Đối đầu về Iran, quan hệ thương mại Mỹ-Trung thêm căng thẳng
Nguồn: RFI
Ngày đăng: 2018-08-22
Tác giả: Thu Hằng
Cảnh một đơn vị khí đốt tại cảng Asalouyeh, Iran, phía bắc Vịnh Ba Tư. Ảnh 19/11/2015.REUTERS/Raheb Homavandi/TIMA/File Photo
Sau khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 giữa Teheran và sáu cường quốc (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), Hoa Kỳ đã tái lập loạt trừng phạt đầu tiên nhắm vào Iran từ ngày 06/08/2018. Đợt trừng phạt thứ hai chủ yếu nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ của nước Cộng Hòa Hồi Giáo, bắt đầu từ ngày 04/11.
Quyết định của Mỹ làm cho nhiều nước châu Âu, Nga, và đặc biệt là Trung Quốc bất bình. Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục các trao đổi mậu dịch với Teheran, đương nhiên trong đó có dầu lửa. Lập trường này của Trung Quốc có nguy cơ làm cho quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh thêm căng thẳng.
Để tránh trừng phạt của Mỹ, nhiều tập đoàn châu Âu đã rời Iran dù Liên Hiệp Châu Âu từng tuyên bố tìm cách hỗ trợ. Ngày 20/08, đến lượt tập đoàn dầu khí Total của Pháp quyết định từ bỏ dự án đầu tư 4,9 tỉ đô la ở miền nam Iran, liên doanh cùng tập đoàn CNPCI của Trung Quốc và Petropars của Iran. Hiện chưa rõ tập đoàn CNPCI của Trung Quốc có thay thế Total đứng đầu liên doanh hay không.
Thế nhưng, Trung Quốc có những biện pháp ngược lại : tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với Iran. Một mặt, Bắc Kinh « công khai phản đối các cách đơn phương trừng phạt theo “quyền tài phán cánh tay dài” trong quan hệ đối ngoại », theo nội dung cuộc điện đàm ngày 17/08 giữa ngoại trưởng Vương Nghị và đồng nhiệm Zarif, đồng thời khẳng định quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Iran không thể bị tác động vì lợi ích của bất kỳ cá nhân nào.
Theo nhận định của The Wall Street Journal ngày 18/08, dường như để thách thức Hoa Kỳ, Trung Quốc thậm chí có thể tăng khối lượng dầu nhập khẩu từ Iran.
Bên cạnh yếu tố chính trị, ngoại giao, không chấp nhận sự áp đặt trừng phạt của Mỹ, về mặt kinh tế, Trung Quốc cần nhập khẩu dầu lửa của Iran. Thực vậy, Trung Quốc là khách hàng quan trọng nhất của ngành dầu mỏ Iran, nhập gần 1/4 tổng sản lượng dầu xuất khẩu của nước này. Theo trang Gazeta.ru, được Sputnik dẫn lại, trong vòng ba năm gần đây, lượng tiêu thụ dầu lửa tại Trung Quốc tăng trung bình 5% mỗi năm so với mức tăng trung bình 1,7% trên thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) thẩm định Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những nước có nhu cầu năng lượng lớn nhất từ nay cho đến năm 2030.
Ngoài ra, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, ngay từ tháng 03/2018, Trung Quốc đã tiến hành nhiều giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ (yuan). Bắc Kinh muốn đi xa hơn khi dùng tiền Trung Quốc để nhập dầu lửa nhằm tránh trừng phạt của Mỹ vì giao dịch bằng đô la. Đô la Mỹ cũng bị Iran tẩy chay. Ngay từ tháng 04/2018, Teheran đã tiến hành mọi giao dịch quốc tế bằng euro. Đồng tiền chung châu Âu cũng được Liên Hiệp Châu Âu và Ấn Độ sử dụng để tiếp tục mua khí đốt của Iran.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã đưa ra những lời đe dọa, chỉ đích danh Trung Quốc, cũng như những nước tiếp tục nhập dầu của Iran, sẽ phải đối mặt với những hậu quả sau khi loạt trừng phạt thứ hai nhắm vào Iran có hiệu lực kể từ ngày 04/11.
