Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN – Thông cáo ngày 22/9 của Bộ Ngoại giao Đức
22/09/2017
Ông Steffen Seibert, Phát ngôn viên chính phủ Đức vừa trả lời các nhà báo sau giờ trưa hôm 22/09/2017 tại Berlin về hệ quả của vụ Trịnh Xuân Thanh cho quan hệ với Việt Nam và nói nói hành vi ‘bắt cóc trắng trợn’ tại Đức của an ninh Việt Nam là “không thể chấp nhận được”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Đức công bố trên mạng xã hội họ trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam để trả đũa Hà Nội vì vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh.
Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức ngày 22/9 nói “không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức”.
“Vì thế chúng tôi đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao,” Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố.
Thông báo bằng tiếng Đức của Bộ Ngoại giao nước này gửi cho báo chí cũng nói hiện Berlin đã “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.
Đây là nhà ngoại giao thứ hai từ Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị Đức trục xuất sau cáo buộc của Đức rằng Việt Nam đã tiến hành vụ “bắt cóc” và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Người này cùng gia đình sẽ có bốn tuần để rời khỏi Đức, AFP tường thuật.
Được biết, Công tố viện Liên bang Đức vẫn chưa hoàn tất cuộc điều tra liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc” khỏi Berlin, theo Bộ Ngoại giao Đức.
‘Bằng chứng liên quan’
Người phát ngôn ngoại giao Đức Rainer Breul nói Đại sứ Việt Nam hôm thứ Năm đã được thông báo rằng một nhà ngoại giao thứ hai buộc phải rời khỏi Đức vì “có bằng chứng ông này liên quan vụ việc”.
“Người này không phải là cấp quản lý cao cấp tại Tòa Đại sứ” nhưng “chúng tôi có bằng chứng cho thấy ông ta đã tham gia vụ việc” cùng với “một số” nhân viên ngoại giao khác của Việt Nam tại Tòa Đại sứ, hãng tin AFP dẫn lời ông Rainer Breul nói.
“Chúng tôi không định im lặng và để cho vụ việc rơi vào quên lãng,” người phát ngôn cảnh báo, và cho biết thêm cho đến nay Hà Nội đã không chịu xin lỗi về vụ bắt cóc, cũng không chịu cam kết là những hành vi tương tự sẽ không diễn ra trên lãnh thổ Đức.
Bình luận với BBC ngay sau khi xuất hiện diễn biến mới trong quan hệ Đức – Việt liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh, trả lời câu hỏi vụ việc có ý nghĩa, tầm mức hệ trọng thế nào và phía Việt Nam cần làm gì để xử lý điều được cho là một cuộc ‘khủng hoảng’ đang diễn ra, một cựu quan chức ngành ngoại giao của Việt Nam,ông Đặng Xương Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ, nói:
“Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh rõ ràng là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng không những trong quan hệ Việt Nam với Đức, mà còn nghiêm trọng cả trong tiền lệ đối với quan hệ quốc tế. Rõ ràng câu chuyện này hết sức thú vị bởi vì nó đã đưa ra hình ảnh thật của phía Việt Nam – hình ảnh của một quốc gia do một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
“Và họ coi thường luật pháp quốc tế, của các nước khác và họ có hành động như là hành động khủng bố quốc tế, vi phạm vào chủ quyền của các nước và đến hẳn nước người ta để có những hành động bắt cóc công dân trên đất nước người ta…
“Tôi thấy rằng cách hành xử này là một chuỗi, là kết quả của một chính sách đối ngoại của Việt Nam và nó là hậu quả của… chiều hướng xử lý vấn đề của phía Việt Nam và nó cho thấy phía Việt Nam hết sức vô trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và vô trách nhiệm đối với dân tộc của mình nữa.
“Tôi cũng hy vọng phía Đức, tuy họ coi sự việc hết sức nghiêm trọng, nhưng họ cũng có hướng mở cho phía Việt Nam, để phía Việt Nam có thể có những xử lý thích hợp để họ có thể có đối xử một cách không làm tổn hại, căng thẳng quan hệ hai nước giữa Đức và Việt Nam…
“Tôi cũng hy vọng rằng phía Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng coi đây là một bài học có thể rút ra để có cách xử lý, mà cách xử lý theo tôi như trong một thư ngỏ tôi viết gửi cho các bạn ở Bộ Ngoại giao Việt Nam đó là cách xử lý khôn ngoan nhất của phía Việt Nam hiện nay trong câu chuyện Trịnh Xuân Thanh là hãy dũng cảm xin lỗi phía Đức,” ông Đặng Xương Hùng nói với BBC hôm 22/9.
Trong một diễn biến từ trước, hôm 9/8, Đức tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.
Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh ‘đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’ hồi cuối tháng Bảy.
Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức “chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh” và đó là hành vi mà Đức thấy là “không thể chấp nhận”.
