Đọc báo Pháp – 30/09/2020
Chống đại dịch corona: Ngoại lệ Việt Nam – Thụy My
Covid và bầu cử tổng thống Mỹ, căng thẳng tại vùng Kavkaz là các chủ đề chính của báo Pháp hôm nay. Đặc biệt trên Les Echos có bài viết ngắn : « Covid-19 : Ngoại lệ Việt Nam », và rất ít trường hợp tử vong, Việt Nam vốn đã cắt rất sớm các tuyến giao thông với Trung Quốc, đang tái khởi động các hoạt động kinh tế.
Tuy không phải là Mông Cổ, không có ca tử vong nào, nhưng theo nhật báo kinh tế Pháp, Việt Nam có thể tự hào là đã chận đứng được nạn dịch virus corona. Cho đến nay, Việt Nam chỉ có 1.077 ca dương tính và 35 người thiệt mạng, so với dân số lên đến gần 100 triệu người. Ngay từ khi những ca đầu tiên tại ổ dịch Vũ Hán được tiết lộ, chính quyền Việt Nam nhanh chóng gia tăng kiểm soát khắp nơi, hạn chế di chuyển đồng thời đưa đi cách ly những người nhập cảnh.
Hà Nội đã phải xoa dịu một ít căng thẳng với nước láng giềng khổng lồ, sau khi đã thẳng thừng cho ngưng các chuyến bay nối với Trung Quốc và đóng cửa biên giới trên đất liền. Thương mại xuyên biên giới bị ảnh hưởng nặng, tuy nhiên GDP quý III của Việt Nam vẫn tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái. Và theo Tổng Cục Thống Kê, mục tiêu tăng trưởng 2% cho năm nay là không ngoài tầm tay.
Đọc thêm: Virus corona : Suy ngẫm của cựu đại sứ Pháp từ giường bệnh ở Hà Nội
Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng 4,2% và sản xuất cũng tăng, có thể duy trì nhịp độ của năm trước. Một cuộc điều tra trong giới kỹ nghệ cho thấy 81% tin rằng vẫn giữ được đà tiến. Cũng theo cơ quan thống kê, chính phủ dành ưu tiên cho đầu tư công và sẽ tiếp tục trong năm tới, còn tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tái khởi động từ nay đến cuối năm và sẽ kéo dài cho đến Tết âm lịch, vào ngày 12/02/2021.
Trong khi đó tại một số nước châu Á khác, tình hình bi quan hơn. Ở Ấn Độ, đại dịch đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo về giáo dục. Phóng sự của Le Monde cho biết đã bảy tháng qua, 321 triệu học sinh, sinh viên không được đến trường. Hôm 16/03 mới có 500 ca nhiễm, thủ tướng Modi đã ra lệnh đóng cửa các trường học, và nay chỉ trong 11 ngày qua đã có đến 1 triệu ca nhiễm mới, trẻ em nhà nghèo có nguy cơ thất học hẳn, còn nhà giàu có thể mướn giáo viên đến kèm cặp tại gia.
Tại Thái Lan, đại dịch gây ra vô số vụ phá sản và làm ngành du lịch suy sụp, số vụ tự tử còn nhiều hơn so với số nạn nhân chết vì con virus. Trong 7 tháng đầu năm nay có đến 2.551 người tự sát, trong khi chỉ có 3.500 ca nhiễm và 59 trường hợp tử vong.
Yếu tố di truyền và miễn dịch khiến bệnh nhân chuyển sang thể nặng
Về phương diện khoa học, để chống chọi với virus corona, Le Monde cho biết kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo, hay trao đổi oxy từ màng ngoài cơ thể), đã giúp cứu sống được 70% bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Đây là cơ hội cuối cùng cho những người mà sự sống chỉ còn đếm từng ngày. Bên cạnh đó, cần phải nhận diện tốt hơn các bệnh nhân có nguy cơ chuyển sang thể nặng.
Nếu người bị nhiễm virus corona chủng mới thường có ít hoặc không có triệu chứng, khoảng 5% số người bị lây nhiễm lại bị diễn biến nặng thậm chí tử vong, mà số lượng nạn nhân đã vượt qua ngưỡng 1 triệu người từ hôm Chủ nhật 27/09. Ngoài các yếu tố có thể làm cho bệnh nặng thêm như tuổi tác, giới tính, béo phì, tiểu đường…hai công trình nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Science cho thấy còn có yếu tố di truyền và miễn dịch.
Tối cao Pháp viện : Nỗ lực ghi dấu ấn lâu dài của ông Trump
Nhìn sang nước Mỹ, Le Monde trong bài phân tích về những lời hứa được thực hiện và những thất bại của Donald Trump, nhận định, nhiệm kỳ tổng thống của ông được đánh dấu bằng các quyết định ấn tượng về đối ngoại.
Một trong những quyết định mang tính biểu tượng nhất là việc chuyển tòa đại sứ Mỹ ở Israel đến Jerusalem. Được Quốc Hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo năm 1995, nhưng ba tổng thống liên tiếp, gồm hai thuộc đảng Dân Chủ và một Cộng Hòa đều chần chừ không thực hiện, với lý do để không cản trở tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine mà Washington làm trung gian.
Tháng 5/2017, Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước khí hậu Paris – tuy quyết định này chưa có hiệu lực trước cuộc bầu cử tổng thống, và một năm sau là hiệp định nguyên tử Iran. Về thương mại quốc tế, một trong những hành động đầu tiên của ông Trump khi bước vào Nhà Trắng là ra khỏi TPP, rồi tái thương lượng thỏa thuận tự do mậu dịch với hai nước láng giềng Canada và Mêhicô (NAFTA).
Những người chỉ trích nhấn mạnh, TPP lẽ ra đã có thể giúp cập nhật NAFTA về sở hữu trí tuệ, internet và nông nghiệp ; hơn nữa, việc không tham gia TPP khiến Hoa Kỳ mất đi một công cụ quan trọng trong việc chận đứng Trung Quốc.
