Ðối Thoại Với VC Phạm Bình Minh Và Hà Kim Ngọc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðối Thoại Với VC Phạm Bình Minh Và Hà Kim Ngọc

PhóThủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham gia chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời đầu tiên trong năm 2014 trên truyền hình Cộng sản Việt Nam, ngày 2/2/2014, nói rằng chúng đã “đáp ứng 80% trong 123 khuyến nghị về nhân quyền mà các nước đưa ra cho Hà Nội năm 2009”. Dịp này ông cũng khuyến cáo cần “tăng cường đối thoại…”

Ðến ngày 5/2/2014, trưởng đoàn VN là Thứ trưởng Ngọai giao Hà Kim Ngọc, tại phiên họp UPR, nói rằng “chúng tôi muốn nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường đối thoại để thúc đẩy nhân quyền… Chúng tôi cam kết chủ động xây dựng, duy trì đối thoại, hợp tác và nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ của mình… Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho đối thoại và hợp tác với các nước khác…”,

Như vậy là chủ trương của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là muốn đối thoại; nhưng đối thoại với ai thì không ai nghe, cả Phạm Bình Minh lẫn Hà Kim Ngọc nói tới. Dứt khoát không phải là đối thoại với “đầu gối”, cũng không phải như cuộc đối thoại trực tuyến [nhưng không được trực diện] được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dàn dựng khá qui mô, được phát hình rõ ràng cho quần chúng xem, ngày 9-2-2007, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với người đối thoại Vũ Thanh Hữu, như sau:

Người đối thoại [trực tuyến nhưng không được trực diện] Vũ Thanh Hữu hỏi:

– Thưa Thủ tướng, trong cuộc sống hàng ngày, ông yêu điều gì nhất và ghét cái gì nhất?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [cũng trực tuyến nhưng không trực diện đối thoại] tỉnh bơ trả lời:

– Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối.

[Trích Thư Cho Con Tập 8 của Giáo Già, Mekong-Tynan xuất bản, 2007, trang 56]

Trước đó, sau đó, và cho tới bây giờ mọi người, từ quốc nội đến hải ngoại và quốc tế, không ai không biết Nguyễn Tấn Dũng trung thực ra sao và giả dối đến độ nào.

Trước khi trở lại chuyện Phạm Bình Minh và Hà Kim Ngọc muốn tăng cường đối thoại và sẵn sàng mở cửa cho đối thoại; Giáo Già xin nhắc lại vài câu chuyện nhỏ coi như có liên quan đến đối thoại giữa Nhà nước và quần chúng, nói chung. Ðó là

1. Báo VietnamNet, hôm 5/2, làm cuộc thăm dò dư luận, như một cách đối thoại giữa nhà báo với độc giả, bằng cách cho đăng bài “Việt Nam báo cáo LHQ về nhân quyền” trước diễn đàn UPR. Kèm bài viết có hai nút cho độc giả bầu chọn là ‘Thích’ và ‘Không thích’. Kết quả cho thấy:

  • Tới thời điểm 15:30 chiều thứ Năm 6/2, số người thích là 66 và số người không thích là 3.329.
  • Ðến 17:50 chiều cùng ngày, số người thích tăng lên 82, và không thích lên 3.892.

Nhận thấy số người thích tăng lên chỉ có 16 người [82-66 = 16] trong khi số người không thích lại tăng lên 563 người [3892-3329 = 563], tức cao hơn nhiều, nên cuộc đối thoại bị chấm dứt mà không được giải thích lý do.

2. Cuộc đối thoại thứ 2 coi như phải được diễn ra ngay sau khi phái đoàn hùng hậu lên đến 23 người, do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu, cùng với đại diện nhiều ban ngành như: Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an…, tất cả hối hả rời diễn đàn, bị ngay phóng viên Ðỗ Phủ của đài truyền hình SBTN cầm máy chận đầu đòi đối thoại; nhưng tất cả đều bỏ chạy, để khỏi phải đối thoại, mặc dầu anh phải cầm máy liên tục ‘rượt đuổi’ hết người này đến người khác. Xem Youtube http://www.youtube.com/user/SBTNOfficial    mọi người ngỡ ngàng thấy các ‘nhà ngoại giao’ VC liên tục né tránh, hoặc viện lý do từ chối, thậm chí có trường hợp đột nhiên vùng chạy như bị ma đuổi .

