Đọc báo Pháp – 29/08/2020
Belarus: Đòn ngầm của Putin nhằm đánh quỵ Loukachenko – Mai Vân
Ngày khai giảng năm học mới đầu tiên thời hậu Covid là chủ đề được đa số các tuần báo ra vào cuối tháng 08 năm 2020 này khai thác, với tựa lớn trang bìa trên hai tờ Courrier International và L’Express. Le Point cũng chú ý đến ngành giáo dục, nhưng nhấn mạnh đến nạn tư tưởng Hồi Giáo cực đoan đang bành trướng trong các trường học Pháp. Bên cạnh đó, cũng được quan tâm là vụ đầu độc nhà đối lập Nga Navalny, và nhất là tình hình căng thẳng tại Belarus, đặc biệt trên tuần báo L’Obs với dòng tựa trang bìa: “Đòn ngầm của Putin”.
Theo nhận định của L’Obs, quan hệ giữa tổng thống Belarus Alexandre Loukachenko và người bảo trợ ông là tổng thống Nga Vladimir Putin quả là ngày càng “cơm không lành, canh không ngọt”. Để trừng phạt đàn em bướng bỉnh, điện Kremlin đã thiết kế cả một “cuộc cách mạng dân chủ” để khuất phục lãnh đạo chuyên chế tại Belarus, và hoàn toàn có thể lật đổ nhân vật này.
Bài viết trang trong mang tựa đề “Chiến lược bí mật của Putin nhằm đánh quỵ Loukachenko” đã nhấn mạnh đến thái độ ngày càng bực bội của “chủ nhân Đại Nga” trước điều bị coi là thái độ rất ngỗ nghich của tổng thống nước “Bạch Nga” bé nhỏ, đã không ngừng tìm cách sử dụng lá bài châu Âu, Mỹ, thậm chí Trung Quốc, để bòn rút tài trợ và tín dụng từ Nga, nhưng khi cần thì lại trở mặt.
Giọt nước làm tràn ly, theo L’Obs, là thái độ vào tháng hai vừa qua của ông Loukachenko, đã khước từ đề nghị của Poutine, muốn hai nước nhập chung thành một “Liên Bang Nga-Belarus”.
Và như thế là điện Kremlin và “các cơ quan hữu trách” đã bắt đầu thiết kế một “chiến dịch Loukachenko” với một số diễn biến đã được thấy trong thời gian gần đây.
Svetlana Tikhanovskaïa bị Nga thao túng mà không biết?
Theo tạp chí Pháp, nhân vật đối lập Svetlana Tikhanovskaïa, và những thành phần “cách mạng” hiện nay ở Belarus, thực ra đều nằm trong âm mưu của Nga, và cuộc cách mạng ở Belarus hiện nay chỉ có tính chất “bề ngoài”.
L’Obs giải thích: Svetlana Tikhanovskaïa, 37 tuổi, là một bà nội trợ bình thường có hai đứa con. Việc bà trở thành gương mặt “đầu đàn” của “cuộc cách mạng Belarus” chỉ là một điều rất tình cờ. Dường như bà không có tham vọng gì, cũng không có hiểu biết gì về chính trị và địa chính trị, cũng không có chương trình hành động nào khác ngoài việc đòi Loukachenko phải ra đi.
Trở thành ứng viên đối lập thay chỗ chồng của bà, một “doanh nhân” đã bị chính quyền Loukachenko loại bỏ, bà dường như cũng không biết là chồng mình được một nhân vật quyền thế thân Putin tài trợ. Bị Loukachenko đe dọa bà đã nhanh chóng chạy sang Lítva, tức là sang phương Tây, và có lẽ đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.
Những bước đi sai lầm?
Có tin là trước lúc chạy trốn, bà đã bị cô lập trong một căn phòng với hai tay đầu gấu của chính quyền và bà đã hoảng sợ ngay. Trong một băng video, bà đã kêu gọi công nhận kết quả bầu cử và chấm dứt biểu tình. Trong những thông điệp gởi đi từ Vilnius, bà công nhận đã “sợ hãi”, nhưng kêu gọi người Belarus vượt qua nỗi sợ của mình và đi biểu tình.
Theo L’Obs, bà Tikhanovskaïa có vẻ như không hiểu gì nhiều về các diễn biến trong quan hệ giữa Minsk và Matxcơva, nên đã phạm thêm nhiều sai lầm. Bà đã gợi lên “một con đường Châu Âu” cho Belarus, chấm dứt liên minh với Nga.
Đối tác “cách mạng” của bà, còn ở lại Minsk để lãnh đạo phong trào đã phải kiên quyết chỉnh lại. Maria Kolesnikova, một phụ nữ mạnh mẽ, phụ trách chiến dịch tranh cử của Viktor Babaryko, ứng viên của Gazprom, bảo đảm là không có chuyện ra khỏi “Liên minh” Nga–Belarus, đúng như ý muốn của Matxcơva.
Tạp chí Pháp kết luận: “Là biểu tượng của một cuộc cách mạng bề ngoài, Svetlana Tikhanovskaïa có nguy cơ sẽ chỉ đóng một vai trò tượng trưng mà thôi”.
Ngày tựu trường trong “hỗn loạn” của thời hậu Covid
Về ngày tựu trường, Courrier International chạy ngay ở trang bìa một hàng tưa lớn: “Ngày tựu trường: Hỗn loạn trên thế giới”. Tờ báo giải thích ngay bên dưới là từ Dallas ở Mỹ cho đến Seoul ở Hàn Quốc, từ Luân Đôn, Anh Quốc cho đến Nairobi, Kenya, ngày các học sinh trở lại trường lớp đang khiến các chính quyền phải nhức đầu, phải tính đến các biện pháp như khẩu trang bắt buộc, bài giảng từ xa, học qua ti vi, giảm số học sinh trong mỗi lớp…
Theo ghi nhận của Courrier International, với dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, việc tổ chức ngày nhập học năm nay quả là một bài toán hóc búa đối với mọi quốc gia trên thế giới.
Dĩ nhiên là Pháp không thoát khỏi tình trạng lộn xộn. Vài hôm trước ngày tựu trường, phụ huynh học sinh và nhân viên các nhà trường tố cáo chính quyền đã cho nhập học một cách quá vội vã. Trang mạng báo Politico ghi nhận: “Các công đoàn giáo viên cáo buộc chính phủ làm tình hình ‘thêm hỗn loạn’ và làm cho điều kiện làm viêc ‘tồi tệ hơn’. Đối với họ, đề án giảng dậy từ xa của chính phủ còn thiếu sót nhiều mặt…”.
