Đọc báo Pháp – 29/10/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 29/10/2020

Pháp tái phong tỏa: Biện pháp «không thể tưởng tượng nổi» đã thành «không thể tránh khỏi» – Thùy Dương

« Nước Pháp lại chìm trong phong tỏa », « Covid-19 », « bài phát biểu của tổng thống Macron », đó là những từ xuất hiện dày đặc trên báo chí Pháp ngày hôm nay. Hôm qua, trong bài phát biểu từ điện Elysée và được truyền hình trực tiếp, nguyên thủ Pháp thông báo kể từ 0h thứ Sáu 30/10/2020 nước Pháp áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa ít nhất là cho đến ngày 01/12. Các báo Pháp đều chạy trang nhất và dành rất nhiều trang bài cho đề tài này.

Sáu tháng sau đợt phong tỏa đầu tiên, lại một lần nữa nguyên thủ Pháp Macron phải chọn biện pháp cũ kỹ, lạc hậu nhất, tốn kém nhất và có tính phá hủy cao nhất : « nhốt người dân trong nhà để bảo vệ họ ». Le Figaro ví von cảnh người dân quanh quẩn trong nhà với cảnh những chú sư tử bị nhốt trong chuồng. Đằng sau đó là các công ty ồ ạt phá sản, hàng chục hàng trăm ngàn lao động sẽ bị sa thải, giới trẻ sẽ không thể tìm được việc làm … Biện pháp mà chức trách Pháp từng coi là « không thể nghĩ tới » nay được coi là « không thể tránh được ».

Le Figaro đặt câu hỏi chính phủ đã làm gì trong suốt mùa hè và chỉ trích chính quyền đã không biết cách xây dựng một hệ thống để áp dụng có hiệu quả sách lược nổi tiếng « xét nghiệm rà soát, tìm kiếm và cách ly », cũng như không tăng số giường cấp cứu và hồi sức cho bệnh nhân Covid. Kết quả là khi làn sóng dịch thứ hai ập đến, nước Pháp vẫn không được trang bị gì tốt hơn so với đợt 1.

Nhưng Le Figaro nhấn mạnh giờ nước Pháp không còn thời gian để tiếc nuối nữa, đã đến lúc hành động, bù đắp thời gian đã để lỡ. Phải khẩn trương có thêm các giường cấp cứu như Đức đã làm. Phải đào tạo hoặc tuyển thêm y tá nhưng Ý đã làm. Phải xây dựng các bệnh viện tạm thời như ở Israel … Tờ báo thiên hữu kết luận điều tệ hại nhất là sau khi thoát khỏi đợt phong tỏa thứ hai, nước Pháp sẽ lại không đạt được gì tốt hơn ban đầu. Đợt phong tỏa thứ hai là một tấn bi kịch quốc gia, đợt ba nếu xảy ra sẽ là đại thảm kịch !

Thử thách khó khăn

Ngoài những bài phân tích các phát biểu của tổng thống, báo Công giáo La Croix có bài xã luận « Thử thách khó khăn ». Về mặt lý trí, nhìn vào các số liệu, ai cũng hiểu chính phủ cần thắt chặt các biện pháp phòng dịch, nhưng về mặt tâm lý thì thực sự khó khăn. Nỗi sợ ngự trị : sợ dịch bệnh lây lan, sợ các mối liên hệ xã hội trở nên xa cách, sợ thảm họa kinh tế … Các tín đồ tôn giáo thì sợ các hoạt động tôn giáo tập trung đông người bị đình chỉ. La Croix chơi chữ : Dịch bệnh đang đùa giỡn các dây thần kinh của người Pháp.

Tất cả đều chệch hướng

Le Figaro cảm thán : « Từ giải tỏa đến suy sụp : Làm thế nào mà chúng ta lại đến nước này ». Tờ báo kể lại câu chuyện với 5 chương. Hồi tháng 06, sau khi nước Pháp ra khỏi phong tỏa, dịch bệnh không bùng phát ngay lập tức khiến mọi người khi đó nghĩ rằng cơn ác mộng Covid-19 đã kết thúc. Đến tháng

07, hè về, virus corona vẫn thầm lặng tiến bước, nhiều người trong giới trẻ nhiễm bệnh nhưng ít ca bệnh nặng khiến mọi người cảm thấy « vô lo ».