Về đối nội, tổng thống Donald Trump cũng giữ lời hứa về những chủ đề quen thuộc của phe Cộng Hòa. Chẳng hạn nới lỏng vấn đề môi trường, cải cách thuế khóa với những ưu đãi cho doanh nghiệp và người thu nhập cao – cho dù vẫn chưa bằng thời Ronald Reagan.
Ông cũng bổ nhiệm hàng loạt thẩm phán bảo thủ ở các cấp, và mới đây nhất là việc đề cử bà Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện. Những thẩm phán ở tòa tối cao có thể tại vị suốt đời, đây là di sản lâu dài nhất của ông Donald Trump.
Donald Trump, tổng thống giữ lời hứa nhưng cũng vấp phải nhiều thất bại
Le Monde cho rằng, là tổng thống giữ đúng các lời hứa khi tranh cử, nhưng ông Trump cũng vấp phải những thất bại nặng nề. Một Donald Trump quen thuộc với ngành xây dựng nhưng lại không thể hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của đất nước, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chưa thể đạt 4% và sản xuất than đá lại tụt xuống thấp.
Đặc biệt là việc xây dựng bức tường biên giới với Mêhicô : chưa bao giờ Hạ Viện chấp thuận ngân sách được ông đòi hỏi, Obamacare cũng chưa thay thế được. Về nhập cư, chính quyền Trump tuy giới hạn nhập cảnh từ các nước Hồi giáo, hạn chế lượng di dân hợp pháp, nhưng việc trục xuất người không giấy tờ lại thấp hơn dưới thời tổng thống Dân Chủ trước.
Trong đối ngoại, Mỹ giành chiến thắng về quân sự đối với Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo nhưng Iran đang tiếp tục làm giàu uranium, Bắc Triều Tiên vẫn là mối đe dọa, thương lượng về thương mại với Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ.
Canada, châu Âu không ảo tưởng về Joe Biden
Canada hồi hộp theo dõi kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. « Là láng giềng với các vị, cũng như ngủ chung với một con voi » – thủ tướng Pierre Elliott Trudeau hồi năm 1969 đã nói đùa như vậy tại Washington. Nửa thế kỷ sau, đến lượt con trai ông là Justine Trudeau cũng phải vất vả bên cạnh nước láng giềng hùng mạnh.
Cũng như người cha có quan hệ không đầm ấm với Richard Nixon, thủ tướng Justine Trudeau từ bốn năm qua phải đối mặt với ông Donald Trump khó đoán định. Nhờ nhà đàm phán khôn khéo Chrystia Freeland, nay là phó thủ tướng phụ trách kinh tế, mà Canada mới đạt được thỏa thuận mới với Hoa Kỳ và Mêhicô, sau nhiều đe dọa của ông Trump.
Canada cũng chịu ảnh hưởng vụ Mạnh Vãn Châu. Có nhà nghiên cứu cho rằng nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử, áp lực sẽ tăng lên vì thủ tướng Justine Trudeau phải chứng minh tài xoay sở trước người dân, còn Joe Biden vốn đã chủ trương đa phương. Tuy nhiên một nhà quan sát khác lo ngại sẽ không có thay đổi gì, khi nghe ông Biden hứa hẹn với cử tri « xây dựng một nền kinh tế tương lai hoàn toàn tại nước Mỹ ».
Tương tự về phía châu Âu, tác giả Arnaud Leparmentier trong bài « Joe Biden và các ảo ảnh thương mại của châu Âu » cho rằng nên chuẩn bị trước tinh thần nếu ông Biden bước vào Nhà Trắng. Đã hẳn đây là khuôn mặt quen thuộc thời Obama, không có những phát biểu gây tranh cãi như ông Trump. Tuy nhiên một trong những cố vấn chính của Biden đã tuyên bố sẽ chấm dứt việc cán cân thương mại nghiêng về châu Âu đối với nông sản.
Cuộc cạnh tranh Airbus-Boeing, thuế GAFA, hàng xa xỉ là những chủ đề gay gắt khác, đặc biệt là chính quyền Obama-Biden từng không nhượng bộ một ly nào trong vấn đề đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia. Trong một bài viết khác, Le Monde nhắc nhở chương trình « Mua hàng Mỹ và sản xuất tại Mỹ » của ông Biden không khác mấy so với « America First » của ông Trump.
Armenia ở thế cô lập trong cuộc chiến với Azerbaijan
Về tình hình căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan với nhiều trận đánh dữ dội từ nhiều ngày qua, La Croix nhận xét, người thất trận cách đây 30 năm đang nhất quyết muốn chiếm lại Thượng Karabath và những vùng lân cận. Đối với Armenia, cú sốc là rất lớn.
Đất nước nhỏ bé này đang bị cô lập. Bị kẹt giữa hai quốc gia thù địch là Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ – vốn luôn từ chối công nhận vụ đế quốc Ottoman diệt chủng người Armenia – nên Erevan chỉ có thể trông cậy vào Nga về quân sự. Căn cứ Gyumri của Nga nằm cách Thổ Nhĩ Kỳ 10 km, lại là tiền phương của Nga trước NATO. Armenia có cộng đồng kiều bào sống rải rác khắp châu Âu, cũng có thể kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) và theo tờ báo, quốc gia này xứng đáng được giúp đỡ vì đã cải cách dân chủ từ hai năm qua.
Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pachinian 45 tuổi vốn là cựu nhà báo, dân biểu đối lập, hôm Chủ nhật 27/09 đã phải đóng vai trò tổng tham mưu trưởng quân đội : ra lệnh tổng động viên, thiết quân luật. Ông lên nắm quyền nhờ một cuộc cách mạng nhung năm 2018, chống nạn tham nhũng, chống tổng thống Serge Sarkissian và giới cầm quyền từ thời Liên Xô cũ.
