Đọc báo Pháp – 31/01/2017
Mỹ : Quyền lực đối trọng có thể chống lại Trump ?
Sắc lệnh đình chỉ nhập cư với công dân từ bảy nước Hồi Giáo, ngày thứ Sáu 27/01/2017, của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, tiếp tục gây giận dữ trên toàn thế giới. Nhật báo Le Monde có bài « Trump gây hỗn loạn và phẫn nộ ». Xã luận Le Monde cảnh báo : « Đối diện với Trump, cần các đối trọng quyền lực ». Libération đặc biệt có hồ sơ : « Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực (tại Hoa Kỳ, có thể ngăn chặn được Trump) ? ».
Xã luận Le Monde nhấn mạnh : « Sự vận hành của nền dân chủ Mỹ, với một hệ thống hành pháp mạnh của tổng thống, dựa trên cơ chế đối trọng quyền lực – checks and balances. Cơ chế này đã có, và chúng ta hy vọng các đối trọng quyền lực sẽ được thực thi cho đến cùng, bởi những gì diễn ra gây lo ngại sâu sắc. Sắc lệnh (về cấm dân từ bảy quốc gia Hồi Giáo nhập cảnh) đã được thảo luận chỉ trong một nhóm nhỏ, những giới chức quan trọng của chính phủ Mỹ có liên quan đã không được tham gia, trong khi đó cố vấn Steve Bannon, một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, với quá khứ đầy bê bối, lại có vai trò ngày càng quan trọng ».
Trang nhất Libération chạy tựa : « Trump, liệu có phải là một nguy cơ với nền dân chủ ? ». Hồ sơ của Libération « Còn lại quyền lực nào trong cơ chế đối trọng quyền lực ? » nhấn mạnh đến phản ứng không chỉ của các nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp, mà đồng thời của xã hội dân sự và truyền thông Hoa Kỳ, đang được thế giới theo sát. Để biết được là liệu nền dân chủ Mỹ có đủ « các kháng thể » để đối mặt với tân tổng thống hay không ?
Bài báo tóm lược các nỗ lực của xã hội dân sự và tư pháp Mỹ kháng cự lại « sắc lệnh chống Hồi Giáo » của Donald Trump.
Liên đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU ngay lập tức đã có đơn kiện chống lại sắc lệnh của tổng thống lên tòa án liên bang tại New York. Cũng ngay sau đó, một thẩm phán liên bang đã ra quyết định ngăn chặn việc áp dụng sắc lệnh trục xuất công dân bảy nước đã có mặt trên đất Mỹ. Tiếp bước New York, thẩm phán liên bang tại Boston, Seattle và Alexandria (Virginia) cũng ra quyết định ngăn chặn sắc lệnh nói trên. Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ hôm Chủ nhật vừa qua cũng ra thông báo yêu cầu « thực thi các quyết định của tư pháp ».
Cuộc chiến lâu dài của tư pháp và lập pháp
Theo luật pháp Mỹ, các thẩm phán liên bang có quyền ngăn chặn sắc lệnh của tổng thống, và Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ có thể tuyên bố là « vi hiến » một luật do Quốc Hội thông qua, và được tổng thống ban hành. Tuy nhiên, theo Libération, cuộc chiến tư pháp còn lâu mới kết thúc, bởi để một sắc lệnh của tổng thống bị hủy bỏ, Tòa Án Tối Cao phải chứng minh luật này đi ngược lại Hiến Pháp, cụ thể như đi ngược lại « quyền tự do tôn giáo » và « quyền được hưởng một thủ tục pháp lý công bằng ». Trong khi đó, « hôm nay thứ Ba, 31/01, Donald Trump sẽ bổ nhiệm thành viên thứ 9 của Tòa Án Tối Cao ». Thành viên thứ 9 là người rất có thể sẽ làm cán cân của tòa nghiêng về phía tân tổng thống.
Về phía Quốc Hội, một loạt sắc lệnh của ông Trump, nhất là sắc lệnh chống người nhập cư từ bảy nước Hồi Giáo bị nhiều nghị sĩ đảng Cộng Hòa – chiếm đa số – lên án là tạo điều kiện cho khủng bố phát triển. Dù sao, đó cũng không phải là toàn bộ đảng Cộng Hòa. Giáo sư chính trị học Bruce Ackerman, đại học Yale, cảnh báo « rất ít khả năng phe Cộng Hòa sẽ đưa ra các biện pháp » điều chỉnh lại chính sách nói trên. Hiện tại lãnh đạo Hạ Viện Paul Ryan tỏ ra công khai ủng hộ quyết định của tân tổng thống.
