Đối thoại quốc phòng và mối quan hệ quân sự Việt-Pháp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đối thoại quốc phòng và mối quan hệ quân sự Việt-Pháp
11/07/2019 

Tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral của Pháp ở căn cứ Guam của Mỹ trong lần tham gia tập trận chung hồi tháng 5 năm 2017

Đối thoại quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp hồi đầu tháng này cho thấy những nỗ lực không ngừng của cả hai bên nhằm thúc đẩy mối quan hệ của hai nước trong lĩnh vực quốc phòng nằm trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của họ, nhà phân tích Prashanth Parameswaran mới đây viết trên tờ Diplomat.

Tiến sĩ Parameswaran, biên tập viên cao cấp của tờ Diplomat chuyên phân tích về các vấn đề an ninh chính trị Đông Nam Á, nhận xét Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử lâu dài bắt nguồn từ thời Pháp cai trị Việt Nam nằm trong cái gọi là xứ Đông Dương thuộc Pháp. Quan hệ đương đại, lần đầu tiên được chính thức hóa vào năm 1973, đã bắt đầu tăng tốc trong vài năm qua, với cả hai bên đã ký quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, theo tác giả.

Khía cạnh quốc phòng cũng đã chứng kiến một số tiến triển trong những năm gần đây. Theo phân tích của tiến sĩ Parameswaran, dù cả hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng vào năm 2009, nhưng đôi bên đã đi sâu vào hợp tác ở nhiều phương diện khác nhau, từ lĩnh vực chức năng như quân y và gìn giữ hòa bình hay về mặt tương tác cá nhân, như tàu hải quân thăm viếng lẫn nhau. Một trong những khía cạnh của sự hợp tác quốc phòng ấy là tổ chức đối thoại quốc phòng, cuộc Đối thoại chính sách quốc phòng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016 và lần thứ hai vào năm 2018.

Tuần trước, thêm một cuộc đối thoại nữa được tổ chức giữa hai bên. Đối thoại Hợp tác Chiến lược và Quốc phòng Việt-Pháp được tổ chức tại Pháp từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 7. Phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vinh dẫn đầu trong khi phía Pháp do ông Hervé de Bonnaventure, phó Tổng Giám đốc Chiến lược và Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Pháp dẫn đầu.

Vẫn theo tác giả bài viết, trong cuộc đối thoại, cả hai bên đã trao đổi về tình trạng của mối quan hệ quốc phòng song phương cũng như thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Đối với các mối quan hệ quốc phòng song phương, theo biên bản chính thức của cuộc họp của Bộ Quốc phòng Việt Nam, mặc dù cả hai bên đều bày tỏ hài lòng với sự phát triển của các mối quan hệ trong các lĩnh vực như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, đào tạo nhân sự, an ninh mạng và trao đổi thông tin, nhưng đôi bên cũng đồng ý rằng những kết quả đó chưa xứng với tiềm năng của mối quan hệ và kỳ vọng của hai nước, và đồng ý thúc đẩy sự hợp tác trong các lĩnh vực không xác định.

Tác giả Parameswaran nói về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong số các vấn đề trọng tâm không có gì đáng ngạc nhiên là sự can dự của Pháp vào các tổ chức đa phương do ASEAN lãnh đạo, với việc Việt Nam sắp nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020.

Cả hai bên cũng suy nghĩ về tầm quan trọng của cơ chế mới trong mối quan hệ quốc phòng song phương. Ông Nguyễn Chí Vịnh đặc biệt lưu ý rằng điều này đánh dấu bước tiến thực sự đầu tiên của một hình thức hợp tác bổ sung trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp Việt – Pháp về hợp tác quốc phòng, theo Diplomat.

Bên cạnh tham dự Đối thoại, bài viết của Diplomat cho biết, chuyến đi của ông Vịnh còn bao gồm một loạt các cuộc gặp với giới chức Pháp mà qua đó đôi bên cũng nhất trí thành lập một nhóm làm việc Việt-Pháp bao gồm các chuyên gia lịch sử quân sự để tạo điều kiện trao đổi thông tin và sắp xếp các vấn đề di sản liên quan đến Chiến tranh Đông Dương.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi không có thêm các chi tiết cụ thể được tiết lộ về các cuộc thảo luận riêng tư giữa hai bên. Tuy nhiên, do những nỗ lực không ngừng nghỉ của Pháp nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và với mong muốn của Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ với nhiều cường quốc trong quan hệ đối ngoại, quan hệ quốc phòng Pháp-Việt sẽ tiếp tục là một trong số nhiều sự liên kết cần phải theo dõi trong khu vực, tiến sĩ Parameswaran nhận định.

(Theo Diplomat)