Xung quanh phiên tòa xử các vụ khủng bố ở Paris
Tại Pháp, Libération cho biết một mẻ lưới vừa được tung ra để cắt nguồn tài trợ cho thánh chiến. Cảnh sát khám xét 55 căn hộ tại 26 vùng, câu lưu 29 nghi can. Cơ quan Tracfin theo dõi việc mua các phiếu để chuyển tiền ảo cho thánh chiến ở Syria, do hai quân thánh chiến quốc tịch Pháp bị truy nã quốc tế, đang ở tây bắc Syria cầm đầu. Đường dây này được cho là đã chuyển hàng trăm ngàn euro cho quân khủng bố của Al Qaida và Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Về truyền thông, tại phiên tòa xử các vụ khủng bố năm 2015 ở Paris, giới báo chí bị chỉ trích vì vô tình hay cố ý tiết lộ danh tính các nạn nhân hay nhân viên an ninh. Người hiến binh đã bắn bị thương tên khủng bố Cherif Kouachi đã phải xin chuyển công tác vì khuôn mặt bị che mờ một cách vụng về trong một cuộc phỏng vấn khiến người khác có thể nhận ra.
Đôi khi truyền thông còn tách khỏi vai trò người quan sát : trong khi cảnh sát chưa liên lạc được với hai anh em Kouachi đang cố thủ trong một xưởng in, thì một nhà báo của đài BFMTV đã gọi cho bọn chúng. Tương tự tại Hyper Cacher, nơi kẻ khủng bố Amedy Coulibaly giữ khoảng 20 con tin, chỉ trong vòng 30 phút điện thoại để bàn của siêu thị này đã nhận được đến 300 cuộc gọi từ các đài truyền hình, truyền thanh. Ngược lại, lần này các nhà thương lượng của cảnh sát nói chuyện được với Coulibaly nhờ…đài BFMTV cho số điện thoại !
Tin tổng hợp
(Reuters) – Mỹ-Đài Loan hợp tác trong các dự án ở Ấn độ -Thái Bình Dương.
Trong chiến lược đối đầu với « con đường tơ lụa » của Bắc Kinh, Hoa Kỳ và Đài Loan lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kiến trúc từ Ấn Độ -Thái Bình Dương đến châu Mỹ La-tinh. Theo « sứ quán » trên thực tế của Mỹ tại Đài Bắc, hai bên sẽ « hỗ trợ » cho các thị trường đang trỗi dậy. Còn ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp gọi dự án Mỹ-Đài là phù hợp với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ và tân chiến lược « Hướng Nam » của Đài Bắc.
(NHK) – Tân thủ tướng Nhật có thể thăm Việt Nam trong tháng 10/2020.
Nếu tình hình y tế cho phép, trong dịp này, ngoài Việt Nam, tân thủ tướng Nhật Yoshihide Suga có thể thăm cả Indonesia. Đây sẽ là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của tân thủ tướng Nhật kể từ nhậm chức. Việt Nam hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, còn Indonesia là quốc gia đông dân nhất của ASEAN và cũng là thành viên của nhóm G20. Đây cũng là hai quốc gia mà cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã chọn viếng thăm sau khi ông lập nội các thứ hai.
(RFI) – Sử gia về nhà tù Goulag của Nga bị kết án 13 năm khổ sai.
Youri Dmitri, 64 tuổi, sử gia về các nhà tù chính trị và nạn thảm sát thời Liên Xô cũ bị Toà phúc thẩm phạt 13 năm tù trong lúc ông sắp mãn hạn bản án 3 năm rưỡi tù giam. Bị cáo bị buộc tội lạm dụng tính dục với con gái nuôi 13 tuổi, điều mà đương sự cũng như các hiệp hội nhân quyền phủ nhận, Youri Dmitri lẽ ra sẽ được tự do vào tháng 11. Tuy nhiên, bên công tố kháng cáo và cuối cùng tòa phúc thẩm gia tăng gấp ba án phạt. Các tổ chức nhân quyền sẽ kháng cáo lên Toà Nhân Quyền Châu Âu mà Nga là thành viên.
(AFP) – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ công du Bắc Phi.
Mark Esper đến Tunis vào hôm nay 30/09/2020 trước khi sang Algerie và Maroc. Từ 2015, Tunisie là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ngoài NATO và có một căn cứ bí mật tiếp nhận một phi đoàn chiến đấu cơ của Mỹ. Chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tại Bắc Phi nhằm siết chặt quan hệ và điểm qua tình hình an ninh trong khu vực trước mối đe dọa của các tổ chức thánh chiến cũng như các hoạt động được mô tả là « có hại » của Nga và Trung Quốc.
(AFP) – Kẻ dùng dao đâm người ở khu tòa soạn báo Charlie Hebdo tại Paris bị truy tố vì “âm mưu sát nhân”để khủng bố.
Sau bốn ngày bị tạm giam với cáo buộc dùng dao đâm hai người bị thương nặng tại Paris vào tuần trước, nghi phạm quốc tịch Pakistan đã phải ra trình diện trước một thẩm phán công tố vào hôm qua 29/09/2020. Zaheer Hassan Mahmoud đã bị truy tố về “âm mưu sát nhân trong khuôn khổ một hành đông khủng bố” và “tham gia băng đảng tội phạm”. Nghi can chính thức bị tống giam.
(AFP) – Dieselgate: Cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Đức Audi ra tòa.
Vào hôm nay, 30/09/2020, Rupert Stadler, cựu tổng giám đốc hãng xe hơi Audi của Đức, một công ty con của tập đoàn Volkswagen, đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của ngành ô tô Đức phải ra tòa. Đây là hậu quả của Dieselgate – vụ bê bối gian lận động cơ diesel quy mô lớn cách nay 5 năm : cài đặt phần mềm gian lận lượng khí thải cho khoảng 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel để che mắt các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải. Ông chủ cũ của Audi bị xét xử vì tội “lừa đảo”, “cấp chứng chỉ giả” và “quảng cáo sai sự thật”, và có thể bị án tù 10 năm.
(AFP) – Quốc Hội Anh thông qua dự luật về Brexit.
