễ cưới .
Vào thế kỷ XI đời nhà Tống ở bên Tàu, có một sĩ tử tên Vương An Thạch, 20 tuổi, sau này làm tới Tể tướng, trên đường đi tới Kinh đô dự thi Trạng Nguyên, dừng chơn lại ở một Thị trấn nghỉ qua đêm .
Họ Vương trông thấy trước nhà Mã Viên ngoại có treo một lồng đèn, tức Đèn Cù hay Đèn Kéo quân, với một vế câu đối kẻ trên hông đèn «Tẩu mả đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ» (Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt, quân ngừng đi).
Liếc mắt đọc qua, Vương An Thạch buộc miệng «Câu này dễ đối mà!». Nói rồi, ông bỏ đi cho kịp trường thi.
Đèn, Đèn Cù hay đèn gì cũng vậy, phải tỏa ánh sáng. Nhưng Đèn Cù hay Đèn Kéo quân chắc chắn không cho ánh sáng mạnh có thể đẩy lùi xa bóng tối hay làm cho người ta trông thầy rỏ ràng, rành mạch người và vật. Dưới ánh sáng của Đèn Cù, người ta chỉ trông thấy lờ mờ mà thôi. Mà Đèn Cù soi rọi vào chuyện cũ, chuyện lịch sử, thì người và vật lại chỉ hiện ra mông lung lắm. Ai muốn nhận diện Hồ Chí Minh, có lẽ chỉ thấy được một con người lung linh mà thôi. Nhưng nếu thấy được con người đó, qua Đèn Cù, mặc dầu có mông lung nhưng đúng hắn, con người thật của hắn, thì cũng hay lắm rồi. Người làm nên Đèn Cù như vậy cũng đã đóng góp rất lớn cho vìệc đẩy lui được phần nào cái bóng đêm dày đặc bao trùm lên đất nước Việt nam từ gần thế kỷ nay…
…Trần Đĩnh nói ra vài chi tiết rất thú vị. Từ tên Đảng Cộng sản Đông dương, Đảng Lao động, đều do Staline đặt cho. Mới thấy ở con người Hồ chí Minh, không có cái gì thật tình là của hắn ta, do chính hắn sáng tạo cả, ngoại trừ tình thần tuân phục và bản tánh gian ác cùng cực! Có thể nói trong đời, kẻ đánh cha, chém chú, lắt vú chị dâu, cạo đầu bà thím, cũng phải bái Hồ Chí Minh làm sư phụ!…
…Đọc Đèn Cù sẽ gặp nhiều chi tiết về ngôn ngữ lạ huắc mà Cỏ May vì lúc nhỏ ham chơi, không chịu học kỹ, nên đành ngớ ra . Số những chữ lạ này không ít.
Và khó quên giai thoại về câu đối «Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt, quân ngừng đi». Và vế đối «Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn lại, hổ biến mất».
Không biết lúc nào Đèn Cù tắt để quân cộng sản ngừng đi, đi bán nước, đi cướp giựt tài sản của nhân dân. Và ngày nào lá cờ vẽ hình con hổ bị gió cuộn lại, hổ biến mất? Đảng cộng sản ác ôn sẽ biến mất!
Thi đậu Trạng nguyên và đối được câu đối, Vương An Thạch được vợ. Hai cái vui song song. Song Hỉ!
Hết cộng sản Hà Nội, Việt Nam sẽ có cả ngàn cái vui. Vạn cái Vui. Vạn Hỉ!”
Giáo Già hết sức thú vị khi đọc lại câu kết ngắn gọn của Nguyễn thị Cỏ May “Hết cộng sản Hà Nội, Việt Nam sẽ có cả ngàn cái vui. Vạn cái Vui. Vạn Hỉ!”, cho dầu có bị chóng mặt vì đọc “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, và một số bài viết ca ngợi “Đèn Cù”.
