Donald Trump thắng lớn – Việt Nam thua to

Cac Bai Khac

No sub-categories

Donald Trump thắng lớn – Việt Nam thua to
Phạm Trần 
Theo DLB 
17-11-2016

Cộng Hòa không đủ phiếu xóa Obanmacare
Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016 đã đẩy nhà nước Cộng sản Việt Nam, lực lượng công nhân và phong trào đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền ở cả 2 bờ Đại Dương lâm vào ngõ mù khó thở vì Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, gọi tắt là TPP) bị coi như đã chết trước khi có hiệu lực.
Biến chuyển này xảy ra sau khi lãnh tụ đa số Cộng hòa tại Thượng viện, Nghị sỹ Mitch McConnell, vào hôm 11/1/2016, đã thông báo cho Tổng thống Barack Obama biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, hay TPP – Trans-Pacific Partnership – sẽ không được đem ra thảo luận tại khóa Quốc hội thứ 114 trong những ngày còn lại của nhiệm kỳ, kết thúc ngày 03/01/2017.
Quyết định của Quốc hội Mỹ đã đánh trúng vào kế hoạch sẽ đình chỉ TPP của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Khi vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã chỉ trích Hiệp định TPP không tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ mà chỉ giúp cho nước khác giàu thêm.
Sau ngày bầu cử, ít người ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hy vọng ông Donald Trump sẽ thay đổi ý định bỏ TPP để thương thuyết lại với 11 nước khác. Hơn nữa, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát cả Thượng lẫn Hạ viện sẽ bảo vệ TPP, sản phẩm của Tổng thống Dân chủ Barack Obama.
Như vậy TPP coi như đã chết.
Ảnh hưởng với Việt Nam
Vậy ảnh hưởng của TPP tử vong đối với Việt Nam và người Việt trong và ngoài nước như thế nào?
Trước hết, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã mất cơ hội làm giàu để thoát khỏi gọng kìm chính trị-kinh tế Trung Hoa.
Thứ hai, người công nhân Việt Nam đã mất hy vọng thành lập một công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi cho mình để thoát khỏi sự kìm kẹp của Tổng liên đoàn Lao động nhà nước CSVN.
Thứ ba, các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân tranh đấu cho dân chủ và tự do ở Việt Nam cũng lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan vì chính quyền mới Donald Trump, ít nhất trong 2 năm đầu, sẽ chỉ quan tâm vào việc làm giàu, dành lại ưu thế mậu dịch và tạo thế mạnh chính trị và quân sự cho nước Mỹ hơn lo cho quyền con người và chuyện nội bộ của nước khác. Hơn nữa cá nhân ông Trump và những người thân cận ông chưa có bất cứ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực nhân quyền và tình hình Việt Nam. Ở Châu Á, ưu tiên trước mắt của chính quyền Trump là quyền lợi kinh tế của Mỹ với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.
Tình hình bất ổn ở Biển Đông và kế hoạch ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở khu vực Á Châu và Thái Bình Dương cũng sẽ chịu ảnh hương gay gắt khi TPP mất chân đứng tại Úc, Brunei, Japan, Malaysia, Singapore, New Zealand và Việt Nam.
Thứ tư, người Việt ở Mỹ, đi bầu hay không đi bầu, cũng thấy bâng khuâng vì không biết tương lai của nước Mỹ lẫn Việt Nam sẽ đi về đâu trong 4 năm tới. Liệu nước Mỹ có tránh khỏi phân hóa, kỳ thị giữa các sắc dân, xáo trộn trật tự xã hội vì những lời nói và quan điểm “chói tai” của ứng cử viên Donald Trump, hay nước Mỹ sẽ hòa bình và thịnh vượng với một Tổng thống Donald Trump biết kiềm chế bản tính bất bình thường để gạn đục lấy trong?
Như vậy là sau 7 năm vất vả thương thuyết để được ký kết ngày 4/02/2016 tại Tân Tây Lan (New Zealand), TPP đã bị bức tử bởi phe đa số Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ và chính quyền tương lai Donald Trump. Cũng thật trớ trêu là đa số Dân biểu và Nghị sỹ Cộng hòa, của Quốc hội trước ngày bầu cử 8/11/2016, đã ủng hộ TPP vì nếu được thi hành, nó sẽ tăng số hàng xuất cảng và lợi tức cho các xí nghiệp và kỹ nghệ Hoa Kỳ là những mạnh thường quân hào phóng của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu cho thấy TPP không tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ mà chỉ làm giàu cho các Đại Công ty và giới chủ nhân. Ngược lại, sẽ giúp cho các nước hội viên khác có số lao động giá rẻ như Việt Nam có thêm công ăn việc làm và giàu thêm lên vì hàng nhập và xuất cảng được hưởng nhiều loại thuế thấp.
