Đồng bằng sông Mekong gặp nhiều hiểm họa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đồng bằng sông Mekong gặp nhiều hiểm họa

Navin Singh KhadkaPhóng viên môi trường, BBC World Service, từ Việt Nam19 tháng 10 2015

Cây cối ở vùng hạ lưu sông Mekong trải dài xanh ngút tầm mắt, cho thấy đất đai vùng đồng bằng này màu mỡ tới mức nào.

Những cánh đồng xanh tưởng như vô tận được điểm xuyết bởi chính nhánh sông, mà người Việt Nam gọi là Cửu Long, giải thích vì sao đây là một trong những nơi cung cấp thực phẩm chính yếu của thế giới.

Ở đây có hoạt động thủy sản rất phong phú, và cũng là nơi xuất khẩu gạo thứ năm thế giới. Nhưng vẻ bề ngoài trù phú có thể khiến nhiều người nhầm tưởng.

Bị nước mặn lấn dần từ phía Nam, số nhà máy thủy điện ngày càng gia tăng từ phía Bắc và nhiều hoạt động khai khoáng diện rộng đang đe dọa vùng đồng bằng, các quan chức cảnh báo.

Hậu quả đáng báo động là, khoảng 500 hecta đất bị xói mòn mỗi năm, họ nói.

“Mực nước biển dâng mang nước [mặn] tới nhanh đến nỗi các cách phòng ngự của chúng tôi đều thất bại,” theo ông Kỷ Quang Vinh, giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, một cơ quan của chính phủ Việt Nam ở Cần Thơ – thành phố đông dân nhất ở vùng Mekong.

“Chúng tôi đã ngưng trồng rừng ngập mặn ven biển do những cây này chỉ mọc khi mực nước biển ở dưới mức 1.6 milimet mỗi năm, và kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức này ở Việt Nam là 5 milimet.”

Image captionCái Răng, chợ nổi bán rau và hoa quả đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long

 

“Một số đê chắn biển của chúng tôi cũng đã sập.”

Ngập mặn

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionNhiều nhà nông trồng lúa đã chuyển sang nuôi tôm do ngập mặn

 

Khi nước sông bên trong nhiễm mặn, các nhà nông trồng lúa ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Mekong phản ứng bằng cách đổi sang nuôi tôm hoặc trồng đay.

Người ta thấy nước mặn đã lấn vào tới 60 kilomet.

Theo Viện nghiên cứu Thủy lợi miền Nam, ngập mặn đã phá hủy hơn 6.000 hecta đồng lúa vào năm ngoái.

“Gần một nửa số dân ở đồng bằng nay không có nguồn nước ngọt và điều này rất nghiêm trọng,” ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Viện Biến đổi Khí hậu nói.

Các nhà khoa học ở Ủy ban Sông Mekong (MRC) – tổ chức liên chính phủ – cũng cảnh báo rằng nếu mực nước biển tiếp tục tăng với tỷ lệ thặng dư ở mức khoảng một mét vào cuối thế kỷ này, gần 40% vùng đồng bằng sẽ bị xóa sổ.

MRC gồm bốn quốc gia ở hạ lưu sông Mekong: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionĐồng bằng sông Cửu Long cung cấp hơn một nửa tổng lượng và chiếm 90% lượng xuất khẩu ngũ cốc của Việt Nam

 

Ở miền Bắc, mối lo ngại lớn nhất là tốc độ mở rộng đập thủy điện.

Nhiều con đập đầu nguồn bị cho là làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái của dòng sông – trải dài tới gần 5.000 kilomet từ Tây Tạng, Trung Quốc, ra tới biển.

Theo International Rivers (IR), tổ chức chuyên nghiên cứu về các dòng sông xuyên lãnh thổ, Trung Quốc đã xây sáu “siêu đập thủy điện” trên sông và có kế hoạch sẽ xây thêm 14 đập khác trong 10 năm tới.

“Trung Quốc xây đập ở vùng thượng nguồn sông Mekong có ảnh hưởng lớn tới dòng chảy hạ lưu, đặc biệt là ven vùng biên giới Thái Lan – Lào, nơi nhiều cộng đồng phải chịu hậu quả do giảm lượng thủy sản và thay đổi mực nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của họ,” IR viết trong một báo cáo.

“Bằng cách thay đổi thủy văn, chặn dòng di chuyển của cá và làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông, việc xây thủy điện ở vùng hạ lưu sẽ làm tiêu nhập toàn bộ vùng lưu vực.”

Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đang có kế hoạch theo chân Trung Quốc bằng cách xây thêm nhiều đập thủy điện khác ở hạ lưu sông Mekong.

Dự án xây đập thủy điện Don Sahong ở Lào, đặc biệt bị phản đối ở Campuchia và Việt Nam, hai quốc gia ở mũi phía nam vùng lưu vực.

Image copyrightAFP
Image captionCác nhà hoạt động Campuchia đã phản ứng giận dữ khi Lào thông qua kế hoạch xây thủy điện Don Sahong gần biên giới với nước này

 

Cũng có những bằng chứng cho thấy các con đập mới sẽ ngăn lại những chất trầm tích màu mỡ, vốn là nguồn cung cấp bổ sung dinh dưỡng cho đáy sông và là thứ mà đời sống sinh vật dưới sông cần đến.

