Đọc báo Pháp – 30/04/2018
Vắng Mỹ sẽ không có hiệp ước hòa bình Triều Tiên
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tiếp tục là đề tài được các báo Pháp chú ý. Trong bài xã luận mang tựa đề « Triều Tiên : Con đường tiếp cận dài lâu », Le Monde ghi nhận định hình ảnh lịch sử về hai nhà lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên, tay trong tay bước qua đường biên giới chia cắt đôi bên ở Bàn Môn Điếm, đã được phổ biến trên toàn thế giới và làm dậy sóng mạng xã hội hôm thứ Sáu 27/04/2018.
Thế giới cần lắm tin vui…
Thế giới đầy chia rẽ và xáo trộn ngày nay cần lắm những tin vui. Cả thế giới theo dõi cuộc hội ngộ giữa Kim Jong Un và Moon Jae In – với vẻ dễ mến được tính toán trước, việc lãnh đạo Bình Nhưỡng bất ngờ mời tổng thống Hàn Quốc bước một bước sang phương Bắc….
Libération nêu thêm sự kiện Bắc Triều Tiên bỏ múi giờ cũ đã đơn phương ấn định năm 2015, để phù hợp với giờ Hàn Quốc ; việc Kim Jong Un tuyên bố sẵn sàng gặp thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Cũng không thể quên những giọt nước mắt của ông Suh Hoon, giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc, người kiến tạo ra « Moonshine policy » ; hay việc nhà độc tài Bắc Triều Tiên cụng ly với bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc.
Cam kết hoàn tất hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, rõ ràng là những cơ sở để hy vọng. Mối hy vọng này vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên, nơi căng thẳng từng lên đến đỉnh điểm cách đây vài tháng. Một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Á nói chung. Còn nguy cơ chạy đua vũ trang nguyên tử, thì liên quan đến toàn thế giới.
Nhưng theo Le Monde, tuy đương nhiên là phải hoan nghênh các tin vui này, nhưng cũng không thể ngây thơ. Đây không phải là cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên. Hồi năm 2007, cha của Kim Jong Un là Kim Jong Il đã gặp gỡ tổng thống Hàn Quốc lúc đó, ông Roh Moon Hyun. Vấn đề ngưng chương trình hạt nhân và hiệp ước hòa bình, và kể cả những lời hứa trong hội nghị thượng đỉnh trước đó năm 2000, đều chỉ nằm trên giấy.
Mỹ và hiệu quả trừng phạt : Hai nhân tố quan trọng
Vì sao cuộc gặp lần này lại tốt đẹp ? Le Monde cho rằng đó là nhờ Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chơi, với lời hứa sẽ gặp Kim Jong Un của tổng thống Donald Trump – nhà độc tài mà chỉ cách đó vài tháng bị ông Trump gọi là « Little Rocketman » (chú nhóc hỏa tiễn) – khiến lãnh đạo Bình Nhưỡng vui vẻ hơn. Đã đưa được chương trình nguyên tử đến giai đoạn cuối, Kim Jong Un nay có thể đàm phán trên thế mạnh. Một nhân tố khác có thể là các biện pháp trừng phạt ngày càng đè nặng lên nền kinh tế Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên các nhà ngoại giao và nhà phân tích sau khi nghiên cứu tuyên bố chung ở Bàn Môn Điếm, vẫn còn nghi ngại ở nhiều điểm. Tuy khẳng định sẽ « phi hạt nhân hóa toàn bộ », nhưng không có định nghĩa rõ ràng, như vậy có thể diễn dịch theo nhiều cách khác nhau. Cơ chế kiểm soát giải trừ, mà Mỹ coi là điểm chính yếu, cũng không được nói đến ; và chưa có lịch trình nào cụ thể. Như một ngạn ngữ quen thuộc « Quỷ sứ núp trong những chi tiết », bản tuyên bố đầy hứa hẹn này thực ra rất nghèo nàn.
