Đọc báo Pháp – 30/03/2018
Dân Nga phẫn nộ với Putin sau vụ hỏa hoạn thương tâm
Liên quan đến vụ hỏa hoạn mới đây tại Nga làm 64 người thiệt mạng, Le Monde cho biết sự phẫn nộ của người dân tập trung vào tổng thống Vladimir Putin mới tái đắc cử.
Ông Putin hứa sẽ trừng phạt những người liên quan, nhưng ngay trong những ngày quốc tang, ba hôm sau vụ cháy kinh hoàng ở Kemerovo ngày 25/3, ông chủ điện Kremlin vẫn bị chỉ trích dữ dội. Thành phố mỏ vùng Xibêri bắt đầu chôn cất 64 nạn nhân trong đó có 41 trẻ em, bị chết cháy trong trung tâm thương mại Zimnaia Vishnia (Anh đào mùa đông).
Cửa khóa, bảo vệ trốn sạch, cứu hộ trễ…
Ngọn lửa bùng lên do chập điện, nhưng thiệt hại khủng khiếp của vụ hỏa hoạn là do một loạt những thiếu sót về an ninh. Các nhóm trẻ em bị kẹt trong phòng chiếu phim cửa khóa chặt, trong khi hệ thống báo động bị hư. Các nhân viên phụ trách an ninh là những người chạy trốn trước tiên, còn lực lượng cứu hỏa thì đến trễ.
« Chúng tôi sẽ không quên » – các áp-phích tại những địa điểm tưởng niệm ở Kemerovo, Matxcơva và trên toàn quốc hứa hẹn. Tuy muốn hạn chế các hoạt động tưởng niệm, nhưng chính quyền đành phải tuyên bố quốc tang hôm 28/3, và một phút mặc niệm trên cả nước. Cờ rủ, các chương trình giải trí bị hủy, hình ảnh trên các bảng quảng cáo được thay bằng những ngọn nến lung linh. Các tòa thị chính tổ chức các nơi tưởng niệm chính thức với nhạc tang lễ và cảnh sát canh gác.
Sự phẫn nộ của người dân tập trung tại quảng trường Pushkin ở trung tâm thủ đô. Dưới chân bức tượng nhà thơ nổi tiếng, hàng trăm người dân Matxcơva mang đến một rừng hoa và thú nhồi bông để tưởng nhớ các trẻ em đã thiệt mạng tại Kemerovo. Những tấm biển thẳng thừng lên án : « Hối lộ đã giết hại các em bé », « Chúng tôi không tha thứ sự tắc trách của chính quyền và việc lừa dối dân ».
Aman Tuleyev, thống đốc Kemerovo – nằm trong số những quan chức bị đả kích – từ chối đến địa điểm xảy ra thảm họa, viện cớ không muốn làm phiền các nhân viên cứu hộ. Rồi sau đó ông ta lại đổ trách nhiệm cho bộ máy hành chính, bị tố cáo tham nhũng khiến các lãnh đạo trung tâm thương mại tránh né được các quy định an toàn trong suốt năm năm trời. « Hãy từ chức ! » « Tên tội phạm ! », « Sự thật ! »… những người biểu tình ở Kemerovo hô vang. Nhưng Aman Tuleyev trốn biệt, và còn đổ thừa « những người đối lập lợi dụng thảm kịch ».
« Tống cổ Vova vào tù ! »
Đến Kemerovo hôm thứ Ba 27/3, tổng thống Vladimir Putin đòi trừng phạt những người có trách nhiệm, nhưng bản thân ông cũng tránh né đám đông phẫn nộ. Một biểu ngữ của người biểu tình tại quảng trường chính ở Kemerovo còn đòi hỏi « Tống cổ Vova và Aman vô tù ! » (Vova là biệt danh của tổng thống Nga). Điện Kremlin cho đến nay không có ý định cách chức Aman Tuleyev, mà chỉ sa thải hai viên chức địa phương.
Một phụ nữ đứng dưới chân tượng Pushkin giận dữ nói với Le Monde : « Vấn đề rộng lớn hơn nhiều, đó là cả một hệ thống tham nhũng và vô trách nhiệm, đã phát triển trong 18 năm cầm quyền của Putin ». Một doanh nhân nói thêm : « Tại Kemerovo, những người quản lý trung tâm thương mại chắc đã đút lót bộn bạc để tránh bị kiểm soát, làm giàu bất chấp sự an toàn. Tệ nạn này diễn ra trên khắp nước Nga ».