Theo Ủy ban Sông Mekong, lượng sỏi, đá cuội và cát lắng xuống sống hiện giảm đi khoảng 85 triệu tấn so với hồi 1992, chủ yếu là do việc xây các đập thủy điện và chặn hồ chứa trên thượng nguồn.

“Lượng nước và trầm tích từ phía bắc xuôi xuống ít hơn có nghĩa là chất muối xâm thực từ biển vào ở phía nam sẽ nhiều hơn, gây nên thiệt hại nhiều hơn cho vùng đồng bằng và các cư dân nơi đó,” La Se Sheng từ cơ quan giám sát môi trường và tài nguyên thiên nhiên của chính phủ Việt Nam nói.

Ngay cả khi Ủy ban Sông Mekong có điều phối việc phát triển các nguồn nước giữa các quốc gia thành viên trong lưu vực sông Mekong thì các nhà chỉ trích nói điều đó cũng chưa đủ để giải quyết được các tranh chấp về việc xây đập và các hậu quả phát sinh.

Vùi đầu trong cát

Hàng chục triệu mét khối cát bị khai thác mỗi năm ở vùng hạ sông Mekong, đoạn chảy qua Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) trong một nghiên cứu nói rằng hầu hết các hoạt động khai thác cát diễn ra tại Campuchia và Việt Nam.

“Vùng châu thổ thuộc Việt Nam có trên 150 bãi khai thác cát, trải rộng trên 8.000 hecta (80 cây số vuông) bề mặt sông, do 13 tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long cấp phép,” bản nghiên cứu nói.

Image copyrightInternational Rivers
Image captionTổ hợp thủy điện Nọa Trác Độ đi vào hoạt động năm 2012, nơi đặt gần một nửa số đập cao nhất thế giới

 

“Đến năm 2020 sẽ cần một tỷ mét khối cát đáp ứng cho nhu cầu xây dựng khu vực đồng bằng Cửu Long.”

Các nhà vận động vì môi trường tại Việt Nam nói rằng chính phủ nhận thức được cái giá phải trả cho môi sinh từ việc khai thác cát, nhưng đã không có hành động gì.

“Họ không thể yêu cầu giới chức địa phương rút giấy phép bởi các công ty tư nhân sẽ đòi bồi thường,” ông Dương Văn Thọ từ Liên minh Khoáng sản Việt Nam nói.

Còn có thêm rủi ro khác nữa.

“Một số đoạn sông nằm trong lãnh thổ chúng tôi chỉ sâu có 5f mét, cho nên tàu lớn không đi qua được,” Giám đốc cảng Cái Cui, Phan Thành Tiến, nói.

“Nhưng để mở rộng khả năng hoạt động đường thủy của chúng tôi ở đây và ở nước ngoài thì chúng tôi chỉ có lựa chọn duy nhất là phải nạo vét lòng sông.”

Image copyrightAFP
Image captionMột phần ba vùng đồng bằng sông Mekong là vùng rừng lầy, phía Bắc có những vùng ngập sâu tới 3 mét vào mùa mưa

 

Trong lúc cả các cơ quan đại diện chính phủ lẫn các công ty tư nhân đang tham gia vào hoạt động nạo vét thì các cộng đồng sống hai bên bờ sông đang cảm thấy tâm trạng bấp bênh hơn.

“Sau khi nạo vét, các tàu bè lớn bắt đầu đi vào các nhánh sông, các đoạn kênh nhỏ, khiến sóng lớn đập vào bờ, gây nước tràn vào nhà chúng tôi,” Phạm Văn Xuông, trưởng khu vực 6, An Bình, nói.

Các chuyên gia nói những trận mưa rào lớn thất thường khiến tình trạng ngập lụt càng trở nên tồi tệ trong mùa mưa.

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) từ lâu nay đã cảnh báo rằng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Bản báo cáo thẩm định mới nhất của ủy ban này nói: “Các kế hoạch thích nghi với việc thay đổi khí hậu ở tầm quốc gia đã được đưa ra tại toàn bộ bốn quốc gia ở vùng lưu vực Hạ Sông Mekong, nhưng việc lên kế hoạch thích nghi chung ở các nước này vẫn chưa hề có.”

Chỉ khi cùng chung sức chống lại tình trạng thay đổi khí hậu, các chuyên gia nói, thì các nước trong khu vực mới gắn bó đoàn kết trong tranh chấp để đối phó với việc xây đập.

Càng có nhiều khác biệt giữa các nước thì những mối lo sợ cho vùng châu thổ sông Mekong càng trở nên to lớn hơn.

Phóng viên môi trường của BBC Navin Singh Khadka đến Việt Nam dự một hội nghị quốc tế về sông Cửu Long trong tháng 8/2015. Bài được công bố trên các mạng tiếng Anh, Hindi, Indonesia, Trung Quốc… của BBC bắt đầu từ ngày 19/10 trước khi thế giới họp Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu tại Paris, Pháp cuối năm nay.