Đọc báo Pháp – 29/08/2017
Miến Điện : Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi
không cứu được người Rohingya
Xung đột giữa quân đội Miến Điện và sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi Giáo gia tăng cường độ trong những ngày qua tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện. 104 người bị thiệt mạng và hơn 3 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn. Đề tài này được nhiều báo Pháp (29/08/2017) đề cập đến. Hầu hết các báo nhận định cuộc khủng hoảng sắc tộc này ngày càng làm lu mờ hình ảnh giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi.
« Cuộc tấn công du kích của người Rohingya tại Miến Điện », « Người Rohingya ồ ạt chạy trốn chiến sự » hay như « Người Rohingya bị giam hãm giữa Bangladesh và Miến Điện » là tựa đề các bài viết trên Le Monde, Le Figaro và La Croix.
Trong bối cảnh đó, người trên thực tế đứng đầu bộ máy hành pháp tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, vẫn tiếp tục có lập trường không rõ ràng. Trong bài nhận định có tựa đề « Tại Miến Điện, Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi trong tình thế bó buộc », Libération lấy làm khó hiểu về những tuyên bố mà bà liên tiếp đưa ra trong hai ngày Chủ Nhật (27/08) và thứ Hai (28/08), từ cáo buộc các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế đã giúp đỡ những « kẻ khủng bố cực đoan » vây hãm một ngôi làng ở bang Rakhine cho đến việc tố cáo những kẻ khủng bố đã sử dụng trẻ em làm chiến binh, chống lại lực lượng an ninh và những kẻ khủng bố đốt phá làng mạc của các sắc dân thiểu số.
Trước những cáo buộc không có bằng chứng, Libération cho rằng bà Aung San Suu Kyi đã không thận trọng và đang nhắc lại lập luận tuyên truyền của quân đội Miến Điện. Trong khi đó, chính quân đội nước này bị tố cáo là có những vụ sách nhiễu, tiến hành các « chiến dịch thanh lọc sắc tộc » tại thành phố Buthidaung và Maungdaw ở bang Rakhine.
Tờ báo nhắc lại trước đó bà Aung San Suu Kyi từng có thái độ khó hiểu này. Khi Liên Hiệp Quốc vào tháng 2/2017 cáo buộc quân đội Miến Điện rất có thể đã phạm các tội ác chống nhân loại, như hãm hiếp, hành quyết không qua xét xử, đốt phá làng mạc…, bà Aung San Suu Kyi trong tháng 4/2017 lại khẳng định không hề có chuyện « thanh lọc sắc tộc » tại bang Rakhine.
Thái độ lập lờ đó không khỏi khiến người ta nghĩ rằng giải Nobel Hòa Bình dường như không quan tâm đến số phận các thường dân thường xuyên phải hứng chịu các đợt nã pháo dồn dập của quân đội Miến Điện và sống trong những điều kiện như địa ngục, không được hưởng những quyền cơ bản của con người.
Làm sao có thể giải thích nổi thái độ « thiếu dũng cảm, thiếu nhân bản và không có lòng trắc ẩn» của bà Aung San Suu Kyi, như các giải Nobel Hòa Bình đã nêu ra trong một bức thư công bố hồi tháng 12 năm ngoái ? Họ lấy làm tiếc là bà Aung San Suu Kyi đã « không hề đưa ra sáng kiến nào để bảo đảm các quyền đầy đủ cho người Rohingya ».
Theo giải thích của nhật báo, dù rằng bà Aung San Suu Kyi đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015, nhưng bà lại ở trong tình thế tế nhị trong quan hệ với bên quân đội vì phe này mặc nhiên kiểm soát 25% số ghế tại Quốc Hội và nắm giữ ba bộ chủ chốt. Chính quân đội đã lôi kéo bà vào trong tiến trình chuyển tiếp, qua đó, buộc bà phải chia sẻ trách nhiệm, đồng thời có thể gây áp lực và kiểm soát giải Nobel Hòa Bình.
Mặt khác, vẫn theo Libération, bà Aung San Suu Kyi không hề là một người chống quân đội, mà luôn tỏ ra khâm phục quân đội được coi là định chế duy nhất bảo đảm sự thống nhất đất nước.
Aung San Suu Kyi thuộc sắc tộc Bamar – thường gọi là Miến – chiếm đa số tại Miến Điện, theo đạo Phật. Sắc tộc này thường xuyên cảm thấy bị đe dọa trước các lực lượng nổi dậy thuộc các sắc dân thiểu số. Do vậy, bà Aung San Suu Kyi phải sống thỏa hiệp với một xã hội luôn được thôi thúc bởi lòng tự hào dân tộc và tinh thần này có thể dẫn đến thái độ bài Hồi Giáo, chống sắc tộc Rohingya.
Căng thẳng Doklam : New Dehli nhượng bộ Bắc Kinh ?
« Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya đến hồi kết » là ghi nhận của nhật báo kinh tế Les Echos. Xung đột trên cao nguyên Doklam giữa Ấn Độ và Trung Quốc có vẻ như đã được giải quyết.
Báo chí Ấn Độ ngày hôm qua (28/08) dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao cho hay thông qua đối thoại ngoại giao, hai bên đã đồng ý « nhanh chóng rút quân ra khỏi cao nguyên và tiến trình này đang diễn ra ». Tuy nhiên, Les Echos nhận thấy sự việc lại được báo chí Trung Quốc diễn giải theo một cách khác. Ngoài việc hoan nghênh Ấn Độ đơn phương rút quân, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định quân đội nước này vẫn tiếp tục tuần tra tại khu vực trên.
Tờ báo nhắc lại căng thẳng đã bùng lên tại Doklam, vùng biên giới giữa ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan hồi trung tuần tháng 6/2017. Ấn Độ đã đưa quân đến khu vực trên theo lời yêu cầu của Bhutan, sau việc Trung Quốc cho tiến hành xây đường tại đây.
Việc nắm được kiểm soát vùng cao nguyên Doklam là thiết yếu cho Ấn Độ, cho phép nước này được ưu tiên đi vào cửa ngỏ hành lang Siliguri, hay còn được gọi là vùng « cổ gà » do vị trí địa hình hiểm trở, ngăn cách Ấn Độ với các bang phía Đông Bắc của nước này.
Les Echos nghi ngờ đặt câu hỏi : Liệu những tuyên bố mới đây có giúp giải quyết được xung đột hay không ? Những thông báo này được đưa ra vào đúng thời điểm quan trọng cho cả hai cường quốc châu Á. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi sắp tới phải đến Trung Quốc nhân kỳ thượng đỉnh các nước thành viên trong khối BRICS.
Châu Á và các nước Ả Rập :
Thị trường vũ khí tiềm năng của Nga
Trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Les Echos có bài viết đề tựa « Matxcơva ráo riết tìm kiếm thị trường quân sự mới », liên quan đến hội chợ vũ khí ARMIA 2017 mở ra hồi tuần trước ở một vùng ngoại ô của Matxcơva.
Trong ấn bản hội chợ lần 3 này, ARMIA 2017 đang tìm cách mở rộng thị trường truyền thống ngoài Ấn Độ nhắm vào các nước châu Á mới trỗi dậy, vốn dĩ cho rằng « công nghệ vũ khí Nga là khả tín và giá cả hợp lý ».
Hiện tại, Nga là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trong năm 2016, bất chấp việc bị phương Tây cô lập kể từ khi bùng nổ khủng hoảng ở Ukraina, Nga đã bán vũ khí cho hơn 50 nước thu về 15 tỷ đô la theo con số do điện Kremlin đưa ra.
Les Echos cho rằng chính việc can thiệp quân sự vào Syria đã cho phép Nga phô bày tính năng các loại vũ khí của mình. Với ARMIA 2017 lần này, Nga muốn nhắm đến một thị trường tiềm năng khác, đó là các quốc gia Ả Rập hay như Thổ Nhĩ Kỳ, những khách hàng truyền thống của Hoa Kỳ. Một số cuộc thương lượng kín giữa các này với Nga đang diễn ra. Đương nhiên, những thương vụ này cũng đang làm cho Washington bực bội « nghiến răng kèn kẹt ».
Sau Thế Vận Hội là Hội Thao Quân Sự
Cũng liên quan đến Nga, Les Echos chú ý đến « Hội Thao Quân Sự, một dạng thế vận hội theo kiểu của điện Kremlin ». 4 000 quân nhân đến từ 28 quốc gia phải tranh tài các môn : Đổ bộ từ trực thăng, điều khiển chiến đấu cơ, đi bộ 5 km theo địa bàn, tác chiến thủy lục phối hợp, leo núi Elbrouz và có cả thi « nấu bếp dã chiến »… tổng cộng là 30 môn tranh tài.
Cuộc tranh tài này kéo dài trong vòng hai tuần từ ngày 29/07 cho đến hết ngày 12/08/2017. Đây là lần thứ ba nước Nga tổ chức kỳ đại hội thể thao này. Hội thao quân sự cũng có lễ khai mạc và bế mạc, chào mừng 150 đội tham gia tranh tài.
Trong số 28 nước tham gia năm nay, có 9 quốc gia mới : Bangladesh, Lào, Thái Lan, Ouzbékistan, Nam Phi, Ouganda, Maroc, Israel và Syria và đương nhiên không có một nước phương Tây nào tham dự.
Thổ Nhĩ Kỳ thật sự muốn chuyển hướng sang Đông ?