Mẫu số chung: mỗi nơi đều phải “tùy cơ ứng biến”
Trên thế giới, tình hình chung cho thấy rõ sự thiếu kế hoạch, mỗi nơi đều phải “tùy cơ ứng biến”. Tại Áo đã có sáng kiến tổ chức lớp hoc ngoài trời, tại Ý chính quyền đã quyết định ồ ạt tuyển dụng giáo viên, Trung Quốc thì cấm sinh viên rời thành phố của mình 15 ngày trước ngày nhập học 01/09…
Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal chẳng hạn, đã đến tìm hiểu vấn đề tại Dallas, bang Texas. Tại đó, ông Michael Hinojosa, người chịu trách nhiêm về ngày tựu trường của 153.000 học sinh, đã phải vò đầu bứt tai từ cuối tháng 7 để làm sao thực hiện nhiều điều khó có thể kết hợp với nhau, vừa tránh nguy cơ thiếu sót trong học tập, vừa tránh để cho Covid-19 lan rộng.
Vấn đề mở lại trường học cũng gây chia rẽ ở Mỹ: Một số người muốn học sinh, sinh viên trở lại trường lớp, nhưng một số công đoàn không loại trừ kêu gọi đình công. Trong lúc Covid-19 lan rộng thì nhiều thành phố tập trung cải thiện việc giảng dậy từ xa.
Theo Courrier International, từ Seoul đến New York, Luân Đôn hay Mêhicô, giảng dậy từ xa cũng là một trong những công trường lớn của mùa nhập học năm nay với tất cả những hệ quả và khả năng gây thêm bất bình đẳng. Tại Mêhicô mà hệ thống internet còn yếu kém, thì việc giảng dậy qua truyền hình được ưu tiên. Hàn Quốc thì huy động sinh viên và nhà giáo về hưu để giúp đỡ học sinh gặp khó khăn.
Ngày trở lại làm việc và học tập trong căng thẳng cao độ
“Ngày tựu trường” hay đúng hơn là “ngày trở lại làm việc” sau kỳ nghỉ hè tại Pháp – cũng đã được tạp chí L’Express nêu bật trong tựa lớn trang bìa: “Covid-19: Ngày trở lại trong tình trạng căng thẳng cao độ”.
Về ngày khai giảng năm học 2020-2021 tại Pháp, L’Express không tránh khỏi bi quan, cho rằng tình hình đang hứa hẹn nhiều hỗn loạn. Một trong những nguyên nhân là chính phủ bị cho là vẫn thiếu chuẩn bị, và các trường vẫn còn đang chờ chỉ đạo cụ thể từ cấp trên.
Một trong những mối lo ngại được nêu bật là các quy định về an toàn y tế chi phối việc mở lại các lớp học bị cho là không còn phù hợp với tình hình mới. Theo bà Sophie Vénétitay, phó tổng thư ký Công Đoàn các Giáo Viên Trung Học Toàn Quốc thì các quy định này đã được cập nhật lần cuối vào ngày 21 tháng 7, trong khi các tín hiệu về dịch Covid-19 trên lãnh thổ Pháp đều ở màu xanh, trong lúc tình hình hiện nay thì đã xấu hẳn đi.
Còn về việc tái lập các sinh hoạt bình thường, theo L’Express, một trong những điểm nhức nhối hiện nay tại Pháp là các bất cập trong vấn đề xét nghiệm Covid-19 một cách đại trà.
Ghi nhận chung của tạp chí Pháp rất nghiêm khắc: Thiếu nhân viên, người muốn xét nghiệm phải xếp hàng dài dằng dặc, kết quả lại có rất trễ… việc đẩy mạnh xét nghiệm đại trà tại Pháp để ngăn chặn virus đang là một mớ bòng bong, rất khó, thâm chí không thể thực hiện được. Các phòng xét nghiệm hiện đang oằn mình dưới các yêu cầu.
Nguy cơ Hồi Giáo cực đoan trong nhà trường tại Pháp
Vào lúc các trường học chuẩn bị mở cửa lại ở Pháp, tạp chí Le Point đã tung ra một quả bom qua hàng tựa lớn ngay trang bìa: “Hồi Giáo cực đoan trong trường học: Điều mà người ta không muốn thấy”.
Le Point độc quyền giới thiệu một quyển sách sắp ra mắt độc giả vào đầu tháng 9, nêu bật những lệch lạc của xu hướng co cụm cộng đồng và thái độ mù quáng của Bộ Giáo Dục Pháp.
Người viết quyển sách, ông Jean-Pierre Obin, cách nay hơn 15 năm, từng là tác giả chính của một bản báo cáo về sự bành trướng của tư tưởng Hồi Giáo cực đoan trong nhà trường tại Pháp mà trên nguyên tắc phải là phi tôn giáo, thuật ngữ chính thức gọi là “tính chất thế tục”. Vấn đề là bản báo cáo đã bị ém nhẹm, không hề được công bố, vào lúc mà những lệch lạc được ghi nhận trong đó ngày càng nặng nề thêm.
Theo Le Point, trong quyển sách sắp ra mắt, ông Obin đã nêu lên những ví dụ cụ thể về sự lộng hành của tư tưởng Hồi Giáo cực đoan trong môi trường giáo dục, từ việc chống lại các nội dung giảng dậy bị cho là chống Hồi Giáo, cho đến việc đòi hỏi được phục vụ món ăn riêng phù hợp với đạo Hồi trong căng tin tập thể, hay phản đối tình trạng nam nữ học chung một lớp.
Điều đáng ngại là sức ép lớn đến mức nhiều giáo viên tại những khu vực nhạy cảm đã tự kiểm duyệt để khỏi bị phiền hà, trong sự thờ ơ của các cấp chịu trách nhiệm.
Voltaire và Rousseau bị “cấm” học
Như nói ở trên, xu hướng Hồi Giáo cực đoan đã tìm cách chống lại các nội dung giảng dậy trong nhà trường tại Pháp, dù đó nằm tròn chương trình chính thức. Ông Obin đã nêu ví dụ về môn văn.
