Đọc báo Pháp – 30/06/2020
Tân Cương: Từ trại tập trung đến triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ – Tú Anh
Sinh thái trở thành lực lượng chính trị số một ở các thành phố lớn, cử tri vắng mặt kỷ lục, nhiều thành trì truyền thống đổi chủ, đó là ba cuộc động đất trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Pháp ngày chủ nhật được tất cả các báo khai thác. Thời sự quốc tế, nổi bật nhất, là phát pháo khai hỏa của Liên minh các nghị sĩ vì Trung Quốc, tố cáo chính sách triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Nước Pháp một màu kim cương xanh
Thời sự Pháp, một “làn sóng xanh” tràn ngập các trang báo với dự báo tổng thống Macron phải theo con đường sinh thái vì không có cách nào khác, ý dân đã muốn như thế.
Đâu là những hiện tượng bất ngờ trong cuộc bầu cử địa phương tại Pháp ngày hôm qua ? Macron trả lời những đòi hỏi của làn sóng xanh, tựa của Le Figaro. Le Monde điểm qua một số sự kiện tiêu biểu sau cuộc bầu cử: Làn sóng xanh tràn ngập các đô thị, cử tri vắng mặt kỷ lục 60%, đảng cực hữu chỉ chiếm được Perpignan, một thành phố trên 100.000 dân, đảng Xã Hội ghi một số bàn thắng vẻ vang, nhưng bị chiến tích của phong trào sinh thái phủ bóng.
Hàng loạt thành phố, thành trì của hai phe tả hữu rơi vào tay liên minh EELV, Sinh Thái Châu Âu-đảng Xanh. Đảng cộng sản Pháp đã èo uột lại mất thêm căn cứ địa Saint Denis, với gần 400.000 dân ở ngoại ô bắc Paris. Theo bình luận của Le Figaro, tổng thống Pháp sẽ nương theo thế đang lên của phong trào chống biến đổi khí hậu, bật đèn xanh cho chính sách môi trường ở hai năm cuối nhiệm kỳ.
Ông chấp nhận gần như toàn bộ 149 đề nghị của nhóm 150 công dân về môi trường. Tổng thống phải nghe theo công luận, tức cử tri, không những vì lý do chính trị, mà cũng vì thực tế đòi hỏi: tình trạng biến đổi khí hậu đã trở thành khẩn cấp, không thể phủ nhận.
Cùng chủ đề này, La Croix và Les Echos sử dụng cùng một tấm ảnh tổng thống Macron với nắm tay cương quyết, trong buổi tiếp xúc với nhóm công dân 150 người trên sân cỏ Điện Elysée hôm thứ hai, một ngày sau bầu cử. Nhật báo kinh tế dành nhiều trang để giới thiệu các thành viên của phong trào sinh thái còn vô danh đối với đại đa số người Pháp vừa đắc cử thị trưởng các thành phố lớn.
Cũng dưới bức ảnh này, nhật báo Công giáo kêu gọi tổng thống Pháp hướng về sinh thái theo yêu cầu của tập thể 150 công dân dấn thân. Đã đến lúc hành động, đó là tựa của bài xã luận. Hành động theo hướng sinh thái về ý nghĩa chính trị là quẹo sang trái, vì trong một bài phóng sự dài, nhật báo Công Giáo cho biết phong trào sinh thái đang chiếm trung tâm cánh tả tại Pháp.
Cũng rất “xanh”, với 9 trang bài vở, Libération đưa bức ảnh cặp tổng thống-thủ tướng đi dạo, chuyện trò trong một khu rừng thưa kèm theo lời chú: Trên đường truy lùng kim cương xanh. Theo Libération, chiến thắng của liên minh sinh thái là chiến thắng của tư tưởng. Nhưng có tư tưởng không chưa đủ, cần phải có nghị lực thi hành. Vấn đề là giới chính trị gia Pháp thiếu nghị lực.
Người đưa ra nhận định khiêu khích này chính là Pierre Hurmic, một khuôn mặt trẻ gần như vô danh trên chính trường Pháp, nhưng lại ghi bàn thắng lịch sử, chiếm được chiếc ghế thị trưởng Bordeaux, một thành trì của phe hữu trong suốt 75 năm.