TPP là tổ chức quy tụ 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru, Mỹ và Việt Nam. Khối kinh tế này, nếu hoạt động, sẽ có trị giá 28,000 Tỷ dollars ($28 trillion dollars), chiếm lối 40% tổng sản lượng của Thế giới và là một khối kinh tế hùng mạnh có khả năng cầm chân Trung Quốc.
Việt Nam mất hết
Do đó, khi TPP không còn nữa thì về lĩnh vực kinh tế, Việt Nam sẽ không được hưởng mối lợi giảm khoảng 18,000 loại thuế đánh vào hàng hoá được trao đổi giữa các quốc gia hội viên.
Tác giả John Boudreau của mạng thông tin chuyên về kinh tế-tài chính Bloomberg của Mỹ tiết lộ các chuyên gia từng phỏng đoán trong vòng 10 năm, TPP sẽ giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng nội địa lên 11 phần trăm, hay 36 tỷ dollars. Hàng xuất cảng cũng sẽ tăng 28%. Các loại hàng may mặc, giầy dép và nông-ngư phẩm cũng sẽ gia tăng để giúp Việt Nam giảm dần lệ thuộc vào Trung Quốc.
Giờ đây, khi TPP không còn nữa thì Việt Nam sẽ bị Trung Quốc khống chế mạnh hơn vì sản xuất của Việt Nam gần như hoàn toàn phải lệ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Hoa.
Bằng chứng trong năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 32,3 tỷ dollars từ Trung Quốc, tăng 12,5% so với năm 2014, căn cứ vào báo cáo của nhà nước.
Trong khi đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam là trên 14 tỷ dollars, tuy có giảm lối 2 tỷ so với cùng thời gian năm 2015.
Nhưng hầu như tất cả các hàng tiêu dùng của người dân Việt Nam đều đến từ Trung Quốc, cả đường chính ngạch lẫn buôn lậu. Nhiều món hàng, kể cả những thứ độc hại, chế tạo từ Trung Hoa nhưng đám con buôn bất chính đã dán nhãn sản xuất ở Việt Nam để đánh lừa người mua mà nhà nước không kiểm soát nổi.
Đối với khối công nhân lao động, vốn bị các cán bộ của Tổng liên đoàn Lao động nhà nước về hùa với chủ đầu tư nước ngoài để hưởng bổng lộc thay vì phải bênh vực cho quyền lợi của công nhân, sẽ mất cơ hội thành lập nghiệp đoàn độc lập để tự bảo vệ quyền lợi cho mình theo như theo Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization)
Công ước này viết: “Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó.” (Điều 2)
Hay:(1) “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.” (2) “Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.”
Quan trọng hơn, Điều 4 khẳng định: “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ.”
Nhằm tạo sức mạnh cho quyền của người Lao động, Công ước 87 viết trong Điều 5: “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.”
Để bảo đảm sự minh bạch và công bằng giữa người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước, Điều 8 nói rõ: “(1)Trong khi thi hành những quyền mà Công ước này đã thừa nhận cho mình, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác, đều phải tôn trọng pháp luật trong nước.”
Tuy nhiên trách nhiệm phải tuân thủ Luật pháp cũng buộc nhà nước phải tuân thủ quy định ở khoản 2 trong Điều 8 viết rằng:  “(2)Pháp luật quốc gia không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công ước này.”
Giờ đây, khi TPP không còn nữa thì tuy bị thiệt hại về kinh tế nhưng chiến thắng của Donald Trump đã giúp cho nhà nước Việt Nam mỉm cười vì rũ bỏ được nỗi lo sợ phải chấp nhận một Công đoàn lao động độc lập và tự do như TPP đã ấn định.
