Động cơ thực sự khiến ĐCSTQ nhất định kiểm soát bằng được Tây Tạng

Cac Bai Khac

No sub-categories

Động cơ thực sự khiến ĐCSTQ nhất định kiểm soát bằng được Tây Tạng

Chuyên gia John Mac Ghlionn trong một bài viết được Epoch Times đăng tài ngày 17/12 đã nêu ra những dữ kiện mà ông cho rằng đó là những lý do thực sự khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc thèm khát và muốn sở hữu Tây Tạng.

Hình ảnh minh họa từ video của Atlas Pro.

Sau khi giành được chính quyền vào năm 1949, một năm sau, ĐCSTQ xua
quân tấn công Tây Tạng. Vào năm 1951, ĐCSTQ ép chính phủ Tây Tạng phải
đồng ý ký vào một bản thỏa thuận gồm 17 điều buộc vùng đất này “trở về
với đất mẹ” Trung Quốc “một cách hòa bình”.

Kể từ đó ĐCSTQ luôn dùng mọi biện pháp để buộc vùng đất với hầu hết người dân tôn sùng Phật giáo nằm trong vòng kiểm tỏa của họ. ĐCSTQ muốn kiểm soát Tây Tạng không chỉ bởi để thỏa mãn tham vọng bành trướng mà còn bởi vùng đất rộng hơn 1 triệu km2 này có thể mang lại cho họ nguồn thu vô tận từ tài nguyên và giúp họ gây ảnh hưởng lớn tới các nước trong khu vực và thế giới.

‘Mỏ vàng khổng lồ’

Chuyên gia Ghlionn dẫn thông tin từ Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết, trên toàn thế giới có 1,1 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch. Mỗi tháng, ít nhất 2,7 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Liên Hợp Quốc cảnh báo, đến năm 2025, sẽ có gần 1,8 tỷ người sống trong các khu vực cạn kiệt nước; và 2/3 dân số thế giới có thể phải lo lắng về nguồn cung nước.

Chỉ 3% lượng nước trên thế giới là nước ngọt. Khoảng 3/4 lượng nước ngọt trên hành tinh được lưu giữ tại các sông băng. Khi nghĩ đến sông băng, người ta thường nghĩ đến Nam Cực. Tuy nhiên, ít người biết cao nguyên Tây Tạng có hơn 46.000 sông băng và là nơi có trữ lượng nước ngọt lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Nam Cực và Greenland.

Những chuyên gia nghiên cứu về băng gọi cao nguyên Tây Tạng là “cực thứ ba”. Những người khác gọi nơi này là “tháp nước” của châu Á. Có 8 con sông lớn của châu Á bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Ít nhất 240 triệu người ở 10 quốc gia khác nhau dựa vào những con sông này để sinh tồn.

Theo học giả Yong Jiang, ở Trung Quốc, hàng triệu người dân đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trầm trọng, đặc biệt là ở miền bắc đất nước này. Nguyên nhân của thực trạng khan hiếm nước ở Trung Quốc đến từ sự thiếu hụt nguồn cung nước ngọt ở địa phương, cũng như chất lượng nước giảm do ô nhiễm ngày càng gia tăng. Cả 2 nguyên nhân này đang tạo nên những tác động nghiêm trọng đến xã hội và môi trường.

Trên khắp khu vực châu Á, từ Mông Cổ đến Pakistan, một cuộc khủng
hoảng về nước đang tác động đến khoảng 270 triệu người. Vì vậy, nguồn
nước ngọt của Tây Tạng được xem là vô giá trong bối cảnh hiện nay. Nếu
kiểm soát được nguồn nước này, ĐCSTQ sẽ nâng cao được vị thế của mình.

Cao nguyên Tây Tạng cũng có trữ lượng bạc, chì, kẽm, đồng, và vàng tương đối lớn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên của Tây Tạng với tốc độ đáng sợ. ĐCSTQ sử dụng lao động cưỡng bức, ép họ làm việc trong các mỏ khoáng sản.

Theo Free Tibet, Tây Tạng là nguồn cung lithium lớn nhất của Trung Quốc. Lithium được sử dụng trong pin sạc của điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số, và xe điện. Khi mà thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lithium trầm trọng thì Trung Quốc vẫn tiếp tục thu lợi từ nguồn cung lithium dường như vô tận của Tây Tạng.

Cao nguyên Tây Tạng cũng là nơi có uranium, một kim loại nặng được sử
dụng để tạo ra điện trong các nhà máy điện hạt nhân. Theo Bloomberg,
ĐCSTQ có kế hoạch xây dựng “ít nhất 150 lò phản ứng mới trong 15 năm
tới, nhiều hơn tổng các lò phản ứng trên toàn thế giới đã được xây trong
35 năm qua”. Điều này cho phép Trung Quốc “vượt qua Mỹ với tư cách là
nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới”.

Tìm mọi cách để kiểm soát

Nhìn thấu những lợi ích to lớn mà Tây Tạng mang lại, ĐCSTQ không ngừng siết chặt quản lý đối với vùng đất này để đảm bảo “mỏ vàng khổng lồ” luôn luôn nằm trong tay họ.