Các triết gia thời kỳ Ánh Sáng, nhất là Voltaire và Rousseau, và những văn bản đặt tôn giáo dưới sự soi rọi của lý trí đặc biệt bị nhắm: “Rousseau đi ngược lại với tôn giáo của tôi”, một học sinh trung học chuyên nghiệp đã nói như trên với giáo viên trước khi rời lớp học.
Molière, và đặc biệt là tác phẩm Le Tartuffe, cũng là mục tiêu bị nhắm với nhiều học sinh không chịu học hoăc không chịu diễn khi dựng lên thành kịch, bị tẩy chay hoặc phá rối lúc trình diễn.
Đối tượng bị tấn công còn là những tác phẩm bị xem là đồi trụy (ví dụ như Cyrano de Bergerac), tự do quá trớn hay cổ vũ cho quyền tự do của phụ nữ như Madame Bovary, hoặc là của những tác giả bị cho là đã được đưa vào chương trình để quảng bá cho Thiên Chúa Giáo như Chrétien de Troyes…
Những ví dụ kể trên khiến người ta nghi ngờ là trong một vài khu phố, học sinh đã bị xúi giục là phải cảnh giác trước những gì giáo viên của họ đề nghị, phải chọn lọc những bài văn trong chương trình học theo những tiêu chí tôn giáo, từ halal – được phép -đến haram – bị cấm.
Alexeï Navalny, nạn nhân của chất độc tham nhũng ở Nga
Vụ nhà đối lập chống Putin hàng đầu tại Nga bị đầu độc và được đưa sang điều trị tại Đức, cũng rất được các tuần báo chú ý. Trong lúc L’Obs tìm hiểu xem “Ai đã đầu độc Alexeï Navalny?” thì L’Express tự hỏi: “Phải chăng Alexeï Navalny là nạn nhân của chất độc tham nhũng tại Nga?”.
Theo L’Express, khi lao vào một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng, nhà đối lập với Putin đã gây nên phiền toái tại một đất nước bị chìm đắm trong tệ nạn này. Và theo các bác sĩ tại bệnh viện ở Berlin, nơi nhà đối lập được chuyển đến, thì đúng là ông Navalny đã bị đầu độc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đòi Matxcơva phải minh bạch, nhưng yêu cầu của bà hẳn là không có cơ may được đáp ứng, vì tình trạng mập mờ trong hệ thống cai trị ở Nga chính là điều mà Navalny, với tư cách nhà hoạt động cũng như chính trị gia, đã lao vào đấu tranh đòi xóa bỏ từ khoảng một chục năm nay.
Nhà sáng lập Quỹ Chống Tham Nhũng FBK đã có nhiều kẻ thù trong giới thân cận với điện Kremlin trong cuộc chiến của ông. Ông đã không ngần ngại gọi đảng của ông Putin, Nước Nga Thống Nhất, là đảng của những “kẻ cắp và lừa đảo”, đã đưa lên mạng những video rất được quần chúng ưa thích cho thấy nhà cửa sang trọng đẹp mắt, ở Nga cũng như ở nước ngoài, của các quan chức cao cấp và nhân vật quyền thế. Ông đã tấn công vào cựu thủ tướng Dmitri Medvedev vào năm 2017.
Nhà đối lập cũng không phải tốn công tìm tòi về nạn tham nhũng tràn lan ở Nga, vốn bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế – Transparency International- xếp hạng 137 trên 180 quốc gia về tham nhũng.
Trước những lời chỉ trích, tổng thống Nga đã đứng ra đóng vai người hùng chống tham nhũng, thậm chí năm 2018 còn đưa ra một danh sách đen các quan chức đã không còn được sự tin tưởng của chính quyền. Nhưng đối với Quỹ FBK, đó chỉ là một màn khói mù để đánh lạc hướng dư luận, lái sự chú ý khỏi những vụ nghiêm trọng hơn.
Theo L’Express, việc Alexeï Navalny bị đầu độc đã được xác nhận, nhưng vẫn còn câu hỏi: Lệnh bịt miệng ông đến từ chủ nhân điện Kremlin hay là từ một trong những người mà ông Putin che chở ?
Chống lãng phí thực phẩm kiểu Trung Quốc
Xin kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một nhận xét lý thú của tạp chí Courrier International về chiến dịch chống lãng phí kiểu Trung Quốc vừa được ông Tập Cận Bình tung ra, được nêu bật trên trang bìa với hàng tựa nhỏ: “Tập Cận Bình tấn công vào tệ nạn lãng phí thực phẩm”.
Theo Courrier International, đây là một chiến dịch rộng lớn nhằm chống phí phạm thực phẩm, với các nơi tranh nhau đưa ra biện pháp, đôi khi khá kỳ lạ.
Theo báo mạng Trung Quốc Bành Phái Tân Văn (Pengpai), ngày 12/08 vừa qua, liên đoàn nhà hàng ở Vũ Hán đã khuyến khích một mô hình đặt món ăn mới có thể gọi là “-1”, có nghĩa là một bàn có 10 người ăn thì chỉ được gọi 9 món mà thôi, nghĩa là ít đi một món so với thông lệ. Và thức ăn trên bàn phải được ăn hết nếu muốn gọi thêm món khác.
Ngày hôm sau, 13/08, đến lượt liên đoàn nhà hàng ở Liêu Ninh đưa ra quy định gắt gao hơn “-2”, tức là bàn 10 khách chỉ được gọi 8 món.
Theo Courrier International, lãng phí thức ăn ở Trung Quốc là một tệ nạn thật sự. Không hiếm hình ảnh các bàn ăn sau những bữa tiệc còn đầy những đĩa đầy ắp, dường như chưa ăn đến.
Đài truyền hình CCTV đã tiết lộ trên mạng Vi Bác là vào năm 2015, lượng thức ăn mà nhà hàng đổ đi tương đương với 1 năm lương thực cho từ 30 đến 50 triệu người!
Tin tổng hợp
(Reuters) – Viễn Đông Nga: Hàng ngàn người lại biểu tình chống tổng thống Vladimir Putin tại Khabarovsk.
Khác với những lần trước, trong cuộc biểu tình chiều ngày 29/08/2020, ngoài việc phản đối điện Kremlin vô hiệu hóa thống đốc của bang, ông Serguei Furgal và gài người thay thế ông này, còn có thêm khẩu hiệu “Putin, mời ông dùng trà”. Người biểu tình tại Khabarovsk gián tiếp quy trách nhiệm cho Matxcơva trong vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny.