Hôm qua, 29/09/2020, các nghị sĩ Quốc Hội Anh đã thông qua dự luật của chính phủ Boris Johnson từ bỏ một phần thỏa thuận về Brexit, một dự luật đã khiến các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu giận dữ, ngay vào lúc mà Luân Đôn và 27 nước châu Âu khác phải hoàn tất đàm phán thương mại. Sau khi Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 01/2020, hai bên đã đồng ý là đến tháng 10 năm nay phải đạt được một hiệp định tự do thương mại để tránh tình trạng « no deal » ( không đạt thỏa thuận ) vào ngày 01/01/2021, có thể gây tác hại nặng nề về kinh tế cho cả Anh Quốc lẫn các nước Liên Hiệp Châu Âu.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200930-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 30/9:
An ninh Mỹ cảnh báo việc quấy rối bầu cử;
Ông Pompeo chuẩn bị thăm một loạt nước châu Á
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (30/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
An ninh Mỹ cảnh báo việc quấy rối bầu cử
Các quan chức an ninh từ FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã cảnh báo những kẻ cực đoan ưa bạo lực trong nước là mối đe dọa cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới, theo Reuters.
Những cảnh báo đó cho đến nay phần lớn vẫn được lưu hành nội bộ. Nhưng văn phòng an ninh bang New Jersey đã có một động thái bất thường khi công khai nêu bật mối đe dọa này trong một báo cáo ít được chú ý trên trang web của mình hồi tuần trước.
“Bạn phải đối mặt với các hoạt động đáng sợ này, điều thực sự chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Mỹ. Và nếu có, thì đó là hàng thập kỷ trước, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ”, Jared Maples, Giám đốc Văn phòng An ninh Nội địa New Jersey – nơi công bố báo cáo, nhận định.
Nhiều cuộc biểu tình Black Lives Master (mạng người da đen cũng đáng giá) trong những tháng gần đây trên khắp nước Mỹ đã nổ ra đi kèm các hành vi bạo lực, trong đó nhóm Antifa thiên tả được cho là một trong những lực lượng khơi mào chúng.
Ông Pompeo chuẩn bị thăm một loạt nước châu Á
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ từ ngày 4 đến ngày 8/10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba (29/9), theo Reuters.
“Vào ngày 6/10 tại Tokyo, Ngoại trưởng Pompeo sẽ tham gia cuộc họp thứ hai của Bộ tứ Ngoại giao Australia, Ấn Độ và Nhật Bản”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Mông Cổ vào ngày 6/10 và sau đó có chuyến thăm Hàn Quốc vào ngày 7 và 8/10, tuyên bố cho biết.
Chuyến thăm công du của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản vừa có thủ tướng mới, quan hệ liên Triều chưa được cải thiện sau vụ lính Bắc Hàn bắn chết một quan chức Hàn Quốc, và người dân Mông Cổ phản đối Bắc Kinh vì kế hoạch hủy hoại văn hóa của người dân Nội Mông.
Đại sứ Triều Tiên nói về ‘phẩm giá’ của Bình Nhưỡng
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim Song, hôm thứ Ba (29/9) cho biết Bình Nhưỡng sẽ không bán rẻ nhân phẩm của mình để phát triển kinh tế và sẽ bảo vệ an ninh của họ bằng “sức mạnh tuyệt đối” mà họ đã xây dựng được, theo Yonhap.
“Thực tế là chúng tôi rất cần một môi trường bên ngoài thuận lợi cho việc xây dựng kinh tế. Nhưng chúng tôi không thể bán rẻ phẩm giá của mình chỉ với hy vọng về một sự chuyển biến rực rỡ – phẩm giá mà chúng tôi vẫn luôn bảo vệ như chính mạng sống của chúng tôi. Đây là lập trường kiên định của chúng tôi”, Kim Song nói trong bài phát biểu tại Cuộc tranh luận chung của LHQ.
Nhà ngoại giao Triều Tiên lưu ý rằng nhà lãnh đạo tối cao của đất nước ông, Kim Jong-un, đã ra lệnh cho quân và dân vượt qua khó khăn bằng cách “đối đầu trực tiếp với nó bằng chính sức mạnh nội lực”.
“Những âm mưu của các thế lực thù địch nhằm kìm hãm CHDCND Triều Tiên và vô vàn khó khăn khác sẽ tiếp tục cản trở bước tiến của chúng tôi. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của nhân dân để vượt qua chúng và mở ra con đường thịnh vượng bằng chính nỗ lực của mình cũng sẽ [vì thế] được đẩy mạnh hơn nữa”, Đại sứ Bắc Hàn tuyên bố.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi năm 2017, khoảng 18 triệu (trên tổng số 22 triệu người Triều Tiên) tiếp tục đối mặt với tình trạng bất ổn định lương thực và suy dinh dưỡng, cũng như thiếu sự tiếp cận căn bản đối với các dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, khoảng 10,5 triệu người Triều Tiên, hay 41% dân số, bị suy dinh dưỡng.
Anh và Canada trừng phạt Tổng thống Belarus Lukashenko
Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, con trai ông này và 6 quan chức chính phủ cấp cao khác có liên quan tới hành vi gian lận trong cuộc bầu cử hồi đầu tháng Tám và trấn áp các cuộc biểu tình trên đường phố sau đó, theo The Guardian.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã công bố lệnh trừng phạt hôm thứ Ba (29/9) với sự phối hợp của một động thái tương tự từ Canada. Ông nói: “Chúng tôi sẽ buộc những kẻ có các hành vi côn đồ đối với người dân Belarus chịu trách nhiệm và chúng tôi sẽ bảo vệ các giá trị dân chủ và nhân quyền của mình”.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với ông Lukashenko. Đây là lần đầu tiên trong thời kỳ hậu Brexit Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một tổng thống nước ngoài đương nhiệm.
