Động thái kỳ quái: Bị vây khốn tứ bề, Tập Cận Bình ra lệnh tìm hiểu khảo cổ học
08/10/20
Vào ngày 28/9, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp ngầm, nhưng sau đó lại tiết lộ cùng nhau nghiên cứu học tập. Ngoài 7 Ủy viên ban Thường vụ, những người khác đều nghiêm túc đeo khẩu trang, chủ đề nghiên cứu còn đặc biệt hơn nữa, “Phát hiện mới nhất của khảo cổ và ý nghĩa của nó”.
Sau khi lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây được mở ra vào năm 1976, màu sắc trên các “Binh mã dũng” (đội quân và ngựa đất nung) đã biến mất nhanh chóng, đến nay vẫn không thể thực sự phục hồi trọn vẹn. Bức ảnh được chụp từ trung tâm, sau khi bước vào phòng triển lãm “Binh mã dũng” số 1 của Tần Thủy Hoàng (Legolas1024 Wiki cc BY-SA 4.0)
Vào thời điểm mà những lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đang bị công kích nặng nề, nhiều mâu thuẫn trong và ngoài nước không có biện pháp xử lý, họ vẫn có “tâm trạng” tìm hiểu khảo cổ học, điều này khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. Chế độ ĐCSTQ quả thực là một “giống loài” kỳ lạ trên thế giới này.
Khảo cổ học đột nhiên có ý nghĩa chính trị thực sự
Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng “Trung Quốc ngày nay đang trải qua những thay đổi xã hội rộng lớn và sâu sắc”, “đổi mới thực tiễn phải dựa trên quy luật phát triển của lịch sử”, và “công tác khảo cổ cần chú trọng cao độ”.
Các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ lúc nào cũng rao giảng “không quên ý nguyện ban đầu” và “gen đỏ”, nói đó đều là lịch sử của ĐCSTQ. Chưa đầy 100 năm kể từ khi ĐCSTQ thành lập, với tư cách là chi bộ Viễn Đông của Liên Xô cũ vào năm 1921, ĐCSTQ đã luôn cố gắng lừa gạt người Trung Quốc, tuyên bố rằng chủ nghĩa Mác mà ĐCSTQ chuyển từ Liên Xô cũ, mới là đường lối tiên tiến nhất để điều hành đất nước. Giờ đây, các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ lại vội vã “đào bới” lịch sử cổ đại của Trung Quốc để tìm lối thoát. Điều này chứng tỏ “con đường đỏ” của ĐCSTQ thất bại rồi sao?
Khi mới thành lập, ĐCSTQ tuyên bố lật đổ cái gọi là “ba ngọn núi lớn”, bao gồm “chế độ phong kiến”, “chủ nghĩa tư bản quan liêu” và “chủ nghĩa đế quốc”. Trong sách giáo khoa của ĐCSTQ, 5 nghìn năm lịch sử văn hóa của Trung Quốc lại bị quy chụp là “phong kiến ngu xuẩn” để chứng minh rằng lý thuyết của ĐCSTQ là tiên tiến nhất.
Năm 1971, Mao [Trạch Đông] quay sang tuyên truyền “chủ nghĩa đế quốc” của Mỹ; sau khi Mao qua đời, Đặng Tiểu Bình cảm thấy tuyệt vọng và phải cải cách, mở cửa và nắm lấy “chủ nghĩa đế quốc” của Mỹ và châu Âu một cách toàn diện hơn. Tầng lớp quyền lực của ĐCSTQ cũng đã trở thành đại diện cho chủ nghĩa tư bản quan liêu của Trung Quốc, ngày nay Bộ Chính trị ĐCSTQ đang nghiên cứu khảo cổ học một cách cao siêu, và có vẻ như muốn đưa “chế độ phong kiến” trở lại. Chế độ ĐCSTQ đang tự phủ nhận, có lẽ chúng nghĩ rằng mình vẫn có thể “sống” tiếp?
Giảng viên khóa nghiên cứu học tập của Bộ Chính trị lần này là Trần Tinh Xán – Viện trưởng Viện Khảo cổ học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa tin, “nửa chữ” cũng không đề cập đến rốt cuộc chuyên gia khảo cổ giảng những gì, mà chủ yếu mô tả bài phát biểu của Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình cho rằng công tác khảo cổ học là công việc có “ý nghĩa chính trị xã hội quan trọng”, “tác động sâu sắc đến hiện tại và tương lai”.
Lịch sử “chủ nghĩa phong kiến”, từng nhiều lần bị ĐCSTQ chê bai miệt thị, đột nhiên có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với hiện tại. Tập Cận Bình thực sự đang muốn nói gì? Lẽ nào Tập Cận Bình chuẩn bị đăng cơ làm hoàng đế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay?
Quyền lực bậc đế vương cổ đại và vấn đề tính hợp pháp của ĐCSTQ
Chế độ quân chủ cổ đại của Trung Quốc chủ trương rằng, quân quyền là do Thần Thánh ban tặng, và Thiên tử phải chịu sự ràng buộc của Thiên mệnh, đây là điều mà chủ nghĩa vô thần của ĐCSTQ lo sợ nhất. ĐCSTQ luôn lo lắng về tính hợp pháp của quyền lực kể từ khi thành lập, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng lo lắng về tính hợp pháp của việc cầm quyền, nếu xưng đế, thì về mặt lý thuyết họ có thể giải quyết được tính chính danh, nhưng những người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ giáo dục tẩy não trong nhiều năm, e rằng sớm không còn chấp nhận được nữa.
