Đọc báo Pháp – 29/04/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 29/04/2017

‘‘Động đất kép’’ và ‘‘kỷ nguyên mới’’ cho chính trị Pháp

Trọng Thành

Gương mặt của Emmanuel Macron, 39 tuổi, người về đầu vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp Chủ nhật 23/04/2017, chiếm trang nhất các tuần báo. «Cô đơn đối diện với lịch sử » là hàng tựa của Le Point. « Ông ấy đã thành công một cuộc chơi mạo hiểm », tựa của L’Express. Le Nouvel Observateur nói về « Cuộc đọ sức giữa hai nước Pháp », trên nền hình ảnh hai ứng viên chung kết, mỗi người ngoảnh theo một hướng. Le Courrier International chọn bức họa Macron giương đèn trong đêm đen, bóng đen không ai khác là đối thủ Le Pen. Tuần báo lưu ý : « Hoàn toàn không có gì chắc, dù Macron đang ưu thế. Báo chí nước ngoài lo ngại thế vững chắc của Mặt Trận Quốc Gia ».

Le Nouvel Observateur có bài phân tích : « Một kỷ nguyên mới », rút ra một vài ý nghĩa sâu xa từ một cuộc bầu cử, được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử nước Pháp đương đại. Cuộc bỏ phiếu vừa qua được ví với một trận bão có sức công phá « gấp hai lần cuộc động đất chính trị ngày 21/04/2002 », khi đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia lần đầu tiên lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp. Trận bão cử tri quét sạch hai đảng phái truyền thống từng ngự trị đời sống chính trị Pháp suốt hàng chục năm nay, « trừng phạt những ai đã quá chậm để hiểu ra được nhu cầu đổi mới chính trị, mà người Pháp đã bày tỏ từ lâu nay », khát vọng của nhân dân Pháp muốn « thay thế những người đại diện cho dân, cũng như thay đổi cách hành xử của giới chính trị ».

« Những thanh niên già nua » và « kẻ tự tin đến mù quáng »

Bài học thứ nhất là về ứng cử viên cánh hữu Fillon, người vốn được coi là đang bước trên « một đại lộ thênh thang » hướng về phủ tổng thống, chỉ cách nay chưa đầy nửa năm, với khoảng 30% cử tri ủng hộ. Đảnh cánh hữu LR – Những Người Cộng Hòa, hậu thân của đảng RPR hùng mạnh trước đây, vốn được coi là thế lực chính trị đầy uy thế, nghiễm nhiên hoặc nắm quyền lãnh đạo, hoặc trong vai trò đối lập chính.

Theo Le Nouvel Observateur, thất bại của Fillon « soi tỏ » thế bế tắc của đối lập, chìm sâu trong các tranh chấp giữa các phe cánh lớn, cũng như sự đối địch giữa những nhân vật ở lớp kế cận tuy mới ở lứa tuổi 40, mà trông đã giống như « những thanh niên già nua ». L’Obs đặt câu hỏi : « Đối lập ấy liệu còn có thể làm nên những tư tưởng mới ? ».

Bài học thứ hai là về thất bại ô nhục của đảng Xã Hội cầm quyền, chỉ với 6% phiếu bầu, tương đương với « thành tích » hồi 1969. Đảng Xã Hội đã phải trả giá cho những năm tháng cố tình « quay lưng lại với một thực tại gây khó chịu », « trả giá rất đắt cho tính hai mặt của tất cả những người lãnh đạo đảng, bị tê liệt bởi sự phản đối của cánh tả trong đảng hay chủ nghĩa khủng bố trí thức cực tả, và không bao giờ có dũng khí đảm nhận sứ mạng chuyển sang kinh tế thị trường, tìm ra được con đường đổi mới ».

Ứng cử viên Hamon « đã phải quá tự tin, đến mức mù quáng, mới có thể nghĩ rằng phe cánh của tổng thống Hollande, hay của (cựu) thủ tướng Valls chấp nhận liên minh với ông, trong khi chính họ từng bị ông cố tình vùi dập trong suốt nhiệm kỳ 5 năm này ». Cuộc phiêu lưu của Hamon kết thúc với việc Đảng Xã Hội, do Mitterrand sáng lập gần nửa thế kỷ trước, « trở nên tơi tả ».

Theo L’Obs, một ý nghĩa khác của cuộc bầu cử lịch sử này : người chiến thắng thứ ba là Melenchon, lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất. Giống như Macron, Mélenchon đã hiểu được rằng chính nỗi chán ghét giới chính trị truyền thống nay đã trở thành một động lực thay đổi.