Trung Quốc: Nhà tù khổng lồ và triệt sản phụ nữ Duy ngô Nhĩ
Về thời sự quốc tế, chính sách trấn áp của Trung Quốc, triệt sản phụ nữ Tân Cương và gây căng thẳng tại Hồng Kông chiếm các trang báo lớn của Le Monde, Les Echos, La Croix.
Le Monde dành hai cột giới thiệu hoạt động đầu tiên của các nhà lập pháp Tây phương, cấp quốc gia và cấp nghị viện Châu Âu trong hiệp hội mang tên Liên Minh Nghị sĩ vì Trung Quốc IPPC. Vừa được thành lập vào ngày 05/06/2020 trong bối cảnh quốc tế phân tâm vì đại dịch Covid-19, Liên minh, với hơn 100 nghị sĩ, dân biểu của 15 nước Châu Âu, chọn mục tiêu nhạy cảm nhất để bắn phát pháo đầu: Chính sách triệt sản của Trung Quốc tại Tân Cương.
Kể từ hôm nay 30/06. các nghị sĩ, dân biểu thành viên cùng phát động chiến dịch đánh động công luận ở nước mình quan tâm đến Tân Cương. Chiến dịch dựa theo bản báo cáo của nhà nghiên cứu người Đức Adrien Zens, công bố hôm 29/06, đưa ra ánh sáng chính sách kiểm soát sinh sản ở Tân Cương, thi hành từ bốn năm nay, song song với chính sách cưỡng bách cải tạo tập thể.
Trong khi tại Hoa lục, đảng Cộng sản Trung Quốc nới lỏng chính sách một con đối với người Hán, thì tại Tân Cương, 11,5 triệu dân Duy Ngô Nhĩ bị kiểm soát gắt gao hơn bao giờ hết. Triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ là hồ sơ thứ hai tố cáo Trung Quốc đàn áp tại Tân Cương. Hồ sơ thứ nhất là các trại tập trung giam cầm cải tạo hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ , cũng do nhà nghiên cứu Adrien Zens sưu tập (New York Times phổ biến hồi tháng 11/2019).
Bắc Kinh phản ứng lại bằng lá bài dân tộc chủ nghĩa bài xích Tây phương: “Thời gian đã thay đổi, Trung Quốc ngày nay không để bị (Tây phương) dọa nạt như hồi đầu thế kỷ 20”.
Hồng Kông: Bắc Kinh đổ dầu vào lửa
Trong khi đó tại Hồng Kông, không khí ngột ngạt vì sắp đến ngày 01 tháng 07, ngày mà vào năm 1997 Anh Quốc trao trả thuộc địa lại cho Trung Quốc. Phóng viên của Les Echos cho biết Bắc Kinh giả điếc trước những lời cảnh báo của quốc tế khăng khăng muốn áp đặt luật an ninh của Trung Quốc mà không ai rõ nội dung.
Ngay giới thẩm phán, luật sư Hồng Kông cũng không rõ chính xác là như thế nào đằng sau những cụm từ “chống ly khai, chống khủng bố,chống khuynh đảo, chống móc ngoặt với nước ngoài, chống can thiệp của ngoại bang…”
Cùng đề tài, La Croix dành một trang báo phân tích vì sao Bắc Kinh lo sợ đến mức phải buộc 7 triệu dân Hồng Kông tuân thủ luật an ninh Trung Quốc. Thái độ độc đoán này chỉ đưa đến hai hệ quả: đổ thêm dầu vào lửa vào ngày 01/07 và nguy cơ đàn áp đẩm máu.
Afghanistan: Tình báo quân đội Nga GRU thuê Taliban ám sát lính Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bị cáo buộc bao che cho Matxcơva. Vụ tai tiếng lần này khá nghiêm trọng: CIA biết tình báo Nga thuê taliban giết lính Mỹ ở Afghanistan, nhưng Nhà Trắng im lặng .
Theo Le Figaro, vụ việc do New York Times tiết lộ, đang làm Nhà Trắng bối rối và gây chấn động tại Mỹ. Trước tiên, New York Times cho biết tình báo Mỹ có được tin mật là GRU, cơ quan tình báo quân đội Nga, chính xác nữa là đơn vị 29155, chi tiền hậu hĩnh cho chiến binh hồi giáo Taliban ám sát binh sĩ Mỹ tại Afghanistan.