Thôi không để cho “Đèn Cù” làm chóng mặt. Xin bước mau vào những tin tức thời sự tràn ngập các hệ thống truyền thông quốc tế, các mạng truyền thanh, truyền hình… để nghe cảm phục người học sinh 17 tuổi Joshua Wong [xem hình] khi nghe lại câu anh nói với CNN rằng: “Tôi chưa đủ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng đủ lớn để thay đổi cả thế hệ“
Chàng thanh niên gầy ốm, đeo kính, nhìn hiền hòa này đã xây dựng một phong trào thanh niên ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông trong hai năm qua. Lập lại ý chí của tuổi trẻ Trung cộng từng tràn ngập Thiên an Môn năm 1989. Anh muốn kích động một làn sóng bất tuân dân sự trong giới học sinh ở Hồng Kông. Năm 2011 mới 15 tuổi, anh đã phẫn nộ với chương trình ủng hộ cộng sản Trung cộng trong các trường công lập ở Hồng Kông. Từ đó, cùng với vài người bạn, Wong bắt đầu hình thành một nhóm sinh viên chống đối. Sau đó, phong trào đã tăng lên quá giấc mơ: Vào tháng 9 năm 2012, phong trào mang tên Scholarism của anh tụ họp được 120.000 người biểu tình – trong đó có 13 người tuyệt thực – chiếm trụ sở chính quyền Hồng Kông, buộc các nhà lãnh đạo thành phố phải rút lại chương trình giáo dục thân Cộng sản. Giới quan sát cho một trong những thành công lớn nhứt của Joshua Wong là đã thức tỉnh được đông đảo học sinh và sinh viên tại Hong Kong, những người thường hờ hững và dửng dưng trước các vấn đề chính trị. Nhiệt tình của anh, như một ngọn lửa, làm bùng cháy ý thức dấn thân của bạn bè cùng thế hệ. Những sinh viên, học sinh thành công trong năm 2012 lại xuất hiện trong cuộc tranh đấu đòi tự do bầu cử năm nay. Joshua Wong đã bị bắt trong đêm Thứ Sáu, nhưng được trả tự do ngày Chủ Nhật theo lệnh tòa án sau 40 giờ bị tạm giam… vì không đủ cơ sở ghép tội.
Thật vậy, tin tức dồn dập trên các cơ quan truyền thông cho biết:
“Trên chục ngàn sinh viên cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác có tên là ‘Chiếm giữ khu Trung tâm’ (Occupy Central) đã khởi động một phong trào ‘bất tuân dân sự’ trên toàn lãnh thổ Hong Kong để phản đối chính sách bầu cử phi dân chủ đang bị áp đặt bởi chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Hàng ngàn người biểu tình đã bao vây các tòa nhà chính phủ, sinh viên bãi khóa. Mọi hoạt động ôn hòa chỉ nhằm tới một mục đích phải cải cách phương pháp bầu cử trên lãnh thổ Hong Kong vào năm 2017”.
Lúc phong trào ở cực điểm, số người biểu tình tăng lên mỗi giờ. Người biểu tình mở rộng thêm những khu chiếm đóng, ngoài những tòa nhà chính phủ, họ chiếm giữ cả những khu thương mại… Có điều lý thú là khi trời đổ mưa nặng hạt, thấy một viên cảnh sát Hong Kong chống bạo loạn đứng ngoài trời dầm mưa… lập tức, một em sinh viên trẻ cầm dù bước ra, đi đến gần anh cảnh sát và trao cho anh cây dù che mưa ….khiến anh chàng cảnh sát quay mặt đi che giấu ánh mắt đỏ hoe vì cảm động… Em sinh viên cũng không quên nói: “Nhiệm vụ đấu tranh của tuổi trẻ chúng em vẫn làm, và các anh cũng như vậy… Nhưng dù sao đi nữa… thì nhiệm vụ vẫn làm. Nhưng tình người thì bất tận…. Chúng tôi không muốn anh bị cảm bệnh…” Anh cảnh sát liền đáp lại: “Chúng tôi làm theo lệnh, nhưng tuyệt đối không đánh đập dã man sinh viên, học sinh… Vì các em là người dân Hồng Kông giống như tôi….” Thế rồi cuộc biểu tình tiếp tục trong tinh thần trật tự… Các bạn trẻ không đập phá, đốt xe cảnh sát, không chửi bới, nhục mạ, khiêu khích cảnh sát, không đập phá hôi của. Các bạn thu gom rác, giữ sạch sẽ nơi công cộng.…
Tin được đưa lên mạng cũng cho biết “Có mặt ngay tại trung tâm tài chánh Hồng Kông hôm 2 Tháng Mười, anh Sunny Young, sinh viên tiếp thị Đại Học Hồng Kông, nói với phóng viên nhật báo Người Việt rằng: “Chúng tôi không sợ sự kiện như ở Thiên An Môn xảy ra. Nếu sợ, chúng tôi không có mặt ở đây.” Một anh khác tên Jacky Law, nhân viên hàng không, tham gia cuộc biểu tình, cho biết: “Đêm hôm qua chúng tôi ở đây, bây giờ tất cả về nhà tắm rửa. Sau đó, mọi người sẽ trở lại nơi này để tiếp tục biểu tình đòi dân chủ.” Một số sinh viên vẫn còn nằm ngủ trên đường, bên cạnh có chai nước và bánh mì sandwich để trong bao nylong. Một số khác tập trung tại các ngã tư đường nghỉ ngơi. Bên cạnh họ là lều, khẩu trang và kiếng chống hơi cay, dù, và thức ăn. Các sinh viên cho biết, tất cả những thứ này đều được cung cấp miễn phí cho người biểu tình. Trong lúc đó, một số học sinh trung học mang thực phẩm đến cho sinh viên.