(AP) – Pháp không loại Hoa Vi khỏi mạng 5G nhưng ưu tiên cho các tập đoàn châu Âu.
Trả lời báo chí ngày 28/08/2020 vài giờ trước khi tiếp ngoại trưởng Vương Nghị tại điện Elysée, tổng thống Macron cho biết không vì lý do “quốc tịch” mà Paris loại bất kỳ một tập đoàn nào. Tuy nhiên “có hai tập đoàn châu Âu là Ericsson và Nokia hoàn toàn đáp ứng được những đòi hỏi của Pháp” về các chuẩn mực an ninh. Do vậy, liên quan đến những mảng nhậy cảm nhất của mạng 5G, Paris thiên về các đối tác châu Âu “để bảo đảm an toàn”.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ lại tập trận ở đông Địa Trung Hải.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Hy Lạp đang căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải, Ankara thông báo bắt đầu tiến hành từ hôm nay 29/08/2020 các cuộc tập trận kéo dài 2 tuần ngoài khơi đảo Chypre. Tối qua chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ra thông báo tiến hành các bài tập pháp tại vùng biển phía tây bắc đảo Chypre từ ngày 29/08 đến 11/09 để tàu bè qua lại tránh. Trong vùng đông Địa Trung Hải, Hy lạp cùng với một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, cách đây ít ngày cũng đã tổ chức tập trận.
(Reuters)- Tàu cứu hộ người nhập cư trong vùng Địa Trung Hải mang tên nghệ sĩ Bansky cấp bách tìm bến đỗ.
Từ đêm 28/08/2020 tàu Bansky bắn tín hiệu cầu cứu khẩn cấp, xin được neo đậu vào một cảng. Lý do tàu vừa vớt được 219 thuyền nhân ngoài khơi Libya. Có một người chết trên tàu và tình hình đang xấu đi thêm. Tàu Banksy với 10 thủy thủ không đủ sức chăm sóc và bảo đảm an toàn cho các thuyền nhân.
(AFP) – Diễn viên Chadwick Boseman, nổi tiếng với vai chính trong phim Báo Đen qua đời vì bệnh ung thư hôm 28/08/2020.
Chadwick mới 43 tuổi và đã mang bệnh trước khi tham gia bộ phim Black Panther. Bộ phim đầu tiên dành cho nhân vật chính là người da đen trong thế giới điện ảnh Marvel này cho phép nhà sản xuất thu về hơn 1 tỷ đô la.
(Reuters) – Với hơn 300 ca nhiễm Covid-19 một ngày và nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh, hệ thống y tế Hàn Quốc trong tình trạng căng thẳng.
Tính đến ngày 29/08/2020 trên toàn quốc có 19.400 bệnh nhân, và 321 ca tử vong, ngay cả quốc gia tân tiến này lo ngại bệnh viện thiếu chỗ trong trường hợp dịch bệnh tái phát ở quy mô lớn. Tại thủ đô Seoul hiện chỉ có 4,5 % số giường ở bệnh viện được dự cho bệnh nhân Covid-19.
(AFP) – Sự cố sau vụ đốt kinh thánh Coran tại Thụy Điển, nhiều cảnh sát bị thương và hơn một chục người bị câu lưu.
Cảnh sát Thụy Điển ngày 29/08/2020 cho biết sự cố xảy ra tại thành phố Malmo miền nam quốc gia Bắc Âu này kể từ chiều ngày hôm trước, sau vụ một nhóm cảm tình viên của phe cực hữu đốt kinh thánh của người Hồi Giáo. Sáng nay tình hình phần nào lắng dịu trở lại. Lãnh đạo của phong trào cực hữu Thụy Điển Rasmus Paludan không được phép đến Malmo để tổ chức một cuộc tuần hành bài đạo Hồi.
(AFP) – Đài Loan giảm bớt hạn chế với thịt nhập từ Mỹ.
Hôm qua 28/08/2020, Đài Loan thông báo giảm nhẹ các điều kiện nhập khẩu thị bò và lợn từ Hoa Kỳ, một động thái được đánh giá có thể mở đường cho một thỏa thuận thương mại song phương. Quyết định được bà tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đánh giá trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc là “bước đi quan trọng…đánh dấu bước khởi đầu của một hợp tác kinh tế” trên quy mô lớn giữa hai nước. Washington ngay lập tức đã ca ngợi bà Thái Anh Văn “có tầm nhìn của một lãnh tụ” đồng thời kêu gọi nhanh chóng triển khai quyết định trên. Quyết định của Đài Loan được đua ra trong bối cảnh tháng tới hiệp định thương mại với Trung Quốc sẽ hết hạn và Bắc Kinh dự kiến sẽ không ký tiếp thỏa thuận với Đài Bắc.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200829-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 29/8:
Kẻ cầm đầu vụ 39 người Việt chết
trong container nhận tội;
Walmart và Microsoft sẽ cùng nhau mua lại TikTok
Sáng nay, thứ Bảy (29/8), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Kẻ cầm đầu vụ 39 người Việt chết trong container nhận tội
Ronan Hughes, một người lái xe tải 40 tuổi người Ireland, hôm thứ Sáu (28/8) đã nhận tội ngộ sát 39 người Việt Nam ở phía sau một chiếc xe tải đông lạnh gần London hồi năm ngoái. Kết luận điều tra cho biết các nạn nhân chết vì thiếu oxy và quá nóng trong không gian kín, theo Reuters.
Xuất hiện tại một phòng xử án ở Old Bailey, London, Hughes đứng trong vành móng ngựa, đối mặt với thẩm phán khi tên của 31 người đàn ông, trẻ em và tám phụ nữ được xướng lên.
Y đã thừa nhận từng cáo buộc trong một quá trình kéo dài hơn 10 phút. Hughes cũng thừa nhận âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.
Walmart và Microsoft sẽ cùng nhau mua lại TikTok
Vài giờ sau khi CEO TikTok Kevin Mayer từ chức hôm thứ Năm (27/8), Walmart – tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới – đã thông báo trong một tuyên bố chính thức rằng họ sẽ tham gia cùng Microsoft trong cuộc đấu thầu chung để thu mua tài sản của công ty truyền thông xã hội Tik Tok, theo the BL.
Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, ông Mayer đã tuyên bố từ chức hôm thứ Năm trong bối cảnh Hoa Kỳ gây áp lực buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance, phải bán ứng dụng video ngắn phổ biến, với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Walmart cho biết: “Chúng tôi tin rằng mối quan hệ đối tác giữa Walmart và Microsoft sẽ đáp ứng cả mong đợi của người dùng TikTok Hoa Kỳ đồng thời đáp ứng mối quan ngại của chính phủ Mỹ”.
Ngày 2/8, Microsoft đã viết trong một tuyên bố chính thức rằng, “Microsoft sẽ nhanh chóng tiến hành các cuộc đàm phán với công ty mẹ của TikTok, ByteDance, trong vài tuần tới và hoàn thành thương vụ không muộn hơn ngày 15/9. Trong quá trình này Microsoft mong muốn tiếp tục đối thoại với chính phủ Mỹ, bao gồm cả với tổng thống”.
Canada cảnh báo Trung Quốc ‘ngoại giao cưỡng chế’ sẽ không đảm bảo việc thả giám đốc tài chính Huawei
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Francois-Philippe Champagne cho biết hôm thứ Năm (27/8) rằng “chính sách ngoại giao cưỡng chế” của Trung Quốc nhằm tạo áp lực thả một giám đốc điều hành Huawei đang kháng lại việc dẫn độ sang Mỹ sẽ không có hiệu quả, theo SCMP.
Ông Champagne cho biết trong một cuộc gọi hội nghị sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Rome vào tuần này, “Tôi đã nói rất rõ ràng [với ông ấy] rằng ngoại giao cưỡng chế sẽ không mang đến kết quả mong đợi”.
“Tôi đã bảo ông ấy rằng việc bắt giam tùy tiện không có lợi cho quan hệ song phương từ trước đến nay, và chắc chắn [không phải] bây giờ,” ông nói.
Mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh trở nên căng thẳng vào tháng 12/2018 sau vụ bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, Mạnh Vãn Châu theo lệnh của Hoa Kỳ trong chuyến dừng chân ở Vancouver. Bà bị truy nã vì cáo buộc gian lận ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Chín ngày sau, Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada, cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, vì cáo buộc gián điệp. Đây là động thái đáp trả của Bắc Kinh, và đã bị Canada và các đồng minh lên án là các hành vi “bắt giam tùy tiện”.
Nghệ sĩ bất đồng chính kiến người Trung Quốc chế tác bộ phim bí mật về Vũ Hán trong giai đoạn phong tỏa
Nghệ sĩ Trung Quốc bất đồng chính kiến Ai Weiwei đã thực hiện một bộ phim bí mật có tên “Coronation” ở Vũ Hán, thành phố miền trung Trung Quốc nơi khởi nguồn đại dịch, trong giai đoạn phong tỏa chặt chẽ, theo Fox News.
Là nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, người đã kêu gọi sự chú ý của quốc tế đến tình trạng vi phạm nhân quyền và tham nhũng trong chính phủ Trung Quốc bằng các tác phẩm của mình, cho biết ông có một đội quay phim tại hiện trường trong thời gian cách ly tại thành phố tâm dịch.
“Trung Quốc đã khẳng định vị thế siêu cường trên trường toàn cầu, nhưng nước này vẫn chưa được các quốc gia khác hiểu rõ”, theo một tuyên bố trên trang web chính thức của AI Wei Wei. “Qua lăng kính đại dịch, ‘Coronation ’khắc họa rõ nét bộ máy quản lý khủng hoảng và kiểm soát xã hội của Trung Quốc – thông qua giám sát, tẩy não tư tưởng và quyết tâm kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội một cách thô bạo”.
Mối quan hệ Elon Musk-Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ
Nghị viện Mỹ đang phân tích các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn phát sinh từ các hợp đồng SpaceX của Elon Musk với NASA.
Những lo ngại của họ chủ yếu dựa trên khoản hỗ trợ tài chính mà Tesla Inc., cũng thuộc sở hữu của Elon Musk, nhận được từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Washington Examiner đưa tin hôm thứ Tư (26/8).
Thượng nghị sĩ Cory Gardner, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Examiner, bày tỏ lo ngại ĐCSTQ có thể đang đặt điều kiện cho các khoản vay đối với Tesla vốn có thể gây bất lợi cho an ninh quốc gia Mỹ. Ông cho rằng ĐCSTQ có thể đang muốn lợi dụng việc này để thúc đẩy chương trình không gian của mình.
“Tôi lo ngại các công ty ở Trung Quốc có thể đến Hoa Kỳ, thực hiện một thỏa thuận lấy thông tin nhạy cảm, sử dụng công nghệ độc quyền và sử dụng nó để làm phong phú thêm chương trình không gian của họ, nỗ lực an ninh quốc gia của họ ở Trung Quốc”, ông Gardner nói .
Điểm tin thế giới tối 29/8:
Cố vấn Nhà Trắng: Yêu sách
của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘nực cười’;
Mỹ đưa Tập đoàn Tam Hiệp vào tầm ngắm
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (29/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Cố vấn Nhà Trắng: Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘nực cười’
Ông Robert O’Brien, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump gọi các yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông là “lố bịch”. Ông cho biết sẽ gặp Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để tăng cường mối quan hệ quốc phòng trong khu vực, theo SCMP ngày 29/8.
Trong một cuộc thảo luận với ông Paula Dobriansky, Phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, cố vấn O’Brien đã chỉ trích các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông khi cho rằng những yêu sách này là “nực cười”.
“Nó (yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông) bị Tòa án về Luật Biển bác bỏ, và hiện giờ Trung Quốc tổ chức tập trận quân sự ở các vùng biển mà họ coi là của họ, điều mà họ tự tưởng tượng ra”, ông O’Brien nói khi đề cập đến phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực nhằm bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cố vấn an ninh Mỹ khẳng định: “Hoa Kỳ sẽ không buông bỏ các nguyên tắc thâm niên rằng các đường thủy trên thế giới và các vùng biển quốc tế phải được cấp quyền tự do hàng hải, tương tự với quyền tự do hàng không tại không phận quốc tế”.