Qua tháng 08, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhưng không mạnh như hồi mùa xuân, vì thế không ai muốn nghe những lời cảnh báo của các chuyên gia, chiến dịch xét nghiệm đại trà khiến các xơ sở xét nghiệm và cơ quan theo dõi tìm kiếm người nhiễm virus đều quá tải, người Pháp thiếu ý thức kỷ luật, còn chính phủ vẫn kiên trì theo quan điểm « phải sống chung với virus ». « Tất cả đều chệch hướng ». Rồi đến tháng 09, virus corona lây lan nhanh chóng, các khoa hồi sức tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân, nhiều vùng chuyển sang cấp báo động đỏ. Và cuối cùng, vào tháng 10 « dịch bệnh đã thành ngoài tầm kiểm soát » !

Cùng chung nhận định với Le Figaro, tờ báo thiên tả Libéation cho rằng tình hình dịch bệnh tạm lắng dịu hồi mùa hè vừa qua đã tạo ra một « ảo ảnh » và « Sau ảo ảnh mùa hè, các ca tử vong bùng nổ ».

Từ thả lỏng đến mất kiểm soát

Trong bài viết « Covid : Từ thả lỏng đến mất kiểm soát », La Croix tổng hợp nhận định của nhiều chuyên gia dịch tễ. Làn sóng dịch thứ hai không phải là điều đáng ngạc nhiên, nhưng Pháp đã đánh giá quá thấp tốc độ lây lan của virus, dẫn đến bị bất ngờ. Các biện pháp phòng dịch không phải là vô ích nhưng là không đủ. Việc không duy trì phương thức làm việc từ xa sau khi dỡ bỏ phong tỏa là một sai lầm đáng tiếc. 

Le Monde : Người Pháp sẽ giữ được kỷ luật đến khi nào ?

Được phát hành sớm từ chiều hôm qua, trước khi tổng thống Macron có bài phát biểu trên truyền hình, báo Le Monde chạy tựa trang nhất « Chính phủ chuẩn bị tư tưởng cho công chúng để phong tỏa ». Trong bài viết « Các hướng đi của chính phủ để đối phó với đại dịch », Le Monde cho biết quan điểm của chính phủ Pháp đã thay đổi rất nhanh khi tình hình dịch bệnh trở nên nguy cấp. Sáng sớm thứ Ba (27/10), nhiều quan chức lãnh đạo mới nói đến biện pháp tăng cường giới nghiêm từ 17h và chỉ phong tỏa hai ngày cuối tuần kể từ 00h thứ Bảy 31/10 và chỉ ở các vùng Paris, Lyon, Marseille.

Thế nhưng, trong cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái chính trị vào chiều thứ Ba, thủ tướng Jean Castex đã tỏ ra bi quan hơn và lần đầu tiên nói đến khả năng tái phong tỏa. Theo các cuộc thăm dò dư luận, người Pháp hiện vẫn tôn trọng các quy phòng dịch nhưng nhiều nhân vật trong nội các sợ rằng rồi thì dân chúng sẽ suy sụp. Một cố vấn của chính phủ đặt câu hỏi : Dân tộc Pháp có tinh thần kỷ luật, nhưng sẽ giữ được cho đến khi nào ?

Trump-Biden : Cuộc chiến quảng cáo kỹ thuật số

Nhìn sang nước Mỹ, nơi hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đang có cuộc đua nước rút khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bỏ phiếu chính thức bầu tổng thống, Le Figaro nói về cuộc chiến quảng cáo kỹ thuật số của hai đối thủ Trump – Biden trên mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm Google.

Đây là cuộc chiến chưa từng có và tốn kém nhiều tỉ đô la để hai ứng viên tiếp cận thêm nhiều nhóm cử tri, trong khi đó hồi năm 2008, Barack Obama, ứng viên đầu tiên sử dụng phương thức quảng cáo trên mạng, chỉ tốn 8 triệu đô la cho quảng cáo bằng kỹ thuật số. Một chiến lược gia truyền thông và cố vấn về các chiến dịch chính trị của Bully Pulpit Interactive nhấn mạnh do tác động của khủng hoảng Covid-19, kỹ thuật số ngày càng có vai trò quan trọng ở mỗi chặng của chiến dịch vận động tranh cử.

