Đọc ‘Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung’ của BS. Trần Văn Tích

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc ‘Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung’ của BS. Trần Văn Tích

Bác Sĩ Trần Văn Tích. Kim Dung, nhà văn nổi tiếng Trung Hoa với 15 bộ truyện kiếm hiệp, đã từ trần vào ngày 30 Tháng Mười, 2018, tại Hồng Kông, thọ 94 tuổi.

Cái chết của nhà văn này thúc đẩy tôi trở lại với thời kỳ mà cả thế hệ tuổi trẻ chúng tôi ở miền Nam mê đắm truyện chưởng Kim Dung, cách đây gần sáu thập niên. Tôi tìm đọc lại một vài bộ yêu thích như “Lục Mạch Thần Kiếm,” “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và “Lộc Đỉnh Ký” cũng như một số bài nghiên cứu và phân tích về nhà văn độc đáo này, trong số đó, có “Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung” của Trần Văn Tích, do anh giám đốc nhà xuất bản Thanh Văn tặng, cách đây… 24 năm.

Tác giả Trần Văn Tích là một bác sĩ y khoa, nhưng đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu văn học. Trước 1975, một số bài viết của ông về văn học và y học thường xuất hiện trên nguyệt san Bách Khoa.

Khác với “Vô Kỵ Giữa Chúng Ta,” một tiểu luận của Đỗ Long Vân, sử dụng quan điểm cơ cấu học để khảo sát văn chương Kim Dung, “Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung” tuy không dày lắm, chỉ hơn 200 trang khổ chữ nhỏ, nhưng là một công trình biên khảo công phu, kết hợp giữa văn học, sử học với y và dược học.

Ông cho biết: “Trong tập sách này, chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp và bình giải các chi tiết thuộc những lãnh vực văn học, sử học, y học và dược học được Kim Dung đề cập đến qua những bộ truyện kiếm hiệp.”

Chính vì thế mà cái thú vị khi đọc tập sách này là chúng ta vừa có dịp được thả mình vào trong không khí hư cấu của truyện Kim Dung, lại vừa được đọc những tài liệu chính xác về văn học, sử học cũng như y và dược học.

Ngoài lời mở đầu, sách gồm có 10 chương:

-Các vấn đề văn học tổng quát.

-Sầu Đỗ Mục.

-Thi loại từ.

-Bài Hành Hiệp Khác.

-Khúc ca Viên Viên.

-Bản nhạc tiếu ngạo giang hồ.

-Họ Đoàn nước Đại Lý.

-Y dược và chưởng kiếm.

-Nghệ thuật biểu hiện.

-Nhà viết sử và nhà tiểu thuyết.

Cuốn “Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung” của Trần Văn Tích. (Hình: Trần Doãn Nho cung cấp)Về mặt văn học tổng quát, Trần Văn Tích cho rằng Kim Dung “luôn luôn xây dựng cốt truyện các bộ kiếm hiệp trên cơ sở hành trạng của những nhân vật hư cấu.” Những nhân vật này, dưới ngòi bút tài hoa của Kim Dung, “đã để lại những dấu ấn sâu sắc lên những giai đoạn lịch sử nòi Hán.”

Tác giả so sánh Kim Dung với một trong những nhà văn tài hoa của Pháp, Alexandre Dumas. Cả hai đều viết tiểu thuyết lịch sử và viết rất nhiều. Nhưng Kim Dung khác Dumas, ở chỗ, những nhân vật chính của Dumas dựa trên những nhân vật có thật, và những nhận vật này, tự họ, “đã có một cuộc sống khác thường” như d’Artagnan trong “Ba người lính ngụ lâm pháo thủ” chẳng hạn, nên “nâng họ lên thành những con người ngoại khổ trong tác phẩm văn chương” thuận lợi hơn. Trong lúc đó, Kim Dung xây dựng nhân vật, dù dựa trên bối cảnh lịch sử, nhưng hành trạng của những nhân vật này hoàn toàn xuất phát từ óc tưởng tượng của Kim Dung: từ Vô Kỵ, Quách Tỉnh, Hoàng Dung đến Vi Tiểu Bảo, vân vân, nhân vật nào cũng lôi cuốn, lạ lùng, thú vị.