Sau vụ việc, phía Đức đã giữ chiếc xe ‘nghi là phương tiện gây án’ từ CH Czech, thu thập mọi chứng cứ liên quan rồi trả lại xe cho chủ là một doanh nhân Việt Nam tại Prague.
Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Cũng theo các nguồn tin từ Berlin, Cục An ninh Liên bang Đức đã hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt tại Đức, liên kết bên trong và bên ngoài của họ và quan hệ với các cơ quan của Việt Nam tại Đức.
Giới chức Đức hồi cuối tháng 8 cũng đã bắt giữ một nghi phạm người Việt từ Cộng hòa Czech, bị nghi là có liên quan tới vụ bắt cóc.
Luật sư tại Đức của ông Thanh nói thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.
Trả lời phỏng vấn của báo chí Đức hôm 7/8, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói rằng ông thấy việc Việt Nam “chấp nhận mạo hiểm” trong việc đánh đổi các thành quả trong quan hệ song phương trong vụ Trịnh Xuân Thanh là điều “khó hiểu”.
“Vụ việc xảy ra vào cuối tháng Bảy vừa qua đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Đức – Việt,” ông ngoại trưởng được trang tin Stuttgart dẫn lời. “Chuyện giới doanh nghiệp Đức cảm thấy bất an là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì rõ ràng là một số người có chức trách tại Việt Nam đã thiếu tôn trọng mối quan hệ đối tác với Đức và các quy định pháp luật.”
Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện ‘ra đầu thú’, và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông “đành phải về để đối diện sự thật”.
Tại Việt Nam cũng có một luồng dư luận chủ yếu trên các trang mạng xã hội cho rằng Đức “không nên bao che cho người tham nhũng” mà nên hỗ trợ Việt Nam thì hơn là trừng phạt.
Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh “đơn xin tự thú” được cho là của ông Thanh viết tay.
Tương lai quan hệ?
Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu châu; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau khi chính quyền Đức liên tiếp công khai các tuyên bố trừng phạt Việt Nam, gồm cả việc “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” thì tương lai của hiệp định thương mại EU – VN bị đặt câu hỏi.
Lý do là cùng quá trình Brexit khi Anh ra khỏi EU, Đức là nước có nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh chính trị áp đảo duy nhất còn tại ở EU.
Hai nước Đức – Việt ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược khi bà Thủ tướng Angela Merkel thăm Việt Nam năm 2011.
Các quan chức cao cấp của Đức đã liên tiếp sang thăm Việt Nam như Chủ tịch Quốc hội Nobert Lammert (2015), và Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier (2016).
Từ phía Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao nhất nhiệm kỳ trước cũng sang thăm Đức liên tục: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm năm 2013; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân năm 2015 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2015.
Nhân vật cao cấp nhất của nhiệm kỳ này tại Việt Nam sang thăm Đức dự hội nghị G20 là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng khủng hoảng quan hệ hai bên nổ ra không lâu ngay sau chuyến thăm của ông trong tháng 7 vừa qua.
————
Thông cáo ngày 22/9 của Bộ Ngoại giao Đức
BBC
22/09/2017
Chính phủ Đức tuyên bố trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam để phản đối Việt Nam vì vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh.
Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức ngày 22/9 nói “không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức”.
“Vì thế chúng tôi đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao,” Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố.
Thông báo bằng tiếng Đức của Bộ Ngoại giao nước này gửi cho báo chí cũng nói hiện Berlin đã “tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam.
Đây là nhà ngoại giao thứ hai từ Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị Đức trục xuất sau cáo buộc của Đức rằng Việt Nam đã tiến hành vụ “bắt cóc” và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo toàn văn:
”Ngay sau khi nắm được thông tin về vụ việc chúng tôi đã khẳng định rõ rằng việc bắt cóc người trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi có các bằng chứng rõ ràng về vụ bắt cóc này và sẽ công bố chúng vào thời điểm thích hợp. Ngày 10 tháng 8, Tổng Công tố Liên bang đã tiếp nhận điều tra vụ việc. Hiện quá trình này vẫn chưa kết thúc.
Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ.
Bằng việc trục xuất trưởng phòng tình báo của Đại sứ quán Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện những biện pháp thẳng thắn đầu tiên. Chúng tôi đã nhiều lần thông báo rõ với Chính phủ Việt Nam về các yêu cầu của phía Đức và thể hiện rõ rằng chúng tôi bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác.
Cho tới nay, yêu cầu xin lỗi của chúng tôi kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai đã không được Chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ rằng sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.
Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
Vì lí do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo. Vì vậy, ngày hôm qua, trong buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại giao chúng tôi đã thông báo với phía Việt Nam về việc sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quyết định trục xuất thêm một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam. Người này có 4 tuần để cùng gia đình rời khỏi nước Đức.
Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu của phía Đức.
Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin.”
————