Cuộc đối thoại được Hà Kim Ngọc tuyên bố là sẵn sàng đó có thật sự được diễn ra hay không; hay đó chỉ là trò bị bợm, như nhà văn Chu Tất Tiến đề cặp tới trong bài viết “CUỘC ÐỐI THOẠI GIỮA NGƯỜI VÀ BÒ”, ngày 7/2/2014, kết luận rằng: “Thực tế, nghe những câu trả lời không đầu không đuôi của phái đoàn cùng nhìn những hình ảnh một nhóm cúi đầu không dám nhìn thẳng vào người đối diện, mà nhai đi nhai lại những luận điệu cũ rich, người ta thấy đây là một trên bình diện quốc tế.” [xem toàn văn trong phần phụ đính và “http://webtv.un.org/search/viet-nam-review-18th-session-of-universal-periodic-review/3158240571001?term=upr”].

Tuy nhiên, cứ coi như Cộng sản Việt Nam, qua miệng lưỡi lếu láo của Phạm Bình Minh và Hà Kim Ngọc, chúng thực tâm muốn đối thoại và sẵn sàng mở cửa cho đối thoại mọi người rất mong được biết chúng muốn đối thoại với ai!.

Trước tiên, hay nghe blogger Phạm Thanh Nghiên khẳng định trong bài viết được đăng trên Dân Làm Báo:

 “Tôi, nhân danh một công dân Việt Nam chỉ xin phản hồi về hai chữ “đối thoại” mà ông Hà Kim Ngọc nhân danh Nhà nước cộng sản Việt Nam tuyên bố “sẵn sàng” và “cam kết” trước cộng đồng Quốc tế… Khoan nói tới sự “đối thoại” của Nhà nước CHXHCNVN với “các nước khác”. Hãy đi vào thực chất. Có hay không sự đối thoại về Nhân quyền của nhà nước với chính những công dân Việt Nam ngay trong phạm vi đất nước này? Xin trả lời ngay là: KHÔNG. Nói chính xác hơn, nhà nước chưa bao giờ dám đối mặt một cuộc đối thoại thẳng thắn, sòng phẳng với những cá nhân, những nhóm dân sự độc lập vận động cho Nhân quyền Việt Nam… Ðã không chấp nhận đối thoại với dân chúng của chính nước mình thì liệu có tư cách để đối thoại với các nước khác không? Chưa kể các cuộc được gọi là đối thoại (với các nước khác) đều được dập khuôn gần như giống nhau, bằng các văn bản được soạn sẵn lôi trong túi ra đọc, khỏi cần biết câu hỏi chất vấn là gì.”

Mặt khác, cho dầu thế nào, cũng xin được đề cặp ngay đến trường hợp mới nhứt là vụ án được Trọng Nghĩa của đài RFI nói tới, trong bản tin ngày Thứ sáu 14 Tháng Hai 2014, cho biết:

“Hôm 09/02/2014, công an Việt Nam đã câu lưu trong vòng một ngày nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển [xem hình], với lý do để ‘hỏi về vấn đề công nợ’. Trong bản thông cáo báo chí đề ngày 13/02/2014, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch có trụ sở tại New York đã tố cáo hành động nói trên, xem đấy là một hình thức thường xuyên được chính quyền sử dụng để đàn áp giới bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam… Bản thông cáo nhắc lại là ông Truyển đã bị tạm giữ một hôm trước ngày ông làm đám cưới, vị hôn thê của ông cũng bị câu lưu một thời gian ngắn, cùng với một số khách đến nhà của họ… ông Nguyễn Bắc Truyển, trong thời gian gần đây, đã không ngừng đấu tranh cho các tù nhân chính trị khác. Ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch nhận định: ‘Các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế khác nếu muốn chứng kiến tiến trình cải cách ở Việt Nam thì phải công khai kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành vi lạm quyền ngang nhiên như vậy của lực lượng an ninh’. Theo Human Rights Watch, vào đầu tháng 02/2104 này, ông Nguyễn Bắc Truyển đã lập lại những lời chỉ trích của chính phủ, và đặc biệt tố cáo việc chính quyền tiếp tục giam cầm ông Nguyễn Hữu Cầu, một tù nhân chính trị đã rất già yếu, đã bị tù từ năm 1982. Ðối với Human Rights Watch… ‘Chính quyền Việt Nam có tiền án là hay sử dụng những cáo buộc mơ hồ liên quan đến tội danh kinh tế làm cớ để sách nhiễu, thậm chí truy tố các nhà hoạt động nhân quyền và các blogger’.”