Điều đáng ngạc nhiên là với chi phí tương đương, ông Trump đã quảng cáo được nhiều gấp 3 lần so với đối thủ Biden. Chẳng hạn, với 5 triệu đô, từ ngày 01 đến ngày 07/10, ông Trump có 30.000 quảng cáo trên Facebook, trong khi ứng viên Dân Chủ chỉ có 7.000. Thành công của Donald Trump là nhờ ông đã khôn ngoan xác định được mục tiêu là mỗi đoạn quảng cáo ngắn với chi phí thấp chỉ nhắm vào một nhóm cử tri nhỏ, dựa theo mối quan tâm và nơi sinh sống của họ.  

Xung đột Thượng Karabakh : Tai họa « trời giáng »

Nhìn sang vùng Thượng Karabakh, Le Monde có bài phóng sự về nỗi ám ảnh về cuộc chiến máy bay không người lái ở vùng Thượng Karabakh. Đặc phái viên của Le Monde tại Armenia cho biết 60% dân vùng Thượng Karabakh đã phải di tản do quá sợ những đợt tấn công « từ trên trời giáng xuống ». Phía Armenia cho rằng quân Azerbaijan có thể tiến nhanh nhờ sự hỗ trợ của các máy bay không người lái mà Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cung cấp cho Bakou.

Với các « drone sát nhân », cuộc xung đột Thượng Karabakh trở thành một « cuộc chiến tàn khốc ». Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu do nhắm bằng máy bay không người lái, chứ không phải do các hình thức giao tranh khác. Chính vì thế, nhiều người Armenia thấy tuyệt vọng vì tổng thống Vladimir Putin không muốn kích hoạt hệ thống tác chiến điện tử Krasukha có khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái của Azerbaijan để trợ giúp đồng minh Armenia.

Nghịch lý Iran

Trong bài viết thứ hai, Le Monde phân tích thái độ của Iran về cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Ban đầu, dường như Iran ngả sang Armenia, một đồng minh lâu năm, nhưn Teheran luôn bác bỏ những lời chỉ trích theo đó Iran hậu thuẫn chính quyền Erevan bằng cách trung chuyển vũ khí từ Nga sang Armenia. Thế nhưng, hiện nay, Teheran ngày càng công khai ủng hộ Azerbaijan, nước Hồi Giáo phái Shia giống Iran, thậm chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan. Một cố vấn ngoại giao thân cận của Giáo chủ Ali Khamenei còn yêu cầu Armenia rút khỏi khu vực đã chiếm của Azerbaijan.

Đối với Le Monde, đây là một nghịch lý bởi Azerbaijan là đồng minh thân cận của Israel, « kẻ thù không đội trời chung » với Iran, trong khi đó Iran vốn dĩ luôn có những trao đổi giao thương tích cực với Armenia. Iran cung cấp khí đốt cho Armenia còn Armenia cung cấp điện cho Iran. Thêm vào đó, quan hệ giữa Iran và Azerbaijan có những lúc rất phức tạp, thậm chí là bấp bênh, chẳng hạn về hải giới trên biển Caspienne, hay vấn đề người Azeris – thiểu số Azerbaijan tại Iran – mà các đòi hỏi về sắc tộc và việc dạy ngôn ngữ tại trường học luôn bị Teheran cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ngược lại, Bakou tố cáo Teheran hậu thuẫn các nhóm Hồi Giáo cực đoan.

Sanam Vakil, phó giám đốc cơ quan tư vấn Chatham House của Anh cho rằng Iran hiện đang phải rất thận trọng vì trong nước có đông dân là người Azeris, ngoài ra cũng do hiện đã có nhiều tác nhân trong cuộc xung đột, nhất là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Iran đang tìm cách khẳng định Teheran là một đối tác có thể làm giảm căng thẳng trong vùng, cho dù những nỗ lực kêu gọi để Iran làm trung gian hòa giải cho Armenia và Azerbaijan hiện nay vẫn chưa có tác dụng.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201029-ph%C3%A1p-t%C3%A1i-phong-t%E1%BB%8Fa-kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-tr%C3%A1nh-kh%E1%BB%8Fi

Tin tổng hợp

(Reuters) – Việt Nam: Ít nhất 25 người chết và hàng chục người mất tích do cơn bão Molave. 