Ý nghĩa thứ tư mà cuộc bầu cử mở ra là đảng Mặt Trận Quốc Gia của Marine Le Pen đã trở thành đảng đối lập chính, với tỉ lệ ủng hộ kỉ lục, hơn 7 triệu cử tri, nhiều hơn cả cuộc bầu cử cấp vùng 2015. Cho dù không giành chiến thắng trong vòng hai, bà Le Pen hiện tại đã đứng vào vị trí trung tâm của bàn cờ chính trị Pháp…

Kết luận của Le Nouvel Observateur : vòng một cuộc bầu cử cho thấy « cử tri đã triệt để đoạn tuyệt với giới chính trị truyền thống. Nhưng chính vì vậy, việc khôi phục lại vai trò của chính trị là điều vô cùng khẩn cấp. Cử tri Pháp cuối cùng đã bỏ phiếu. Đừng quên điều đó ! ».

Macron « thành công cú hủy diệt thế kỷ » như thế nào ?

Với những ai quan tâm đến chiến thắng dù đã được dự đoán trước, nhưng chưa hết gây ngạc nhiên của phong trào Tiến Bước !, báo Le Point có bài lý giải : « Ông ấy đã thành công cú hủy diệt thế kỷ như thế nào ? ».

Trong cuộc tranh cử « vô cùng khác thường » vừa qua, người thanh niên với gương mặt trẻ thơ, tươi tắn, tưởng như chỉ thích hợp cho một hình ảnh quảng cáo trên trang bìa các tạp chí mốt, trong cái thời thiếu vắng niềm tin, thừa thãi do dự, rốt cuộc đã đi vào lịch sử chính trị Pháp, như một kẻ cách tân táo bạo. Bài viết của Le Point điểm lại một số sự kiện đánh dấu hành trình của Emmanuel Macron, có thể tóm trong một câu « Cuộc sống thật sáng tạo ! ».

Phó tổng thư ký văn phòng Phủ tổng thống tháng 5/2012, sau khi đã là cố vấn kinh tế của ứng cử viên François Hollande trong thời gian tranh cử. Emmanuel Macron đi hết từ thất vọng này đến thất vọng khác, khi nhận ra nhiều nhược điểm cố hữu của nguyên thủ quốc gia : quá gần gũi với báo giới, nhúng tay vào quá nhiều việc, trong khi lại thiếu táo bạo trong những quyết định quan trọng… Tháng 7/2014, Macron quyết định dứt áo ra đi, chuyển sang kinh doanh hay dạy học. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, ông được tổng thống gọi trở về để phụ trách bộ Kinh Tế, Công Nghiệp và Kỹ Thuật Số.

Trong thời gian lãnh đạo bộ Kinh Tế, Macron đã nêu vấn đề xét lại chế độ làm việc « 35 giờ », vốn được coi là một « tín điều » của cánh tả. Ông đã nhận được những phản ứng hết sức dữ dội trong đảng. Le Point ghi nhận một thời điểm quyết định đối với ứng cử viên tương lai.

Đó là ngày 17/02/2015. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, thủ tướng lúc đó Manuel Valls đã không chấp nhận đưa dự luật Lao Động do Macron chủ trì ra Quốc Hội bỏ phiếu, và quyết định dùng điều 49.3, được Hiến Pháp cho phép, để thông qua luật. Đối với Macron, đây là « một điều sỉ nhục ». Kinh nghiệm này cho phép Macron hiểu ra : « các bộ máy đảng phái » trói buộc tự do sáng tạo. Không chỉ đảng cầm quyền, mà nhiều nghị sĩ đối lập cũng đã bị ban lãnh đạo khống chế.

Đối với lãnh đạo Tiến Bước !, « giai tầng chính trị đã không còn đáp ứng được mong đợi của đất nước », cần có một phong trào chính trị mới, « không tả, không hữu ».

Tình yêu và chính trị : Góc khuất Macron

Cũng trong số báo này, Le Point có bài « Tình yêu trong chính trị » (*). Khác với định kiến của nhiều người trong xã hội Pháp gắn Macron với giới ngân hàng – tài chính, bài viết của Le Point soi rọi một góc hoàn toàn khác của ứng cử viên tổng thống, vốn ít được biết đến.

Macron say mê triết học, văn học. Ông từng là bạn vong niên, trợ lý xuất bản của nhà triết học Pháp nổi tiếng Paul Ricoeur lúc sinh thời. Ricoeur đã có nhiều ảnh hưởng đến quan niệm làm chính trị của Macron. Ham muốn, tình cảm, cảm xúc, tình yêu là động lực của con người. « Trực giác sâu xa » của Ricoeur chính là điều được người học trò Macron kiểm nghiệm qua các tìm tòi chính trị. Vượt qua sự đối kháng tả/hữu là một tư tưởng khác của Ricoeur. Nhà triết học tin điều cơ bản của chính trị là « mang đến cho mỗi người cơ hội phát triển mọi tiềm năng ».