Mỹ đưa Tập đoàn Tam Hiệp vào tầm ngắm
Lầu Năm Góc hôm 28/8 cho biết Mỹ nhận diện thêm 11 công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, trong đó có Tập đoàn Tam Hiệp, theo Reuters.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ định 20 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc là các công ty quân sự Trung Quốc hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tại Mỹ, bao gồm cả những công ty “thuộc sở hữu hoặc kiểm soát” của Quân đội Giải phóng Nhân dân chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại, chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu.
Trong số 11 công ty mới được bổ sung vào danh sách có tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, tập đoàn Sinochem và China Spacesat.
Mặc dù động thái này của Lầu Năm Góc không phải là lệnh trừng phạt nhưng một đạo luật năm 1999 quy định rằng Tổng thống Mỹ có thể áp đặt chế tài bao gồm phong tỏa tài sản của các công ty có tên trong danh sách.
Ông Trump nói Biden IQ thấp
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/8 nói rằng không muốn thua người có chỉ số IQ thấp như Joe Biden, theo AFP.
Phát biểu trước các cử tri ở New Hamsphire, ông Trump nói mình chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
“Có ai còn nghi ngờ gì về điều đó không?”, Tổng thống Trump hỏi đám đông.
“Tôi sẽ thua một người có chỉ số IQ thấp ư? Tôi không muốn điều đó. Joe ngủ gật. Tôi không muốn vậy”, ông Trump đề cập đến ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Ông nói thêm: “Tất cả chúng ta đứng giữa người dân Mỹ và đám đông cánh tả. Nếu mọi người muốn cứu nền dân chủ khỏi đám đông cánh tả cực đoan, thì mọi người phải bỏ phiếu để đánh bại một ứng viên cực kỳ yếu kém”.
Vũ Hán: Tất cả trường học sẽ mở lại vào 1/9
Giới chức Vũ Hán hôm 28/8 cho biết, tất cả các trường học trong thành phố sẽ mở cửa lại vào thứ Ba tới (1/9), theo Reuters.
Chính quyền địa phương thông báo 2.842 cơ sở giáo dục trên toàn thành phố sẽ mở cửa đón gần 1,4 triệu học sinh, sinh viên quay lại trường. Đại học Vũ Hán đã mở cửa trở lại vào ngày 31/8.
Các trường học khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang khi đến trường và hạn chế di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.
Giới chức thành phố cho biết thêm, các học sinh và giáo viên nước ngoài nếu không nhận được thông báo từ trường sẽ chưa được phép quay lại trường học.
Tạp chí đặc biệt
Vụ Navalny nghi bị đầu độc:
Phần Lan gỡ ngòi cho căng thẳng Nga–Liên Âu
Trọng Thành
Quan hệ Nga–phương Tây đột ngột căng thẳng hơn sau bầu cử tổng thống Belarus. Dân biểu tình lên án gian lận, chính quyền đàn áp. Nga sẵn sàng can thiệp cứu chế độ Loukachenko. Một nhà đối lập hàng đầu nước Nga bất ngờ hôn mê, phải cấp cứu, vào lúc khủng hoảng Belarus đang cao trào. Ở Mỹ, Đại hội hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đề cử ứng viên tranh chức tổng thống: thái độ với Trung Quốc là điểm nóng số một. Trên đây là chủ đề thời sự quốc tế nổi bật tháng 8/2020.
Hôm thứ Năm 20/08, đúng vào lúc công luận tập trung vào các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tại Belarus, một thông tin đến từ Nga gây chấn động: nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny bất ngờ nhập viện trong trạng thái hôn mê rất nghiêm trọng. Nghi vấn đầu độc ngay lập tức được đặt ra. Từ nhiều năm nay, mật vụ Nga bị cáo buộc là thủ phạm của nhiều vụ đầu độc vì lý do chính trị. Vì sao nhà đối lập Nga nhanh chóng được đưa sang Đức ?
Chắc chắn tiếng nói quốc tế và trong nước đóng vai trò không nhỏ, nhưng trong việc ông Navalny sớm được rời khỏi Nga, cũng có vai trò môi giới quan trọng của Phần Lan. Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux cho biết cụ thể:
« Thủ tướng Đức Angela Merkel đã không hề gây áp lực đối với tổng thống Nga Vladimir Putin, vào bất cứ thời điểm nào, để chính quyền Nga cho phép để nhà đối lập Navalny được đưa sang một bệnh viện ở Berlin. Chính là nhờ sự môi giới, tổng thống Phần Lan Niinisto, người mà thủ tướng Đức đã viện đến. Tổng thống Phần Lan sau đó đã liên hệ với ông Putin, điện Kremlin đã bật đèn xanh. Ít nhất đây cũng là điều mà tổng thống Phần Lan chia sẻ trên truyền thanh hôm thứ Bảy, 22/08.
Về phần mình, phủ tổng thống Phần Lan chỉ dừng ở chỗ xác nhận là cuộc trao đổi giữa hai ông Putin và Niinisto đã diễn ra, cụ thể liên quan đến Belarus và sức khỏe của nhà đối lập Nga Navalny.
Ngành ngoại giao Đức dường như đã hoàn toàn tránh làm cho điện Kremlin tức giận trong vấn đề nhà đối lập Nga. Trong những ngày gần đây, thủ tướng, phó thủ tướng và ngoại trưởng Đức tự giới hạn trong việc nhắc đi nhắc lại rằng Berlin sẵn sàng tiếp nhận ông Navalny, nếu như gia đình mong muốn.
Chỉ đến ngày thứ Bảy 22/08, một khi ông Navalny đến Đức, thì tổng thống Đức Franck Walter Steinmeier mới yêu cầu làm sáng tỏ hoàn toàn nghi vấn đầu độc ».
Mảnh đất hòa giải – đối thoại
Phần Lan có một vị trí rất đặc biệt trong quan hệ giữa Matxcơva với phương Tây. Quan hệ giữa Phần Lan và Nga trải qua nhiều thăng trầm. Mảnh đất Phần Lan từng thuộc đế chế Nga trong hơn một thế kỉ. Phần Lan chính thức độc lập kể từ năm 1917. Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Phần Lan hoàn toàn trung lập. Sau khi khối Cộng Sản tan rã, Phần Lan nhanh chóng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (năm 1995) và tham gia vào khối đồng euro từ sớm (2002). Từ chỗ là nơi đối đầu của các cường quốc, Phần Lan đã trở thành mảnh đất của hòa giải. Thủ đô Helsinki nổi tiếng là địa điểm thuận lợi, nơi các nước đối địch tìm kiếm đối thoại, và tiếng nói chung. Các hiệp ước Helsinki những năm 1970 từng đặt nền móng cho Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, với 57 quốc gia thành viên, mà Nga và Mỹ cũng tham gia. Thủ đô Helsinki cũng là nơi diễn ra nhiều thượng đỉnh Mỹ – Nga.