Hàng trăm lính được huy động hôm nay, 29/10/2020, sau khi cơn bão Molave quét qua Quảng Nam chiều tối hôm qua, gây mưa to và đất lở, khiến 13 người thiệt mạng và 40 người mất tích. Theo truyền thông Nhà nước thì có 12 ngư dân chết trên biển.

(Bangkok Post) – Manila sẵn sàng kích hoạt Hiệp ước phòng vệ chung với Mỹ, nếu Trung Quốc tấn công tàu chiến Philippines.

Bangkok Post hôm qua, 28/10/2020, dẫn lời ngoại trưởng Philippines bày tỏ lo ngại về sự lấn lướt của các hạm đội tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Teodoro Locsin cảnh báo sẽ tăng cường lực lượng để bảo vệ ngư dân, trong trường hợp tàu Trung Quốc gây hấn, Philippines có thể viện đến thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, đã được ngoại trưởng Mỹ nhắc đến hồi đầu năm.

(AFP) – Singapore sẽ cho phép khách Trung Quốc nhập cảnh. 

Hôm nay, 29/10/2020, chính phủ Singapore thông báo là sẽ cho phép du khách từ Hoa lục và từ bang Victoria của Úc vào nước này kể từ ngày 6/11 tới, theo chiều hướng giảm bớt các hạn chế nhập cảnh. Khách vào Singapore buộc phải xét nghiệm Covid-19 và nếu có kết quả âm tính thì không bắt buộc phải cách ly. Trước đó Singapore cũng đã bãi bỏ hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ các vùng khác của Úc, từ New Zealand, Brunei và Việt Nam.

(Reuters) – Đức tỏ ý hy vọng là quốc vương Thái Lan không vi phạm luật quốc tế. 

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức, vào hôm qua, 28/10/2020, nhắc lại là Thái Lan đã nhiều lần bảo đảm với Đức là quốc vương Thái không điều hành công việc Nhà nước trong lúc đang ở Đức. Nhưng phát ngôn viên Đức nói thêm là “Chính phủ Đức hy vọng là không có quyết định nào được đưa ra vi phạm luật của Đức, luật quốc tế và quy định về nhân quyền”. Hôm thứ Hai, 26/10, tại Bangkok, người biểu tình đã chuyển một kiến nghị đến Berlin, qua đại sứ quán Đức, yêu cầu điều tra về việc quốc vương của họ điều hành công việc Nhà nước trong lúc ở Đức, nơi ông thường hay cư ngụ.

(AFP) – Mỹ không ủng hộ nữ ứng viên châu Phi lên lãnh đạo WTO. 

Hôm qua, 28/10/2020, Hoa Kỳ là quốc gia gia duy nhất từ chối ủng hộ việc đề cử bà Ngozi Okonjo-Iweala, người Nigeria, làm tổng giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), và như vậy ngăn cản bà trở thành phụ nữ đầu tiên và phụ nữ châu Phi đầu tiên lên lãnh đạo tổ chức này. Tiến trình bầu chọn tân tổng giám đốc WTO – vòng cuối chỉ còn hai nữ ứng viên, Nigeria và Hàn Quốc, phải kết thúc trước ngày 07/11.

(AFP) – Covid-19: Các nước Châu Âu bị buộc dùng biện pháp triệt để. 

Sau nước Pháp đã quyết định tái lập phong tỏa kể từ 12 giờ khuya đêm nay, Đức, Bỉ cũng sắp đưa ra biện pháp cứng rắn hơn. Hôm qua, 28/10/2020, Thủ tướng Đức thông báo cho đóng của các nhà hàng và nơi giải trí trong vòng một tháng, nhưng sẽ có trợ giúp đến 10 tỷ euro để kinh tế không suy sụp. Riêng Ireland thì tái phong tỏa như Pháp, trong lúc một số quốc gia khác còn chần chừ, áp dụng biện pháp giới nghiêm trước khi phong tỏa hoàn toàn.