Có lẽ tiết lộ đáng chú ý nhất trong cuộc gặp đáng ngạc nhiên này là câu trả lời của nhà độc tài phương Bắc, khi tổng thống Hàn Quốc thổ lộ giấc mơ của ông là đến thăm đỉnh non thiêng của người Triều Tiên nằm trên đất Bắc : « Rắc rối lắm, đường đi đến đó rất tệ ». Chế độ Bình Nhưỡng rất cần viện trợ, nhưng con đường để cụ thể hóa những tuyên bố trong thượng đỉnh liên Triều lần này có nguy cơ rắc đầy chông gai.
Những lời hứa « xôi hỏng bỏng không » trong quá khứ
Về hồ sơ nguyên tử, Les Echos giải thích « Bắc Triều Tiên thường xuyên lừa dối cộng đồng quốc tế trong quá khứ như thế nào ».
Năm 1994, sau một năm căng thẳng, một hiệp ước song phương được ký tại Genève giữa Bình Nhưỡng và chính quyền Clinton. Bắc Triều Tiên cam kết ngưng xây dựng các lò phản ứng, đổi lại sẽ được cung cấp hai nhà máy điện bằng nước nhẹ, 500.000 tấn nhiên liệu, và bảo đảm về an ninh. Nhưng hai bên nhanh chóng tố cáo nhau vi phạm, và đến năm 2002 chính quyền Bush phát hiện Bình Nhưỡng vẫn bí mật làm giàu uranium.
Năm 2003, Bắc Triều Tiên chấp nhận tham dự cuộc đàm phán sáu bên đầu tiên, theo sự dàn xếp của Bắc Kinh. Sau hai năm thương lượng gay go, tháng 9/2005 Bình Nhưỡng chấp nhận một hiệp ước mới : từ bỏ chương trình nguyên tử quân sự để đổi lấy viện trợ kinh tế và xăng dầu. Nhưng sau đó Bắc Triều Tiên bực tức trước sáng kiến chống rửa tiền của Mỹ, và tháng 10/2006, Kim Jong Il cho thử hạt nhân lần đầu tiên.
Đến năm 2007, Bình Nhưỡng lại ngồi vào bàn hội nghị sáu bên, và còn chấp nhận cho thanh tra các cơ sở nguyên tử, đóng cửa địa điểm Yongbyon. Tuy nhiên quan hệ Mỹ-Triều xấu đi, Bắc Triều Tiên từ chối phương cách thanh tra do Washington đề nghị, và tháng 5/2009 lại cho thử nguyên tử !
Năm 2012, Kim Jong Un lên nối ngôi cha, lại hứa với chính quyền Obama ngưng cho thử hạt nhân và làm giàu uranium để đối lấy viện trợ. Một lần nữa phía Mỹ nghi ngờ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên bắn đi là loại đạn đạo, và Jong Un từ đó đến nay đã cho thử nguyên tử thêm bốn lần.
Không có Mỹ thì không có hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Nhà sử học Jean-Louis Margolin, giáo sư trường đại học Aix-Marseille khi trả lời nhật báo La Croix đã nhấn mạnh « Không có Hoa Kỳ, thì không thể có hòa bình giữa hai nước Triều Tiên ».
Chuyên gia Margolin ghi nhận, lâu nay cả hai nước Triều Tiên đều từ chối công nhận đường biên giới hiện nay ở vĩ tuyến 38. Tại Hàn Quốc, các bản đồ và dự báo thời tiết đều trình bày toàn bán đảo Triều Tiên, không có đường biên. Còn tại Bắc Triều Tiên, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In chưa bao giờ được gọi là tổng thống. Trong khi đó nếu không công nhận lẫn nhau, thì chưa thể có hiệp ước hòa bình thực sự.
Một thỏa ước từ thời tổng thống Park Chung Hee dự kiến thành lập một Nhà nước liên bang năm 1972, để thống nhất một cách hòa bình. Những năm sau đó, Hàn Quốc xây dựng nhà ga thống nhất nằm cạnh khu phi quân sự, một bến tàu hướng về Bình Nhưỡng và hướng kia về phía Seoul, nhưng cho đến nay chưa có con tàu nào đi về phía Bắc Triều Tiên.