Một tin nhắn voice gửi qua Whatsapp của Stephanie Cheung, sinh viên trường ĐH Baptist (Hong Kong) tường thuật trực tiếp cho biết tình trạng của cô và các bạn trong cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên ở khu trung tâm thành phố như sau: “Tôi ở khu vực biểu tình suốt 30 tiếng đồng hồ, mệt đến độ tôi chóng mặt và phải ra ngoài chợp mắt một tiếng. Bây giờ xung quanh tôi trông ai cũng rất mệt mỏi vì có nhiều người giống như tôi – nhiều người chưa ngủ tẹo nào trong suốt 50 tiếng vừa qua”.
Tin được ghi trên mạng cũng cho biết thêm: “Có thể coi cô sinh viên năm thứ ba trường đại học Baptist này như một đại diện cho một bộ phận thế hệ 9X của Hong Kong: hiểu biết chính trị sâu sắc, nhiệt huyết nhưng tỉnh táo, rành công nghệ và sử dụng thành thạo mạng xã hội như một phương tiện truyền thông chính yếu. Cô cũng như rất nhiều sinh viên, học sinh khác đã phải vượt qua không ít rào cản để tham gia cuộc biểu tình quy mô này. Nhiều người vấp phải sự phản đối của gia đình, lo sợ cho sự an toàn của họ cũng như cho rằng họ nên chú tâm vào việc học hành thay vì đi tham gia những chuyện bao đồng. Nhiều người phải nghỉ học và bỏ thi. Một tuần dầm mưa dãi nắng ở sân trường Đại học Trung Văn Hong Kong và khu trung tâm thành phố khiến sức khoẻ của họ giảm sút… Tuy nhiên tất cả những yếu tố đó, cùng với áp lực từ lực lượng cảnh sát yêu cầu họ giải tán cũng như thái độ phớt lờ của Trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh trước yêu cầu ra mặt đối chất, cũng không làm suy chuyển mức độ nhiệt tình của họ…”
Khi được hỏi họ có tin rằng phong trào biểu tình của học sinh sinh viên có thể thay đổi quyết định của Bắc Kinh không, cả San Ho và Stephanie [xem hình] đều lắc đầu nói:
“Cơ hội là rất mong manh. Tuy nhiên, với chúng tôi, ý nghĩa quan trọng nhất của lần biểu tình này là thay đổi nhận thức của chính mình và người khác. Bằng việc ra khỏi lớp học, ra khỏi quỹ đạo thói quen hàng ngày, chúng tôi có cơ hội tự nhìn lại mình và tự vấn mình, nên làm gì và hy sinh gì ở bản thân để đấu tranh cho một nền dân chủ thực sự của Hong Kong.”
Ngoài ra, ngày 1 tháng 10 năm 2014 minh tinh điện ảnh Châu Nhuận Phát đã trả lời phỏng vấn nhật báo Apple Daily (Đài Loan) qua điện thoại, ủng hộ cách làm xuống đường biểu tình vì dân chủ của sinh viên học sinh Hồng Kông, và chê trách Lương Chấn Anh chỉ biết né tránh. Ông nói: “Tôi đã gặp những người dân Hồng Kông, những sinh viên Hồng Kông, đi kháng nghị thật là dũng cảm, làm cho người khác thấy cảm động. Còn cảnh sát, theo tôi ngay từ ngày đầu tiên họ đã sai rồi, sử dụng đạn hơi cay gì chứ? Toàn bộ sinh viên đều rất lý trí, có một điều cần nói là nếu chính phủ có một phương án mới, làm vừa lòng người dân hoặc là sinh viên Hồng Kông, thì việc phản đối kia tôi cho rằng sẽ dừng lại.”