Để bảo đảm cho các biện pháp trừng phạt được tuân thủ nghiêm ngặt, Hoa Kỳ thành lập « Nhóm hành động về Iran ». Phát biểu trong lễ nhậm chức đứng đầu « Nhóm hành động », ông Brian Hook, một chuyên gia về Iran khẳng định : « Mục tiêu là cắt hoàn toàn khối lượng dầu nhập khẩu từ Iran ở mỗi nước từ nay đến ngày 04/11 ».
Sự đối đầu về hồ sơ Iran sẽ còn khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm phức tạp trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc. Bất bình vì thâm hụt thương mại hơn 24 tỉ đô la với Trung Quốc và hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ gấp bốn lần khối lượng nhập khẩu, tổng thống Donald Trump lần lượt đưa ra các đợt tăng thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc, với tổng trị giá lên đến 200 tỉ đô la để lấy lại cân bằng.
Trả lời Reuters ngày 20/08, chủ nhân Nhà Trắng cho biết không trông đợi nhiều lắm vào các cuộc đàm phán với đại diện thương mại Trung Quốc, dự kiến diễn ra ngày 22 và 23/08 tại Washington. Cuộc đối đầu dường như sẽ chưa có hồi kết vì tổng thống Trump không giới hạn thời gian để chấm dứt cuộc khủng hoảng thương mại Mỹ-Trung, vì ông có «một chiến lược dài hơi ».
Phía Trung Quốc cũng chưa rõ bước tiếp theo của chính quyền Mỹ. Một nguồn tin thân cận với chính quyền Bắc Kinh cho Financial Times biết : « Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng vì họ không biết cuộc chiến này cuối cùng sẽ dẫn đến đâu »
———–
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp nối nhưng không ở cấp cao
Tác giả: Mai Vân | Nguồn: RFI | Ngày đăng: 2018-08-22 |
Nhà máy đúc đồng Jinlon Copper, tại Đồng Lăng (Tongling), tỉnh An Huy, Trung Quốc, ngày 16/08/2018.REUTERS/Stringer/File Photo
Đại diện Trung Quốc đã đến Washington và hai bên nối lại cuộc đàm phán thương mại vào ngày 22/08/2018. Hy vọng đột phá rất mong manh trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá là cuộc họp sẽ không có tiến bộ thực sự, và hai bên chỉ cử quan chức cấp trung bình tham gia.
Đàm phán lần này, trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm, 22-23/08, chỉ diễn ra giữa một bên là thứ trưởng Tài Chính Mỹ David Malpass, phó đại diện Thương Mại Jeffrey Gerrish, và bên kia là thứ trưởng thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn (Wang Shouwen).
Cuộc thảo luận sẽ đặt khung cho những đàm phán sau này trong lúc mà loạt thuế quan mới mà hai quốc gia đã loan báo sẽ có hiệu lực vào ngày 23/08. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa đánh thuế trên toàn bộ hơn 500 tỷ đô la hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ nếu yêu cầu của ông không được đáp ứng.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng vào ngày 22/08 cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã tham khảo lẫn nhau và hai bên đều hy vọng đạt “kết quả tốt”.
Có điều là chính tổng thống Mỹ Donald Trump, khi trả lời hãng tin Reuters vào hôm thứ Hai 20/08, đã cho biết là ông không chờ đợi gì nhiều về cuộc đàm phán này. Giải quyết tranh chấp thương mại, theo ông, cần thời gian vì Trung Quốc đã “thủ lợi nhiều từ rất lâu rồi và đã trở nên hư hỏng”.
Ông Trump cũng tố cáo Trung Quốc thao túng đồng yuan để che dấu tác hại của việc áp thuế. Ông cũng cho rằng Ngân Hàng Trung Ương Mỹ phải mềm dẻo hơn.
Cuộc đàm phán lần trước vào tháng 5, tại Bắc Kinh, quy tụ những viên chức cao cấp, với đại diện phía Mỹ là bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin và Đại Diện Thương Mại Wilbur Ross, còn phía Trung Quốc là phó thủ tướng Lưu Hạc.
———-