Vào đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ soạn thảo đã được thông qua vào ngày 25/6, công nhận Bắc Triều Tiên là kẻ tấn công phương Nam. Do Liên Xô tẩy chay Hội Đồng Bảo An nên không sử dụng được quyền phủ quyết. Nghị quyết này mang lại tính chính danh cho lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, cho nên hai nước Triều Tiên không thể đạt được giải pháp chung cuộc nếu không tính đến Hoa Kỳ.
Cho dù một hiệp ước đình chiến đã được ký năm 1953, nhưng thực chất đây chỉ là thỏa thuận ngưng bắn, lập ra vùng phi quân sự. Hàn Quốc không ký vì trách cứ Mỹ đã hợp pháp hóa việc chia cắt đất nước, và công nhận sự hiện diện của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, với tư cách người bị tấn công, từ chối bị đặt ngang hàng với quân xâm lược. Đang trong chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ chấp nhận chia đôi đất nước Triều Tiên vì không muốn chọc giận Liên Xô. Cuối cùng, hiệp ước được ký giữa một bên là Bắc Triều Tiên cùng với Trung Quốc, bên kia là cộng đồng quốc tế. Theo giáo sư Margolin, Bình Nhưỡng cũng sẽ không bao giờ chấp nhận bị coi là kẻ xâm lược.
Armenia : Xã hội dân sự
chống Nhà nước đảng trị kiểu cộng sản
Nhìn sang một quốc gia chịu ảnh hưởng của Liên Xô cũ là Armenia, Le Monde đặt câu hỏi liệu nước này có thể ra khỏi thời kỳ hậu xô-viết?
Armenia độc lập năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, và gần ba thập niên sau, một phong trào phản kháng chưa từng thấy đã xuất hiện từ ngày 13/4 năm nay, do thế hệ trẻ chưa từng biết đến chế độ cộng sản tiến hành. Giới trẻ mà đứng đầu là dân biểu Nikol Pachinian muốn chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền hành của giai cấp thống trị, nạn vơ vét tài nguyên của các đại gia và tham nhũng Nhà nước.
Làn sóng phản kháng này trước hết nhằm tách rời Nhà nước ra khỏi Đảng. Cũng như trong chế độ cộng sản, thủ tướng Serge Sarkissian đồng thời là chủ tịch đảng Cộng Hòa Armenia (HHK), duy trì chế độ Nhà nước đảng trị. Những người biểu tình muốn nhắc nhở, Nhà nước thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về Đảng. Trong các cuộc tập hợp trước quảng trường Cộng Hòa ở Erevan, ông Pachinian luôn bắt đầu bằng câu : « Hỡi những công dân của nước Cộng Hòa Armenia… »
Bên cạnh đó, những người phản kháng còn tượng trưng cho một xã hội dân sự ngày càng độc lập trước chính quyền. Đây không phải là một « cuộc cách mạng màu » như Gruzia và Ukraina, vì phong trào chú trọng vào xã hội Armenia chứ không đụng đến những cam kết quốc tế, mà theo Le Monde, kinh nghiệm này có thể áp dụng cho các xã hội dân sự ở Belarus, Azerbaizan, và kể cả Nga – tại sao không.
Cò trắng không còn bay về phương Nam
Thời sự nước Pháp là chủ đề chính của các báo Paris hôm nay, chủ yếu là cuộc đình công của công nhân tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp SNCF. Libération đăng ảnh các tổng thư ký ba nghiệp đoàn lớn và chạy tựa « Các nghiệp đoàn đối đầu với Macron ». Le Figaro nhận định « Macron vẫn kiên quyết trước phong trào phản kháng xã hội ».
Trang nhất của La Croix đăng ảnh một nhân viên đường sắt đình công, phía trước là những hành khách chen chúc, chạy tựa « SNCF, một cuộc xung đột vẫn đang tìm kiếm lối ra » : Sau một tháng đình công, kết quả vẫn chưa thấy còn công luận ngày càng ít ủng hộ phong trào. Nhật báo Le Monde gợi ý : « SNCF : Các giải pháp để ra khỏi cuộc xung đột ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đặt vấn đề về dự định đánh thuế GAFA, tức bốn đại tập đoàn internet « Dự án của Pháp làm chia rẽ châu Âu ».