Sau thất bại của các cuộc đàm phán về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây hướng nhìn sang phía Đông và tìm kiếm các đối tác mới, nhưng không từ bỏ hẳn các đồng minh truyền thống. Libération tóm tắt tình trạng này qua bài « Thổ Nhĩ Kỳ lửng lơ giữa hai chính sách đối ngoại ».
Cánh cửa gia nhập Liên Hiệp Châu Âu gần như khép hẳn với Thổ Nhĩ Kỳ, sau 12 năm đàm phán nhưng không mang lại kết quả. Ngày 24/08 vừa qua, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nói thẳng : Rõ ràng là trong tình hình hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Không phải vì châu Âu không muốn, mà bởi vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Erdogan đã nhanh chóng xa rời những gì mà châu Âu bảo vệ, đặc biệt là sau vụ đảo chính hụt ngày 15/07/2016 và nhiều vụ vi phạm các quyền tự do cơ bản.
Vào lúc tiến trình gia nhập bế tắc, các tranh cãi ngoại giao ngày càng nhiều giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Recep Erdogan giờ muốn nhòm sang hướng Đông và Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải – OCS, do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Nhiều cuộc thảo luận về việc Ankara gia nhập OCS đã được tiến hành nhưng chưa có kết quả.
Thế nhưng, theo giới chuyên gia, thì đây là một dự án ảo tưởng và đó không phải là một giải pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ do mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa Ankara và Bruxelles : Liên Hiệp Châu Âu tiếp nhận 50% tổng xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ và thực hiện 70% tổng đầu tư trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với Nga và Iran, đặc biệt trong hồ sơ Syria.
Thế nhưng, giới phân tích tỏ ra thận trọng và cho rằng qua các động thái nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gửi tới các đối tác truyền thống, đặc biệt là Hoa Kỳ, những thông điệp bày tỏ sự bất bình, hẫng hụt. Đó không phải là một sự đổi hướng chiến lược mà chỉ là những hoạt động hợp tác mang tính thực dụng và nhất thời.
Samsung: Tai họa giáng xuống đầu cháu chắt
Phải chăng kế thừa tài sản gia đình cũng như nghề nghiệp hay sự nghiệp chính trị không bao giờ qua được đời thứ ba ? Có câu nói rằng « Đời ông khởi dựng, đời cha phát triển và đời con tàn phá ». Le Monde đặt câu hỏi phải chăng ngạn ngữ này giờ đang ứng dụng cho tập đoàn Samsung ?
Lee Jae-Yong, 49 tuổi và là cháu của nhà khai sáng tập đoàn vừa bị kết án 5 năm tù giam vì tội tham nhũng. Đương nhiên giờ khó có thể khẳng định được người này đã làm mất danh dự cha mình. Chưa bao giờ Samsung lại hưng thịnh như lúc này. Trong quý 3 vừa qua, doanh thu của tập đoàn đã đạt gần 10 tỷ đô la, trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thế giới, qua mặt cả Apple trong lĩnh vực công nghệ nhờ vào điện thoại thông minh và các con chip điện tử.
Thế nhưng bản thân người ông cũng khó có thể rao giảng đạo đức cho hàng con cháu vì người sáng lập Samsung đã từng bị kết án tù vì tội tham nhũng, nhưng sau đó đã được tổng thống ân xá do những « công trạng » đóng góp cho đất nước.
Tuy nhiên, Le Monde cho rằng điều này có lẽ sẽ không diễn ra với đứa cháu Lee Jae-Yong. Tổng thống Moon Jae-In lần này quyết định giữ vững các cam kết tiệt trừ tệ nạn tham nhũng mà Samsung là trung tâm của vụ tai tiếng, dẫn đến việc bà tổng thống Park Geun-Hye bị phế truất.
Nhưng chính vì để củng cố vương triều Samsung, thống lĩnh trong 60 ngành nghề, từ đóng tầu thuyền cho đến xây cầu đường, đi qua cả bảo hiểm và điện tử, tập đoàn tặng không biết bao nhiêu món quà cho các lãnh đạo chính trị. Tiến bộ dân chủ, đòi hỏi của tầng lớp trung lưu mới giờ không thể tách rời với việc thay đổi sâu sắc cách quản lý doanh nghiệp. Do đó, Le Monde cho rằng tai họa mà lớp con cháu đang gánh chịu cũng là một cơ hội tốt để thay đổi chế độ.
Mireille Darc : Tóc vàng tắt nắng
Báo Pháp hôm nay cũng dành nhiều trang để nói về cuộc đời và sự nghiệp điện ảnh của nữ minh tinh Mireille Darc, qua đời ngày hôm qua ở tuổi 79. Le Monde trên trang nhất dành một góc nhỏ thông báo « Mireille Darc qua đời ». Les Echos dành một góc nhỏ đăng tấm ảnh nữ minh tinh thời son trẻ nét mặt tươi cười, chạy tựa : « Mireille Darc qua đời ở tuổi 79 ».