Trong khi đó, nhà chính trị học Richard Arenberg, đại học Brown, nhấn mạnh nhiều hơn đến việc, nếu không được Quốc Hội ủng hộ, truyền thông và xã hội dân sự, tổng thống Mỹ khó lòng tiếp tục lâu dài các chính sách của mình, mà đây là « trường hợp hiện tại ».
Chống Trump : Hiệp hội bảo vệ dân nhập cư được nhiều ủng hộ
Phản ứng rõ ràng nhất chống lại sắc lệnh của Donald Trump là các tập đoàn tin học. Google quyết định lập quỹ 4 triệu đô la để ủng hộ bốn hiệp hội hỗ trợ người nhập cư, và lên án chính sách « ngăn chặn các tài năng trên thế giới » tới làm việc tại Hoa Kỳ. Ông chủ Apple gửi thông điệp đến toàn bộ các nhân viên của tập đoàn khẳng định, không có người nhập cư Apple không tồn tại (Steve Job – nhà sáng lập Apple – là con của một người nhập cư Syria). Lyft, tập đoàn cạnh tranh với Uber, thông báo tặng một triệu đô la cho Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Mỹ ACLU, hiệp hội trụ cột trong cuộc kháng cự chống lại Trump.
Hiệp hội ACLU, được thành lập từ năm 1920, hiện có khoảng 750.000 thành viên. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, hiệp hội bảo vệ quyền tự do dân sự Mỹ đã nhận được đợt quà tặng chưa từng có, với tổng số 24 triệu đô la. Ngay sau khi Trump đắc cử, ACLU tuyên bố sẽ hết sức cảnh giác trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống này.
Về các phản ứng quốc tế, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến các phản ứng chống Trump tại Anh Quốc. Kêu gọi hủy bỏ chuyến công du của tổng thống Mỹ, theo lời mời của thủ tướng Anh, đã nhận được hơn 500.000 chữ ký của dân Anh. Sau ba lần từ chối lên án chính sách chống dân nhập cư từ bảy nước Hồi Giáo, thủ tướng Anh Theresa May phải chấp nhận ra thông báo khẳng định : « Luân Đôn không hưởng ứng » cách làm của chính quyền Trump.
Chỉ riêng có thủ tướng Israel là ca ngợi tổng thống Trump, khi so sánh quyết định của ông Trump với việc Israel xây dựng bức tường phía nam với Palestine.
« Ý thức hệ quái vật » của Donald Trump
Theo một số nhà phân tích, như nhà báo Tony Schwartz, tác giả cuốn « Trump : The art of Deal » (Nghệ thuật mặc cả của Trump) thì Donald Trump không hề có ý thức hệ, các quyết định của ông Trump hoàn toàn dựa vào « nhân cách lấy cá nhân làm trung tâm và rất bản năng của ông ta ». Cuốn sách, xuất bản năm 1987, được sử dùng làm tư liệu cho bộ phim hài « Donald Trump’s The Art of the Deal: The Movie », ra đời năm 2016. Tuy nhiên, theo Libération, « những hành xử triệt để của tổng thống Mỹ trong những quyết định đầu tiên cho thấy Donald Trump thừa hưởng một lập trường, ít nhiều được tiếp thu từ các lãnh đạo Mỹ trong quá khứ ».
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguồn gốc của tư tưởng chính trị gây sốc của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Libération có bài « Quái vật ý thức hệ (l’hydre idéologique) của Trump, chính trị gia dân túy ». Libération so sánh Trump với một loạt tổng thống Mỹ, trước hết là tổng thống Andrew Jackson.
So sánh Donald Trump với tổng thống Andrew Jackson cũng chính là điều mà « chiến lược gia » của tổng thống Mỹ, Steve Bannon, khẳng định. Theo cánh tay phải của tân tổng thống Mỹ, Donald Trump đã lấy cảm hứng từ tư tưởng của tổng thống thứ bảy, cũng là tổng thống dân túy đầu tiên của Hoa Kỳ.
Phó tổng thống Mike Pence cũng cùng một nhận xét.
Theo Libération, Andrew Jackson, cầm quyền từ năm 1829 đến 1837, với tư tưởng lấy quyền lực ở
Washington để chuyển giao cho dân chúng « đã để lại một dấu ấn sâu sắc và đau đớn » trong lịch sử nền dân chủ Mỹ. Trên thực tế, hứa hẹn bảo vệ an ninh cho người Mỹ, nhưng tổng thống Andrew Jacskon, chính là người đã tiến hành cuộc đày ải người Da Đỏ, với chiến dịch được mệnh danh là « con đường nước mắt », làm diệt vong các bộ lạc Da Đỏ lớn ở miền đông nước Mỹ. Ủng hộ chủ trương kinh tế tự do, tổng thống Jackson đã để mặc cho chế độ nô lệ phát triển, mà bản thân ông ta là người hưởng lợi.