Tin này đã được thông báo cho Nhà Trắng, nhưng Tổng tư lệnh tối cao án binh bất động. Tổng thống Donald Trump chối là không hay biết, không được thông báo gì cả. Phó tổng thống Mike Pence cũng thế. Bực tức vì Nhà Trắng không phản ứng, một nhân vật sau hậu trường tiết lộ tin này với New York Times.
Theo CIA, cơ quan tình báo quân đội Nga GRU muốn trả thù vụ không quân Mỹ oanh kích giết chết hàng trăm lính đánh thuê Nga ở Syria vào ngày 07/02/2018.
Tại Nghị Viện, thượng nghị sĩ Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đồng loạt yêu cầu hành pháp giải thích.
Cuối cùng, trở lại thời sự Pháp,
tin được báo chí khai thác khá tận tình là vụ xử vợ chồng cựu thủ tướng François Fillon về tội danh biển thủ công quỹ và việc làm giả. Bản án công bố hôm qua phạt cựu thủ tướng 5 năm tù, gồm 2 năm tù giam, 3 năm tù treo và phạt 10 năm cấm ứng cử. Vợ của ông bị 5 năm tù treo, không kể mỗi người bị phạt 375.000 euro. Cả hai đã chống án ngay lập tức.
Tin tổng hợp
(The Guardian) – Trung Quốc cáo buộc Úc hoạt động gián điệp, tung tin giả.
Trong tuyên bố gửi đến các cơ quan truyền thông Úc sáng 30/06/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói đến một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo (ngày 29/06) khẳng định tình báo Úc tại Trung Quốc xúi giục đào tẩu, theo dõi sinh viên Trung Quốc và tung tin sai lệch cho các cơ quan truyền thông. Ông Triệu Lập Kiên cũng cảnh báo rằng thái độ của Úc đã « vượt quá giới hạn ».
(AP) – New Zealand hủy thượng đỉnh APEC 2021 và tổ chức họp trực tuyến.
Theo thông báo ngày 30/06/2020 của chính phủ New Zealand, lý do vẫn là do virus corona. Theo dự kiến, diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Auckland vào tháng 11/2021. Thượng đỉnh APEC, gồm 21 nước thành viên, tập trung vào các vấn đề thương mại, nhưng cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ.
(Financial Times) – Đài Loan siết quy định về đầu tư, để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các dữ liệu, công nghệ « nhạy cảm ».
Báo kinh tế Anh Financial Times hôm nay, 30/06/2020, cho hay một số giới chức cao cấp trong chính phủ Đài Loan cho biết Đài Bắc thiết lập một danh sách các lĩnh vực, bị coi là « các khe hở », có thể bị phía Trung Quốc lợi dụng để gây tổn hại cho an ninh quốc gia, đặc biệt thông qua « đầu tư không chính thức ». Theo bà Carol Lin, phụ trách một trung tâm về tài chính và quản trị doanh nghiệp, đại học Quốc gia Chiaotung, hiện tượng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc ẩn sau các nhà đầu tư ngoại quốc khác, lợi dụng các lỗ hổng pháp lý, là khá phổ biến. Hiện chính quyền chưa có phương tiện pháp lý để ngăn chặn.
(AFP) – Covid-19 : Chính phủ Anh thắt chặt phong tỏa ở Leicester do có nhiều ca nhiễm mới.
Thành phố miền trung Anh Quốc có gần 3.000 ca nhiễm virus corona từ đầu mùa dịch, nhưng có đến 866 ca nhiễm mới trong vòng hai tuần gần đây. Leicester trở thành nơi đầu tiên ở Anh Quốc bị hạn chế ở quy mô địa phương. Theo bộ trưởng Y Tế Matt Hancock, mọi hàng quán ở Leicester bị đóng cửa trở lại từ ngày 30/06 và trường học từ ngày 02/07. Các biện pháp trên sẽ được đánh giá lại trong hai tuần tới.
(RFI) – Thổ Nhĩ Kỳ : Luật sư biểu tình phản đối dự luật về hoạt động của luật sư đoàn.