Trước khí thế bừng bừng dậy sóng đó Cộng sản chột dạ, dở thói côn đồ, làm chuyện ném đá giấu tay. Theo thông tín viên tờ báo tại chỗ tường thuật, hàng trăm tên côn đồ có tổ chức, đeo khẩu trang giấu mặt, được các thành phần thân Bắc Kinh sử dụng để tấn công vào một nhóm biểu tình ngồi vào chiều hôm qua. Các lều của khoảng 30 sinh viên đang cắm trại tại ngã tư khu phố Mongkok bị phá hủy và các hàng rào bảo vệ mà các sinh viên dựng lên cũng bị những tên vô lại đạp đổ. Họ cũng không ngớt lời thóa mạ người biểu tình. Nhưng cảnh sát lại không hề phản ứng khiến đám đông dân chúng phải thét lên: «cảnh sát là đồng phạm với mafia». Một nhà nhiếp ảnh trẻ, 28 tuổi, trong khu phố làm chứng, nói: «Đó chính là mafia, tôi nhận ra hành vi của họ, cách họ lăng mạ. Một số không phải là người Hồng Kông mà đến từ Hoa lục». Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đồng tổ chức phong trào «Occupy Central» tố cáo: «mafia tấn công vào người biểu tình ôn hòa» và khẳng định: «cảnh sát và chính quyền đều nhắm mắt làm ngơ» để cho các tên côn đồ ra tay. Do đó, liên đoàn sinh viên đã từ chối lời đề nghị thương lượng do lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh (Chun-ying Leung) đưa ra.
Nhiều người Hồng Kông cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh mượn tay mafia để bịt miệng người phản kháng, các nhà dân chủ, hay truyền thông. Vào tháng Hai, phóng viên Kevin Lưu Tiến Đồ của tờ Minh Báo ở Hồng Kông đã bị một gã đội mũ bảo hiểm đâm một nhát ngay giữa ban ngày, và sau đó tẩu thoát nhờ một đồng bọn đi mô tô. Nạn nhân đã được cấp cứu với ba vết thương sâu ở lưng và hai vết ở chân. Các đồng nghiệp của anh ta cũng tố cáo thẳng đó là mafia làm việc cho chính quyền Bắc Kinh. Nhiều vụ việc dã man như vậy cũng từng xảy ra với những người làm trái ý Bắc Kinh. Hôm 04/10/2014, vẫn rất căng thẳng, trong số những người dân, người ta trông thấy trà trộn rất nhiều người thuộc phe thân Bắc Kinh và côn đồ, bị nghi là nhận tiền của mafia Trung Quốc. Cảnh sát nói một số người bị bắt có thể có liên hệ với băng nhóm tội phạm có tổ chức tên Tam Hoàng.
Đứng trước vấn nạn này, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án thái độ thụ động của cảnh sát Hồng Kông, đã để mặc cho những người biểu tình, thường là rất trẻ và không vũ trang, bị đám đông thù nghịch hành hung thô bạo, mà trong số đó có những kẻ bịt mặt, bị nghi là được trả tiền để phá vỡ phong trào biểu tình. Theo hãng tin AFP, và các đài VOA, RFI thì nhiều nhân chứng khác nhau khẳng định đã xảy ra nhiều vụ tấn công tình dục nhắm vào những người biểu tình đòi dân chủ tại nhiều nơi trong thành phố, vốn được xem là một trong những nơi an toàn nhất thế giới.