Quyết định giết TPP của Donald Trump và phe Cộng hòa đa số ở Quốc hội Mỹ cũng đã gây thất vọng rất lớn cho những nhà đấu tranh từng hy vọng TPP sẽ giúp họ nạnh dạn hơn khi đòi quyền được tự do lập hội và hội họp và quyền được tự do trao đổi thông tin vốn đang bị kiểm soát chặt chẽ và nghiêm cấm, nếu nhà nước thấy bất lợi cho chế độ.
Hoạt động của các Tổ chức xã hội dân sự cũng đã mất đi một vũ khí lợi hại để gây áp lực với nhà cầm quyền Cộng sản khi đòi hỏi và đấu tranh quyền lợi cho người lao động.
Những cuộc đình công đòi quyền lợi tự phát của công nhân trên khắp lãnh thổ như đã xảy ra từ trước đến nay cũng đã mất thế tựa lưng vào TPP.
Phản ứng Việt Nam
Vậy thì nhà nước Việt Nam đã phản ứng ra sao?
Báo chí Việt Nam, vào ngày 11/11/2016, đã đồng loạt đưa tin Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, “quan điểm của Việt Nam trong việc phát triển thương mại với quốc tế là đều định hướng phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ.”
Ông nói: “TPP cũng chỉ là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh TPP chúng ta còn có nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã và đang ký kết… trong trường hợp nào thì Việt Nam cũng luôn luôn sẵn sàng bởi vì hội nhập của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào TPP, mà hội nhập là yêu cầu và động lực để phát triển trong tương lai, do vậy quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam là xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định.”
Tuy nhiên, các báo cũng viết: “Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam có thể có những diễn biến khá phức tạp, không giống như dự đoán.” Ông nói: “Tổng thống mới của Hoa Kỳ khả năng sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như dòng chảy của thương mại thế giới. Nhưng chúng ta phải đợi xem vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi chính sách của chính thể mới còn phải có thời gian”.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định rằng: “Việt Nam đang bơi ra biển lớn và biển khơi bằng chính sức vóc của mình chứ không đi nhờ vả.”
Lời tuyên bố tự trấn an của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ không giúp thay đổi hậu quả nghiêm trọng khi Việt Nam không còn TPP. Trước mắt là Việt Nam đã mất cơ hội giảm dần bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Tuy trong những năm gần đây Việt Nam có quan hệ kinh tế và thương mại tốt với Hoa Kỳ, Nga, Liên Hiệp Châu Âu (European Union, EU), Nhật Bản, Nam Hàn và các nước trong khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) nhưng không sao so với mối lợi đem lại từ 11 nước trong khối TPP.
Bức tường và Obamacare
Như vậy, nếu ông Trump chưa nhận chức mà coi như đã dẹp xong TPP thì ngược lại ông sẽ gặp nhiều khó khăn tại Quốc hội, nếu không muốn nói là bất khả kháng, khi ông muốn dẹp Obamacare như đã hứa khi tranh cử.
Lý do vì phe Cộng hòa chỉ chiếm đa số ở Hạ viện mà không có đủ 60 phiếu đa số tuyệt đối ở Thượng nghị viện 100 Nghị sỹ. Sau bầu cử 8/11/2016, Cộng hòa có 51 ghế, Dân chủ có 48 ghế, cộng thêm 1 ghế độc lập (49) luôn luôn có truyền thống bỏ phiếu với phe Dân chủ. Khi nghiêng ngửa, Phó Tổng thống đảng cầm quyền Mike Pence sẽ bỏ phiếu cho Cộng hòa để tăng lên 52 phiếu, nhưng thu được thêm 8 phiếu của đối lập Dân chủ cho đủ 60 phiếu để loại Obamacare là điều rất khó xẩy ra, nếu không là ảo tưởng.
Vì vậy, sau cuộc họp với Tổng thống Obama tại Bạch Ốc ngày 8/11/2016, Tổng thống đặc cử Donald Trump đã cho biết sẽ duy trì 2 điều quan trọng trong Obamacare, đó là: Các hãng không được từ chối bán bảo hiểm cho người có bệnh truyền nhiễm từ trước khi mua; và, sinh viên tiếp tục được hưởng bào hiểm sức khỏe của bô mẹ đến năm 26 tuổi.