Xung đột Armenia – Azerbaijan: Hai bên không đàm phán
Armenia và Azerbaijan hôm thứ Ba (29/9) đã cáo buộc lẫn nhau nã đạn vào lãnh thổ của mình và bác bỏ việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước này ở khu vực Nagorno-Karabakh có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện, Reuters đưa tin.
Hôm Chủ nhật (27/9) giao tranh ác liệt đã nổ ra giữa Azerbaijan và các lực lượng Armenia dân tộc thiểu số. Bất chấp những lời kêu gọi hòa bình khẩn cấp từ Nga, Hoa Kỳ và các nước khác, cuộc xung đột này có nguy cơ leo thang hơn nữa.
Xung đột đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định ở khu vực Nam Caucasus, một hành lang nơi đặt các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến các thị trường thế giới.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thẳng thừng loại trừ mọi khả năng đàm phán. Trong khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố rằng việc đàm phán hòa bình không thể diễn ra trong khi giao tranh vẫn tiếp tục.
Điểm tin thế giới tối 30/9:
Trump chất vấn quan hệ của con trai Biden
với Trung Quốc, Nga và Ukraine
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (30/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trump chất vấn quan hệ của con trai Biden với Trung Quốc, Nga và Ukraine
“Trung Quốc đã mua chuộc được ông, Joe, và không có gì lạ, con trai ông vào đó là có trong tay hàng tỷ USD để quản lý, rồi kiếm được hàng triệu USD”, New York Post dẫn lời ông Trump nói trong buổi tranh luận tổng thống sáng nay (theo giờ Việt Nam), đề cập đến một thỏa thuận kinh doanh đạt được sau khi Hunter Biden – con trai cả ông Joe Biden – bay đến Trung Quốc vào năm 2013 trên chiếc Không lực Hai.
“Điều đó đơn giản là không đúng”, ông Biden trả lời.
“Tôi cũng hơi tò mò một chút, tại sao vợ của thị trưởng Moscow lại đưa cho con trai ông 3,5 triệu đôla?” ông Trump nói, đề cập đến một cáo buộc trong báo cáo dài 87 trang từ Ủy ban An ninh Nội địa và Chính phủ của Thượng viện.
Elena Baturina, người phụ nữ giàu nhất Nga và là góa phụ của Yury Luzhkov, cựu thị trưởng Moscow, bị cáo buộc đã thực hiện vụ chuyển nhượng vào năm 2014.
“Con trai ông đã làm gì để nhận được điều đó”, ông Trump hỏi dồn ông Biden. “Anh ta đã làm gì ở Burisma để xứng đáng nhận được 183.000 USD?”, ông hỏi thêm, đề cập đến công ty năng lượng Ukraine đã thuê con trai của Biden trong khi ông này phụ trách chính sách về Ukraine dưới thời chính quyền Obama.
Không có điều nào trong số các cáo buộc là đúng… [Các cáo buộc] hoàn toàn không có độ tin cậy,” ông Biden nói tại cuộc tranh luận.
“Hunter bị đuổi khỏi quân đội. Anh ta đã bị tống ra ngoài, bị giải ngũ một cách thảm hại vì sử dụng cocaine. Và anh ấy không có việc làm cho đến khi ông trở thành phó Tổng thống… anh ta đã kiếm được nhiều tiền ở Ukraine, Trung Quốc và Moscow và nhiều nơi khác”, ông Trump nhấn mạnh.
“Không đúng!”, ông Biden lặp lại sau mỗi cáo buộc.
Ông Suga có thể thăm Việt Nam vào tháng 10
Đài NHK của Nhật Bản ngày 30/9 cho biết Thủ tướng Suga Yoshihide có thể thăm Việt Nam và Indonesia vào giữa tháng 10.
Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản cho rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam là điều kiện tốt để ông Suga thực hiện kế hoạch của mình. Chuyến đi này nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN, với mục tiêu thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trước đây thủ tướng Abe cũng đã chọn Việt Nam và Indonesia cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình sau khi chính thức vào nhiệm kỳ thứ hai. Giới quan sát đa phần tin rằng ông Suga sẽ tiếp nối các chính sách của người tiền nhiệm Abe.
Ấn Độ bác bỏ cách diễn giải ranh giới kiểm soát thực tế của Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 29/9 đã bác bỏ hoàn toàn các tuyên bố của Trung Quốc về vị trí của Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, nhấn mạnh rằng yêu sách năm 1959 của Bắc Kinh không được phía Ấn Độ nhất trí.
Bộ này cũng cho biết cả hai quốc gia “cam kết làm rõ và xác nhận LAC để đạt được thoả thuận chung và việc phía Trung Quốc khẳng định rằng chỉ có một LAC trái với những cam kết trang nghiêm mà họ đã đưa ra”.
Theo trang NDTV của Ấn Độ, tuyên bố của Bộ Ngoại giao được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về lập trường của Bắc Kinh đối với LAC. Trong đó, Trung Quốc đã trích dẫn thỏa thuận năm 1959, nhưng đã bị New Delhi bác bỏ liên tục.
Hiện cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đang đổ lỗi cho nhau sau những căng thẳng gần đây ở khu vực biên giới tranh chấp.
Triều Tiên tuyên bố có khả năng ‘răn đe chiến tranh hiệu quả’
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song hôm 29/9 tuyên bố nước này đã sở hữu năng lực răn đe chiến tranh và sẽ tập trung phát triển kinh tế.
Theo Reuters, trong bài phát biểu trước trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Kim nói rằng: “Hòa bình thật sự chỉ có thể được bảo đảm khi một nước sở hữu sức mạnh tuyệt đối nhằm ngăn chiến tranh xảy ra. Chúng tôi đã thắt lưng buộc bụng để phát triển khả năng răn đe chiến tranh hiệu quả và đáng tin cậy nhằm tự bảo vệ mình, giờ đây hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực đã được bảo đảm chắc chắn”.