Rung chấn từ Hong Kong đã lan sang Việt Nam, trở thành một chủ đề nóng trên các mạng xã hội, facebook, đặc biệt là đối với giới hoạt động tranh đấu cho dân chủ Việt Nam. Video một cô gái Hong Kong kêu gọi quốc tế ủng hộ sau khi đưa lên youtube được vài tiếng đã lập tức được dịch phụ đề sang tiếng Việt. Dù vậy, trái với không khí rạo rực trên các mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức của CSVN chỉ đưa tin một cách rất hạn chế về tình hình Hong Kong. Đặc biệt, trưa ngày 29/9/2014, kinh truyền hình cáp CNN tại Việt Nam đã bất ngờ bị cắt khi đang chiếu trực tiếp bản tin về cuộc biểu tình Hong Kong. Trên màn hình tivi, người xem chỉ nhận được thông báo “Chương trình tạm thời gián đoạn do tín hiệu vệ tinh không ổn định và trở lại sau ít phút. Mong quý vị và các bạn thông cảm”. Sau ít phút, kênh CNN đã được chiếu lại bình thường. [Xem Ảnh: Facebook Nguoi Ha Noi]
Hôm nay, ngày 5-4-2014, tin được biên tập viên Gia Minh của đà RFA gởi đi từ Bangkok cho biết những cư dân mạng Việt Nam quan tâm tình hình trong những ngày qua cập nhật nhanh chóng lên facebook, twitter, hay trang cá nhân, mọi thông tin về cuộc biểu tình của sinh viên Hong Kong đòi dân chủ cho đặc khu này, thông qua việc bầu cử trực tiếp vị chưởng quan hành chánh tại đó, chứ không như cách mà Bắc Kinh đặt cho họ. Một trong những facebooker đó hiện là một sinh viên tại Việt Nam cho biết:
“Phong trào dân chủ ở đâu em cũng đặc biệt theo dõi rất sát. Hong Kong có đặc biệt hơn nữa đây là cuộc xuống đường mà đa phần là sinh viên, họ là thành phần khởi xướng. Tôi tin khi theo sát tôi học được rất nhiều kinh nghiệm, nắm được tâm lý của những người sinh viên xuống đường để sau này khi tại Việt Nam có xuống đường, tôi có thể rút ra được những bài học của riêng mình”.
Một nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tại Việt Nam, từng phải trả giá cho hoạt động của bản thân bằng tù tội, Luật sư Nguyễn Văn Đài, cũng theo dõi tình hình Hong Kong, và có những điều học hỏi được cho đến lúc này, ông cho biết:
Bản thân tôi và nhiều anh em khi nhìn thấy sinh viên Hong Kong xuống đường biểu tình đòi dân chủ, chúng tôi rất mong muốn, thèm khát điều đó xảy ra ở Việt Nam. Chúng ta biết không phải bỗng dưng hôm nay sinh viên Hong Kong xuống đường mà trải qua một quá trình rất lâu năm. Tôi còn nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi mà Anh và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận chuyển giao Hong Kong về lại cho Trung Quốc, ông toàn quyền người Anh lúc đó đã khuyến khích người dân Hong Kong quan tâm đến chính trị, thành lập các tổ chức chính trị. Họ hoạt động trong suốt hơn 20 năm vừa qua, đến nay họ gặt hai được những thành tựu về vận động người dân tham gia vào tiến trình dân chủ. Nên không phải bỗng dưng mà tại Hong Kong có những chuyện đó. Ở Việt Nam hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt sự phát triển của các trang mạng xã hội cũng giúp rất nhiều cho những người đấu tranh trong nước. Nếu chúng ta vận dụng tốt những công cụ đó chúng ta có thể rút ngắn rất nhiều thời gian so với Hong Kong mất 20 năm vừa qua. Tôi cũng hy vọng những tổ chức xã hội dân sự, những người đấu tranh tại Việt Nam hãy quan tâm đến điều đó để làm sao tạo nên được một mạng lưới liên kết xã hội, học tập kinh nghiệm từ Hong Kong để có thể thay đổi đất nước của mình, đem lại lợi ích không chỉ cho những người Việt Nam hôm nay mà cho cả các thế hệ Việt Nam mai sau”.
Theo dõi từng ngày cuộc biểu tình ở Hồng Kông cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng là blogger Mẹ Nấm, phát biểu:
“Cuộc cách mạng đòi dân chủ ở Hồng Kong đi nhanh hơn dự kiến của rất nhiều người và nó thực sự truyền cảm hứng cho những người đang theo đuổi cái khát vọng dân chủ ở người Việt Nam như tôi. Nó là một phong trào tôi nghĩ rằng khiến rất nhiều người trẻ không chỉ là những người theo đuổi phong trào dân chủ suy nghĩ mà tôi đặc biệt tin rằng các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ nhìn vào để nghĩ về mình và nhìn về tương lai đất nước Việt Nam”.