Đảng của tổng thống Recep Tayyip Erdodan đệ trình văn kiện lên Nghị Viện ngày 30/06/2020. Khoảng 46.000 luật sư đoàn Istanbul đã biểu tình trước Tòa Án để phản đối, vì theo nhiều người, sự độc lập của tư pháp thêm một lần nữa bị vi phạm vì dự thảo luật trên.
Reuters) – Liên Hiệp Quốc kêu gọi quyên góp 10 tỉ đô la cho Syria.
Trong một hội nghị qua cầu truyền hình hôm nay, 30/06/2020, với chủ đề « Hậu thuẫn cho tương lai Syria và khu vực », LHQ kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp số tiền nói trên, để trợ giúp 11 triệu người Syria trong nước, đa số đang bị nạn đói đe dọa, và 6,6 triệu người Syria đang tị nạn ở nhiều nơi trên thế giới. Năm ngoái, Liên Hiệp Quốc đã huy động được khoảng 7 tỉ đô la. Năm nay, tình hình đặc biệt thêm khó khăn, do đại dịch Covid-19.
(AFP) – Pháp: Hội nghị Công dân vì Khí hậu (CCC) trình 149 kiến nghị lên tổng thống.
Hôm qua, 29/06/2020, tổng thống Emmanuel Macron cho biết chấp thuận 146 trên tổng số 149 kiến nghị của CCC. Tổng thống cho biết sẽ chuyển các kiến nghị đến chính phủ, Quốc Hội, hoặc đưa ra trưng cầu dân ý. CCC được tổng thống lập ra hồi đầu năm 2019, với sự tham gia của 150 công dân, nhằm đưa ra các đề xuất giúp cho công cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh. Ông Macron cũng thông báo sẽ bổ sung 15 tỉ đô la vào 2 năm tới để hỗ trợ công cuộc này. Thông báo của tổng thống được đưa ngày hôm sau cuộc bầu cử địa phương vòng hai, với kết quả đảng cầm quyền thua đậm, đảng Xanh thắng lớn.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200630-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 30/6:
Tượng Washington bị bôi bẩn;
Ấn Độ giục Nga giao tên lửa
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (30/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Tượng Washington bị bôi bẩn bằng sơn đỏ
SBS đưa tin sáng thứ Ba, hai bức tượng của nhà lập quốc Hoa Kỳ George Washington tại Công viên Quảng trường Washington ở New York đã bị bôi bẩn bằng sơn đỏ.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình với danh nghĩa đòi quyền sống cho người da đen vẫn đang tiếp tục sau cái chết của Floyd, một tội phạm ma túy có nhiều tiền án mới bị ngộ sát.
Nhiều người biểu tình, đa số trong đó là người da đen, đã trở nên quá khích, họ lợi dụng các cuộc tuần hành để đập phá tài sản công, tư và hôi của, nhiều bức tượng các anh hùng dân tộc Mỹ bị phá hủy, thậm chí họ còn hô hào đập tượng Chúa Jesus vì ông cũng là người da trắng.
Tổng thống Trump đã cam kết sẽ mạnh tay đối với bất kỳ ai phá hủy hoặc phá hoại các di tích lịch sử của Hoa Kỳ.
Ấn Độ thúc Nga sớm giao tên lửa để kịp đối phó Trung Quốc
Cuối tuần qua, truyền thông Nga đưa tin, Moscow đã đồng ý bàn giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ vào tháng 1/2021, sớm hơn gần một năm so với kế hoạch, theo bản tin tối thứ Hai của SCMP.
New Delhi đã yêu cầu Moscow đẩy nhanh việc thực hiện hợp đồng vũ khí trị giá 5,43 tỷ USD trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Bắc Kinh. Theo hợp đồng Ấn Độ đã ký với Nga vào tháng 10/2018, các tên lửa đầu tiên trong hệ thống S-400 sẽ được Moscow chuyển giao cho New Delhi vào cuối năm 2021.
Các nhà phân tích quân sự nhận định, việc Ấn Độ nhận chuyển giao hệ thống tên lửa của Nga có thể đặt ra mối đe dọa đối với Trung Quốc ở dài hạn trong các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Bắc Kinh ép phụ nữ Duy Ngô Nhĩ triệt sản
Một báo cáo đã chỉ ra việc chính quyền Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát dân số của người Duy Ngô Nhĩ khi cưỡng buộc nhiều phụ nữ của sắc dân thiểu số này phải triệt sản, SBS News đưa tin sáng thứ Ba.