Le Figaro trên trang nhất ưu ái chạy tựa « Mireille Darc, gương mặt sáng ngời của điện ảnh Pháp ». Riêng tờ Libération theo thói quen gây sốc, trang nhất đăng tấm ảnh lớn nữ minh tinh trong chiếc áo tắm đen, đứng áp tường phô trương tấm lưng trần thon thả đầy khêu gợi để rồi chạy tít « Mireille Darc thoát y »
Nét đẹp rạng ngời với mái tóc vàng óng, thân hình gợi cảm lẽ dĩ nhiên là những gì người hâm mộ điện ảnh không quên qua những thước phim mà bà đã trải qua. Báo chí Pháp cũng không quên điểm lại những bộ phim đình đám làm nên tên tuổi, đưa hình ảnh của nữ minh tinh đi vào lòng người hâm mộ.
Sắc đẹp thiên thần nhưng cũng rất nhạy cảm, và nhân văn. Rời trang phục điện ảnh, bà thực hiện nhiều bộ phim tài liệu gây xúc động, chứa đậm tình người kể về cuộc sống thường nhật của các tù nhân, những người tu hành, các bệnh nhân ung thư, những phụ nữ hành nghề mãi dâm, những người vô gia cư…
Chính sự tinh tế và lòng tôn trọng con người mà bà xứng đáng được La Croix gọi là « Mireille Darc, người đẹp tóc vàng với hai gương mặt ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170829-aung-san-suu-ky-nobel-hoa-binh-khong-cuu-duoc-nguoi-rohingya
Tin đọc nhanh
(AFP) – Kim Jong Un có thêm con thứ ba
Hãng tin Yonhap ngày 29/08/2017 dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết, bà Ri Sol Ju, phu nhân lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã sinh thêm con thứ ba hồi tháng Hai. Bà Ri đã biến mất một thời gian dài trong năm ngoái, khiến người ta tin rằng bà đang mang thai. Vợ chồng Kim Jong Un đã có hai con sinh năm 2009 và 2013. Theo vận động viên bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, người có quan hệ thân thiết với lãnh tụ Bình Nhưỡng, thì cả hai đều là con gái.
(AFP) – Tập đoàn Pháp giành hợp đồng xây dựng tại Việt Nam
Vinci ngày 29/08/2017 thông báo đã giành được hợp đồng trị giá 60 triệu euro để xây dựng hệ thống đường ống cấp nước sạch tại Việt Nam. Hợp đồng đã được ký hôm 24/08, bao gồm việc thiết kế -xây dựng một đương ống dẫn nước dài 10 km cấp cho thành phố Hồ Chí Minh. Công trình sẽ được thi công trong vòng 3 năm rưỡi. Kinh phí của dự án lấy từ nguồn của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
(AFP) – Trung Quốc tiếp tục tuần tra khu vực tranh chấp gần Ấn Độ
Bắc Kinh ngày 29/08/2017 tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực biên giới tranh chấp ở Himalaya, sau cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua với Ân Độ, tuy nhiên không cho biết địa điểm cụ thể. Được hỏi liệu có ngưng việc xây dựng con đường dùng cho quân sự đã gây ra xung đột Trung-Ấn hay không, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời « sẽ xem xét nhiều nhân tố, trong đó có vấn đề thời tiết ».
(AFP) –Nga triển khai tàu ngầm tại Địa Trung Hải
Ngày 28/08/2017Matxcơva thông báo triển khai hai tàu ngầm mới tại Địa Trung Hải. Hai chiếc tàu ngầm Kolpino và Veliki Novgrode đã tới Địa Trung Hải nhập vào nhóm hạm đội thường trực của Nga tại Địa Trung Hải. Đây là hai chiếc tàu ngầm tấn công chạy động cơ diesel thuộc lớp Kilo, khá hiện đại mới đưa vào phục vụ năm 2016. Thỏa thuận ký hồi đầu năm nay giữa Matxcơva và Damas dự trù Nga sẽ triển khai 11 chiến hạm tại căn cứ Tartus. Năm 2016, Nga đã triển khai khoảng 4300 quân tại Syria.
(AFP) – Di tản chiến binh Daech khỏi biên giới Syria –Liban
Đoàn xe chở các chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và gia đình họ được di tản khỏi vùng biên giới Syria-Liban trong ngày 29/08/2017 đã đến miền đông Syria, theo thông tin của cơ quan tuyên truyền của lực lượng Hezbollah Liban. Đợt di tản thực hiện theo thỏa thuận ngừng bắn, cho phép quân thánh chiến di chuyển an toàn từ vùng đất của Liban lọt trong lãnh thổ Syria đến khu vực tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo kiểm soát tại Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170829-tin-doc-nhanh