Một trường hợp cần được đối thoại khác cũng vừa xảy ra, theo bản tin được Thanh Trúc đưa lên đài FRA, ngày 12/2/2014 vừa qua, cho biết:

“Tối thứ Ba, 11/2/2014, vừa qua tư gia của cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Ngọc Tuấn bị bốn người kéo đến ném đá rất nguy hiểm. Ðây là đợt tấn công mới của năm nay mà ông Hùynh Ngọc Tuấn cho là cố ý nhắm vào gia đình ông sau lần bản thân ông cùng hai cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Công Nhân và Phạm Bá Hải bị công an chửi mắng và đánh đập thậm tệ khi đi thăm bạn tù Nguyễn Văn Trội hôm 31 tháng Mười Hai năm ngoái.” . Ông Huỳnh Ngọc Tuấn bị công an đánh gãy xương ức khi tới thăm gia đình anh Phạm Văn Trội ở Hà Tây ngày đầu năm 2014. [Courtesy danluan.org]

Trên lãnh vực quốc tế, Tổ chức bảo vệ ký giả CPJ, trụ sở tại New York, hôm 12/2/2014, cũng ra báo cáo mang tên ‘Các vụ tấn công vào báo chí’, trình bày cuộc khảo sát thường niên về tình trạng truyền thông tin tức khắp nơi trên thế giới trong cả năm. Ðối với Việt Nam, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại khu vực Ðông Nam Á có phân tích chứng minh rằng chính quyền Việt Nam tiếp tục duy trì một số biện pháp kiểm soát truyền thông nghiêm nhặt nhất tại khu vực Châu Á. Bản báo cáo này viết:

“Tất cả mọi cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều thuộc quyền quản lý và chịu sự kiểm soát của Nhà nước độc đảng. Không có báo chí tư nhân. Tuy nhiên theo nhận định của ông Shawn Crispin thì không gian blog phát triển một cách nhanh chóng và trở thành thách thức đối với độc quyền truyền thông của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Các blogger đưa lên blog của họ những bài viết và bình luận mà nếu như trên truyền thông chính thống chúng sẽ bị kiểm duyệt cắt bỏ.”

Ðó chỉ mới là một số trường hợp điển hình, thật sự Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam muốn đối thoại và sẵn sàng mở cửa cho đối thoại thì chúng nên đối thoại với Mạng lưới Blogger Việt Nam. Họ đang chờ đợi đó.

Hôm nay, nhân ngày tình nhân, ngày 14/2/2014, Giáo Già không muốn làm đau lòng những người rất cần được thương yêu, nên xin được dừng bài viết ở đây.

Giáo Già

Phu dinh:

CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA NGƯỜI VÀ BÒ

 

Chu Tất Tiến.