Một nhà nghiên cứu người Đức tên là Adrian Zenz, trong một báo cáo mới được công bố, đã tiết lộ các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, cho biết phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, cùng với phụ nữ của các dân tộc thiểu số khác, đang bị đe dọa khi họ từ chối triệt sản theo yêu cầu của nhà cầm quyền.
Chính quyền Trung Quốc nói báo cáo này là vô căn cứ, trong khi đó Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức chiến dịch được mô tả trong báo cáo vốn dựa trên sự kết hợp của dữ liệu được công bố chính thức, các tài liệu về chính sách của Trung Quốc và các cuộc phỏng vấn với những phụ nữ dân tộc thiểu số. (chi tiết)
WHO ‘cảnh báo’: Điều tồi tệ nhất từ đại dịch Covid còn chưa tới
Điều tồi tệ nhất từ đại dịch Covid-19 vẫn chưa đến, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “cảnh báo” hôm thứ Hai trong một cuộc họp báo ngắn, theo SBS News và CBS News.
Ông Tedros nói thêm rằng đại dịch sẽ còn lâu mới kết thúc, và lấy làm tiếc khi phải nói ra thực tế này. “Với loại môi trường và điều kiện này, chúng tôi lo sợ điều tồi tệ nhất”, người đứng đầu WHO cho hay.
Theo cập nhật của Worldometers, tính tới sáng thứ Ba (giờ Việt Nam), thế giới có 10.388.982 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 507.356 người tử vong, 5.645.371 người đã hồi phục. Hiện Hoa Kỳ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, kế tiếp là Brazil và Nga. Dịch bệnh cũng đã tái bùng phát tại Trung Quốc. Chính quyền của nước này đã phong tỏa gần nửa triệu dân ở khu vực Bắc Kinh, bằng các biện pháp bị lên án là cực đoan, vốn từng áp dụng tại Vũ Hán vào đầu năm nay.
Mỹ ngừng xuất khẩu một số mặt hàng sang Hồng Kông
Hoa Kỳ đang ngừng việc xuất khẩu các gói hàng quốc phòng sang Hồng Kông và đang xem xét các hạn chế hơn nữa đối với thương mại của hòn đảo này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết hôm thứ Hai, theo Reuters.
Ông Pompeo thông báo, từ thứ Hai, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang Hồng Kông và cũng sẽ thực hiện các bước để chấm dứt xuất khẩu công nghệ sử dùng cho cả quân sự và thương mại, sang vùng lãnh thổ này.
“Quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc tước quyền tự do của Hồng Kông [bằng luật an ninh], đã buộc chính quyền Tổng thống Trump phải đánh giá lại các chính sách của mình đối với vùng lãnh thổ này”, ông Pompeo nói.
Điểm tin thế giới tối 30/6:
Trung Quốc thừa nhận xả đập Tam Hiệp;
Nhật Bản và Đài Loan chỉ trích Bắc Kinh
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (30/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc thừa nhận xả đập Tam Hiệp
Sau khi các video xuất hiện cuối tuần qua cho thấy các thành phố ở hạ lưu đập bị ngập lụt và người dân lo ngại họ đang phải hy sinh để cứu đập, chính quyền Trung Quốc hôm 29/6 cuối cùng đã thừa nhận rằng đợt xả lũ lần đầu tiên ở đập Tam Hiệp trong năm nay, theo Taiwan News.
Do lượng mưa lớn ở giữa và thượng lưu sông Dương Tử, dòng nước chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đã tiếp tục tăng. Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 29/6 đưa tin các nhà vận hành đã mở hai đập tràn của đập Tam Hiệp vào sáng cùng ngày, đánh dấu lần xả lũ chính thức đầu tiên của con đập lớn nhất thế giới trong năm nay. Vào lúc 8h, 34 máy phát điện của đập hoạt động đầy đủ và gần đạt công suất tối đa.
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc dự báo từ 1/7 đến 2/7, sẽ có mưa vừa đến mưa to gần các nhánh ở thượng nguồn sông Trường Giang. Đến 3/7, lượng mưa lớn và mưa giông sẽ xảy ra ở thượng nguồn sông Gia Lăng và thượng lưu sông Hàn.