Quan chức Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng vẫn đang bị đe dọa bởi những khí tài quân sự hiện đại như tiêm kích tàng hình được Mỹ và đồng minh triển khai trong khu vực, cũng như “mọi loại đòn tấn công hạt nhân đang nhằm vào Triều Tiên”.
Ông Kim Song cũng thừa nhận các lệnh cấm vận quốc tế đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này, đồng thời những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn viêm phổi Vũ Hán xâm nhập cũng làm Bình Nhưỡng hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Azerbaijan tuyên bố tiêu diệt hệ thống tên lửa S-300 của Armenia
Theo Sputnik, quân đội Azerbaijan hôm nay vừa tuyên bố các lực lượng quân sự của họ đã tấn công phá hủy một hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Armenia do Nga sản xuất ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Trước đó 1 ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết Armenia đã bắt đầu di chuyển các hệ thống tên lửa S-300 từ thủ đô Yerevan tới khu vực biên giới dọc theo lãnh thổ Azerbaijan.
Một vị đại tá của quân đội Azerbaijan khẳng định các hệ thống tên lửa này đã chịu chung số phận cùng với các phương tiện quân sự khác mà quân đội Azerbaijan đã phá hủy ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Theo Bộ Quốc phòng Armenia, ngày 29/9 đã có thêm ít nhất 26 binh sỹ người Armenia thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với quân đội Azerbaijan, nâng số người chết ở phía Armenia lên 84 người trong đợt giao tranh ác liệt nhất trong hơn một phần tư thế kỷ.
Tây Ban Nha rơi vào đợt Covid thứ 2, Ý bình an:
Bài học nào cho châu Âu ?
Trọng Thành
Đầu tháng 9/2020, giới chuyên gia còn khá phân vân trước câu hỏi: châu Âu có đang bước vào làn sóng Covid thứ hai ? Đến cuối tháng 9, tình hình ngày một rõ. Nếu không có các biện pháp kịp thời và phù hợp, dịch Covid-19 rất có thể một lần nữa khiến châu lục khủng hoảng trầm trọng. Tây Ban Nha đang là tâm dịch, nước Ý tương đối bình an. Rút ra các bài học từ hai kinh nghiệm tương phản này có thể giúp châu Âu đối phó tốt hơn với đại dịch.
Ý là quốc gia đầu tiên của châu Âu bị Covid-19 tấn công đầu năm 2020. Vài tuần sau, cùng với Pháp, Tây Ban Nha trở thành nạn nhân tiếp theo. Cả Ý, cả Pháp, cả Tây Ban Nha đều trải qua giai đoạn phong tỏa kéo dài nhiều tháng, trước khi bắt đầu ra khỏi phong tỏa vào mùa hè này.
Với mùa lạnh đang tới, châu Âu đang đối mặt với nguy cơ làn sóng Covid thứ hai. Tuy nhiên, mối đe dọa là rất khác biệt tùy theo từng quốc gia. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của châu Âu (ECDC), công bố ngày 24/09/2020, Tây Ban Nha nằm trong nhóm 7 quốc gia « rất đáng ngại », cùng với Rumani, Bulgari, Hungary, Croatia, CH Séc và Malta. Ngược lại, Ý nằm trong nhóm 7 nước tình hình được coi là tương đối ổn định, cùng với Đức, Ba Lan, Phần Lan, Hy Lạp, Chypre và Litva. Pháp nằm trong nhóm 13 nước còn lại của Liên Âu, tức nhóm « có xu hướng đáng ngại ».
Theo các số liệu thống kê chính thức, về số người dương tính với virus tại ba nước, vào giữa tháng 9 (từ 14 đến 26/09), nước Ý có trung bình 34,5 ca trên 100 000 dân, so với 204,5 tại Pháp và 320 ở Tây Ban Nha. Về số người chết vì Covid-19, trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 28/09, tại Ý có 183 người, tại Pháp có 617, trong khi ở Tây Ban Nha là 916 người. Tây Ban Nha đứng đầu châu Âu với tổng số 750.000 người dương tính với virus (tăng thêm khoảng 300.000 người trong vòng 1 tháng).
Tinh thần kỉ luật và văn hóa bảo vệ gia đình
Khi đại dịch Covid tràn đến châu Âu, Ý được coi là cửa ngõ đầu tiên. Tình hình tại Ý trong tháng 3/2020 rất thê thảm, với số tử vong có lúc lên tới gần 1.000 người trong một ngày. Cho đến đầu tháng 5, số tử vong vẫn xấp xỉ 500 người/ngày. Vậy mà giờ đây, tình hình tại Ý được coi là trong tầm kiểm soát. Tinh thần kỉ luật chống dịch (mới hình thành trong thời gian đại dịch hồi đầu năm) và văn hóa phổ biến trong xã hội vốn rất coi trọng bảo vệ sức khỏe của người thân trong gia đình được coi là hai nguyên nhân căn bản (bên cạnh nguyên nhân thứ ba là quá trình ra khỏi phong tỏa được tiến hành một cách bài bản, dần từng bước). Thông tín viên Éric Sénanque của RFI từ Roma cho biết cụ thể:
Trước hết là vấn đề tuân thủ kỷ luật. Trước đây, đối với các nước láng giềng, dân Ý vốn được coi là không dễ khép mình vào kỷ luật. Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ định kiến này, và cho thấy là, về mặt y tế, người dân bán đảo rất xem trọng mối đe dọa dịch bệnh.
Ông Jean Luca, chủ một quán bar, đã không hề do dự khi buộc các khách hàng không mang khẩu trang phải rời khỏi quán. Đối với vị chủ quán này, thì việc tuân thủ các quy định là điều không thể thương lượng. Theo ông, con đường tốt nhất để đẩy lùi dịch bệnh là tuân thủ các hướng dẫn của giới có thẩm quyền về chính trị và khoa học. Người chủ quán cũng nhấn mạnh : ‘‘Phải lắng nghe hướng dẫn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, phải đeo khẩu trang ! Đây không phải là một trò chơi, phải tuân thủ ! Đừng nổi loạn ! Thái độ phản đối vô chính phủ càng khiến tình hình dịch bệnh trầm trọng hơn’’.