 Với tư cách là thành viên mới của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ngày 5 tháng 2 năm 2014, phái đoàn nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã đến Geneva để trình bầy về vấn đề Nhân Quyền trước quốc tế. Đây cũng là kỳ họp theo chu kỳ thứ 1 (First Cycle) trong năm của Hội Đồng Nhân Quyền, và cũng là kỳ họp thứ 1 kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2014, ngày mà Việt Nam chính thức là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Trước một cử tọa gồm đại diện của hơn 100 quốc gia, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hà Kim Ngọc, dẫn đầu một phái đoàn đông đảo, đại diện các Bộ và các ban, ngành đọc bản báo cáo đã được soạn sẵn theo chỉ thị của Trung Ương Đảng. Bản báo cáo này, dĩ nhiên, chỉ ca tụng chính mình về các đổi mới, các thành tích được phóng đại về vấn đề Nhân Quyền, và hoàn toàn lờ đi những sự vi phạm nhân quyền trầm trọng trên phạm vi cả nước, các vụ cưỡng chế đất đai của dân nghèo để làm giầu cho cán bộ, các sự tra tấn, đánh đập dã man người dân lương thiện, và nhất là những vụ công an tra tấn, giết người trong khi hỏi cung về vài tội chưa rõ nguyên do. Sau khi Hà Kim Ngọc đọc bản báo cáo, các quốc gia phương Tây đã đặt các câu hỏi trực tiếp về những vụ vi phạm nhân quyền mà chính nhà nước Cộng Sản đã thực hiện. Các câu hỏi này xoay quanh các định chế, dự luật của chính Nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Để trả lời, phái đoàn Việt Nam vẫn áp dụng phương thức cũ từ năm 1954 là đọc những câu viết sẵn, không liên quan gì đến câu hỏi của quốc tế và chối hết mọi tội, nhất là “tội chống nhân loại” gây ra bởi Đảng Cộng Sản một cách có hệ thống từ nhiều thập niên qua. Không những đã lờ đi các câu hỏi quốc tế, nhà nước Cộng Sản lại còn trơ trẽn nói láo không biết ngượng về sự việc này.

Theo Trà Mi, thông tín viên đài VOA: “Việt Nam nói ‘hầu hết các nước’ tại buổi báo cáo nhân quyền của Hà Nội trước Liên hiệp quốc ‘đánh giá cao’ thành tựu bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, chỉ ‘một số ít nước’ chỉ trích vì không có thông tin chính xác!” Thông tín viên Trà Mi cũng dẫn lời của đại diện Bộ Ngoại Giao, Lương Thanh Nghị: “Tại phiên họp đã có 107 nước phát biểu. Hầu hết các nước đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người và sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR.’

Vẫn theo lời ông Nghị, ‘các nước đặc biệt hoan nghênh việc Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo, tăng cường đảm bảo an sinh xã hội và các quyền tự do của công dân, tham gia thêm nhiều công ước nhân quyền quốc tế và tăng cường hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc.” (ngưng trích).

Thực tế, các câu hỏi đặt ra của quốc tế như thế nào? Người viết xin phỏng dịch và tóm lược từ:

http://webtv.un.org/search/viet-nam-review-18th-session-of-universal-periodic-review/3158240571001?term=upr”.

1-CANADA:

Là một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền kể từ 1 tháng 1 năm 2014, Việt Nam phải duy trì một mức độ cao nhất về Nhân Quyền. Vậy Việt Nam sẽ làm gì trong 3 năm tới, theo luật, để bảo đảm việc thi hành nhân quyền? Nhà Nước làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của 2 vợ chồng trong việc phát chứng chỉ sử dụng đất? Làm thế nào để bảo đảm quyền tư do của các tổ chức Không Chính Phủ (NGO) không bị ngăn chặn bởi nhà cầm quyền địa phương cũng như trung ương? Nhà Nước có tham khảo ý kiến của những tổ chức tôn giáo không nằm trong danh sách đăng ký với Nhà Nước, về điều lệ về Tôn Giáo và Tín Ngưỡng 2004? Nhà Nước có kế hoạch nào để bảo đảm rằng luật mới về hội đoàn và luật mới về biểu tình không ngăn chặn quyền tự do phát biểu? Về trường hợp Lê Quốc Quân, với tư cách là thành viên của hội đồng nhân quyền, nhà nước sẽ trả lời sao về việc bắt giữ này? Nhà nước có ý định hay không định thả những tù nhân lương tâm?