Các chuyên gia lập pháp cho biết, ông Trump và phe Cộng hòa ở Thượng viện chỉ có thể thông qua những thay đổi đối một số điều khỏan với Obamacare, qua thủ tục được gọi là “hòa giải” (reconciliation) kèm theo một dự luật, chẳng hạn như luật ngân sách. Thủ tục này chỉ cần cần 51 phiếu đa số ở Thượng viện.
Người ta phỏng đoán phe Cộng hòa sẽ giúp ông Trump bỏ đi khoản mở rộng Medicaid; ngân khoản trợ giúp chi phí bảo hiểm cho những người có lợi tức trung bình hay thấp qua nơi làm việc, nhận Medicaid và Medicare, hay khoản luật cho phép “trừng phạt những ai không mua bảo hiểm” của chương trình Obamacare.
Nhưng để thay thế những khoản này bằng chương trình bảo hiểm có lợi cho dân qua một Bảo hiểm sức khỏe mới thì chính ông Trump và phe Cộng hòa lại chưa có kế hoạch rõ ràng.
Như vậy, tham vọng bỏ Obamacare ngay sau khi nhận chức của ông Trump đã bị thất bại, trong khi sửa đổi ra sao lại chưa rõ ràng và phải mất ít nhất 5 hay 6 tháng sau mới biết.
Có điều chắc chắn là dù bằng cách nào, quyết định về bảo hiểm sức khỏe của chính quyền Donald Trump cũng sẽ gây hoang mang không ít cho 22 triệu người Mỹ đã mua bảo hiềm Obamacare.
Về lời hứa xây bức tường ngăn chặn dân Nam Mỹ vượt biên giới Mexico vào Mỹ của ứng cử viên Donald Trump cũng đã bị thách thức để thay đổi. Giờ đây các cố vấn của ông Trump và Chủ tịch đa số Cộng hòa ở Hạ viện, Paul Ryan cho biết việc xây bức tường chưa được bàn tới vào lúc này mà chỉ tăng cường kiểm soát biên giới là ưu tiên.
Hơn nữa, muốn xây tường thì phải có tiền, nhưng tiền lấy đâu ra nếu không được Quốc hội đồng ý? Do đó, những đe dọa xây tường của ông Trump cũng bị đảo ngược.
Duy nhất có kế hoạch trục xuất từ 5 đến 8 triệu cư dân bất hợp pháp Nam Mỹ của ông Trump còn đang được bàn tán xôn xao. Liệu ông Trump có làm nổi hay không là điều chưa ai trong đảng Cộng hòa dám quả quyết, nếu không muốn nói ai cũng sợ sẽ có xáo trộn xã hội nguy hại cho nước Mỹ và uy tín của chinh phủ Donald Trump.
Sau cùng, đối với Thỏa hiệp kinh tế Bắc Mỹ gọi là NAFTA (North America Free Trade Agreement), giữa Mỹ, Canada và Mexico, có hiệu lực năm 1994 thời Tổng thống Bill Clinton thì ông Trump, trong tư cách Tổng thống có thể rút nước Mỹ ra khỏi NAFTA, sau khi báo trước cho Mexico và Canada 6 tháng.
Trong thời gian tranh cử, ông Trump chỉ trích NAFTA không có lợi cho Mỹ vì đã mở đường cho các Công ty Mỹ di chuyển việc làm qua Mexico để hưởng lao động rẻ mà hàng làm ra quay về Mỹ lại tránh được nhiều khoản thuế.
Ông hứa sẽ thương thuyết lại, nhưng nói là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Các Công ty Mỹ, tỷ dụ như hãng Ford đã đe dọa sẽ di chuyển đến các nước có chi phí công nhân rẻ ở Nam Mỹ, nếu NAFTA không còn nữa, thay vì quay về Mỹ.
Mexio và Canada cũng cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với Donald Trump.
Cuối cùng, như ta đã thấy, chỉ có Việt Nam và người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã bị thiệt thòi vì quyết định bỏ TPP của ông Donald Trump. Những ai có ý nghĩ Tổng thống Donald Trump sẽ giúp thay đổi chế độ ở Việt Nam hay giúp cho phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền lớn mạnh thì hãy kiên nhẫn chờ xem, trong 4 năm tới, chính quyền Trump có khả năng vần nổi khối đá khổng lồ Trung Quốc ra khỏi đầu Việt Nam hay chỉ làm cho nước Việt Nam và con người Việt Nam nhỏ bé hơn trong bàn tay của Bắc Kinh ?. -/-