Nguồn cảm hứng của phong trào dân chủ Belarus: Ca khúc xứ Catalunya
Mỗi cuộc thay đổi xã hội lớn đều cần đến những động lực lớn lao. Âm nhạc là một trong những nguồn sức mạnh tinh thần ấy. Trong phong trào phản kháng tại Belarus chống chế độ độc tài Loukachenko, giới quan sát ghi nhận một bài hát đã trở thành ca khúc không chính thức của phong trào, bùng lên đầu tháng 8/2020, chống lại kết quả cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống, bị tố cáo là gian lận, cho phép đưa nhà độc tài, cầm quyền từ 26 năm nay, tiếp tục tại vị.
Đó không phải là các ca khúc tranh đấu nổi tiếng khắp thế giới, vẫn được công chúng biết đến như Give peace a chance – Hãy cho hòa bình một cơ hội của John Lennon, hay ca khúc Ý chống phát xít Bella Ciao. Ca khúc mang tên « Những bức tường » (Mуры [ Mury ] trong tiếng Belarus hay Стены [ Steny ] trong tiếng Nga) có nguồn gốc xa xôi, ít ai ngờ tới.
Giai điệu của ca khúc xuất phát từ một bài ca xứ Catalunya, cách nay hơn nửa thế kỷ. Ca khúc mang tên L’Estaca, của ca sĩ Lluis Llach, vốn là bài hát chống chế độ độc tài Franco tại Tây Ban Nha. Ca sĩ Lluis Llach, một biểu tượng của phong trào phản kháng chống chế độ Franco tại Catalan, chắc không thể ngờ, hơn 50 năm sau, giai điệu bài hát vang lên ở tận đầu kia của châu Âu, trên các đường phố Belarus.
Theo một nhà báo Nga, giai điệu của ca khúc Catalunya, đã được lồng nội dung mới, trở thành bài hát biểu tượng của phong trào Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Solidarność, phong trào tranh đấu ôn hòa vì một cuộc chuyển đổi dân chủ tại Ba Lan, xóa bỏ những bức tường chia rẽ, chia rẽ các xã hội, chia rẽ lòng người, chấm dứt chế độ toàn trị cộng sản.
Giai điệu xứ Catalunya đã lan đến Tunisia, quê hương của phong trào phản kháng ôn hòa, dẫn đến sự chấm dứt chế độ độc tài Ben Ali, năm 2011. Bài hát mang tên gọi mới « Những bức tường » cũng trở thành một ca khúc tiêu biểu của phong trào đòi dân chủ tại Nga.
Bản L’Estaca, đã trở thành một « bài dân ca » xứ Catalunya, được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Lời gốc bài hát thuật lại cuộc đối thoại giữa hai ông cháu. Để kéo bật được chiếc cột móng, bám rất sâu trong lòng đất (cột móng tiếng catalunya là « L’Estaca », tức tên bài hát), người ông để lại cho người cháu một lời khuyên: nếu tất cả đồng lòng, chung tay cùng kéo, cột chắc chắn sẽ đổ. Đồng lòng, chung sức, bền bỉ, không quản ngại, cây cột sẽ đổ, tự do sẽ đến.
Minsk cảnh báo phi cơ NATO, Matxcơva giải mật vụ nổ nguyên tử 1961
Cho đến nay, chính quyền Loukachenko cự tuyệt đề xuất đàm phán với đối lập. Theo nhiều nhà quan sát, Matxcơva đang chơi bài nước đôi. Một mặt lớn tiếng kêu gọi các bên tại Belarus đàm phán, hoan nghênh biểu tình ôn hòa, nhưng mặt khác làm ngơ trước các hành động bạo lực của cảnh sát chống người biểu tình, đồng thời cảnh báo sẵn sàng điều quân hỗ trợ chế độ Loukachenko.
Nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập cơ quan năng lượng nguyên tử Nga, ngày 27/08, điện Kremlin giải mật nhiều bức ảnh về vụ nổ bom hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Năm 1961, Matxcơva cho thử bom H RDS-220, được mệnh danh là « Tsar Bomba », có sức hủy diệt vô cùng kinh hoàng: gấp 3.000 lần trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Nhật hồi Thế Chiến II.
Kẻ tung, người hứng khiến không khí chiến tranh dâng cao. Ngày 28/08, tổng thống Loukachenko lệnh cho một nửa quân đội sẵn sàng chiến đấu, và cảnh báo không quân NATO đã áp sát biên giới, với máy bay có thể mang « vũ khí hạt nhân » (theo báo Sputnik của chính quyền Nga), và một lần nữa nhấn mạnh, nếu chế độ Loukachenko bị đổ, nước Nga sẽ lâm nguy. Thủ tướng Albani, quốc gia đảm nhiệm chức chủ tịch OSCE, cùng ngày 28/08, đã báo động : nếu không hành động kịp thời, Belarus có thể bị đẩy vào « thảm họa ».
Trump: Nếu Biden đắc cử, “quí vị sẽ phải nói tiếng Tàu !”
Tại Mỹ, càng sát ngày bầu cử tổng thống, hai phe càng gia tăng mức độ khẩu chiến. Gần một tuần lễ trước Đại hội Đảng Dân Chủ, chính thức đề cử cựu phó tổng thống Joe Biden làm ứng viên tranh chức tổng thống Mỹ, đương kim tổng thống Donald Trump trong một cuộc trả lời phỏng vấn (ngày 11/08/2020) đã lớn tiếng báo động, nếu để « Donald Trump thất cử, Trung Quốc sẽ chiếm nước Mỹ. Quý vị sẽ phải học nói tiếng Tàu ! ».