« Công trường khổng lồ » đợi tổng thống

Tổng hợp bình luận báo chí quốc tế về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, tuần báo Le Courrier International giới thiệu một loạt các góc nhìn khác nhau. « Một công trường khổng lồ chờ đợi tổng thống tương lai » là tựa của báo Đức Die Welt. Nhật báo hàng đầu nước Đức lo lắng cho tổng thống Pháp tương lai, tại một đất nước mà có đến 89% cử tri đã không còn tin vào hệ thống chính trị quốc gia.

Nếu đắc cử, Macron sẽ phải « sáng tạo lại vai trò » tổng thống. Trong quan niệm truyền thống của người Pháp, cụ thể là của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, do Charles de Gaulle sáng lập, tổng thống được coi như « người cha của dân tộc, vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng », một « ông vua » của nền Cộng Hòa. Một vai trò như vậy đã không được thực thi dưới thời tổng thống mãn nhiệm Hollande và người tiền nhiệm.

Theo Die Welt, ông Macron sẽ thất bại, nếu ông cố tình trở lại với vai trò lý tưởng có sẵn này, sau khi đã là kẻ nổi loạn trong cuộc tranh cử. Và nếu không cải tổ được vai trò tổng thống, Macron sẽ chỉ làm « mất uy tín thêm cho hệ thống chính trị truyền thống, điều đó cũng có nghĩa là củng cố sức mạnh cho phong trào Mặt Trận Quốc Gia ».

« Coi chừng hội chứng Hillary ! »

Lo lắng cho một tương lai đầy bất trắc, New York Times cảnh báo : « Hãy coi chừng hội chứng Clinton ». Căn cứ vào bài học thất bại của ứng cử viên Dân Chủ Mỹ, tờ báo chỉ ra rằng : « Mối đe dọa lớn nhất » của Macron là « thái độ ngạo nghễ », chủ quan.

Trong thực trạng chính trị Pháp hiện nay, ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen có cơ hội giành chiến thắng, nếu hội được cả hai nhóm cử tri cực hữu và cực tả, cùng với sự ủng hộ của cánh hữu bảo thủ. Theo New York Times, ông Macron không được quên rằng : « Pháp là nước đứng đầu trong số các quốc gia phương Tây công nghiệp hóa, về quan điểm chống chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21 ». Nếu không tìm được một thế « quân bình » thỏa đáng, ông Macron ắt sẽ gặp phải sự kháng cự dữ dội của những người ủng hộ Jean Luc Mélenchon, lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất, « vốn chủ trương chống bất bình đẳng và bảo vệ Nhà Nước phúc lợi ».

Bài « 15 ngày để trở thành tổng thống » trên L’Obs cũng chia sẻ một nỗi lo tương tự. Được coi là người có rất nhiều cơ hội, Macron cần phải tránh mọi bước đi sai trong những ngày còn lại. Đặc biệt trong cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp với đối thủ Marine Le Pen, ngày 03/05. Theo L’Obs, « quá tự tin », Macron sẽ nổi nóng trước những khích bác của đối thủ, giống như ông đã từng mất bình tĩnh, khi bị một phóng viên phê phán là « thuộc giới thượng lưu », trong buổi giới thiệu cương lĩnh tranh cử, hồi đầu tháng 3.

Tiền mặt không còn : Lợi hay hại ?

Le Courrier International giới thiệu một hiện tượng mới trong đời sống xã hội toàn cầu. Đó là ngày càng có nhiều người dùng phương thức thanh toán bằng điện thoại di động. Tiền mặt đang dần dần biến mất. Phóng viên báo mạng Asia Times ghi nhận việc có đến hơn 80% khách hàng tại một cửa hàng cà phê, ở Thẩm Quyến, Trung Quốc, thanh toán qua điện thoại di động chứ không phải bằng thẻ tín dụng hay tiền mặt.

Theo Asia Times, gần 58% trong số 710 triệu dân mạng Trung Quốc đã áp dụng thanh toán qua điện thoại, để mua các sản phẩm hay dịch vụ qua mạng, đặc biệt qua dịch vụ Alipay của tập đoàn Alibaba, hay dịch vụ của mạng xã hội WeChat của tập đoàn Tencent (Đằng Tấn). Nhìn chung, dân Trung Quốc đang chuyển thẳng từ phương thức thanh toán tiền mặt sang dùng di động, bỏ qua giai đoạn thẻ ngân hàng.

Tại Trung Quốc, chỉ có khoảng một phần năm dân cư là có tài khoản ngân hàng, và 80% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được hưởng các dịch vụ ngân hàng phù hợp.

Thanh toán qua dịch vụ mạng khá mạo hiểm. Riêng năm ngoái, khoảng 900 công ty cho vay tiền qua mạng bị sập tiệm, trong một số trường hợp chủ công ty biến mất với tiền của khách.

Việc tiền mặt dần dần biến mất còn mở ra nguy cơ hình thành một xã hội với « hai tốc độ » là cảnh báo của báo Anh The Guardian.

Theo một báo cáo của văn phòng Fung Global Retail&Technology, 9 trong số 15 quốc gia chuẩn bị tốt nhất cho việc chuyển sang xã hội không tiền mặt là ở châu Âu. Thụy Điển được coi là nước sẽ bỏ tiền mặt đầu tiên, dự kiến vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ khá nhiều người về hưu Thụy Điển phản đối việc này, nhất là những người sống tại các miền hẻo lánh. Tình hình tương tự đối với các nhóm dân cư nghèo nhất tại các thành phố lớn châu Âu. Tiền mặt, tiền lẻ vẫn là thứ tiện ích cho các giao dịch nhỏ, trực tiếp, như mua một món hàng ở đầu phố, hay cho tiền một người hát rong…

Theo The Guardian, bỏ hoàn toàn tiền mặt là tiết kiệm và hiệu quả về kinh tế, thuận tiện cho cuộc sống của rất nhiều người, nhưng nếu các phương tiện này không bao phủ được toàn bộ dân cư, ắt hẳn sẽ có thêm nhiều người bị gạt hoàn toàn ra ngoài hệ thống.

Thêm một điểm đáng chú ý khác. Theo nguyệt san kinh tế Anh « 1843 », thói quen thanh toán bằng thẻ hay qua mạng khiến người ta vung tiền mạnh tay hơn, từ 12% đến 18%, bởi không bị « rào cản tâm lý » khi dùng tiền mặt cản trở. Các doanh nghiệp chắc rất vui, nhưng nhiều người tiêu dùng, khi tỉnh ra thì đã quá trễ.

(*) Người viết là nhà triết học, nhà báo Michel Eltchaninoff, tác giả cuốn « Trong bụng tổng thống Nga Putin » (Dans la tête de Vladimir Putin) (2015) và cuốn sách mới ra mắt « Trong bụng Marine Le Pen » (Dans la tête de Marine Le Pen) (2017).

http://vi.rfi.fr/phap/20170429-%E2%80%98%E2%80%98tran-dong-dat-kep%E2%80%99%E2%80%99-va-%E2%80%98%E2%80%98ky-nguyen-moi%E2%80%99%E2%80%99-cho-chinh-tri-phap

 

Tin đọc nhanh

(AFP)– Động đất ở Philippines. Một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra sáng nay 29/04/2017 ở ngoài khơi Philippines làm hai người bị thương, nhiều nhà cửa bị hư hại và nhiều cư dân phải di tản vì cảnh báo sóng thần. Tâm chấn nằm cách phía nam đảo Mindanao khoảng 53 km. Philippines nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương (Ring of Fire), một khu vực rộng lớn thường xảy ra các vụ động đất và núi lửa phun trào. Hôm 12/04, một trận động đất 6 độ Richter đã phá hủy mấy chục căn nhà ở Mindanao và những dư chấn mạnh làm du khách sợ hãi rời khỏi một khu du lịch gần Manila hôm 08/04. Trận địa chấn 7,1 độ Richter tháng 10/2013 đã làm trên 220 người chết.

(AFP)  Lãnh đạo cảnh sát Philippines bảo vệ « buồng giam bí mật ». Ngày 28/04/2017, lãnh đạo cảnh sát Philippines đã lên tiếng bênh vực những cảnh sát đã giam giữ cả chục người trong một buồng giam bí mật. Ủy Ban Nhân Quyền của chính phủ hôm thứ năm vừa qua khi đến thăm một đồn cảnh sát ở Manila đã phát hiện cả chục tù nhân cả nam lẫn nữ bị nhốt chen chúc trong một buồng giam nhỏ hẹp. Những tù nhân này khai với ủy ban là họ bị bắt trước đó một tuần vì bị nghi sử dụng hoặc buôn bán ma túy và cảnh sát đã đòi phải trả tiền thì mới trả tự do cho họ.

(AFP) – Chuyến xe lửa đầu tiên từ Luân Đôn đã đến Trung Quốc. Chuyến tàu hàng đầu tiên nối trực tiếp Luân Đôn với Trung Quốc, sáng 29/04/2017 đã đến nơi sau cuộc hành trình kéo dài ba tuần, theo dấu « Con đường tơ lụa ». Đây là biểu tượng cho ý hướng ngả sang châu Á của Anh quốc sau vụ Brexit. Chuyến tàu khởi hành từ thủ đô nước Anh ngày 10/04 đã đi xuyên qua Pháp, Bỉ, Đức, Ba Lan, Belarus, Nga và Kazakhstan, vượt quãng đường trên 12.000 km để đến nhà ga Nghĩa Ô (Yiwu), thành phố hai triệu dân ở phía nam Thượng Hải. Đây là tuyến đường xe lửa dài thứ nhì thế giới, sau tuyến Trung Quốc – Madrid khai trương năm 2014. Như vậy Luân Đôn trở thành thành phố châu Âu thứ 15 nối với dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt được cho là rẻ hơn đường hàng không, và nhanh hơn đường thủy – dù đến trễ hai ngày so với dự kiến. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ « Con đường tơ lụa mới », một sáng kiến được ông Tập Cận Bình đưa ra năm 2013 với hy vọng siết chặt các quan hệ thương mại, đặc biệt với Tây Âu.

(Reuters) Tổng đình công ở Brazil, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Tại Brazil hôm 28/04/2017 đã diễn ra cuộc tổng đình công chưa từng thấy từ trên 20 năm qua. Ở nhiều thành phố lớn, đã có các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối các biện pháp của tổng thống Michel Temer, muốn Quốc Hội sửa đổi luật lao động và kéo dài thời gian đóng quỹ hưu bổng. Giao thông tại nhiều thành phố bị tê liệt, và cuộc tổng đình công ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các hãng xe hơi General Motors, Ford, Toyota, Daimler tập trung tại Sao Paolo.

(AFP) – Đến lượt Mêhicô hợp pháp hóa sử dụng cần sa vào mục đích y tế. Các dân biểu Mêhicô hôm 28/04/2017 đã chính thức thông qua một đạo luật cho phép sử dụng cần sa vào mục đích y tế và khoa học. Cần sa có thể được trồng, thu hái, chuẩn bị, mua bán, vận chuyển, sử dụng cho các mục đích trên. Tổng thống Pena Nieto từ lâu phản đối việc hợp pháp hóa sử dụng cần sa, trong một đất nước mà bạo lực đi kèm với buôn lậu ma túy đã làm trên 177.000 người chết và 30.000 người mất tích. Tuy nhiên nhiều trường hợp được báo chí đưa tin rộng rãi đã khiến ông thay đổi ý kiến, nhất là sau phán quyết lịch sử của Tòa Án Tối Cao tháng 11/2016 cho phép bốn bệnh nhân được sử dụng cần sa.

(AFP) – Hãng thông tấn Cuba chính thức hoạt động tại Mỹ sau nửa thế kỷ. Hãng tin nhà nước Cuba Prensa Latina hôm 28/04/2017 đã chính thức khai trương tại thủ đô nước Mỹ sau 50 năm không hoạt động, đánh dấu một giai đoạn mới trong bình thường hóa quan hệ hai nước. Đây là sự kiện tiếp theo sau việc mở cửa lại các đại sứ quán của hai nước, nhờ tiến trình bình thường hóa quan hệ do cựu tổng thống Barack Obama khởi động. Tuy nhiên việc giảm nhẹ trừng phạt Cuba còn tùy thuộc vào Quốc Hội Hoa Kỳ, mà đảng Cộng Hòa của ông Donald Trump hiện chiếm đa số, gây nghi ngại cho quá trình tan băng.

( AFP ) – Hoa Kỳ : Trump muốn đẩy mạnh khai thác dầu khí ngoài khơi. Hôm 28/04/2017 tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh yêu cầu xem xét lại những hạn chế mà người tiền nhiệm Barck Obama đã ban hành đối với việc thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi, đặc biệt là ở vùng Bắc Cực. Một tháng trước khi rời Nhà Trắng, tổng thống Obama, vốn vẫn đặt ưu tiên vào việc chống biến đổi khí hậu, đã cấm các dự án mới thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng Bắc Cực. Theo ông Trump, lệnh cấm này đã khiến Hoa Kỳ mất hàng ngàn việc làm và hàng tỷ đô la thu nhập.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170429-tin-doc-nhanh