Đọc báo Pháp – 31/10/2016
Những yếu kém
của« người cầm lái mới » của Trung Quốc
Được tôn vinh là lãnh đạo hạt nhân của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình nắm trong tay quyền lực biểu tượng vượt qua cả chức tổng bí thư Đảng và chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Việc này minh họa cho chủ nghĩa tôn thờ cá nhân ở Trung Quốc. Tập Cận Bình muốn mọi người nhìn ông như một vị thủ lĩnh can đảm, người dám đối đầu với các khó khăn, người duy nhất có khả năng thực hiện giấc mơ của một cường quốc mà bộ máy tuyên truyền quá khích của nhà nước không ngừng gieo vào đầu óc của 1,3 tỉ dân Trung Quốc.
Le Monde số ra ngày hôm nay giới thiệu bài xã luận có tiêu đề « Những yếu kém của « người cầm lái mới » của Trung Quốc. Đối với những người ủng hộ Tập Cận Bình, việc thâu tóm quyền lực một cách nhanh chóng của « người cầm lái mới » này là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng, nạn tham nhũng hoành hành và sự chia rẽ trong nội bộ Đảng sau kỷ nguyên cầm quyền của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Theo họ, Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực cũng là để khắc phục các chính sách chệch hướng của đảng Cộng Sản, chẳng hạn chính sách một con và các trại cải tạo lao động.
Sự chệch hướng của hệ thống chính trị là dấu hiệu chuyển đổi quá nhanh của Trung Quốc vào thời toàn cầu hóa và làm giàu. Nhưng sự chệch hướng này của hệ thống chính trị trước khi ông Tập lên nắm quyền đã khiến báo chí mang tính tranh luận nhiều hơn, phong trào đấu tranh của các luật sư ra đời, các tầng lớp dân cư mới có trình độ học thức khao khát tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Lẽ ra họ có thể đã dẫn dắt những cải tổ chính trị mà trước đây đã bị gạt đi trong một thời gian rất dài, đặc biệt phân biệt rõ ràng hơn các cơ quan của chính phủ và Đảng.
Nhưng tất cả những điều này đã ngay lập tức bị ông Tập gạt bỏ. Đối với Tập Cận Bình, cho phép tự do về chính trị chỉ dẫn đến sự sụp đổ của đảng và sự hỗn loạn của xã hội. Trái lại, trong mắt ông, Đảng phải là giải pháp cho mọi vấn đề. Trung thành và có kỷ luật, Đảng phải vận hành như quân đội và phải thông qua sự thẩm tra gắt gao của một thiết chế có quyền năng tối cao, đó là uỷ ban chống tham nhũng. Và ủy ban này giờ đã lấn sân sang cả lĩnh vực lý tưởng chính trị. Luôn tiếc nuối thời cộng sản ban đầu ở Diên An, nơi cha ông đã từng che giấu, bảo vệ Mao Trach Đông vào những năm 1930, Tập Cận Bình coi mình là người kế tục « triều đại đỏ » với người sáng lập mà không ai dám đụng vào.
Sự lựa chọn này đã kéo theo những suy thoái chính trị lớn. Cuộc tấn công chống « thuyết hư vô lịch sử » cấm đoán mọi tranh luận chỉ trích nhằm vào lịch sử chính thống. Việc bức hại các luật sư và những người không có cùng quan điểm đã kích động bộ máy công an vốn đã có quyền tối thượng. Việc kiểm soát mạng internet và báo chí khiến xã hội không còn không gian tranh luận tự nhiên. Những người Trung Quốc giàu có gửi con cái và tiền bạc sang phương Tây. Rất nhiều công chức và các cơ quan hành chính trì hoãn mọi chuyện vì sợ bị trả đũa.
Le Monde nhận định vì thiếu lý tưởng chính trị gắn kết chặt chẽ và có khả năng huy động cao, đà cải cách của Tập Cận Bình trở nên hão huyền và bấp bênh. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã suy yếu đi sau những năm bị kích thích tăng trưởng quá mạnh có thể sụp đổ vào bất cứ lúc nào. Và những tham vọng của Tập Cận Bình trên trường quốc tế khiến Trung Quốc ngày càng phải chống chọi với các nước láng giềng và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Putin và sự nổi loạn mạnh mẽ
Ngày 27/10 vừa qua đã diễn ra câu lạc bộ chính trị Valdai trong bối cảnh đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitali Tchourkine, đánh giá căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ đã lên đỉnh điểm kể từ sau năm 1973. Người ta đã mong chờ thái độ nảy lửa của tổng thống Nga Vladimir Putin. Tại kỳ họp thường niên lần thứ 13 tại Câu lạc bộ chính trị Valdai, tổng thống Nga Putin đã rất kìm chế, tới mức tỏ ra chán ngấy « trò chơi hỏi đáp » kéo dài 3 tiếng sau khi đọc bài phát biểu. Trong bài viết có tiêu đề « Putin và sự nổi loạn mạnh mẽ », le Monde đặt câu hỏi liệu có phải do mối quan hệ đã xấu đi như vậy nên ông Putin không muốn thổi bùng thêm ngọn lửa căng thẳng ?