Di sản chính trị của Andrew Jackson bị lên án rất mạnh tại Mỹ. Năm 2016 đã nổ ra một chiến dịch lớn yêu cầu xóa bỏ hình ảnh ông Jackson trong tờ giấy bạc 20 đô la Mỹ từ năm 2020, để thay vào đó là hình ông Harriet Tubman, một nhà tranh đấu da đen chống chế độ nô lệ. Bộ Tài Chính Mỹ thời Obama đã chấp nhận yêu cầu này.
Philippines : Đến lượt cảnh sát chống ma túy
trở thành đích ngắm của Duterte
Philippines với kế hoạch chống ma túy đẫm máu của tổng thống dân túy Duterte là một tâm điểm thời sự khác của Libération, với bài « Tại Philippines, cuộc chiến chống ma túy được kết hợp với chương trình chống cảnh sát tham nhũng ».
Cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte bị giới bảo vệ nhân quyền lên án mạnh, với hơn 7.000 người thiệt mạng, trong đó hơn 2.5000 người là do cảnh sát hạ sát, đã bước sang một khúc quanh mới với biến cố một doanh nhân Hàn Quốc bị cảnh sát Philippines giết hại. Vụ việc được chính quyền Philippines thừa nhận ngày 18/01 mới đây.
Doanh nhân bị cảnh sát bắt cóc hồi tháng 10/2016. Nạn nhân đã bị thắt cổ chết ngay tại trụ sở cảnh sát quốc gia chống ma túy ở phía bắc Manila. Cảnh sát Philippines còn tìm cách lấy gần 200.000 euro tiền chuộc của gia đình nạn nhân, bằng cách tuyên bố doanh nhân này vẫn còn sống. Vụ việc phơi bầy tình trạng biến chất cao độ của cảnh sát Philippines, với khoảng 40% nhân viên tham nhũng, theo một số điều tra.
Hôm Chủ nhật vừa qua, tổng thống Philippines đã thừa nhận tình trạng này, và ra lệnh giải tán các đơn vị chống tham nhũng của cảnh sát quốc gia. Cơ quan chống ma túy của cảnh sát Philippines từ giờ được đặt dưới sự kiểm soát của cơ quan quốc gia chống ma túy. Hôm qua, lãnh đạo cảnh sát chống ma túy Philippines tuyên bố tiến hành chiến dịch « thanh lọc nội bộ toàn diện » trong một tháng, và chấm dứt chiến dịch « Tokhang » chống ma túy, khởi sự từ ngày 01/07/2016, sau khi ông Duterte nhậm chức.
Tuy nhiên, tổng thống Duterte khẳng định cuộc chiến chống ma túy vẫn tiếp tục, cho đến khi ông hết nhiệm kỳ năm 2022, bất chấp các cam kết chỉ tiến hành trong vài tuần, được đưa ra hồi tranh cử.
Nguy cơ sập tiệm từ các vụ mua lại ồ ạt của Trung Quốc
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đặc biệt « báo động về các nguy cơ gắn liền với việc Trung Quốc mua lại cổ phần nhiều công ty ». Báo cáo của cơ quan thẩm định tài chính S&P nhấn mạnh : việc các công ty Trung Quốc – được Nhà nước hậu thuẫn – mua lại ồ ạt cổ phần của nhiều tập đoàn lớn gần đây sẽ có « tác động tiêu cực », trong đa số các trường hợp. Kết luận được đưa ra, sau khi S&P phân tích khoảng 20 trường hợp chuyển nhượng cổ phần, đặc biệt việc ChemChina mua lại tập đoàn hóa chất và thực phẩm Syngenta Thụy Sĩ với 46,5 tỉ đô la, hay việc Trung Quốc mua công ty công nghệ Mỹ Ingram Micro với giá 6 tỉ đô la.
S&P dự đoán, đây là các vụ mua bán không chắc chắn, bởi nếu các cơ sở kinh doanh này gặp khó khăn, rất nhiều khả năng là phía Trung Quốc sẽ rút bớt ủng hộ. Rất nhiều công ty Trung Quốc đang nợ nần đầm đìa vẫn bỏ ra rất nhiều tiền ra mua doanh nghiệp phương Tây (nhờ chính sách hết sức dễ dãi trước đây của các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc và Quỹ Con Đường Tơ Lụa/Silk Road fund). Trong trường hợp các công ty này phá sản, hệ quả sẽ là trầm trọng.