Từ đó, nhiều người không thể không thắc mắc, Việt Nam có người như Joshua Wong không? Nếu có thì chừng nào người học sinh tuấn tú này xuất hiện? Câu hỏi rất khó trả lời vì hoàn cảnh của Hồng Kong khác với VN. Tuy nhiên, câu hỏi không phải là không có câu trả lời, khi trong thời gian qua những học sinh, sinh viên, thanh niên tuấn tú Việt Nam đã đạp qua mọi sợ hãi hầu như xuất hiện thường xuyên, điển hình như trong các buổi “dã ngoại nhân quyền”, các buổi “café nhân quyền”, các buổi “tiếp xúc với các sứ quán ngoại quốc”… Có rất nhiều hiện người còn kiên cường trong lao tù Việt cộng như những Điếu Cày Nguyễn Vă Hải, Tạ Phong Tần…, có rất nhiều người rời khỏi nhà tù Việt cộng như Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên…, có rất nhiều người bị đánh đập dã man nhưng vẫn kiên trì đấu tranh không khoan nhượng như Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Thảo chi… Câu hỏi cũng rất dễ dàng có câu trả lời khi Mạng Lưới Blogger xuất hiện trước và sau những tổ chức xã hội dân sự… Tất cả đã, đang và sẽ âm thầm chu toàn phần nhiệm của mình trước lịch sữ cho dân tộc sinh tồn…; điển hình như hôm nay, ngày 05/10/2014, tin được Tú Anh đưa lên đài RFI cho biết:
“Từ Sài Gòn, 22 tổ chức xã hội dân sự đồng ký một bản tuyên bố ủng hộ cuộc tranh đấu của sinh viên và người dân Hồng Kông. Những hiệp hội, tổ chức vận động dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam bày tỏ lòng khâm phục và khẳng định Hồng Kông là tấm gương sáng cho Việt Nam… Các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi dân chúng trong nước noi gương tinh thần và khí phách của Thiên An Môn, của Hồng Kông, Tây Tạng… Bắc Phi… để làm thay đổi vận mệnh quốc gia dân tộc đang bị Bắc Kinh đe dọa…”[Xem toàn văn bản Tuyên Cáo trong phần phụ đính].
Tuy nhiên, vấn đề cũng còn có những khó khan, như nhà báo Đoan Trang đã nhận định, trong bài viết được đưa lên mạng, trong đó có đoạn:
“Hiện giờ ở Việt Nam, có lẽ những người đang theo dõi, nghiên cứu sát sao phong trào Occupy Central không là ai khác ngoài… lực lượng an ninh. Tôi cũng tin rằng cho dù kết quả của Occupy Central có như thế nào, sau sự biến ‘Mùa thu Hương Cảng’ này, an ninh, tuyên giáo… sẽ càng cảnh giác cao độ và xiết chặt kiểm soát giới trẻ Việt Nam hơn nữa, đặc biệt là đối với sinh viên… những gì diễn ra ở Hong kong không phải tự nhiên mà có, ngoài nền tảng dân chủ trong não trạng người dân Hong Kong, những nhà hoạt động cũng bỏ nhiều thời gian để chuẩn bị cho những ngày biểu tình ngoạn mục đang diễn ra. Dù không tin rằng giấc mơ Hồng Kông của những nhà hoạt động dân chủ sẽ thành hiện thực trong tương lai gần… Nhưng cũng không sao, phải không các bạn trẻ? Tất cả chúng ta sẽ cùng học”.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già (Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Phụ đính
Tuyên cáo về tập hợp vì nền dân chủ tại Hồng Kông và Việt Nam
Kính gởi toàn thể nhân dân Hồng Kông tại thực địa và hải ngoại.
Đồng kính gởi toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước
Những cuộc biểu tình ôn hòa phản đối nhà cầm quyền Trung cộng tráo trở tước quyền tự quyết của nhân dân Hồng Kông từ mấy tuần nay đã làm cho cả thế giới chấn động và đa phần đều khâm phục lẫn ủng hộ. Đây là cao điểm của một cuộc đối kháng lâu dài sau khi Hồng Kông thuộc về lại Trung Quốc năm 1997, đặc biệt là từ năm 2012, lúc nhà cầm quyền Bắc Kinh từng bước nuốt lời hứa cho Hồng Kông hưởng một quy chế tự trị cao với nền dân chủ thật trong vòng nửa thế kỷ. Ngoài việc đào sâu thêm hố phân cách giàu nghèo, gây khó khăn cho cuộc sống tại đặc khu hành chánh này, nhà cầm quyền Trung cộng còn muốn tước quyền ứng cử lẫn bầu cử của nhân dân và đầu độc giới trẻ bằng một nền giáo dục ngu dân lẫn nô dịch.