Một bà mẹ nhấn mạnh : « Thảm kịch xảy ra ngay sau khi Putin tái đắc cử sẽ còn tái diễn như đã từng, trong quá khứ » – ám chỉ vụ tai nạn tàu ngầm Koursk năm 2000 làm 118 thủy thủ tử nạn, hay vụ bắt con tin tại trường học Beslan năm 2004 là 334 người chết trong đó có 186 em học sinh.
Cũng như trong các thảm họa trước đây, chính quyền bị tố cáo không chỉ chạy trốn trách nhiệm mà còn tìm cách giảm thiểu thiệt hại thực tế. Tại Kemerovo, dù tòa thị chính cam đoan sẽ mở cửa nhà tang lễ, nhưng nhiều cư dân khẳng định số người chết lên đến hàng trăm. Ông Vladimir Putin tuy đòi hỏi « điều tra hoàn toàn khách quan và minh bạch » và ra lệnh thanh tra tất cả các trung tâm thương mại trên toàn quốc, đã cáo buộc « mưu toan gây hoảng loạn » từ các « thế lực nước ngoài ».
Thủ tướng Nhật tìm cách gặp Kim Jong Un
Nhìn sang châu Á, thông tín viên Les Echos tại Tokyo cho biết « Nhật Bản xoay sở để tiếp xúc được Kim Jong Un ». Từ khi đối thoại với Bắc Triều Tiên được tái lập, Nhật lo ngại bị đứng ngoài lề, và số phận của những công dân Nhật bị bắt cóc không được đề cập đến trong các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Tờ báo mô tả lại những biếm họa trên truyền hình Nhật, cho thấy ông Shinzo Abe đứng lẻ loi một góc, xa khỏi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ – tất cả đều đã có được lời hứa gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un. Sau khi gặp gỡ Tập Cận Bình hôm thứ Ba 27/3, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ tiếp xúc với tổng thống Moon Jae In ngày 27/4 tại biên giới liên Triều, và có thể đến cuối tháng Năm hội kiến với tổng thống Mỹ Donald Trump, tại một quốc gia chưa rõ.
Lo ngại lợi ích của đất nước mình bị bỏ qua một bên, chính quyền Shinzo Abe trong những ngày gần đây đã thúc đẩy nhiều kênh ngoại giao để nối lại đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng. Tối qua 28/3, cánh tay mặt của thủ tướng Abe là ông Yoshihide Suga, phát ngôn viên chính phủ cho biết đôi bên đã thảo luận thông qua các đại sứ quán ở Bắc Kinh.
Nhật báo Asahi tiết lộ chính phủ đã nhờ đến Chongryon (Hiệp hội người Triều Tiên sống tại Nhật) – trên thực tế có vai trò như đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Nhật Bản. Được biết hàng trăm ngàn hậu duệ của những người Triều Tiên di cư sang Nhật thời Đệ nhị Thế chiến gồm hai nhóm, một gắn bó với Seoul, nhóm kia thân cận với Bình Nhưỡng. Theo Asahi, có khả năng Bắc Triều Tiên sẽ gặp thượng đỉnh với Nhật Bản vào tháng Sáu trước khi gặp Nga. Thủ tướng Shinzo Abe dự định đề nghị tổng thống Donald Trump nêu vấn đề người Nhật bị bắt cóc khi gặp Kim Jong Un, nhưng cũng muốn tự mình tiếp tục thương lượng.
Miến Điện : Tân tổng thống
sẽ không chấp nhận làm bù nhìn cho bà Suu Kyi
Tại Đông Nam Á, trong bài « Một tổng thống mới cho Miến Điện », Le Monde cho biết tân tổng thống Win Myint cũng là người thân cận với bà Aung San Suu Kyi, tuy nhiên ông được cho là sẽ tìm cách mở rộng quyền hành.
Sau vụ từ chức bất ngờ vào tuần trước của tổng thống Htin Kyaw, đồng minh trung thành của « Lady » thời đấu tranh chống tập đoàn quân sự trước đây, ông Win Myint, một nhân vật thân thiết với bà Suu Kyi hôm 28/3 đã được bầu vào chức vụ tượng trưng này. Nhưng ngược với người tiền nhiệm chấp nhận làm con rối cho bà bạn Aung San Suu Kyi, tân tổng thống 66 tuổi là một chính khách lão luyện.
Cựu tù nhân lương tâm này tham gia làm chính trị từ năm 1988, khi những người biểu tình đòi dân chủ ngã xuống dưới lằn đạn của quân đội. Một số nhà quan sát cho rằng « Quý bà Răngun », nay đã cầm quyền được hai năm, có thể sẽ tập trung chuẩn bị cuộc bầu cử năm 2020 và để cho tân tổng thống được rộng tay hơn. Tuy vậy trang web The Irrawaddy, lâu nay là tiếng nói của phe đối lập lưu vong, cảnh báo nếu tổng thống mới muốn mở rộng quyền hành, « sẽ buộc phải đối đầu với quân đội ».
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ?
Trên lãnh vực thương mại, nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin Trung Quốc sẵn sàng trả đũa việc Hoa Kỳ đã mở ra « chiếc hộp Pandore » của chiến tranh thương mại, và các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc bắt đầu lo lắng.
Những tuần lễ tới sẽ rất căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump vừa ra kỳ hạn 60 ngày cho Bắc Kinh, trước khi cho thi hành dự án thuế sẽ đánh lên 50 tỉ đô la sản phẩm Trung Quốc. Nếu cho đến nay, Bắc Kinh vẫn tỏ ra chừng mực, chỉ đe dọa đánh thuế trên 3 tỉ đô la hàng Mỹ, thì hôm qua bộ Thương Mại Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận sự áp đặt đơn phương. Tờ China Daily cảnh báo Trung Quốc có thể trả đũa trong nhiều lãnh vực, từ nông nghiệp cho đến hàng không, xe hơi, chất bán dẫn… còn thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định « Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ các biện pháp đáp trả ».
Trước hết đã có sáu công ty Mỹ bị báo chí Hoa lục nêu tên : Apple (20% tổng doanh thu là từ Trung Quốc), Qualcomm (65%), Boeing, Texas Instruments, Intel, Micron Technology. Ngoài hàng rào thuế quan, các doanh nghiệp Mỹ còn lo ngại sẽ bị thọc gậy bánh xe đủ kiểu như thanh tra, rút giấy phép khai thác…Tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng bên cạnh cây gậy, Bắc Kinh vẫn có thể sử dụng củ cà rốt như mở cửa thị trường tài chính, để tránh một cuộc chiến tranh thương mại mà cả đôi bên đều thua thiệt.
Pháp sắp đóng hàng không mẫu hạm thế hệ mới
Về quân sự, Le Figaro cho biết « Nước Pháp chuẩn bị đóng hàng không mẫu hạm kế thừa chiếc Charles-de-Gaulle ». Bộ trưởng Quốc Phòng Florence Parly hôm qua 29/3 khẳng định cũng như Không quân và Lục quân, Hải quân Pháp sẽ được tăng cường sức mạnh, nhờ đạo luật về chương trình quốc phòng 2019-2025.
Gần 12 tỉ euro sẽ được đầu tư để nâng cao năng lực hải chiến, chiến đấu bằng tàu ngầm và tiềm thủy đĩnh tấn công. Hải quân sẽ nhận được 19 tàu tuần tra, bốn chiến hạm đa năng, hai chiến hạm cỡ trung và bốn tàu ngầm lớp Barracuda. Từ năm 2019, sẽ nghiên cứu đóng hàng không mẫu hạm thế hệ mới (PANG – Porte-Avion de Nouvelle Génération) với ngân sách 4-5 tỉ euro, để thay thế cho chiếc « Charles-de-Gaulle » dự định sẽ « về hưu » trong khoảng 2038-2040.
Tựa chính báo Pháp
Thời sự trong nước chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Le Figaro chạy tựa « Thu thuế bằng cách trích thẳng từ lương : Những gì đang chờ đợi người đóng thuế ». Les Echos cho biết « Chính phủ trấn an công nhân đường sắt như thế nào ». Le Monde đặt câu hỏi « Đã bắt đầu ý thức được về nạn bài Do Thái, nhưng sau đó thì sao ? ». Libération mở điều tra về việc người tiêu dùng chấm điểm, một hệ thống được các công ty sử dụng rộng rãi, nhưng đã làm các nhân viên thường xuyên bị áp lực, ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Riêng La Croix dành trang bìa cho « Syria, một cuộc chiến bất tận ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180330-dan-nga-phan-no-truoc-putin-sau-vu-hoa-hoan-thuong-tam
Tin đọc nhanh
(AFP) – Luật sư Amal Clooney, vợ của tài tử điện ảnh Mỹ Georges Clooney nhận lời bào chữa cho hai nhà báo Reuters bị Miến Điện giam giữ. Hai phóng viên Wa Lone et Kyaw Soe Oo của hãng tin Anh Reuters bị cảnh sát Miến Điện thẩm vấn và câu lưu từ ngày 12/12/2017 vì tiến hành điều tra về vụ quân đội Miến Điện thảm sát người Hồi Giáo thiểu số Rohingya. Mỗi người có thể bị tòa kết án 14 năm tù. Luật sư Amal Clooney hôm qua 29/03/2018 bình luận là hai nhà báo bị kiện vì công bố thông tin.