2-NETHERLANDS:

Liệu nhà nước có gia hạn lời mời Những Báo Cáo Viên về Tự Do Tư tưởng và Phát Biểu đến Việt Nam? Liệu nhà nước có bảo đảm rằng những điều khoản mới của hiến pháp được theo đúng những tiêu chuẩn về Nhân quyền? Nhà nước làm cách nào để mọi quyền hạn của người dân được bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế? Nhà nước có bảo đảm quyền Tự Do Internet? Có hủy bỏ việc kiểm duyệt Internet? Có bảo đảm quyền tự do tư tưởng và phát biểu? Nhà nước có thực thi những yêu cầu của Ủy Ban Giải Trừ Sự Kỳ Thị với phụ nữ, theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc? Nhà nước có phát huy quyền của người phụ nữ qua việc chống lại sự buôn người, chống lại việc xuất cảng lao động và tình dục? Làm chi để bảo đảm người phụ nữ có quyền trên đất đai? Có ngăn cấm việc hung bạo với phụ nữ, cưỡng bức phá thai, làm điếm, và những vấn nạn về bệnh Aids, cũng như sự cưỡng bức phát triển trẻ em? Việt nam có theo luật của Tòa Án Quốc Tế về Tội phạm và lên án những trường hợp diệt chủng, chống lai nhân loại không?

3-GERMANY:

Việt Nam vẫn còn duy trì việc xử tử bằng thuốc độc kéo dài sự đau đớn của tử tù. Chúng tôi muốn có thông tin về các trại giam và những tử tù. Tại sao các yêu cầu được thăm các nhà tù đều bị từ chối? Trường hợp nào mà Việt Nam từ chối không cho quốc tế thăm các trại tù và tham dự các phiên xử. Điều luật 72 giới hạn sự tự do phát biểu trên Internet. Điều khoản 174 ấn định bản án cho những người vi phạm điều luật 72. Ngoài việc ở tù, còn phải phạt cả 100 triệu đồng. Từ căn bản nào mà các điều khoản trên và hình phạt trên được áp dụng? Có bao nhiêu người bị tù vì điều khoản 72? Làm thế nào bảo đảm được những đại diện của xã hội dân sự  được rời nước để tham dự các phiên họp về Người Lao động tại Geneva?

4-CZECH REPUBLIC:

Việt nam đã ký hiệp ước chống tra tấn và bạo hành vô nhân đạo và những hình phạt xúc phạm nhân phẩm. Nhà Nước đã làm gì để thực thi điều khoán này? Những chương trình nào bảo đảm tự do trên Internet, khi điều luật 72 và 174 được ban hành để kiểm duyệt Internet? Có bảo dảm nhân quyền và quyền tự bào chữa? Đã làm gì để cho thực hiện quyền về xã hội dân sự? Làm thế nào để thực hiện bản hiến pháp 1992 kể từ ngày 1 tháng 1, 2014?

5-BELGIUM:

VN có dự định mời những Báo Cáo Viên đặc biệt về Tự Do Tư Tưởng, các hành xử tư pháp bị lạm dụng? Về những việc tra tấn, quyền Bào Chữa về nhân quyền và việc buôn bán trẻ em? Có chấp nhận những đơn khiếu nại cá nhân dưới quy định về nhân quyền do Đảng cầm quyền lập ra? Về việc bảo vệ những cá nhân khỏi bị cưỡng bức biến mất, giải thích làm sao? Khi nào thì trình bầy bản báo cáo đã quá hạn với hội đồng Nhân quyền? Về sự kỳ thị chủng tộc, sự phân cách kinh tế giữa đa số người và một thiểu số bị tước đoạt hết quyền lợi cũng như bị giới hạn về tôn giáo? Làm thế nào để hủy bỏ sự kỳ thị chống thiếu nữ đã được minh chứng qua những cuộc hôn nhân trẻ em, về đa số thiếu nữ phải bỏ học, và bị cưỡng bức phá thai?  Bao nhiêu người đang chờ xử tử? Gia đình của họ có được thông báo trước không? Thời gian là bao lâu? Những trẻ em và gia đình của tử tù có quyền được gặp mặt lần cuối không? Yêu cầu nhà nước hãy dẫn chứng những chương trình bảo đảm quyền tự do phát biểu, tự do internet, tự do báo chí và tự do tôn giáo trong chu kỳ thứ 1 tai hội đồng Nhân quyền.