Theo Trần Văn Tích, tính cách nhân vật Kim Dung “được khai thác trên nhiều bình diện, về nội tâm cũng như ngoại hình, xuyên qua hành động, suy nghĩ; dựa vào cảm xúc, số phận; và cung cách mô tả đó không chỉ diễn biến trong hiện tại, ở đương đại mà cả trong xu thế phát triển. Trong những bối cảnh miêu tả rộng lớn, trải qua những khung thời gian nhiều thế kỷ và những vùng không gian bao la, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đưa ra hàng trăm nhân vật cùng hoạt động, tạo nên một khí quyển sử thi quyến rũ. Nhân vật Kim Dung đa dạng, phong phú, phát triển có quá trình, tham gia nhiều tình huống với nhiều hành trạng khác nhau, nên có sức sống nội tại linh hoạt, lôi cuốn, mang bản sắc và tính cách rõ nét. Tuy nhiên mỗi nhân vật lại có một môi trường tung hoành, một hoàn cảnh sinh hoạt, một cảnh ngộ độc đáo để dựa vào hay theo đó mà phát triển qua thời gian và trong không gian.”

So sánh giữa tính cách lịch sử và tính cách tiểu thuyết trong truyện Kim Dung, tác giả cho biết: “Viết tiểu thuyết lịch sử, Kim Dung phải tìm trong thư tịch cũ hoặc từ những dấu vết còn lại của quá khứ để phục chế nên. Và thông qua tài năng sáng tạo, dựa vào tưởng tượng hư cấu, nhà văn Hương Cảng thường tạo được cho người đọc cảm giác của sự thật, thường dẫn dắt được độc giả đến chỗ công nhận những điều mình mô tả là hợp lý. Sự thành công của cây bút viết truyện chưởng nằm ở điềm đó. Kim Dung thấy hết quyền hạn và tin tưởng vào khả năng hư cấu của mình. Để khi cần thì thêm thắt, cải biến. Bởi truyện chưởng đâu phải chỉ thuần là cóp nhặt tư liệu lịch sử, tổng hợp dữ kiện quá khứ, hệ thống hóa tri thức thư tịch. Ở Kim Dung, thông thường tính chân thực nghệ thuật phần nào bao hàm được cả những yếu tố của tính chính xác sử học.”

Từ những nhận xét tổng quát đó, Trần Văn Tích, qua chín chương kế tiếp, lần lượt nhặt ra những chi tiết và sự kiện từ trong truyện và đối chiếu chúng với những tài liệu văn học, lịch sử cũng như y và dược học. Văn học và văn học sử, theo ông, “có thể là đối tượng ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả trong truyện Kim Dung.” Từ một sự kiện, một nhân vật hay một chi tiết lịch sử nào đó đặc biệt, tác giả trưng dẫn ra tài liệu tìm thấy trong kho tàng lịch sử hay hoàn cảnh gia tộc liên hệ.

Không những thế, ông còn đối chiếu với các tác giả, tác phẩm Tây phương, hay các bản dịch Tây phương của những bài thơ hay bài từ nổi tiếng của Trung Hoa được Kim Dung đưa vào truyện. Chẳng hạn, về lịch sử, tác giả nghiên cứu về họ Đoàn nước Đại Lý, nêu ra và so sánh những nét thực, hư giữa lịch sử và hư cấu. Về văn chương, tác giả trích ra những bài từ  hay nhạc trong Kim Dung và từ đó, đi tìm ra nguồn gốc và giá trị văn học của những tác phẩm đó.

Đọc “Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung” ta mới thấy rằng, truyện chưởng Kim Dung không chỉ là truyện chưởng, mà là một kho tài liệu văn học, sử học, y học và dược học. Và để viết được, Kim Dung phải khổ công tìm tòi, nghiên cứu, chứ không phải chỉ là ngồi nặn óc ra để chỉ bịa chuyện mua vui cho người đời.

BS. Trần Văn Tích tốt nghiệp bác sĩ y khoa, Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Từ 1984 định cư ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. Từng góp bài viết thường xuyên cho hai tạp chí Văn Học (California) và Làng Văn (Toronto). Sách đã xuất bản: Tư Tưởng Lão Trang Trong Y Thuật Đông Phương (An Tiêm 1972, Xuân Thu 1990), Đông Y Xybécnêtíc (Câu Lạc Bộ Y Học Dân Tộc 1981), Sự Muôn Năm Cũ (Làng Văn 1992), Nho Y Nguyễn Đình Chiểu (An Tiêm 1993), Văn Sử Y Dược trong Truyện Chưởng Kim Dung (Thanh Văn 1995).

Trần Doãn Nho