(Reuters) – Ấn Độ vượt ngưỡng 8 triệu ca nhiễm Covid-19. 

Đây là thông báo của chính quyền Ấn vào hôm nay, 29/10/2020. Ấn Độ như thế chỉ đứng sau Mỹ, hiện có đến 9,1 triệu người nhiễm virus corona. Về ca tử vong Ấn có đến 120.000 ca trong lúc tại Mỹ con số đã vượt mức 230.000 người.

(Global Times) – Trung Quốc sẵn sàng điều tầu sân bay thứ hai đến Biển Đông. 

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm qua, 28/10/2020, tung ra lời đe dọa : tầu sân bay thứ hai của Trung Quốc, sẵn sàng được điều đến Biển Đông để ngăn cản « những kẻ gây rối ». Trang mạng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia quân sự, khẳng định hàng không mẫu hạm thứ hai, và là sản phẩm đầu tiên do Trung Quốc tự đóng, đã sẵn sàng « cải thiện khả năng tác chiến » tại vùng biển này.

(AFP) – Hoa Kỳ lên án chính quyền Hồng Kông bắt giữ một thanh niên tranh đấu dân chủ. 

Anh Tony Chung (Chung Hàn Lâm), 19 tuổi, bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ hôm thứ Ba, 27/09/2020. Hôm nay, 29/10, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Mỹ lên án việc lực lượng cảnh sát Hồng Kông bắt giữ người thanh niên theo luật An ninh Quốc gia ngay trong một quán cafe. Theo AFP, đây là « vụ bắt giữ đầu tiên một lãnh đạo chính trị địa phương » của đối lập, diễn ra trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia mà chính quyền Bắc Kinh ban hành đầu tháng 7 vừa qua.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201029-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 29/10:

Joe Biden ‘nhầm giới tính’ chồng bà Harris;

Rò rỉ ghi âm Hunter Biden thừa nhận

làm ăn với trùm gián điệp ĐCSTQ

Hải Lam

Mục lục bài viết

•           Joe Biden ‘nhầm giới tính’ chồng bà Harris

•           Rò rỉ ghi âm Hunter Biden thừa nhận làm ăn với trùm gián điệp ĐCSTQ

•           Thái – Trung Quốc ký thỏa thuận dự án thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường

•           CEO Facebook, Twitter, Google điều trần về kiểm duyệt nội dung

•           Pháp – Đức siết phong tỏa vì virus Vũ Hán

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (29/10) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Joe Biden ‘nhầm giới tính’ chồng bà Harris

Trong cuộc phỏng vấn với NBC ngày 27/10 tại Dallas-Fort Worth, khi nhắc đến Doug Emhoff, chồng của ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, Joe Biden gọi nhầm ông là “vợ của Kamala”.

“Vợ tôi, Jill, như các bạn đã biết, và Doug Emhoff, vợ của Kamala, đã đến đó. Kamala sẽ trở lại vào cuối tuần này”, ông Biden nói, đề cập đến bang Texas. Ông không nhận ra mình đã nói nhầm.

Joe Biden, 77 tuổi, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đã nhiều lần nói nhầm trong chiến dịch tranh cử. Hôm 25/10, ông Biden đã nói nhầm tên đối thủ Donald Trump – thành George Bush. Tại buổi vận động tranh cử ở thành phố Toledo ngày 13/10, Joe Biden nói rằng ông “đang tranh cử vào Thượng viện”.

Việc ứng viên Joe Biden nhiều lần nói sai làm dấy lên lo ngại rằng ông không đủ trí lực để làm tổng thống Mỹ.

Rò rỉ ghi âm Hunter Biden thừa nhận làm ăn với trùm gián điệp ĐCSTQ

The National Pulse hôm 27/10 đăng tải một đoạn ghi âm bị rò rỉ, tiết lộ chính Hunter Biden thừa nhận là đối tác với chủ tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC, và là đại diện cho một “trùm gián điệp” của ĐCSTQ.