(AFP) – Slovakia : lãnh đạo đơn vị cảnh sát chống tham nhũng từ chức. Thông báo từ chức của ông Robert Krajmer được đưa ra ngày hôm qua 29/03/2018, chỉ một tuần sau khi ông Peter Pellegrini lên làm thủ tướng sau khi ông Robert Fico từ chức do vụ khủng hoảng chính trị liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jan Kuciak và bạn gái.
(AFP) – Lễ đóng đinh đẫm máu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Philippines. Tại đất nước nơi đa phần dân chúng theo đạo Thiên Chúa giáo, hôm nay 29/03/2018, theo truyền thống, nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo thực hành nghi lễ đóng đinh mình lên cây thánh giá để tưởng nhớ cảnh Chúa Jesus bị đóng đinh khi xưa. Những chiếc đinh dài 8 cm, đóng xuyên qua bàn tay, bàn chân của các tín đồ tới cây thánh giá gỗ.
(Time.com) – Airbnb sẽ cung cấp thông tin khách lưu trú tại Trung Quốc cho chính quyền. Như vậy, mọi dữ liệu liên quan đến hộ chiếu, ngày đặt phòng, thời gian lưu lại… sẽ được Airbnb tự động gửi cho chính phủ Trung Quốc kể từ ngày 30/03/2018. Chính sách mới được Airbnb gửi qua mail đến các thành viên ngày 28/03 nhằm tuân theo quy định của Trung Quốc, theo đó, trong vòng 24 giờ kể từ khi khách đến nhà, chủ nhà phải cung cấp cho cảnh sát thông tin của khách mời hoặc du khách lưu.
(AFP) – Pháp : Thủ phạm vụ đụng xe quân nhân tại doanh trại ở Varces bị say rượu. Vụ va chạm xảy ra sáng 29/03/2018, không gây thiệt hại về người. Thanh niên 23 tuổi, từng có tiền sự về trộm cắp và bạo lực, chửi rủa và đe dọa một nhóm quân nhân thứ nhất, sau đó tiếp tục thóa mạ toán thứ hai gồm 4 người đang chạy bộ và nhấn ga tông xe vào họ. Chưởng lý Grenoble Jean-Yves Coquillat khẳng định « đây không phải là một vụ khủng bố ».
(Reuters) – Cam Bốt : Đối lập tưởng niệm 21 năm vụ tấn công bằng lựu đạn. Phe đối lập Cam Bốt dưới sự bảo trợ của phong trào Candlelight, từng liên kết với cựu lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc hôm nay (30/03/2018) đã tổ chức lễ đốt nến và cầu nguyện tại Phnom Penh, tưởng niệm ngày vụ tấn công đẫm máu bằng lựu đạn xảy ra cách nay 21 năm. Đây là một cuộc tập hợp hiếm hoi kể từ khi chính quyền Hun Sen gia tăng trấn áp đối lập hồi năm 2017.
(AP) – Thượng đỉnh Kim-Trump : Thân nhân những người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc hối thúc chính phủ tìm kiếm hỗ trợ của Mỹ. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ gặp lãnh đạo Kim Jong Un vào cuối tháng Năm. Trong tình hình này, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến Hoa Kỳ vào tháng Tư, ngay sau khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong Un với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In.
(AFP) – Đức : Tấn công đền thờ Hồi Giáo, 4 người Syria bị bắt. Theo chính quyền Đức ngày 29/03/2018, bốn thanh niên Syria tuổi từ 18-27, bị nghi ngờ tấn công vào đền thờ Hồi Giáo của cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại Ulm, Đức xảy ra cách đây 10 ngày. Cảnh sát không loại trừ khả năng động cơ chính trị, phản đối vụ can thiệp quân sự của Ankara nhắm vào vùng tự trị người Kurdistan ở Afrin, bắc Syria.
(AFP) – Ấn Độ : 25 triệu ứng viên cho 90.000 vị trí trong ngành đường sắt. Con số ứng viên này bằng với số dân của cả nước Úc. Trong khuôn khổ chương trình phát triển kinh tế do thủ tướng Narendra Modi đề ra từ khi lên cầm quyền vào năm 2014, theo đó tạo thêm 100 triệu việc làm, ngành đường sắt Ấn Độ, với 1,3 triệu người làm, thông báo tuyển dụng thêm 90.000 người để phụ trách nhiều vị trí từ điều khiển tầu cho đến thợ đường sắt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180330-tin-doc-nhanh