Trên lãnh vực môi trường, bài điều tra của Le Figaro « Những cánh cò không còn bay về phương Nam » cho biết, với những mùa đông ngày càng ấm hơn và thức ăn tràn ngập ở một số bãi rác lớn, loài cò ngày càng ít bay đến châu Phi để trú đông, hoặc kết thúc cuộc hành trình ở Bồ Đào Nha.
Nếu năm 1995, có 1.187 con cò trải qua mùa đông ở Bồ Đào Nha, thì nay con số này lên đến 14.000 con. Bãi rác lộ thiên tại Evora rộng đến 1 hecta, cao 35 mét được lũ cò coi là căng-tin của chúng, mỗi ngày có 5.000 con cò đến kiếm ăn. Theo một chuyên gia, nếu đóng cửa các bãi rác, đàn cò sẽ phải thiên di trong khi các thế hệ mới chưa bao giờ bay xa, sẽ ít có nguy cơ sống sót khi bay ngang qua biển.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180430-vang-my-se-khong-co-hiep-uoc-hoa-binh-trieu-tien
Tin đọc nhanh
(AFP) – Khủng hoảng lao động nhập cư Koweit – Philippines. Một ngày sau khi tổng thống Philippines Duterte tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc đưa người lao động sang Koweit để trả đũa vụ đại sứ Philippines bị trục xuất, hôm nay, 30/04/2018, một thứ trưởng ngoại giao Koweit tìm cách giảm nhẹ căng thẳng. Ông Nasser al-Soubeih khẳng định « có nhiều hiểu lầm và mô tả phóng đại các sự kiện ». Quan chức Koweit cho biết thêm muốn có các tiếp xúc với Philippines để « giải quyết vấn đề ». Hồi tháng 2/2018, tổng thống Philippines ra quyết định tạm ngưng việc gửi người sang làm việc Koweit, sau vụ thi thể một nữ lao động gia đình người Philippines được tìm thấy trong một tủ đông lạnh, với nhiều dấu vết tra tấn.
(Reuters) – Liên Âu và Anh có thể « ly dị » mà không đạt thỏa thuận. Liên Âu phải sẵn sàng chuẩn bị cho việc Brexit xảy ra mà không có thỏa thuận chính thức. Trên đây là thông báo của người phụ trách đàm phán châu Âu, ông Michel Barnier. Theo ông Barnier, các đàm phán trong những tháng tới sẽ rất cam go, về hàng loạt vấn đề, không chỉ về bất đồng biên giới giữa Ailen và Bắc Ailen.
(AFP) – Afghanistan : Khủng bố khiến 25 người chết. Một vụ tấn công kép xảy ra tại Kabul hôm nay, 30/04, làm ít nhất 25 người chết và 49 người bị thương, trong đó có bốn nhà báo và bốn cảnh sát, theo người phát ngôn bộ Nội Vụ nước này. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đứng ra nhận trách nhiệm.
(AP) – Cảnh sát Miến Điện trừng phạt nhân viên khai gài bẫy nhà báo Reuters. Phát ngôn viên cảnh sát Miến Điện ngày 30/04/2018 cho biết là nhân chứng này đã bị những biện pháp kỷ luật đúng theo quy định của ngành cảnh sát. Trước tòa, người này đã thú nhận rằng ông và các đồng nghiệp đã được lệnh gài bẫy phóng viên Reuters để có thể buộc họ vào tội vi phạm Đạo Luật Bí Mật Nhà Nước. Ông đã bị bắt giữ và chuyển giao cho bộ phận kỷ luât. Theo nội quy cảnh sát Miến Điện, người phạm kỷ luật của ngành có thể bị đến 1 năm tù. Đúng một hôm sau khi viên cảnh sát khai với tòa hành động gài bẫy của cảnh sát, vợ và con của ông đã bị đuổi ra khỏi nhà trong khu cư xá cảnh sát tại Naypyidaw.
(AFP) – Irak: 19 nữ công dân Nga bị án tù chung thân vì gia nhập Daech. Tòa án hình sự tại thủ đô Bagdad ngày 29/04/2018 đã tuyên án tù chung thân đối với 19 phụ nữ Nga về tội tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech. Ngoài các phụ nữ Nga, 6 phụ nữ Azerbaidjan và 4 phụ nữ Tajikistan cũng bị tù chung thân với cùng một tội danh tham gia vào nhóm khủng bố cực đoan. Bản án này tuy nhiên chưa phải là chung thẩm, và các phụ nữ vẫn còn có thể kháng cáo.
(AFP) – Ba lãnh đạo Pháp Đức và Anh cảnh báo Mỹ về nguy cơ chiến tranh thương mại. Trong một bức thư chung công bố hôm qua, 29/04/2018 về khả năng Mỹ sẽ đánh thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập từ châu Âu kể từ 01/05, tổng thống Pháp Macron, thủ tướng Đức Merkel và thủ tướng Anh May một lần nữa cảnh báo Mỹ là Liên Hiệp Châu Âu đã sẵn sàng phản ứng một cách “hiệu quả và nhanh chóng”. Trong lá thư được phủ tổng thống Pháp công bố, các biện pháp trả đũa sẽ nhắm vào các sản phẩm biểu tượng của Hoa Kỳ. Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu đòi được hưởng chế độ miễn bị áp thuế, nhưng không được Hoa Kỳ chấp nhận.
(AFP) – Lãnh đạo ngoại giao Miến Điện tiếp phái đoàn của Liên Hiệp Quốc. Naypiydaw ngày 30/04/2018 cho biết lần đầu tiên từ sau khủng hoảng về người Rohingya năm 2017, ngoại trưởng Aung San Suu Ky tiếp phái đoàn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây là một cuộc họp kín. Toàn bộ hình ảnh và thông tin về cuộc họp nói trên do chính phủ Miến Điện cung cấp. Trên nguyên tắc, ngày 01/05/2018 phái đoàn quốc tế sẽ bay qua vùng lãnh thổ tại bang Rakhine nơi xảy ra xung đột. Đoàn sẽ được nhiều quan chức chính phủ tháp tùng.
(AFP) – Thủ tướng Nhật lên đường công du trung Đông. Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là chặng dừng đầu tiên của lãnh đạo Nhật Bản. Tại Abou Dhabi ngày 30/04/2018 thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh đến mối “quan hệ chiến lược” với Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đối tác thương mại quan trọng nhất của Tokyo tại Trung Đông. Một phần ba xuất khẩu Nhật Bản vào khu vực được dành để bán cho Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Abou Dhabi là nguồn cung cấp dầu hỏa thứ nhì cho Nhật, chỉ thua có Ả Rập Xê Út. Sau Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, thủ tướng Shinzo Abe sẽ tiếp tục lên đường tới Jordanie, Israel và Palestine.
(AFP) -Avengers : Infinity War thu về 630 triệu đô la trên toàn thế giới trong hai ngày cuối tuần. Chỉ vài ngày sau khi ra mắt công chúng trên thế giới, ngoại trừ tại Trung Quốc, bộ phim mới nhất của Marvel đã bội thu trong hai ngày cuối tuần 28 và 29/04/2018. Riêng trên thị trường bắc Mỹ, nhà sản xuất thu vào 250 triệu trong vỏn vẹn vài ngày. Avengers : Infinity War qua mặt luôn cả kỷ lục vốn do bộ phim Star Wars : The Force Awakens nắm giữ từ năm 2015.
(Reuters) – Big Bang trên thị trường cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại Hoa Kỳ. Sau bốn năm đàm phán, T-Mobile US ngày 29/04/2018 thông báo chi ra 26 tỷ đô la để mua lại Sprint. Như vậy là hai nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ ba và thứ tư tại Mỹ bắt tay nhau để thống lĩnh thị trường. Trong tương lai T-Mobile US và Sprint cung ứng dịch vụ cho 127 triệu khách hàng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180430-tin-doc-nhanh