Kênh truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo một đợt lũ mới đang tiến về khu vực hạ lưu đập Tam Hiệp, nơi có diện tích trên một triệu km2 và Hồ chứa Tam Hiệp có thể trải qua đợt ngập lụt mới từ đầu đến giữa tháng 7.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc sáng nay phát cảnh báo màu xanh về mưa lớn ở miền nam và tây nam Trung Quốc từ 8h ngày 30/6 đến 8h ngày 1/7.
Nhật Bản và Đài Loan chỉ trích Bắc Kinh
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay nói rằng động thái “đáng tiếc” của Trung Quốc khi thông qua luật an ninh Hồng Kông có thể làm xói mòn độ tin cậy trong chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, theo Reuters.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước liên quan để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý”, ông Suga nói.
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các phóng viên rằng cũng giống như người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, ông “quan ngại sâu sắc” về động thái của Bắc Kinh.
Trong khi đó, người phát ngôn Nội các Đài Loan Evian Ting bày tỏ, việc Bắc Kinh thông qua luật mới sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do, nhân quyền và ổn định của Hồng Kông. Chính phủ Đài Loan lên án mạnh mẽ và chúng tôi nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân Hồng Kông trong cuộc chiến vì dân chủ và tự do”.
Đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong giải tán
Đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong hôm nay thông báo giải tán sau khi chính quyền Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
“Sáng nay chúng tôi đã nhận được thông tin và chấp nhận sự rút lui của Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Chu Đình. Sau nhiều lần cân nhắc nội bộ, chúng tôi đã quyết định giải tán và ngừng mọi hoạt động”, đảng Demosisto đăng trên Twitter.
Bắc Kinh quan ngại việc Ấn Độ cấm ứng dụng Trung Quốc
Bắc Kinh hôm nay bày tỏ sự quan ngại về việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu là của Trung Quốc, theo Al Jazeera.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay nói với các phóng viên rằng Ấn Độ phải có trách nhiệm duy trì các quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc luôn yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ luật pháp và quy định quốc tế và địa phương”, ông Triệu tuyên bố.
Bộ công nghệ Ấn Độ đã ban hành một chỉ thị, trong đó nêu rõ các ứng dụng này là có “định kiến về chủ quyền và sự toàn vẹn của Ấn Độ, quốc phòng của Ấn Độ, an ninh quốc gia và trật tự công cộng” của Ấn Độ. Trong số 59 ứng dụng bị cấm, có TikTok của Bytedance và WeChat của Tencent, hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc.
Ông Maduro yêu cầu đại sứ EU phải rời Venezuela trong 72 giờ
Tổng thống Venezuela Maduro yêu cầu trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Caracas, bà Isabel Brilhante Pedrosa, phải rời Venezuela trong 72 giờ nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của EU, theo AFP.
“Chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa trong vòng 72 giờ, bà ấy sẽ được thu xếp một máy bay để rời Venezuela, nhưng chúng tôi sẽ dàn xếp mọi thứ với EU”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 29/6 tuyên bố, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt 11 quan chức Venezuela.
Tuy nhiên, không phận nước này đang cấm các chuyến bay thương mại do ảnh hưởng của Covid-19, nên chưa rõ bà Pedrosa sẽ rời đi bằng cách nào.
Tờ Al Jazeera cho biết, vào hôm 29/6, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 11 quan chức Venezuela, với lý do hành động của họ chống lại các hoạt động dân chủ của Quốc hội nước này. Trong số các quan chức Venezuela bị EU trừng phạt hôm 29/6 có nghị sĩ đối lập Luis Parra, người được chính quyền Maduro hậu thuẫn làm chủ tịch Quốc hội thay thủ lĩnh đối lập Juan Guaido.
Báo động đỏ kinh tế toàn cầu suy sụp
Thanh Hà
Thế giới đang đứng trước một cuộc « khủng hoảng với những tác động tai hại hơn mọi dự báo », « đà phục hồi chậm hơn so với mong đợi » và dịch Covid-19 đẩy toàn cầu vào một môi trường « đầy bất trắc ».
Từ Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) đến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hay Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng của thế giới cho giai đoạn 2020 và 2021.
Tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi khai mạc hội nghị ASEAN trực tuyến đã không mấy lạc quan khi tuyên bố đại dịch đã làm tiêu tan những thành tích tăng trưởng mà các nước trong vùng Đông Nam Á đã tích lũy được trong nhiều năm.
Virus corona tai hại hơn Lehman Brothers
« Covid-19 cuốn trôi 12.000 tỷ đô la của cải trên thế giới ». IMF trong báo cáo công bố hôm 24/06/2020 báo động virus corona tác động đến tất cả mọi khu vực địa lý trên toàn cầu. GDP của thế giới thấp hơn đến 4,9 % so với hồi năm 2019. Để so sánh, vẫn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chỉ ra rằng, trong trận đại hồng thủy tài chính hồi năm tháng 9/2008 với vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers vỡ nợ, chỉ có 0,1 % GDP toàn cầu tan biến.
Khác biệt quan trọng giữa vụ ngân hàng Mỹ phá sản và đại dịch Covid-19 lần này là tất cả các đầu máy kinh tế của thế giới hồi 2008/2009 đã không bị « hỏng » hay « đóng băng » cùng một lúc như dưới tác động của virus corona.
Nhìn vào những cột trụ kinh tế của thế giới, Trung Quốc là một ngoại lệ « may mắn » với dự báo tăng trưởng đang từ 6,9 năm ngoái rơi xuống còn 1 % dưới tác động của một loại siêu vi chủng mới xuất phát từ Vũ Hán. Trong khi đó, từ Mỹ đến châu Âu hay Nhật Bản, GDP không tăng mà lại giảm.
Tăng trưởng của Hoa Kỳ là âm 8 % trong năm nay. Tổng sảm phẩm nội địa tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu giảm hơn 10 %. Pháp bị nặng hơn so với mức trung bình của euro zone (-12,5 %).
Trước IMF hơn một chục ngày, báo cáo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, trụ sở tại Paris, đã đưa ra những kết luận tương tự : Pháp là một trong những quốc gia bị Covid-19 tấn công mạnh nhất về mặt kinh tế. Tổng sản phẩm nội địa của Pháp giảm 11,4 % trong năm nay, với điều kiện Paris tránh được « làn sóng thứ hai » của Covid-19.
6 % GDP của 37 nước thành viên OCDE có nguy cơ bị « bốc hơi » vì virus corona và tệ hơn nữa là nếu dịch tái phát, để rồi một phần các sinh hoạt lại bị « đóng cửa » như hồi mùa xuân vừa qua, thiệt hại ước tính sẽ lên tới 7,6 %.
Trả lời trên kênh truyền hình France 24 kinh tế trưởng tại OCDE Laurence Boonegiải thích, các dự báo đều bi quan bởi thế giới đang đứng trước nhiều ẩn số : đầu tiên hết là ẩn số chung quanh siêu vi SARS-CoV-2. Chính vì vậy mà Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế đã phác họa ra hai kịch bản khác nhau :
“Có hai điểm nổi bật : thứ nhất là khủng hoảng chúng ta đang trải qua lớn gấp đôi so với biến cố hồi 2008-2009 và thứ nhì, đây là lần đầu tiên toàn cầu bị tấn công cùng lúc, không một khu vực nào được yên ổn. Chúng ta đang đứng trước nhiều bất trắc, cho nên tổ chức OCDE lập ra hai kịch bản để tìm cách đối phó hiệu quả nhất”.
Vắc-xin, điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế như xưa ?
Trong 60 năm hoạt động, OCDE lần đầu tiên ghi nhận trong thời bình mà nhân loại lại bị « nghèo đi » và Covid-19 gây trở ngại cho tiến trình « hội nhập kinh tế của thế giới », kèm theo đó là những tác động tai hại về mặt xã hội. Mức đo lường đầu tiên là nạn thất nghiệp. Khủng hoảng về y tế lần này đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên đến 10 % trong vòng vài tuần lễ. Với tại Anh Quốc hay Pháp, OCDE dự phóng sẽ có đến 15 % dân số trong tuổi lao động bị gạt ra ngoài. Tại Tây Ban Nha, 1 người trong tuổi lao động trên 5 không có việc làm.
Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của tổ chức OCDE cho biết tiếp :
“Điều khiến chúng tôi lo ngại hơn cả, là các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng chúng ta vẫn chưa có vác-xin, chưa có thuốc trị virus corona. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa dịch. Tôi muốn nói đến ngành du lịch và tất cả những dịch vụ liên quan, như nhà hàng, khách sạn, các bảo tàng, các địa điểm giải trí, các chương trình lễ hội, các sự kiện thể thao …
Tác động kèm theo là sẽ có nhiều hãng bị phá sản, nhiều người bị thất nghiệp. Đây chính là những lĩnh vực cần được chính phủ hỗ trợ. Sự giúp đỡ đó phải đi theo hai hướng : một là giúp các công ty bị nạn tái cơ cấu lại và có thể là chuyển hướng hoạt động ; và hai là tạo điều kiện cho người thất nghiệp dễ hội nhập trở lại vào thị trường lao động. Tuy nhiêu cả hai hướng đi này đều đòi hỏi thời gian và chắc chắn là giai đoạn chuyển tiếp đó sẽ rất đau đớn. Thời gian tới đây sẽ không đơn giản chút nào.
Tan biến những nỗ lực của ASEAN
Nhìn sang châu Á, theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhóm 5 nước ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan vốn rất năng động sẽ trông thấy GDP bị giảm đi mất 2 %.
« Tăng trưởng bị suy yếu, đà phục hồi chậm chạp » là đánh giá của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) trong báo cáo được cập nhật hồi tháng 6/2020, GDP tại các quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương đang từ 5,4 % năm 2019 rơi xuống còn 0, 1% trong năm nay.Mới hai tháng trước đó, ADB còn tự tin cho rằng GDP của các nước trong vùng vẫn giữ được ở mức hơn 2 %.
ADB cũng lưu ý rằng, đối với các quốc gia mà ngành du lịch đem về một nguồn thu nhập lớn, các nền kinh tế càng tập trung vào các dịch vụ giải trí, nhà hàng … tác động của Covid-19 càng « tai hại hơn ».
Câu hỏi cuối cùng là cần phải làm những gì để thoát ra khỏi bức tranh kinh tế ảm đạm đó ? Họp báo tại Manila hôm 20/05/2020, nhà kinh tế trưởng Ngân Hàng Phát Triển Châu Á Yasuyuki Sawada cho rằng « hơn bao giờ hết chính phủ cần can thiệp để hạn chế những tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội ». Tuy nhiên, chính sách can thiệp đó phải đi theo các hướng nào ? Nhà kinh tế trưởng Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển OCDE, bà Laurence Boone phần nào vừa trả lời cho câu hỏi này đồng thời bà cho rằng virus corona đã để lại ít nhất là ba bài học quý giá :
“Đã có nhiều mối căng thẳng trong trao đổi mậu dịch trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. Chúng ta đã thấy chính những rào cản thuế quan đã đặt ra nhiều vấn đề, thí dụ như thiếu hụt loại giấy để sản xuất khẩu trang y tế. Chuỗi sản xuất của thế giới đã thực sự trong thế bị động. Chúng ta bắt buộc phải tự hỏi cần làm những gì để giao thương và các chuỗi cung ứng hoạt động một cách hiệu quả hơn, công bằng hơn. Theo tôi, chúng ta có thể rút ra được ba bài học chính, đó là thứ nhất, cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh đế một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng.
Bài học thứ hai là chúng ta đã ỷ lại và lơ là với việc tích lũy những kho hàng cần thiết và ở đây đặt ra vấn đề an ninh quốc gia. Bài học thứ ba là đối với một số lĩnh vực, chúng ta cần có những nhà máy và đơn vị sản xuất ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trên lãnh thổ quốc gia hoặc ở ngay trong khối Liên Hiệp Châu Âu.
Bất luận là Âu hay Á, việc cả thế giới đã lần lượt và ít nhiều phải tạm đóng cửa các sinh hoạt trong một thời gian đã để lại những vết hằn và những món nợ khổng lồ. Hoạt động trong một số lĩnh vực, như trong ngành hàng không, khó có thể trở lại như xưa, cho tới khi nào giới y khoa tìm ra được thuốc trị và vắc-xin ngừa virus corona.
Trước mắt, cả IMF lẫn OCDE đều không loại trừ kịch bản đen tối nhất đó là dịch Covid-19 tái phát.