Theo S&P, chính quyền Trung Quốc có chính sách « giảm dần việc công khai ủng hộ các doanh nghiệp công ». Mới đây, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiểm soát chặt các khoảng chuyển nhượng hơn 10 tỉ đô la, và tất cả các khoản mua bán hơn một tỉ đô la, không liên quan đến ngành nghề chính của cơ sở kinh doanh.
Trang nhất các báo Pháp
Tình hình tranh cử tổng thống Pháp là chủ đề chính của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Tờ báo dành hàng tựa trang nhất đến làn sóng ủng hộ từ đảng Xã Hội dành cho ứng cử viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế trong chính quyền đảng Xã Hội, nhưng tuyên bố là ứng cử viên không thiên tả, hay thiên hữu. Bài xã luận Le Figaro « Hollande, dù không phải Hollande » nhấn mạnh là ứng cử viên Macron, cho dù tuyên bố như trên, nhưng trên thực chất là người kế thừa nhiệm kỳ năm năm của chính phủ Hollande.
Tờ báo Công Giáo La Croix cũng dành trang nhất cho « cuộc tranh cử tổng thống Pháp còn nhiều ẩn số » đang diễn ra. Xã luận La Croix khẳng định « Dù sao cũng phải lựa chọn », trong bối cảnh hầu hết các ứng cử viên đã vào cuộc, nhưng « không khí đầy bất trắc », đặc biệt với các cáo buộc lạm dụng tài sản công nhắm vào cả ba ứng cử viên hàng đầu, Marine Le Pen, François Fillon và cả Emmanuel Macron.
Báo kinh tế Les Echos thì nhấn mạnh đến sự phục hồi của các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt với số lượng các doanh nghiệp phá sản năm vừa qua rơi xuống mức thấp nhất kể từ khởi đầu cuộc khủng hoảng 2008. Tất cả các ngành nghề hiện đã khởi sắc trở lại, trừ nông nghiệp. Theo Les Echos, sự phục hồi này diễn ra ở các khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như doanh nghiệp lớn. Về mặt tài chính, việc cải thiện này có hai lý do chính là các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, và giá dầu mỏ và lãi suất ngân hàng giảm.
Les Echos cũng lưu ý đến « EIT- các doanh nghiệp trung bình của Pháp – các nhà vô địch bị quên lãng ». Với 4.500 doanh nghiệp – thuê từ 250 đến 4.999 nhân công, khối các EIT (Les entreprises de taille intermédiaire) sử dụng khoảng 24% lao động, chiếm 28 % doanh thu và 33% hàng xuất khẩu Pháp. Theo Les Echos, chính quyền cần « khẩn cấp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EIT phát triển », bởi nếu được hưởng các điều kiện thuế khóa ưu đãi như của Đức, doanh thu trung bình của EIT Pháp sẽ tăng lên đến 68%.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170131-my-quyen-luc-doi-trong-co-the-chong-lai-trump
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Tàu sân bay made in China định hình
Truyền thông Trung Quốc ngày 31/01/2017 tiết lộ,chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đang « có hình, có dạng » sau khi công trình đóng tàu được khởi sự vào năm 2014. Chiếc tàu được đặt tên là Sơn Đông, được Trung Quốc tự đóng tại cảng Đại Liên. Đài truyền hình Sơn Đông đã loan tin nhưng không cho biết ngày công trình đóng tàu hoàn tất, cũng như bất kỳ chi tiết nào khác.
(AFP) – Mỹ : Số vụ bắn giết trong trường học có thể liên quan đến nạn thất nghiệp
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Northwesten, tiểu bang Illinois, được đăng tải trên tạp chí Nature Human Behaviour, ngày hôm qua, 30/01/2017, dường như việc các vụ dùng súng bắn giết trong các trường học gia tăng là có liên quan tới tỷ lệ thất nghiệp cao. Giai đoạn nghiên cứu trải dài trong 23 năm và có hai thời kỳ số vụ bạo lực trong các trường học (dùng vũ khí giết người) tỷ lệ thuận với tình trạng bấp bênh về kinh tế. Khi giới trẻ ra trường khó tìm được việc làm thì tỷ lệ dùng súng bắn giết trong trường học gia tăng.