Các hoàng đế của các triều đại trước đây, về cơ bản cũng nghiêm cấm “kết Đảng”, không cho phép các quan trong triều kết bè lập đảng vì mục đích riêng tư. Ngày nay, trong nội bộ ĐCSTQ, các phe phái “mọc lên như nấm”, ai cũng có tính toán riêng của mình, và họ sẽ không chấp nhận việc hoàng đế lên ngôi. Mặc dù Tập Cận Bình có thể ảo tưởng rằng “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (Tạm dịch: Khắp gầm trời này không đất nào không phải đất của vua, không có người nào không phải thần dân của vua), nhưng dường như đó chỉ có thể mãi là vọng tưởng. Nếu các bậc vua chúa ngày xưa “làm trái ý trời” thì vế lịch sử tiếp theo “nước có thể chở thuyền cũng có thể lật thuyền” sẽ tái diễn. Bộ Chính trị ĐCSTQ đang nghiên cứu khảo cổ học, không biết có nhận ra được chân lý này không, bây giờ cũng là “thiên mệnh bất khả vi” (không thể trái mệnh trời).
Tập Cận Bình còn nói: “Trong một thời gian dài, nền văn minh Trung Quốc đã bổ sung trao đổi, giao lưu học hỏi với các nền văn minh khác trên thế giới, và đã đóng góp cho thế giới một chế độ sáng tạo độc đáo với hệ thống tư tưởng sâu sắc cùng những thành tựu khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật phong phú”.
Thật vậy, lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ ngừng giao lưu với thế giới, vậy mà ngày nay, ĐCSTQ lại một lần nữa chuẩn bị “bế quan tỏa cảng”. Các nhà tư tưởng trong lịch sử Trung Quốc đều được sinh ra trong môi trường tự do, mang lại lợi ích hàng nghìn năm cho người Trung Quốc, nhưng chế độ ĐCSTQ ngày nay đã giam cầm hết thảy. Hầu hết các phát minh và sáng tạo trong lịch sử Trung Quốc đều đến từ dân chúng, nhiều phát minh còn gắn với những câu chuyện về kỹ nghệ Thần truyền. Chế độ Cộng sản Trung Quốc ngày nay đang chuẩn bị thực hiện một bước Đại nhảy vọt khác. Tính bất hợp pháp của chế độ Cộng sản Trung Quốc cũng tương phản với chế độ hoàng quyền trong lịch sử Trung Hoa. Khi các quan chức cấp cao của ĐCSTQ nói những điều này, họ thực sự hiểu rõ, hay là chỉ đang đọc bản thảo do thư ký viết?
ĐCSTQ có thực sự coi trọng khảo cổ học không?
Nhìn lại lịch sử 71 năm thành lập ĐCSTQ, khảo cổ học chưa từng được coi trọng. Thành phố Bắc Kinh cách đây 71 năm đã không còn tồn tại; bao nhiêu di tích văn hóa đã bị phá hủy bởi Cách mạng Văn hóa, và ĐCSTQ đã “nhúng tay” thay đổi bao nhiêu sự thật lịch sử?
Cái gọi là khảo cổ của ĐCSTQ thiên về đào mộ cổ, thực chất chính là trộm mộ, vốn dĩ không hề tôn trọng lịch sử. May mắn thay, hầu hết các di tích văn hóa của Tử Cấm Thành vẫn còn ở Đài Loan, nếu không chúng sẽ bị phân chia bởi các chức sắc và sĩ quan quân đội của ĐCSTQ.
Tập Cận Bình còn nói: “Dân tộc Trung Hoa đã hình thành nên tinh thần dân tộc vĩ đại và nền văn hóa truyền thống đặc sắc. Đây là “gen văn hóa”, không ngừng sinh sôi nảy nở và phát triển thịnh vượng của dân tộc Trung Hoa”.
“Gen văn hóa” của dân tộc Trung Hoa hoàn toàn không giống với “gen đỏ” của ĐCSTQ. Nếu kế thừa văn hóa truyền thống Trung Quốc, thì “gen đỏ” của ĐCSTQ nên bị loại bỏ, và chế độ ĐCSTQ nên rút khỏi vũ đài lịch sử. Ngày nay, Trung Quốc thực sự đã bước đến đến điểm nút lịch sử quan trọng này.
Tập Cận Bình ắt hẳn cũng biết điều này, nhưng Tập vẫn phải toan tính duy trì chế độ Cộng sản Trung Quốc. Quả nhiên, cuối cùng Tập nói: “Hãy quảng bá nền văn minh bác đại uyên thâm của Trung Hoa cho cộng đồng quốc tế… không ngừng giúp mọi người hiểu biết sâu rộng về Trung Quốc, tạo ra bầu không khí tốt trong dư luận quốc tế”.
Việc nghiên cứu khảo cổ học của Bộ Chính trị của ĐCSTQ tất nhiên chỉ là “tán hươu tán vượn”. Điều mà các nhà lãnh đạo ĐCSTQ thực sự muốn làm là tiếp tục mô hình “Viện Khổng Tử”. Sau khi chế độ ĐCSTQ hoàn toàn đánh mất uy tín quốc tế, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ lại cố gắng tiếp tục che đậy lịch sử 5 nghìn năm của Trung Quốc. Vì sợ rằng chế độ ĐCSTQ sẽ không còn được thế giới công nhận.
Tuy nhiên, những câu chuyện được thêu dệt của ĐCSTQ đã không còn ai quan tâm nữa. Việc nghiên cứu khảo cổ học của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã một lần nữa chứng minh rằng chế độ ĐCSTQ thực sự tuyệt vọng, đã đến bước đường cùng.
Tác giả: Hác Duyên – tinhhoa.net