Đồng rúp tuột giá, các hãng hàng không Nga “lãnh đủ”
Aeroflot : 90% doanh thu là bằng tiền rúp, trong lúc 60% chi phí lại bằng ngoại tệ – REUTERS /L. MacGregor
Theo RFI – Trọng Nghĩa – 27-12-2014 14:19
Hàng trăm chiếc máy bay bị chôn chân dưới đất, hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt trong mùa nghỉ lễ: Nước Nga vừa tránh được cơn ác mộng này trong gang tấc. Thế nhưng, giới quan sát cho rằng tại họa chỉ được tạm thời đẩy lùi, và các hãng hàng không Nga, bị tác hại nặng nề từ việc đồng rúp sụt giá, sắp tới đây sẽ phải thắt lưng buộc bụng triệt để nếu muốn sống còn.
Theo hãng tin Pháp AFP, tình trạng tại Nga quả là một biệt lệ: Trong khi trên toàn thế giới, tất cả các hãng hàng không đều thở phào nhẹ nhõm nhờ giá dầu sụt giảm, thì tại Nga, do sự sụp giá của đồng rúp, hệ quả của một năm khủng hoảng trên vấn đề Ukraina và của đà tụt giá của giá dầu trên thị trường quốc tế, các công ty Nga đã phải gánh chịu đồng thời hai tai họa. Trước hết, việc sức mua của các hộ gia đình Nga bị suy thoái đã kéo theo một sự suy giảm mạnh của lượng khách sử dụng các đường bay quốc tế, vốn là loại mang lại lợi nhuận cao nhất cho các hãng hàng không Nga. Giá cả đã tăng 10% hai lần trong vỏn vẹn hai tháng đã làm nản lòng khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, phần chi phí phải trả bằng ngoại tệ – nhất là tiền đi thuê máy bay – đã tăng lên gần gấp đôi, trong bối cảnh ngành hàng không Nga đặc biệt nhậy cảm với vấn đề này. Theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Đức Deutsche Bank, tại hãng hàng không số một của Nga là Aeroflot chẳng hạn, 90% doanh thu là bằng tiền rúp, trong lúc 60% chi phí lại bằng ngoại tệ. Oleg Panteleyev, Chủ biên trang web chuyên ngành hàng không AviaPort thẩm định: «Tình hình cực kỳ nghiêm trọng… Vấn đề đang đặt ra rất hiển nhiên: do việc lượng khách sử dụng các tuyến bay ít đi là điều không thể tránh khỏi, các hãng cần phải trả lại các chiếc phi cơ đi thuê để giảm các chi phí phải thanh toán bằng ngoại tệ, đồng thời cũng phải giảm số lượng máy bay vận hành và các chuyến bay». Vấn đề là trong thời gian gần đây, các hãng hàng không Nga đã nương theo đà tăng trưởng bình quân từ 15% đến 20% của lượng khách dùng máy bay, để mạnh tay sắm thêm từ Boeing đến Airbus để đổi mới đội máy bay của họ có từ thời Liên Xô. Từ nhiều tuần lễ qua, ngành hành không dân dụng Nga đã bắt đầu chao đảo. Hãng lớn thứ ba tại Nga là Utair, vì không trả nổi một số khoản nợ, đã bị Ngân hàng Alfa kiện ra tòa. Qua ngày 21/12, đến lượt hãng đứng hàng thứ hai là Transaero, với đội máy bay hơn 100 chiếc, chủ yếu là Boeing, bị lung lay, đến mức mà hãng tin chính thức của Nhà nước Nga là TASS phải lên tiếng cầu cứu chính phủ và cảnh báo nguy cơ các chuyến bay bị đình chỉ trước cuối năm, gợi lại thảm cảnh hàng ngàn du khách bị mắc kẹt như đã xẩy ra với các tour du lịch mùa hè vừa qua sau một loạt những vụ phá sản. Như để chứng tỏ là mình rất chăm lo cho cuộc sống người dân, chính quyền Nga đã lao vào giúp đỡ, trợ cấp cho các tuyến bay nội địa, bảo lãnh các khoản vay của các công ty hàng không. Thứ tư 24/12 vừa qua, Transaero chẳng hạn đã được một khoản bảo lãnh lên đến 9 tỷ rúp (140 triệu euro), trong lúc Ngân hàng Alfa được chỉ thị tạm hoãn việc kiện Utair cho đến ngày 12/01/2015 để tránh gây gián đoạn trong các chuyến bay nhân dịp lễ cuối năm. Đối với các chuyên gia, đó chỉ là các biện pháp chữa cháy ngắn hạn, còn về lâu về dài, “các khoản tín dụng chỉ giúp thanh toán chi phí xăng dầu, sân bay và lương bổng, chứ không đủ để các hãng máy bay tồn tại», nhất là khi viễn ảnh 2015 vẫn u ám. Đà suy sụp của các hãng hàng không Nga được cho là sẽ tiếp tục, và không loại trừ khả năng nhiều hãng sẽ phải đóng cửa, như đã từng xẩy ra vào những năm 2008-2009.