Một trong những yếu tố giải thích khác cho tình hình dịch bệnh ít lây lan là nỗi sợ. Nỗi sợ là một động lực. Sợ lây nhiễm cho người thân, sợ bị phạt. Khắp nơi tại Ý, cảnh sát phạt người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Ví dụ như tại Napoli, nơi chính quyền đe dọa phạt người không mang khẩu trang đến 1.000 euro.
Tại Ý, việc gia đình có vị trí rất quan trọng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến tình trạng dịch bệnh được kìm hãm. Riccardo Antoniucci, một phóng viên trẻ, chúng tôi gặp tại một khu phố nghèo ở Roma, cho biết, ‘‘có một điểm tiêu biểu cho văn hóa cơ bản của người Ý, đó là sự tôn trọng gia đình, tôn trọng những người mà ta chung sống. Người Ý thường sống chung với cha mẹ, với ông bà. Ớ đây, chúng tôi có xu hướng tránh tiếp xúc sát, ôm hôn ông bà mình chẳng hạn, tránh có các tiếp xúc gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình’’.
Giống như nhiều nước, Ý cũng bị đại dịch tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, các biện pháp nghiêm ngặt mà chính quyền áp đặt ngay từ ngày 01/03 và quá trình dỡ bỏ phong tỏa được tiến hành một cách có bài bản dường như đã đóng vai trò trong việc giảm nhẹ mức độ lây lan của dịch bệnh..
Đọc thêm : Covid-19 tại châu Âu: Ý bất ngờ chặn được làn sóng thứ hai ?
Không khí hội hè gây lo ngại
Còn về nước Tây Ban Nha thì sao ? Thông tín viên Diane Cambon từ Madrid trước hết cho biết không khí hội hè bất chấp tình hình dịch bệnh được nhiều người coi là nguyên nhân nổi bật, hàng đầu :
Một buổi tối thứ Bẩy tại Madrid, tại quảng trường de la Vida ở trung tâm thủ đô. Không khí hội hè. Trẻ nhỏ chơi trên vỉa hè, hàng quán chật người. Xung quanh một bàn ăn, 12 thanh niên tuổi từ 20 đến 25 chia nhau ba đĩa tapas, món ăn khai vị truyền thống, gồm tortilla – món bánh trứng ốp-lết của người Tây Ban Nha, chả cá tuyết, mực tẩm bột chiên. Các thực khách hoàn toàn không còn nhớ gì đến các biện pháp giãn cách tối thiểu.
Đối với Susana, một sinh viên ngành kiến trúc, thì không có gì là đáng ngạc nhiên cả. Cô nói : ‘‘Thực ra, không có nguy hiểm gì cả, chúng tôi vốn là bạn bè cùng nhóm. Tôi cho rằng tình hình được kiểm soát khá tốt ở đây. Chúng tôi cũng không thấy có nhiều người mắc bệnh. Ngoài ra, khi ra ngoài đường, chúng tôi đều đeo khẩu trang’’. Joan, một thanh niên khác, ngồi đầu kia bàn cho biết, thoạt tiên, có lo ngại, nhưng theo anh, cũng không có cách nào khác, bởi nếu không, thì làm thế nào có thể duy trì được các quan hệ ?
Thiếu biện pháp phòng dịch rõ ràng, nhất quán
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách giải thích nghiêng về lối sống cá nhân và tập quán truyền thống này. Nhà chính trị học Pháp, ông Philippe Moreau Defarges (viện IFRI), trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo 20 Minutes (ngày 08/09), nhận định : việc sử dụng các yếu tố mang tính văn hóa, lối sống để giải thích nguyên nhân dịch bệnh không đủ thuyết phục, bởi đây là « các yếu tố khó lượng hóa ». Mặt khác, có thể tìm thấy các hiện tượng tương tự trong nhiều xã hội khác, nhưng không phải xã hội nào cũng gánh chịu mức độ lây lan của dịch bệnh như Tây Ban Nha.
Theo nhà chính trị học Philippe Moreau Defarges, cần đặc biệt chú ý đến tình trạng đầu tư thấp cho hệ thống y tế công của Tây Ban Nha, do các khủng hoảng kinh tế và chính sách khắc khổ đi kèm. Thiếu đầu tư cho y tế cũng có nghĩa là thiếu khả năng phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Thông tín viên Diane Cambon từ Madrid dẫn lại nhận định của giáo sư y khoa Ildefonso Hernández, Đại học Alicante, nêu bật một số nguyên nhân theo hướng này:
Theo ông, có những nhân tố quan trọng khác dẫn đến làn sóng Covid thứ hai này, ví dụ như chính quyền thông tin kém về các biện pháp phòng ngừa. Theo vị giáo sư y khoa này, các biện pháp được đưa ra là quá chung chung. Chính vì vậy, người dân khó làm theo. Đôi khi, người ta bắt buộc phải mang khẩu trang một cách hết sức phi lý trong một số tình huống. Ngược lại, trong một số trường hợp, rõ ràng là có nguy cơ, nhưng việc mang khẩu trang lại không bắt buộc. Dân chúng không còn hiểu là cần phải làm gì cho đúng nữa. Với giới trẻ lại càng như vậy. Giới trẻ lại càng lơi lỏng với các biện pháp phòng ngừa, bởi họ biết rằng họ rất ít gặp hiểm nguy, ít hơn hẳn so với lớp những người cao tuổi.
Chính quyền đầu tư ít cho y tế công
Một nguyên nhân nữa cũng bị điểm mặt. Đó là việc thiếu các phương tiện ngăn dịch. Giáo dục và y tế là thuộc quyền quyết định của mỗi vùng, trong số 17 vùng tại Tây Ban Nha. Mà, mỗi vùng lại có các định hướng đầu tư khác nhau đối với y tế công.