6-MEXICO:

Làm thế nào bảo đảm được những điều khoản trong hiến pháp nói về sự xúc phạm nhân phẩm và quyền dân sự đang là chú ý của nhà nước không trở thành những cấm cản quyền tự do căn bản? Chương trình nào bảo đảm như thế? Có làm điều gì để sửa chữa những điều luật về báo chí và Internet qua điều khoản 72 để bảo vệ quyền tự do tư tưởng và diễn tả trên báo giấy và trên mạng không? Lý do gì mà những thống kê về những trường hợp xử tử bị dấu kín vào bí mật của nhà nước?

7-UNITED STATES OF AMERICA

Là môt thành viên mới, Việt Nam có cam kết là sẽ theo những điều khoản  quốc tế về Nhân quyền? Có thả người bị nhốt vì họ thực thi nhân quyền? Nhà Nước đã hành xử rất nhiều phương tiện để kiếm soát Internet và Truyền Hinh. Liệu có làm gì để tháo bớt những sự cấm đoán đó? Có ngưng áp dụng điều 72 và cho mọi người có quyền tự do trên mạng không? Nhà Nước đang giới hạn và trừng phạt người về việc tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Làm gì để giải tỏa việc này?  Làm gì để bảo đảm quyền lao động? Làm gì để chống lại việc cưỡng bức lao động, lao động trẻ em và không kỳ thị trong việc làm? Về tù ngục: điều kiện giam giữ vẫn khắc nghiệt, vẫn tra tấn, bệnh nhân bị từ chối quyền chữa bệnh. Làm gì để bảo đảm rằng mọi người giam giữ được bảo vệ bởi các quy định quốc tế? Nhà nước làm gì để áp dụng quyền tự do bào chữa và khiếu nại? Tự do lập hội? Liệu có để các báo cáo viên về quyền tự do lập hội trong năm tới được đến Việt Nam không?

8-SLOVENIA:

Việt Nam làm gì để giải trừ nạn kỳ thị phái nữ trong việc thiếu nữ bị bỏ học sớm, lấy chồng sớm, và phá thai? Nhà nước làm gì về tệ nạn trẻ em phải lao động, trẻ em bị làm đĩ, tệ nạn buôn bán trẻ em, dùng trẻ em vào đường dây sex? Yêu cầu Việt Nam cho biết dự kiến về việc thi hành nhân quyền  và bãi bỏ những điều kiện bóp nghẹt tự do hiện tại.

9-SWEDEN:

Việt Nam giải thích làm sao về trường hợp Lê Quốc Quân và Nguyễn văn Hải (Điếu cầy) khi họ chỉ trình bầy tư tưởng của họ qua Internet. Làm gì để tuân theo những định nghĩa về tự do tư tưởng và phát biểu của quốc tế? Làm gì để bảo đảm sinh mạng của những tù nhân khỏi bị bạo hành bởi công an và những điều tra viên?

10-SWITZERLAND:

Yêu cầu cho biết danh sách có bao nhiêu người đang chờ đợi thi hành án tử? Xin cho biết những người ấy có Quốc tịch gì? Thuộc Quốc gia nào?

Trừ hai nước đàn anh là Trung Cộng và Cuba có những lời chào mừng đàn em, đa số các nước Phương Tây đã tặng cho Cộng Sản Việt Nam những câu hỏi thật hóc búa. Với tình hình như thế, mà nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn trâng tráo cho rằng “đa số đại biểu của các nước tham dự đều hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam và chúc mừng Việt Nam với vai trò mới tại Hội đồng Nhân quyền từ đầu năm nay” (báo Người Lao Động). Để trả lời các chất vấn quốc tế, phái đoàn Cộng Sản Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh lời dặn của Bộ Chính Trị là chỉ lảm nhảm, nhai đi nhai lại các câu nói xuông, rỗng tuyếch, và hứa hẹn sẽ chấp nhận thi hành những điều khoản quốc tế về Nhân quyền như đã từng hứa từ mấy chục năm trước đây.

Thực tế, nghe những câu trả lời không đầu không đuôi của phái đoàn cùng nhìn những hình ảnh một nhóm cúi đầu không dám nhìn thẳng vào người đối diện, mà nhai đi nhai lại những luận điệu cũ rich, người ta thấy đây là một “CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA NGƯỜI VÀ BÒ” trên bình diện quốc tế.

Chu Tất Tiến. 7 tháng 2 năm 2014.