Theo Ghlionn, ĐCSTQ đang thực hiện hàng loạt các chính sách mới nhằm
gia tăng kiểm soát Tây Tạng. Nhiều hoạt động truyền thống của Tây Tạng
đã bị thế lực này liệt vào danh sách cấm, bao gồm cả những việc như thăm
viếng các ngôi đền và sử dụng các đồ vật mang tính tôn giáo.

Bắc Kinh đã sử dụng các đặc vụ cài cắm trong mỗi văn phòng và cộng đồng để thu thập thông tin về các cán bộ hay quan chức Tây Tạng vi phạm những điều mà ĐCSTQ quy định. Bất kể ai vi phạm đều phải đối mặt với khả năng mất việc, bị từ chối mọi quyền lợi, và thậm chí bị bắt giữ.

ĐCSTQ còn gia tăng hủy diệt văn hóa Tây Tạng để khiến người dân nơi đây quyên đi nguồn cội của mình. Tiếng Tây Tạng không còn được dạy tại trường học ở Tây Tạng. Thay vào đó, tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ giảng dạy mới.

Các nhà sư của Tây Tạng là một trong những đối tượng chính bị ĐCSTQ đàn áp. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, gần đây, 2 nhà sư Tây Tạng bị kết án 17 và 15 năm tù vì dám tranh luận với các cán bộ của ĐCSTQ.

Vào ngày 10/12, nhà văn, nhà giáo dục người Tây Tạng Go Sherab Gyatso đã bị kết án 10 năm tù vì từ chối chỉ trích Đạt Lai Lạt Ma.

Vào trung tuần tháng 12, Thông tấn xã Tây Tạng, cơ quan truyền thông của Chính quyền Tây Tạng lưu vong, đưa tin rằng, ĐCSTQ đã thành lập một bộ phận giám sát kỹ thuật số để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người Tây Tạng trên Internet, và các cuộc trò chuyện bằng tiếng Tây Tạng trên điện thoại di động.

Các nội dung bị ĐCSTQ giám sát bao gồm mọi thứ được chia sẻ trên các
trang mạng xã hội. Đồng thời họ sẽ theo dõi sát các nhóm chat, đặc biệt
bám sát các đảng viên, cán bộ, học giả, những người làm việc trong lĩnh
vực văn hóa, và các nhân vật quan trọng ở khu vực Tây Tạng.

Báo cáo trích dẫn các nguồn ẩn danh nói rằng chừng nào người Tây Tạng
còn bị ĐCSTQ nghi ngờ tiến hành các hoạt động trực tuyến bị liệt kê là
“bất hợp pháp”, họ sẽ phải chịu sự giám sát thường xuyên.

Theo báo cáo của Thông tấn xã Tây Tạng, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thêm số điện thoại của người dân Tây Tạng vào các thiết bị phần cứng để tự động theo dõi.

Báo cáo chỉ ra rằng sau khi Wang Junzheng, tân bí thư khu tự trị Tây Tạng của ĐCSTQ, nhậm chức, chính quyền Tây Tạng tiếp tục gia tăng đàn áp và giám sát người dân.

Dawa Cairen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Tây Tạng, nói rằng ĐCSTQ đang thực thi “chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số” sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và giám sát kỹ thuật số tích hợp để kiểm soát người dân.

Cairen cho biết, ĐCSTQ lo ngại rằng thông tin về cuộc đàn áp nhân quyền của họ trên Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng sẽ lan rộng ra nước ngoài. ĐCSTQ giám sát người Tây Tạng để đạt được “điểm mù bằng không”. Trong toàn bộ khu vực Tây Tạng, cho dù đó là cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán trà, quán bar, khách sạn đã đăng ký hay chưa đăng kinh doanh, đều phải lắp đặt camera, nếu không sẽ bị đóng cửa. Trên đường phố ở Tây Tạng đều có hệ thống an ninh công cộng, nghĩa là các camera giám sát, và camera cũng được lắp đặt trong các khu dân cư.

Dawa Cairen nói rằng ĐCSTQ đang giám sát người Tây Tạng nhiều hơn mỗi ngày thông qua hệ thống trực tuyến và điện thoại di động.

Cách đây không lâu, một người Tây Tạng bị mất điện thoại di động, sau đó điện thoại của người này rơi vào tay chính quyền. Người này bị giới chức quy kết tội danh dùng điện thoại liên lạc với nước ngoài qua WeChat và quyên góp tiền cho trận động đất ở Nepal. Cuối cùng người này bị kết án 20 năm tù.

Aboluowang nhận định rằng, người Tây Tạng ở Trung Quốc trong thời gian tới chỉ cần liên lạc với người Tây Tạng ở nước ngoài, người thân của họ, hoặc thảo luận những điều liên quan đến tôn giáo, văn hóa và dân tộc Tây Tạng trên Internet, thì có thể bị bắt giữ và kết án.

Kha Đạt

https://www.dkn.tv/the-gioi/dong-co-thuc-su-khien-dcstq-nhat-dinh-kiem-soat-bang-duoc-tay-tang.html