Giáo sư Ildefonso Hernández chỉ trích chính sách y tế công của chính quyền vùng thủ đô Madrid, từ hàng chục năm nay nằm trong tay phe hữu bảo thủ : ‘‘Madrid là ví dụ tiêu biểu của tình trạng thiếu các phương tiện chẩn đoán sớm các trường hợp lây nhiễm, và việc cách ly những người có tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ. Tại Madrid, có thể thấy có sự tương phản rất lớn trong đầu tư cho y tế công so với nhiều vùng khác, đã đối phó tương đối tốt hơn với dịch bệnh. Tại vùng thủ đô, con số người nhiễm virus cao hơn rất nhiều’’.
Số lượng người dương tính với virus cao hơn rất nhiều đặc biệt tại các khu phố nghèo, tại vùng ngoại ô phía nam của thủ đô Madrid. Tại những khu phố này, dân cư thường sống chen chúc, và đó cũng là nơi mà mạng lưới y tế tư nhân gần như không tồn tại. Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia nhận định : đỉnh dịch Covid lần thứ hai này gây thiệt hại nặng nề nhất đối với các tầng lớp dân cư nghèo khó. Đây cũng là những thành phần không có điều kiện làm việc từ xa hay có phương tiện di chuyển riêng.
Trung ương – địa phương trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Nhật báo Le Monde, trong một phân tích cách đây ít tuần (ngày 12/09), cũng nhấn mạnh đến việc bộ Y Tế của chính phủ cánh tả đã có một kế hoạch ra khỏi phong tỏa một cách bài bản, với chủ trương gắn liền việc mở lại hoạt động bình thường với việc các vùng có đủ năng lực rà soát, phát hiện người nhiễm virus kịp thời. Tuy nhiên, do áp lực của nhiều vùng tự trị và do thiếu đa số tại Quốc Hội, chính phủ Tây Ban Nha đã không duy trì được khả năng kiểm soát chiến lược toàn quốc đối phó với dịch, buộc phải trao quyền cho các vùng. Và để có được sự ủng hộ của đa số trong Quốc Hội, chính phủ đã buộc phải dỡ bỏ tình trạng báo động vào cuối tháng 6, tức sớm hơn dự định một tháng.
Trên thực tế, vấn đề không phải do tự thân chế độ tản quyền, mà là do khả năng phối hợp giữa chính quyền các địa phương với chính quyền trung ương, để tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Tại Đức, chính phủ của thủ tướng Merkel nhìn chung được coi là đã thành công trong việc điều phối chiến lược đối phó dịch giữa các bang. Tại Tây Ban Nha, trước tình trạng dịch bệnh tăng mạnh, có nguy cơ buộc phải áp đặt phong tỏa trở lại lần thứ hai trên toàn quốc, chính quyền vùng thủ đô Madrid cánh hữu, ngày 29/09/2020, đã phải chấp nhận các khuyến nghị của chính phủ cánh tả, ban hành một loạt các biện pháp siết chặt phòng dịch tại vùng thủ đô (Le Figaro ngày 30/09). Tính cho đến hiện tại, hơn 1 triệu dân vùng thủ đô Madrid (trên tổng số hơn 6,6 triệu dân) không được phép rời nhà, ngoại trừ vì các lý do đặc biệt như đi làm, đi bác sĩ hay đưa con đến trường.
Châu Âu: Cảnh giác cao, rà soát lại các kinh nghiệm
Ra hè, Liên Hiệp Châu Âu được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ với nguy cơ đại dịch Covid trở lại lần nữa. Với tỉ lệ người có kháng thể với virus gây bệnh Covid-19 mới chỉ dưới 15% tại đa số các quốc gia Liên Âu và Vương Quốc Anh (còn xa với tỉ lệ cho phép đạt được « miễn dịch cộng đồng »), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của châu Âu (ECDC) nhấn mạnh « tính chất dễ tổn thương của toàn Liên Hiệp là ở mức độ cao ».
Ngay cả nước Ý, vốn được coi là một khu vực tương đối bình an, cũng hết sức cảnh giác. Nhà miễn dịch học Flavia Riccardo thuộc Viện Y học Cao cấp ở Roma, nhận xét ở đây cũng như những nơi khác, dân chúng mệt mỏi và căng thẳng trông đợi dịch bệnh chấm dứt, nhưng không biết đến khi nào. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, hai tháng 10 và 11 tới sẽ là giai đoạn « đặc biệt khó khăn » với châu lục.
Bối cảnh hiện nay khiến châu Âu càng buộc phải rà soát lại kinh nghiệm nhiều mặt của các hiện tượng được coi là thành công, hay thất bại, để rút ra các bài học sát sườn, nhằm đối phó với dịch, một cách phù hợp, kịp thời, nhưng không quá mức khắc nghiệt, sẽ gây tổn hại quá mức cho nền kinh tế và xã hội. Kinh nghiệm nước Bỉ phong tỏa triệt để, nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, hay ngược lại trường hợp Thụy Điển (*), vốn bị phê phán kịch liệt, coi như một biểu hiện thất bại của chiến lược « tự miễn dịch cộng đồng », cũng bắt đầu được một số chuyên gia yêu cầu xem xét lại.
Ghi chú
(*) Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế Tổng quát (Institut de la santé globale), Genève, hoàn toàn không thể nói xã hội Thụy Điển không có chiến lược phong tỏa ngăn dịch. Thụy Điển cũng áp dụng hàng loạt biện pháp, như khuyến khích làm việc từ xa, hạn chế đi lại, nhiều hỗ trợ tài chính hay tạo điều kiện thuận lợi cho người nghỉ ốm… Tóm lại, có thể nói đây là phương thức « tự phong tỏa », với rất nhiều điểm khác biệt với các mô hình đã biết tại châu Âu. Bác sĩ Antoine Flahault nhấn mạnh, nhiều biện pháp của Thụy Điển dựa trên trách nhiệm cá nhân và niềm tin (Le Figaro, 25/09/2020).
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200930-covid-y-taybanha-baihoc-chauau