Ông Putin đã nhấn mạnh là lãnh đạo của của một nước lớn thì phải tỏ ra có chừng mực và tránh thể hiện là quá hiếu chiến, ngay cả khi đó không phải là phong cách của ông. Thế nhưng, khi có người hỏi « Tại sao ông đến đây ? », ông Putin đã trả lời : « Tôi đến để nghe các ông, và để thể hiện quan điểm của chúng tôi ». Tổng thống Nga thậm chí đã than phiền là Nga không có « bộ máy tuyên truyền » ngang tầm với « CNN hoặc BBC ».
Theo một nhà nghiên cứu người Mỹ về chiến tranh lạnh, năm nay ông Putin đã phải rất kìm chế cơn giận. Quan điểm của Matxcơva là sau chiến tranh lạnh, phương Tây đã thay đổi trật tự thế giới, khi đơn phương tuyên bố thắng Liên Xô. Theo ông Putin, một số nước đã thay đổi trật tự chính trị và kinh tế thế giới để phục vụ lợi ích của họ. Theo Matxcơva, Nga không muốn trở thành « thủ lĩnh » mà chỉ cần « sự cân bằng » trong quan hệ với phương Tây.
Điểm mới là Matxcơva đã tìm ra điểm yếu của phe chiến thắng trong chiến tranh lạnh : nền dân chủ dân túy sinh ra từ « sự nổi loạn đồng loạt » của phương Tây. Bên cạnh đó là những thất bại liên tiếp của Mỹ ở Trung Đông và sự leo thang của Trung Quốc. Nền dân chủ dân túy này đã đặt dấu chấm hết cho thế giới đơn cực. Đối với Nga, đây lại là một dấu hiệu nữa cho thấy sự suy yếu của phương Tây, trong đó châu Âu không còn khả năng tự chủ.
Đối với Putin, « sự nổi loạn đồng loạt » này nảy sinh ngay từ bên trong hệ thống chính trị của phương Tây : công dân của các nước phương Tây đã mất lòng tin vào giới lãnh đạo. Và đó chính là vấn đề mấu chốt. Trong khi đó tỉ lệ người dân tín nhiệm ông ở Nga là hơn 80%.
San Francisco, thành phố tiên phong « không rác thải »
San Francisco đã triển khai nhiều biện pháp để hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2020, 100% rác thải được tái chế hoặc ủ thành phân bón. Trong bài viết có tiêu đề « San Francisco, thành phố tiên phong « không rác thải »», nhật báo kinh tế Les Echos cho biết điểm thu hút khách du lịch đến San Francisco giờ không phải là cầu Cổng Vàng hay nhà tù Alcatraz nữa, mà đó là trung tâm tái chế rác thải. Chỉ trong vòng có vài năm nay, San Francisco đã trở thành mô hình kiểu mẫu về xử lý rác thải được cả thế giới học tập.
Trong thành phố, mỗi nhà hàng, khách sạn, căn hộ đều có 3 thùng rác : thùng rác màu xanh lá xây cho rác có thể ủ thành phân bón, thùng rác màu xanh da trời cho rác thải tái chế, thùng rác màu đen dành cho các loại rác thải còn lại. Mục tiêu của San Francisco là giảm các bãi rác và các lò đốt rác thải vốn tạo ra rất nhiều chất độc hại.
Để thay đổi thói quen của người dân mà không gặp quá nhiều trở ngại, chính quyền thành phố đã thông qua kế hoạch gồm nhiều bước, với mục tiêu trung gian là 75% rác thải được tái chế hoặc ủ thành phân bón vào năm 2010. Hiện giờ con số này là 80%. Ban đầu thành phố tập trung ưu tiên vào nhà hàng và khách sạn, những nơi thải ra nhiều rác hữu cơ nhất. Để hạn chế nhà hàng và khách sạn sử dụng thùng rác đen, thành phố đã chọn giải pháp thu phí xử lý rác thải theo kích cỡ thùng rác đen. San Francisco đã thành công. Những hộ dân nào muốn theo mô hình này đều được cấp 3 thùng rác với ba màu như trên.
Hai biện pháp này cho phép tăng tỉ lệ rác thải tái chế từ 42% năm 2002 lên 60% năm 2005. Một năm sau đó, chính quyền lại nhắm vào lĩnh vực xây dựng, đặt chỉ tiêu tối thiểu 65% rác thải xây dựng phải được tái chế. Để bù lại, chính quyền cam kết sử dụng các nguyên liệu xây dựng tái chế cho các công trình xây dựng công của thành phố. Tiếp theo, San Francisco cấm các siêu thị sử dụng túi nilông đựng hàng và năm 2009, thành phố quyết định áp dụng hệ thống ba loại thùng rác xanh lá cây, xanh da trời và đen cho toàn bộ dân chúng. Để đảm bảo là người dân làm đúng quy định, chính quyền thường xuyên cử người theo dõi, kiểm tra việc phân loại rác thải trong thành phố. Sau nhiều lần bị nhăc nhở, cảnh cáo, những người vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Ngoài ra, San Francisco còn hợp tác với công ty Recology, chuyên về thu thập và phân loại rác thải, bán lại các sản phẩm tái chế. Phân bón ủ từ rác thải hữu cơ thì được nông dân rất ưa chuộng. Còn khí métane thu được từ hệ thống ủ phân được dùng để sản xuất năng lượng.
Trang nhất các báo Pháp
« Sự mất uy tín của François Hollande gieo rắc lo ngại cho phe của ông » là tựa trang nhất của Le Monde. Tờ nhật báo cho biết những lời tự sự của tổng thống Pháp trong cuốn sách tạm dịch là « Một tổng thống không nên nói điều đó …» gây bất ổn cho phe xã hội. Nhiều người của đảng cánh tả đánh giá điều này làm mất tư cách của tổng thống và khiến khát khao của ông về một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sẽ không thể thành hiện thực. Vì không thể tìm ra ứng viên khác thay thế có đủ sức thuyết phục cử tri, “điện Elysée” vẫn phải cố nghĩ là ông Hollande sẽ là ứng viên tốt nhất cho cánh tả trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2017.
Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, nhật báo Le Figaro tiết lộ rạn nứt trong mối quan hệ giữa tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Manuel Valls qua hàng tít « Cặp đôi Hollande – Valls bên bờ đổ vỡ ». Mâu thuẫn giữa hai nhà lãnh đạo liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017 và đã được công khai : cả hai nhà lãnh đạo đều muốn sẽ đại diện cho đảng Xã Hội ra tranh cử. Le Figaro nhận định lần đầu tiên trong lịch sử chính trị nước Pháp, người đứng đầu chính phủ thú nhận « nỗi xấu hổ » và « sự tức giận » đối với tổng thống, người đã bổ nhiệm mình vào vị trí thủ tướng. Le Figaro cũng cho biết chính cuốn sách tự sự « Một tổng thống không nên nói điều đó …» đã đẩy rạn nứt giữa tổng thống và những người trong phe của ông, thậm chí là những người thân cận với ông lên mức đỉnh điểm. Thủ tướng Manuel Valls luôn muốn thay thế ông Hollande ra tranh cử trong trường hợp ông Hollande không thể đại diện cho đảng Xã Hội. Và thủ tướng Valls luôn tìm cách thể hiện là khác biệt so với tổng thống Hollande.
Trong khi đó, nhật báo Libération hướng sự quan tâm tới lĩnh vực du lịch và chạy tựa trang nhất : « Du lịch, tình trạng khẩn cấp », cho biết sau nhiều năm phát triển, du lịch đã phải chịu nhiều tác động xấu từ khủng bố.
Quan tâm tới thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos nhận định CETA là «hiệp định lịch sử giữa châu Âu và Canada ». Được ký kết tối hôm qua 30/10 sau 7 năm đàm phán, hiệp định tự do mậu dịch CETA sẽ cho phép giảm 99% hàng rào thuế quan giữa hai bên.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161031-nhung-yeu-kem-cua-%C2%AB-nguoi-cam-lai-moi-%C2%BB-cua-trung-quoc
Tin đọc nhanh
(AFP) – Thủ đô New Delhi chìm trong khói độc. Thủ đô Ấn Độ hôm nay, 31/10/2016, chìm trong khói mù độc hại sau ngày lễ Diwali của Ấn Độ Giáo, ngày mà hàng triệu tín đồ thường đốt pháo và bắn pháo bông rất nhiều. Lần đầu tiên tại New Delhi, ở khu phía nam, khói mù vượt quá ngưỡng kỷ lục, hơn gấp 10 lần ngưỡng an toàn theo quy định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Nhà chức trách cảnh báo là khói độc có thể gây những vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp và khuyên không nên tập thể dục, thể thao ngoài trời.