(AFP) – Tăng trưởng Pháp năm 2016 thấp hơn dự báo
Tăng trưởng kinh tế của Pháp năm 2016 chỉ đạt 1,1%, gây thất vọng so với chỉ tiêu 1,4% của chính phủ. Mức tăng trưởng này thậm chí còn thấp hơn cả tỷ lệ 1,2% đạt được năm 2015. Tuy nhiên, bộ trưởng Kinh Tế-Tài Chính Pháp Michel Sapin vẫn hoan nghênh là kết quả hoạt động kinh tế Pháp 2 năm liên tục đã cho phép giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như thiếu hụt ngân sách. Chính phủ dự kiến mức tăng trưởng 1,5% cho năm 2017, một tỷ lệ quá cao theo đánh giá của các chuyên gia.
(AFP) – Thuốc lá ngốn 6% chi phí sức khỏe và 2% GDP thế giới
Một nghiên cứu công bố ngày 31/01/2017 trên tập san Tobacco Control cho thấy là hút thuốc lá rất tốn kém. Ngoài việc phải chỉ tiền ra mua thuốc, còn phải tính đến chi phí bảo vệ sức khỏe, chữa trị các bệnh do thuốc lá gây ra, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Theo kết quả nghiên cứu, thuốc lá chiếm 6% chi tiêu thế giới về sức khỏe, và 2% GDP toàn cầu. Vào năm 2012, số người ở lứa tuổi 30 – 69 chết do hút thuốc lên đến 2 triệu người, nghĩa là 12% trong tổng số ca tử vong ở vào lứa tuổi này, nhiều nhất là ở Châu Âu và Hoa Kỳ.
(AFP) – Bệnh gan nhiễm mỡ làm tăng nguy cơ ung thư
Nhân « Hội nghị Paris về bệnh gan » được tổ chức trong hai ngày 30 và 31/01/2017, giới chuyên gia báo động bệnh gan nhiễm mỡ – không do nghiện rượu và được gọi là « Nash », một trong những nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan, đang gia tăng một cách đáng lo ngại tại các nước phát triển. Bệnh gan nhiễm mỡ Nash, liên quan đến bệnh béo phì, tiểu đường, là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp ghép gan tại Hoa Kỳ. Khoảng 1% dân số Pháp và 5% dân số Hoa Kỳ mắc Nash và hiện chưa có thuốc chữa trị. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ Nash là giảm cân theo chế độ ăn ít calo và tập thể dục. Giảm được từ 8-10% trọng lượng cơ thể cho phép cải thiện chức năng gan và giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, nguyên nhân tử vong hàng đầu của các bệnh nhân bị Nash.
(AFP) – Hàn Quốc công bố sách sử tô hồng chế độ độc tài Park Chung Hee
Chính quyền Seoul ngày 31/01/2017 công bố bộ sách giáo khoa sử học mới dành cho học sinh phổ thông, bất chấp việc bộ sách này bị chỉ trích là đã đưa đất nước trở về thời kỳ độc tài đã qua. Bộ Giáo Dục vẫn cho ra phát hành bộ sách lịch sử này cho dù phe đối lập tại Nghị Viện Hàn Quốc đang vận động cho việc cấm sử dụng bộ sách. Các nghị sĩ nêu lý do là sách sử vinh danh thời kỳ tổng thống độc tài Park Chung Hee, cha của tổng thống bị truất phế Park Geun Hye. Ông Park Chung Hee đã lãnh đạo Hàn Quốc suốt 18 năm trước khi bị ám sát vào năm 1979. Quá khứ lịch sử, luôn là « một đấu trường ở Hàn Quốc ».
(AFP) – Thủ tướng Cam Bốt đòi tịch thu tài sản của lãnh đạo đối lập Sam Rainsy
Phát biểu trước Quốc hội ngày 31/01/2017 ông Hun Sen đe dọa tịch thu tài sản, đòi phải được bồi thường một triệu đô la và dọa bán tổng hành dinh của đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc, nếu ông thắng trong vụ kiện nhà đối lập lưu vong đã vu khống ông. Sam Rainsy đã tố cáo ông Hun Sen đút lót cho một nhà đối lập trước đây. Thủ tướng Hun Sen cũng đề nghị sửa đổi luật bầu cử, cấm những người bị kết án được quyền lãnh đạo các đảng phái chính trị.
(AFP) – Colombia : Chuyến tập kết cuối cùng của du kích Farc
Ngày 31/01/2017 Lực lượng du kích Farc kết thúc “cuộc tập kết cuối cùng”, tên mà chính quyền Colombia đặt cho giai đoạn cuối việc chuyển du kích quân đến những vùng mà trong vòng 6 tháng họ sẽ giải trừ vũ khí sau hơn 50 năm chiến đấu. Trên mạng Twitter tổng thống Colombia Juan Manuel Santos giải thích là “Lực lượng Farc đi đến hòa bình và một cuộc sống không vũ khí”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170131-tin-doc-nhanh