Hiệp thông cùng vô số cá nhân, đoàn thể, tổ chức tại nhiều quốc gia cũng như tại Việt Nam đang bày tỏ lòng ủng hộ bằng nhiều cách đối với cuộc tranh đấu của sinh viên cùng nhân dân Hồng Kông, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ký tên dưới đây đồng tuyên bố như sau:
1- Chúng tôi vô cùng cảm phục thái độ ôn hòa, tinh thần cương quyết, tài năng tổ chức, đầu óc tỉnh táo, kỷ luật chặt chẽ và cung cách văn minh lịch sự của các bạn trẻ Hồng Kông (gồm hàng trăm ngàn sinh viên lẫn học sinh) khi đòi hỏi quyền phổ thông đầu phiếu, khẳng định lập trường bất tuân dân sự và bày tỏ thái độ phản đối chế độ cộng sản, trước một nhà cầm quyền địa phương hoàn toàn bị Bắc Kinh chi phối và trước lực lượng cảnh sát đông đảo đang bắt đầu có những hành vi bạo lực (dùng dùi cui, xịt tiêu lỏng và ném lựu đạn cay…).
2- Chúng tôi hết lòng hoan nghênh việc cha mẹ, thầy cô ủng hộ và đồng hành cùng các bạn sinh viên học sinh Hồng Kông vì thấy hậu duệ và học trò của mình đang tiếp nối tinh thần và sự nghiệp xây dựng dân chủ; việc thành phần cư dân lớn tuổi thông cảm, hỗ trợ và bênh vực các bạn trẻ đang xuống đường vì ý thức đó là trách nhiệm tập thể của một cộng đồng cùng chung vận mệnh; việc nhiều lãnh đạo tinh thần, chức sắc tôn giáo động viên và hướng dẫn các tín đồ trẻ tuổi hay lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền tôn trọng pháp luật, vì quan niệm tôn giáo không thể đứng bên lề cuộc chiến đấu cho công lý.
3- Chúng tôi thực tâm lo lắng khi nghe tin tại quận thương mại Mongkok vừa mới nổ ra những cuộc phá phách, gây hấn, hành hung do nhiều nhóm người lạ mặt gây ra đối với các bạn sinh viên và người dân Hồng Kông vốn đã luôn biểu tình hết sức ôn hòa và trật tự trong hai tuần rồi. Công luận cho rằng những thành phần côn đồ dùng bạo lực để gây rối, phá hoại và làm mất ý nghĩa cuộc biểu tình là do chính nhà cầm quyền Cộng sản từ Đại lục giật dây hoặc sai phái. Những ai từng xuống đường đấu tranh tại Việt Nam chúng tôi rất hiểu rõ điều này. Xin hoan nghênh các bạn trẻ Hồng Kông đã luôn tỉnh táo, không đáp lại bằng bạo lực mà chỉ trả đũa bằng cách ngưng đối thoại với nhà cầm quyền.
* * * *
Xét vì hoàn cảnh đất nước Việt Nam chúng tôi còn thê thảm hơn Hồng Kông hiện thời và cuộc đấu tranh của chúng tôi còn gay gắt, khó khăn và gian khổ gấp bội, nên nhân đây chúng tôi cũng xin được ngỏ lời với đồng bào Việt Nam chúng tôi như sau:
1- Giới trẻ Việt Nam nói riêng và phong trào tranh đấu Việt Nam nói chung hãy biến niềm cảm hứng từ cuộc Cách mạng Dù tại Hồng Kông thành nỗ lực giúp nhau có ý thức dân chủ cao, tấm lòng can đảm lớn, tinh thần đoàn kết rộng rãi và thái độ nhập cuộc đông đảo để dấn thân biến đổi thực trạng phi dân chủ và mất nhân quyền còn tồi tệ gấp ngàn lần ở Hồng Kông. Phần các bậc phụ huynh, thầy giáo, chức sắc tại Việt Nam, xin hãy giúp khơi gợi ý thức tự do, truyền thụ tinh thần độc lập, giáo dục não trạng dân chủ cho thế hệ trẻ đang là con cái, học trò, tín hữu của mình, cũng như luôn hỗ trợ, bênh vực và đồng hành cùng các em trong những sáng kiến và hoạt động đòi lại những nhân quyền và dân quyền đã và đang bị nhà cầm quyền CSVN hoàn toàn tước đoạt.