Trung Quốc là mảnh đất số một trong cuộc chiến giành cảm tình của cử tri Mỹ. Đua tranh xem ai cứng rắn với Trung Quốc hơn ai dường như đang trở thành biện pháp chủ yếu để tranh thủ lá phiếu. Theo nhà chính trị học quốc tế kỳ cựu Amital Etzioni, các thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ, dù bị phân hóa trong hầu hết các chủ đề, nhưng riêng về Trung Quốc thì mức độ thống nhất lại rất cao. Tâm lý bài Trung rất mạnh, và gia tăng. Nghiên cứu của Pew Research Center cho thấy 73% cử tri Mỹ có ác cảm với Trung Quốc, tăng 26 điểm so với năm 2018 (bài « Biden Joins the Anti-China Chorus », The Diplomat, 24/08/2020).
Trong phiên khai mạc Đại hội đảng Cộng Hòa đề cử ứng viên tổng thống, một nhân vật chủ chốt trong đảng, bà Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc, tuyên bố là ông Biden thành tổng thống sẽ là một điều « tuyệt vời cho chế độ cộng sản Trung Quốc ». Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiệu quả của chiến lược với Trung Quốc là một vấn đề hết sức phức tạp, khó lòng đánh giá đơn giản chỉ qua một số phát biểu hay các hành động nhất thời. Trong những tuần qua, công luận đặc biệt chú ý đến nhận xét của ông William Evanina, giám đốc Trung Tâm Phản Gián và An Ninh Quốc Gia (NCSC) ngày 07/08 cho biết: « Trung Quốc muốn tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh cho là khó đoán định – không tái đắc cử ».
Ngược lại, về vấn đề này, nhà chính trị học Mỹ gốc Hoa Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), một chuyên gia về bộ máy nhà nước Trung Quốc, lưu ý là tại chính Trung Quốc, các lãnh đạo nào quan tâm đến tầm nhìn dài hạn sẽ thích ông Trump tiếp tục làm tổng thống hơn, bởi theo họ, điểm yếu căn bản của tổng thống mãn nhiệm là không tạo lập được các liên minh quốc tế, và trong thời kỳ 4 năm qua, nước Mỹ suy yếu, do nội bộ chia rẽ. Vẫn theo ông Minxin Pei, chính quyền – nếu do ông Biden lãnh đạo – sẽ có khả năng hoạch định một chiến lược lâu dài, đa phương, có đủ khả năng khống chế được Trung Quốc hiệu quả hơn trong 20, 30 năm tới. Nhà chính trị học Mỹ gốc Hoa cảnh báo : phá hủy hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc sẽ bất lợi cho chính nước Mỹ (bài « Trump or Biden, which candidate does China want in the White House? », CNN, ngày 26/08/2020).
Cũng có quan điểm không đối lập triệt để Trump với Biden. Nhà báo Mỹ John Pomfret nhận định, nếu đắc cử, ông Biden có thể kế thừa « các điểm hay » trong chính sách của người tiền nhiệm, và loại bỏ « các ý tưởng ngớ ngẩn », để hoạch định một chiến lược thông minh hơn với Bắc Kinh, một chế độ « đang ngày càng trở nên độc đoán, thù nghịch và táo tợn hơn » (bài « Biden could execute a strong and effective China policy … thanks to Trump », The Washington Post, 21/08/2020).
Riêng về câu chuyện nguy cơ toàn dân Mỹ phải nói tiếng Tàu, nhiều người vẫn chưa quên chính tổng thống Trump, trong chuyến công du Trung Quốc hồi cuối năm 2017, đã khoe với ông Tập Cận Bình đoạn băng video cô cháu gái hát, chào chủ tịch Trung Quốc bằng tiếng Tàu thành thạo. Trước đó, đầu năm 2017, cũng chính cô bé đã biểu diễn đọc thơ Đường, hát dân ca mừng đón chủ tịch Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng của gia đình ông Trump ở Florida.
Cuộc chiến vì khí hậu của “Greta” Trung Quốc
Trong những ngày gần đây, truyền thông quốc tế chú ý đến một thiếu nữ 17 tuổi, ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Theo gương cô gái Thụy Điển Greta Thunberg, Âu Hoằng Dịch (Howey Ou) dấn thân thức tỉnh công luận về nguy cơ Trái Đất nóng lên nhanh chóng. Đứng biểu tình trước của trụ sở chính quyền thành phố, phân phát tờ rơi, trồng cây… Những hoạt động như vậy làm cô trở nên khá nổi tiếng. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các nỗ lực đánh động công luận không hề đơn giản.
Áp lực đối với Âu Hoằng Dịch là hết sức lớn. Để thực hiện điều mà cô cho là đúng, Âu Hoàng Dịch phải đối mặt với toàn bộ chế độ. Trả lời AFP, cô cho biết đã bị công an thẩm vấn, bị đuổi học. Tuy nhiên, đối với Âu Hoàng Dịch, áp lực gia đình là điều đáng sợ hơn hết. Nhà tranh đấu môi trường trẻ tuổi kể lại bị cha mẹ tra vấn, kiểm soát thư từ, cấm dời nhà, cấm trả lời đài báo, và nhất là các cuộc nhiếc móc hàng giờ đồng hồ. Gia đình lo lắng con gái không có cơ hội đến trường, sẽ không có tương lai.
Trên mạng, cô nhận được hàng triệu lời lên án về cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm ngoái với một báo Đức. Nhiều người xỉ vả cô là một kẻ học đòi, tranh đấu chỉ để được nổi tiếng. Đối diện với các áp lực, thái độ thù địch, khinh bỉ trên mạng, Âu Hoàng Dịch không khuất phục. Trả lời phỏng vấn RFI, người thiếu nữ Trung Quốc giải thích vì sao cô quyết định dấn thân, đơn độc ngược dòng như vậy:
« Tôi rất lo lắng về thái độ của người dân Trung Quốc hiện nay trong giai đoạn quan trọng này của lịch sử. Tôi sẽ phải cảm thấy hổ thẹn khi nhìn lại giai đoạn này. Trong 30 hay 40 năm nữa, nếu như… chúng ta đã không làm gì cả, chúng ta sẽ cảm thấy có tội đối với chính chúng ta, với các thế hệ tương lai. Như vậy, nếu như tại Trung Quốc, thực sự không có ai đứng lên cả, thì tôi phải hành động thôi ».
Nhà tranh đấu môi trường trẻ tuổi nhấn mạnh với AFP, « hành động vì khí hậu cần khẩn cấp bởi đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự sống còn của nhân loại ». Hết sức bất bình, cô nói: « Chúng ta đang ở trên một con tàu. Tàu thì đang chìm mà mọi người thì vẫn ăn uống, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra ».