Đọc báo Pháp – 29/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 29/01/2018

Bắc Triều Tiên: Né cấm vận,

quan và dân thi nhau kiếm tiền bằng mọi cách

Thụy My

Le Monde hôm nay 29/01/2018 có bài điều tra về « Chiếc áo giáp của chế độ Bắc Triều Tiên trước các biện pháp trừng phạt ». Với sự độc tôn ý thức hệ và chủ nghĩa dân tộc, Bình Nhưỡng hiện chống chọi được. Nhưng việc mở cửa dần nền kinh tế khiến Bắc Triều Tiên bị ảnh hưởng nhiều hơn trước áp lực từ bên ngoài. Liệu chế độ sẽ phải mềm dẻo đi ?

Bắc Triều Tiên hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới : bị Hoa Kỳ cấm vận từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, và bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt từ sau vụ thử nguyên tử đầu tiên năm 2006. Các biện pháp này được tăng cường từ năm 2017, đánh vào hầu như mọi thứ. Từ các thiết bị « nhạy cảm » (có thể sử dụng cho mục đích quân sự) cho đến các mặt hàng xa xỉ (nhưng chúng vẫn hiện diện trong một số cửa hàng), thậm chí cả dầu gội đầu, tương cà…Các doanh nghiệp bị tẩy chay, các hoạt động tài chính bị giám sát, xuất khẩu than đá, quặng mỏ và hải sản bị ngưng.

Nga, Trung Quốc vẫn đồng lõa ngầm

Nhưng chiến lược bóp nghẹt Bắc Triều Tiên vẫn có những lỗ hổng. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu cho việc trừng phạt Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn tìm cách giảm nhẹ tác động. Mức trần xuất khẩu dầu thô của Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên được ấn định tháng 9/2017 là 4 triệu thùng/năm, nhưng đây là số lượng xuất bình thường hàng năm. Chỉ có các sản phẩm tinh chế từ dầu lửa (kể cả diesel và kérosène) bị giảm đi ba phần tư.

Các tàu Trung Quốc và Nga còn tham gia chuyển dầu lậu ở ngoài khơi, mà vụ Hải quân Hàn Quốc bắt được hồi tháng 11/2017 là một ví dụ. Nhưng Bắc Kinh vẫn chối : chiếc tàu dầu này thuộc về một công ty Hồng Kông, được chi nhánh của một tập đoàn ngư nghiệp Đài Loan thuê, đăng ký ở quần đảo Marshall…

Đọc thêm: Những người đẹp Bắc Triều Tiên trong nhà hàng sang trọng Bắc Kinh

Còn việc đưa về nước mấy chục ngàn lao động Bắc Triều Tiên làm việc ở Trung Quốc, Trung Đông, Đông Âu, Nga cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền mặt thu vào, nhưng tác động chỉ cảm nhận được khoảng hai năm sau.

Không chỉ có Nga và Trung Quốc, mà theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học An ninh Quốc tế ở Washington, khoảng 50 nước (trong đó có Đức, Pháp, Brazil, Sri Lanka…) nhẹ tay trong việc áp dụng, thậm chí làm ngơ các biện pháp trừng phạt Liên Hiệp Quốc, qua việc nhập khẩu những sản phẩm bị cấm, mua vũ khí của Bắc Triều Tiên hoặc làm lơ cho các con tàu đồng lõa…

Tránh né cấm vận bằng mọi cách

Hơn nữa, chế độ Bình Nhưỡng là bậc thầy trong việc né tránh cấm vận. Theo các nhà buôn ở Đan Đông, vùng biên giới Trung-Triều, buôn lậu chiếm hơn phân nửa các giao dịch thương mại tại đây. Và cho dù Trung Quốc có muốn đi nữa, cũng khó giám sát cả 1.400 km đường biên.

Đọc thêm: Buôn bán biên giới Trung-Triều vẫn nhộn nhịp dù cấm vận

Những giao dịch khác được tiến hành trên biển. Tương tự với Nga : hàng được chuyển từ cảng Vladivostok sang Chongjin (Thanh Tân) cách 250 km. Hầu hết được thanh toán bằng tiền mặt. Cộng đồng người gốc Triều Tiên sống tại Trung Quốc khoảng 3 triệu cũng tham gia vào các hoạt động này.

Theo Le Monde, người dân Bắc Triều Tiên ngày nay tham gia một nền kinh tế thị trường trên thực tế. Tất cả đều có thể mua được, từ sản phẩm, dịch vụ cho đến đặc quyền. Mỗi người đều bươn chải để sống còn : buôn bán nhỏ không giấy phép, cơ sở sửa chữa với các nhân viên « vắng mặt », giáo viên tổ chức dạy thêm, bác sĩ có khách hàng riêng, quan chức lập cơ sở làm ăn thuộc lãnh vực mình quản lý… Chuyên gia Andrei Lankov nhận định : « Chỉ có một điều quan trọng nhất tại Bắc Triều Tiên, đó là kiếm tiền ! »

Tham nhũng và quyền lực

Nhờ được tự chủ theo nguyên tắc « trách nhiệm xã hội » đặt ra từ năm 2014, các công ty quốc doanh có thể lập các « chi nhánh » do các doanh nhân độc lập điều hành. Nhiều cơ quan nhà nước được phép có các hoạt động béo bở (giao thông, du lịch, khai khoáng), rất nhiều quan chức đồng thời là doanh nhân.

Đọc thêm: Bắc Triều Tiên : Mặt trái vẻ hào nhoáng của Bình Nhưỡng

Các hoạt động « riêng tư » không được chính thức công nhận. Nhưng sự thực dụng, cùng với nạn thiếu tiền mặt, đã xóa nhòa giới hạn giữa hợp pháp và bất hợp pháp, tham nhũng và hối lộ trở nên cần thiết. Hệ thống dựa trên một tam giác : giới lãnh đạo – bắt đầu là phía quân đội, vốn kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, quan chức, và doanh nhân – phải hối lộ để công việc được trơn tru. Hiện nay không có thành phần nào muốn phá bỏ thế thăng bằng có lợi này.

Tuy nhiên sự năng động về kinh tế dẫn đến một sự chuyển đổi âm thầm trong xã hội, quan tâm hơn đến các thông tin từ bên ngoài. Một sự chuyển biến tâm lý đang diễn ra, đặc biệt trong giới được các nhà nghiên cứu Hàn Quốc gọi là « thế hệ jangmadang » (chợ đen). Sinh ra trong thập niên 80 và 90, lớp người này lúc còn nhỏ đã biết đến nạn đói, nhưng cũng có kinh nghiệm về kinh tế thị trường.

Thế hệ chiếm 25% dân số này có thể phản biện chế độ. Nhưng hiện thời việc « lây nhiễm » virus tư bản bị hạn chế, vì an ninh vẫn giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó một số đặt hy vọng vào một thế hệ lãnh đạo trẻ, mà họ mong là sẽ thổi một làn gió mới vào Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc dọ thám trụ sở Liên Hiệp Châu Phi

Liên quan đến Trung Quốc, đặc phái viên Le Monde tại Addis-Abeba cho biết « Trụ sở Liên hiệp Châu Phi bị Bắc Kinh dọ thám ». Các hoạt động gián điệp của Trung Quốc gây lo ngại cho các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh châu Phi.

Tại trụ sở vẫn còn mới tinh của Liên hiệp Châu Phi (UA), các thang máy vẫn nói tiếng Hoa, và những thân cây cọ bằng nhựa trang trí được khắc tên China Development Bank. Tòa nhà này là « món quà của Trung Quốc cho các người bạn châu Phi » năm 2012, hoàn toàn do Bắc Kinh trang bị, hệ thống máy tính được chuyển giao tận tay.

Tháng 1/2017, đơn vị vi tính nhỏ bé của UA bỗng phát hiện máy chủ bị bão hòa một cách bất thường từ nửa đêm đến hai giờ sáng. Văn phòng không có ai, nhưng việc chuyển dữ liệu đạt mức đỉnh. Một chuyên gia bèn tìm hiểu, và nhận thấy các dữ liệu nội bộ của UA bị đánh cắp hàng loạt.

Mỗi đêm, các bí mật của định chế được lưu trữ ở cách Addis-Abeba hơn 8.000 km, trên các máy chủ bí ẩn đặt tại Thượng Hải. Việc đánh cắp ngoạn mục này diễn ra từ tháng 1/2012 đến tháng 1/2017, nghĩa là cho đến lúc UA sắm các máy chủ riêng và không cho các kỹ sư Trung Quốc tham gia lắp đặt. Đoàn đại biểu Trung Quốc tại UA từ chối trả lời tờ báo Pháp về vấn đề này.

Ấn Độ : Cảnh giác với các loại tiền «đã ảo lại còn dỏm»

Trên lãnh vực tài chính, Le Monde cảnh báo « Coi chừng tiền ảo dỏm ! ». Ăn theo thành công trên toàn cầu của đồng bitcoin, đã xảy ra vô số các vụ làm giả tiền điện tử tại Ấn Độ.

Tháng 12/2017, một doanh nhân 32 tuổi bị cảnh sát bắt ở Delhi vì tội lừa đảo. Đồng tiền ảo KashhCoin do anh ta tung ra cách đó một năm, đã mang lại hàng triệu rupi, nhưng vô dụng khi mua hàng. Một đồng tiền mà giá trị chỉ được những người sử dụng tin tưởng với nhau. Người tạo ra KashhCoin khôn khéo soạn thảo bản giới thiệu đầy tính kỹ thuật khiến người sử dụng tin vào sự nghiêm túc của nó, nhất là với sự tăng giá của đồng bitcoin.

Thực chất đây chỉ là mô hình tháp Ponzi, các nhà đầu tư thu được lợi tức từ những người mới tham gia. Tại một quốc gia mà lạm phát hàng năm đôi khi trên 10%, nhiều người thích đầu tư vào ngoại hối, và nếu đó là tiền ảo sẽ né tránh được ngân hàng và thuế má.

Davos : Trump trấn an, Macron tạo sức hút

Cũng về kinh tế, Les Echos nhận định « Tại Diễn đàn Davos, ông Trump gây tin tưởng còn Macron thu hút ».

Các doanh nhân Pháp thường tham dự Davos chưa bao giờ thấy hiện tuợng như thế. « Khi người ta biết rằng bạn là người Pháp, lập tức họ chận bạn lại để nói chuyện về Emmanuel Macron » – chủ tập đoàn Total thổ lộ. « France is back ! », nước Pháp đã quay lại.Nhà sáng lập một trường nữ ở Ấn Độ nói : « Tổng thống của quý vị trẻ tuổi, ông đã thay đổi hình ảnh của châu Âu, chúng tôi thích có một nhà lãnh đạo như Macron ».

Tại Davos, Donald Trump đã cho bà Theresa May « uống nước đường » vài ngày sau khi hủy bỏ chuyến viếng thăm Luân Đôn vào phút chót. Tổng thống Mỹ nói : « Chúng tôi đồng thuận trên mọi vấn đề ». Nhưng rõ ràng đất nước của Brexit không còn đóng vai trò đầu cầu giữa Hoa Kỳ và châu Âu như trước, mà Pháp đã bắt đầu thay chân.

Còn đối với ông Trump, lần này là một nguyên thủ như bao nguyên thủ khác. Ông đọc bài diễn văn một cách nghiêm túc, không hề phá cách, tỏ ra ủng hộ mở cửa thương mại với điều kiện có qua có lại. Theo Les Echos, tại Davos, vị tổng thống Mỹ không giống ai lần này đã đạt được một thành công hiếm hoi, đó là làm an tâm cử tọa.

Pháp phá vỡ trên 300 đường dây

đưa người nhập cư bất hợp pháp

Về thời sự nước Pháp, Le Monde tiếp tục băn khoăn với việc cải cách kỳ thi tú tài. Libération đặt vấn đề « Ehpad sẽ chăm lo cho các bậc cha mẹ ? » Các cơ sở chăm sóc người già chuẩn bị đình công, đòi hỏi nhiều nhân lực và phương tiện tài chính hơn. Les Echos quan tâm đến thị trường chứng khoán : « CAC 40 (tức 40 cổ phiếu hàng đầu của Pháp) ở mức cao nhất từ mười năm qua ». Về quân sự, Le Figaro chạy tựa « Năm năm sau chiến dịch Serval, Al Qaida vẫn còn hoành hành tại Mali ».

Trang nhất của La Croix dành cho các vị tử đạo : Đức giáo hoàng Phanxicô thứ Bảy tuần trước đã công nhận tư cách này cho 19 tu sĩ nam nữ bị sát hại ở Algérie, mở đường cho việc phong thánh.

Về nhập cư, Le Figaro cho biết « Triệt phá được trên 300 đường dây đưa người nhập cư trái phép vào Pháp trong năm 2017 », đây là một kỷ lục.

Trong đó có những mạng lưới người Hoa, với những công ty giả hiệu và các nhân viên ma. Đã qua rồi thời kỳ sinh viên dỏm Trung Quốc đổ xô qua Pháp với cớ theo học các chương trình tiếp thị hay quản lý. Những kẻ tổ chức đường dây mượn tên người khác để lập ra hàng chục công ty dỏm, thường là dịch vụ hay tư vấn, và lập hợp đồng tuyển dụng với các chức vụ được khai là cần kỹ năng đặc biệt.

Một khi được cấp visa, các « chuyên gia » này đến Pháp làm người giao hàng hoặc rửa chén trong các nhà hàng châu Á. Dịch vụ này rất béo bở, mỗi người nhập cư kiểu này phải nộp 16.000 đến 20.000 euro trong năm đầu, và mỗi năm tiếp theo 2.500 đến 3.000 euro để được giúp gia hạn visa làm việc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180129-bac-trieu-tien-ne-cam-van-quan-va-dan-thi-nhau-kiem-tien-bang-moi-cach

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Phần Lan: Tổng thống mãn nhiệm đắc cử nhiệm kỳ hai. Tổng thống Phần Lan mãn nhiệm Sauli Niisto đã thắng cử ngay vòng đầu trong cuộc bầu cử ngày 28/01/2017. Theo kết quả trên 99% số phiếu đã kiểm, ông được 62,7% phiếu, trong lúc đối thủ chính của ông thuộc đảng Xanh, Pekka Haavisto, chỉ được vỏn vẹn 12,4%. Việc giành được thắng lợi ngay vòng đầu là điều chưa từng thấy tại Phần Lan từ năm 1994.

(AFP) – Hồng Kông: Một nhà đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông được quyền ứng cử. Ngày 29/01/2018, luật sư Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu) vào giờ phút chót đã được chấp nhận cho ra ứng cử vào cuộc bầu cử bổ sung ở Nghị Viện vào tháng Ba. Đơn của Edward Yiu được chấp nhận vài giờ trước khi khóa sổ. Sự kiện càng được lưu ý, sau khi cô Chu Đình (Agnes Chow) bị cấm ứng cử.

(AFP) – Liên Triều : Ngôn ngữ bất đồng, trở ngại lớn nhất của đội tuyển hỗn hợp khúc côn cầu trên băng. Báo chí Hàn Quốc ngày 29/01/2018 tiết lộ do không sử dụng cùng ngôn ngữ, đội tuyển nữ ở bộ mộn khúc côn cầu trên băng đại diện cho hai nước Triều Tiên ở Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang khổ sở trong các chương trình tập dợt trước kỳ thi đấu. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn sử dụng các mẫu tự chung, nhưng đội tuyển Hàn Quốc dùng nhiều tiếng Anh trong các cuộc tập dượt. Trong lúc đó, 12 cầu thủ Bắc Triều Tiên dùng tiếng Triều Tiên.

(AFP) – Tổng thống Philippines, ngày 29/01/2018, trừng phạt một công tố viên chống tham nhũng. Người bị trừng phạt là công tố viên chống tham nhũng Melchior Arthur Carandang, bị tình nghi tiết lộ dữ liệu ngân hàng của tổng thống. Theo phát ngôn viên phủ tổng thống, ông Carandang bị đình chỉ công tác 3 tháng.

(AFP) – Philippines: Gần 100 ngàn người sơ tán vì núi lửa. Theo chính quyền Manila ngày 29/01/2018, số người chạy lánh nạn núi lửa Mayon phun trào quá cao, tạo nên tình trạng quá tải tại các trại đón tiếp, nhất là tình trạng vệ sinh tồi tệ nghiêm trọng. Tỉnh trưởng Albay cho biết là người chạy nạn sẽ phải ở lại các trại ít nhất là một tháng.

(AFP) – Miến Điện tổ chức festival đồng tính đầu tiên. Festival rộng mở đầu tiên diễn ra vào hôm 27/01/2018 tại công viên Rangoon, quy tụ khoảng 6000 người trong không khí màu sắc vui nhộn, cờ màu cầu vồng, tóc giả đủ màu, các trò chơi giải trí như chạy đua, những tốp ca… Cho đến nay, tình dục đồng tính vẫn là chuyện bị cấm đoán ở Miến Điện. Những năm trước festival, được tổ chức rất kín đáo ở trong khu vườn Viện Văn hóa Pháp, thu hút khoảng 3000 người.

(AFP) – Colombia : Đảng FARC vận động tranh cử tổng thống. Cuộc vận động bắt đầu từ ngày 27/01/2018, tại thủ đô Bogota. Những du kích quân – đã giải giới – kéo về ủng hộ « Timochenko », vị lãnh đạo của họ, ra tranh chiếc ghế tổng thống. Nhân vật này hiện được cho là được 3% người ủng hộ. Trong lúc đó, vào đêm 27/01, rạng ngày 28/01, ba vụ khủng bố nổ ra ở thành phố cảng Barranquilla, khiến 7 cảnh sát thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Lực lượng vũ trang nổi dậy ELN thừa nhận là tác giả.

(Reuters) – Mêhicô huy động thêm cảnh sát trên toàn quốc, để chống các tổ chức tội phạm gây bạo động. Trong năm 2017, hơn 25.000 người thiệt mạng. Thủ phạm là các tổ chức buôn ma túy. Ngày 28/01/2018, cơ quan đặc trách về An Ninh Quốc Gia thông báo sẽ điều một khối lượng cảnh sát hùng hậu đến các bang như Colima, Bahha California Sur hay tại các thành phố như Cancun và Ciudad Juarez, sát biên giới với Mỹ. Từ 10 năm qua, quân đội Mêhicô bất lực trong mục tiêu tiêu diệt các đường dây ma túy. Mêhicô bầu lại tổng thống vào tháng 7/2018.

(Reuters) – Lãnh đạo chi nhánh xe hơi Mỹ tại Trung Quốc đột ngột từ chức. Ngày 29/01/2018, hãng xe hơi Mỹ Ford thông báo lãnh đạo chi nhánh của công ty Jason Luo bất ngờ xin từ chức chỉ sau 5 tháng sau khi được bổ nhiệm sang Trung Quốc làm việc với mục tiêu cải thiện quan hệ của hãng xe Mỹ với đối tác Trung Quốc là Chongqing Changan Automobile. Trước mắt, Ford cho biết việc ông Luo từ chức không liên quan đến thành tích của hãng xe hơi Mỹ tại Trung Quốc. Doanh thu của Ford tại Trung Quốc giảm 6 % trong năm 2017 trong lúc thị trường xe hơi nước này tăng 3 % trong cùng thời kỳ.

(AFP) – Paris phá vỡ 303 đường dây nhập cư bất hợp pháp trong năm 2017. Thông tin này do báo Le Figaro đăng tải và được một nguồn tin cảnh sát Pháp ngày 29/01/2018 xác nhận. Tổng cộng có trên 2.000 người liên quan, 1.627 người bị câu lưu và 940 trường hợp bị truy tố. Số lượng các đường giây nhập cư bất hợp pháp vào Pháp trong năm 2017 tăng 5,9 % so với hồi năm 2016. Irak, Cộng Hòa Congo, Trung Quốc và Albani dẫn đầu bảng trong số các đường dây đưa người vào Pháp không có giấy tờ hợp lệ.

http://vi.rfi.fr/tong-hop/20180129-tin-doc-nhanh