2- Nhà cầm quyền CSVN không được làm âm vang tiếng nói của nhà cầm quyền Trung cộng vốn khẳng định “các vấn đề của Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, các nước khác chớ can thiệp vào. Tuyên bố của bộ ngoại giao ngày 02-10 “khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến những khu vực có biểu tình để tránh xảy ra những tình huống phức tạp” và “hy vọng chính quyền Hồng Kông sẽ có những biện pháp thích hợp nhằm sớm ổn định tình hình”, tuyên bố ấy là một động thái ủng hộ Trung cộng trong vấn đề Hồng Kông, tiếp tục làm vừa lòng quan thầy ở Trung Nam Hải, bộc lộ thái độ chư hầu và chính sách lệ thuộc nguy hiểm trong bang giao quốc tế. Ngoài ra, đó cũng là cuống cuồng lo sợ trước sự ủng hộ của nhân dân đối với cuộc biểu tình ôn hòa tại Hồng Kông, tuyệt vọng chặn đứng ngọn gió dân chủ đang thổi vào đại lục xuống tận miền đất Việt.
3- Toàn dân trong nước hãy noi gương tranh đấu của người dân, đặc biệt của giới trẻ tại các quốc gia Đông Âu cuối thế kỷ trước, của các quốc gia Bắc Phi và Ả Rập vùng Trung Đông gần đây, hiện thời là của người dân Ukraina, Tân Cương, Tây Tạng và lúc này là giới trẻ Hồng Kông trong tinh thần và khí phách của sinh viên Thiên An Môn. Các dân tộc ấy đã mạnh mẽ cho thế giới thấy họ nghĩ gì, muốn gì. Với truyền thống hào hùng và dòng máu bất khuất của nòi Lạc Việt, chúng ta hãy đồng lòng và can đảm quyết định thay đổi đường đi, thay đổi vận mệnh của quốc gia dân tộc. Bởi lẽ ngày càng hiển hiện nguy cơ mất nước do sự xâm lấn của ngoại thù Cộng sản Tàu và sự bạc nhược, đồng lõa của một bộ phận trọng yếu trong giới cầm quyền Cộng sản Việt.
Cuối cùng, chúng tôi cầu chúc cho cuộc biểu tình bất tuân dân sự của nhân dân, giới trẻ Hồng Kông đạt được các mục tiêu cao cả, đồng thời khơi dậy được tinh thần đấu tranh cho người dân ở Đại lục, để từ đó thêm sức mạnh cho phong trào tranh đấu tại Việt Nam.
Hỡi các bạn trẻ Hồng Kông, hãy là niềm hy vọng của thế giới!
Việt Nam ngày 05-10-2014
1- Bạch Đằng giang Foundation, Đại diện: Ths Phạm Bá Hải
2- Bauxite Việt Nam, Đại diện: Gs Phạm Xuân Yêm và Gs Nguyễn Huệ Chi
3- Diễn Đàn XHDS, Đại diện: Tiến sĩ Nguyễn Quang A
4- Khối Tự do Dân chủ 8406, Đại diện: Kỹ sư Đỗ Nam Hải
5- Giáo hội Cao Đài, Đại diện: CTS Nguyễn Bạch Phụng
6- Giáo hội Liên hữu Lutheran VN-HK. Đại diện: Ms Nguyễn Hoàng Hoa.
7- Giáo Hội PGHH Thuần túy, Đại diện: Hội trưởng Lê Quang Liêm
8- Giáo Hội Tin lành Mennonite độc lập, Đại diện: Ms Nguyễn Hồng Quang.
9- Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo VN, Đại diện: Kỹ sư Nguyễn Bắc Truyển
10- Hội Anh em Dân chủ, Đại diện: Ls Nguyễn Văn Đài.
11- Hội Bảo vệ quyền tự do tôn giáo, Đại diện: Cô Hà Thị Vân
12- Hội Bầu bí Tương thân, Đại diện: Ông Nguyễn Lê Hùng.
13- Hội Cựu tù nhân lương tâm, Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
14- Hội Nhà báo độc lập, Đại diện: Ts Phạm Chí Dũng
15- Hội Phụ nữ Nhân quyền, Đại diện: Cô Huỳnh Thục Vy.
16- Hội thánh Chuồng bò (Tin Lành), Đại diện: Ms Nguyễn Mạnh Hùng
17- Lao động Việt, Đại diện: Cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
18- Mạng lưới Blogger Việt Nan, Đại diện: Cô Phạm Thanh Nghiên.
19- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, Đại diện: Lm Phan Văn Lợi.
20- Phong trào Liên đới Dân oan tranh đấu VN, Đại diện: Bà Trần Ngọc Anh.
21- Tăng đoàn GHPGVNTN, Đại diện: Hòa thượng Thích Không Tánh
22- Văn phòng Công lý Hòa bình DCCT, Đại diện: Lm Đinh Hữu Thoại.
[Xem biếm họa của Babui trích trên DCVOnline.net]