(AFP) – Syria : LHQ lên án phe nổi dậy giết hại thường dân tại Aleppo. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, hôm nay 31/10, tuyên bố các vụ bắn rocket của phe nổi dậy sang phía tây thành phố, khiến ít nhất 48 thường dân thiệt mạng có thể coi là « tội ác chiến tranh ». Sau khi quân nổi dậy phản công, ngày 28/10, quân đội Nga yêu cầu nối lại các vụ không kích ồ ạt vào khu vực phía đông thành phố do phe nổi dậy kiểm soát, nhưng đã không được chấp thuận. Chiến sự tại Aleppo hôm nay, 31/10, đã lắng xuống.
(AFP) – Bầu cử Quốc hội Gruzia : Đảng cầm quyền thắng lớn. Theo kết quả công bố hôm nay, 31/10/2016, đảng cầm quyền thân phương tây « Giấc mơ Gruzia » đã thắng tại 48/50 đơn vị bầu cử, trong vòng hai cuộc bầu cử Chủ Nhật 30/10. Với kết quả này, đảng của nhà tỷ phú Bidzina Ivanichvili, cầm quyền từ năm 2012, sẽ nắm 115 trên tổng số 150 ghế tại Nghị viện. Đảng đối lập MNU với 27 ghế tại Nghị viện tố cáo nhiều gian lận trong tổ chức bầu cử.
(AFP) – Tây Ban Nha : Thủ tướng Rajoy tuyên thệ nhậm chức. Hôm nay, 31/10/2016, thủ tướng thuộc phe bảo thủ Mariano Rajoy đã tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ hai. Ông sẽ dành ba ngày tới để thành lập chính phủ mới. Chính phủ mới của thủ tướng Rajoy sẽ làm việc trong điều kiện khó khăn hơn nhiều so với chính phủ đầu, vì đảng Nhân Dân của ông không còn nắm đa số tuyệt đối ở Quốc Hội nữa.
(AFP) – Daech nhận đã giết một thiếu niên tại Đức. Aamaq, phương tiện truyền thông của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hôm nay, 31/10/2016, khẳng định « một binh sĩ Daech » đã dùng dao đâm hai người tại thành phố Hambourg ngày 16/10. Ngày 17/10, cảnh sát thông báo truy tìm một thanh niên trong độ tuổi từ 23-25, người vùng Địa Trung Hải, đã đâm chết một thiếu niên 16 tuổi, lúc ấy đang dạo chơi bên bờ sông, ở Hambourg, cùng với bạn gái.
(AFP) – Venezuela : Chính phủ và đối lập đồng ý đàm phán. Nhờ môi giới của Tòa Thánh và Liên Minh các Quốc Gia Nam Mỹ, lần đầu tiên hai bên chấp nhận thương lượng, kể từ chiến thắng của đối lập cuối 2015. Theo văn bản được công bố hôm nay, 31/10/2016, hai bên sẽ sớm lập 4 nhóm làm việc để thương thuyết về nhiều chủ đề, trong đó có « Hòa bình, tôn trọng nhà nước pháp quyền… » hay « Thiết lập lại lòng tin và lịch trình bầu cử ». Không khí vẫn hết sức căng thẳng. Đối lập khẳng định không từ bỏ quyết tâm buộc tổng thống Maduro từ chức thông qua thủ tục trưng cầu dân ý.
(AFP) – Giáo hoàng tới Thụy Điển kỷ niệm 500 năm Cải cách Tin Lành. Ngày 31/10/1517, tu sĩ Công Giáo Martin Luther công khai thách thức uy quyền của giáo hoàng, lên án Vatican bán « phép giải tội » lấy tiền. Sự kiện mở đầu cho cuộc cải cách vĩ đại trong lịch sử đạo Thiên Chúa, dẫn đến sự ra đời của đạo Tin Lành hay « Tân giáo », tách khỏi « Cựu giáo », tức Công Giáo. Marin Luther là người dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức. Hôm nay, 31/10/2016, giáo hoàng Phanxicô ca ngợi ông là người đã có nhiều nỗ lực « đưa Chúa đến với người dân »