Trong đoạn ghi âm, Hunter Biden gọi Hà Chí Bình (Patrick Ho) – Giám đốc Sở Nội vụ Hồng Kông, là “trùm gián điệp Trung Quốc”, đồng thời than thở đối tác làm ăn của mình, Diệp Giản Minh (Ye Jianming) – ông chủ của Tập đoàn năng lượng Trung Quốc CEFC – đã “bốc hơi”.

Diệp Giản Minh đã “mất tích” từ đầu năm 2018, sau khi bị chính quyền Bắc Kinh điều tra vì “nghi ngờ là tội phạm kinh tế”.

Năm 2017, FBI đã ra lệnh bắt Patrick Ho Chi-ping, và ông ta bị buộc tội rửa tiền liên quan đến các hợp đồng của Tập đoàn CEFC tại Uganda và Chad, và vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng Nước ngoài.

Thái – Trung Quốc ký thỏa thuận dự án thuộc Sáng kiến Vành đai, Con đường

Giới chức Thái Lan và Trung Quốc hôm thứ Tư (28/10) đã ký thỏa thuận về việc xây dựng một đoạn tuyến đường sắt cao tốc trị giá 50,6 tỷ baht (1,62 tỷ USD), thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh, theo Nikkei Asia.

Theo hợp đồng, Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan sẽ hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là Công ty Đường sắt Trung Quốc và Công ty Thiết kế Đường sắt Trung Quốc để thi công một phần trong dự án giai đoạn đầu khoảng 253 km đường sắt nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima ở Đông Bắc Thái Lan.

Cả hai bên đều đặt mục tiêu hoàn thành phân đoạn đầu tiên vào năm 2026. Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan cho biết, hợp đồng hôm thứ Tư bao gồm hợp tác kỹ thuật và đào tạo công nhân.

Phát biểu tại lễ ký hôm thứ Tư, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha bày tỏ hy vọng rằng tuyến đường sắt sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc và “thúc đẩy sự thịnh vượng và liên tục về kinh tế của cả hai nước”.

CEO Facebook, Twitter, Google điều trần về kiểm duyệt nội dung

Phiên điều trần diễn ra hôm 27/10 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Thượng viện Roger Wicker về vai trò của Facebook, Twitter, Google trong kiểm duyệt nội dung. Cả 3 CEO đều tham gia theo hình thức trực tuyến.

Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ chất vấn Mark Zuckerberg, Sundar Pichai và Jack Dorsey về việc liệu họ có thành kiến khi kiểm duyệt nội dung, cũng như có nên thay đổi Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (CDA) của Mỹ. Điều 230  được ví như “lá chắn” khi cho phép các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải.

Trong buổi điều trần, CEO Twitter Jack Dorsey bị chất vấn về việc Twitter kiểm duyệt các bài báo của New York Post và tổng thống Trump, trong khi phớt lờ ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. CEO Google Sundar Pichai bị chất vấn về hành vi độc quyền, trong khi CEO Facebook Mark Zuckerberg bị chất vấn về cáo buộc gây chia rẽ và trích dẫn các nghiên cứu nói các thuật toán của mạng xã hội này đang hướng mọi người tới những nội dung phân cực hơn.

Pháp – Đức siết phong tỏa vì virus Vũ Hán

Theo Reuters, Đức và Pháp dự kiến công bố các biện pháp phong tỏa vào thứ Tư 28/10 trong bối cảnh số ca tử vong do nhiễm virus Vũ Hán trên khắp châu Âu tăng gần 40% trong một tuần.

Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ trao đổi trực tuyến với các thống đốc bang để thảo luận về việc đóng cửa các nhà hàng và quán bar. Tuy nhiên, các trường học và nhà trẻ vẫn được phép mở cửa. Người dân vẫn được đến các địa điểm công cộng nhưng chỉ với các thành viên trong gia đình.

Tại Pháp, nơi ghi nhận hơn 50.000 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán mới mỗi ngày, Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến có bài phát biểu trên truyền hình vào buổi tối và thông báo thêm về việc hạn chế di chuyển sau khi các biện pháp giới nghiêm được áp dụng trên hầu hết đất nước vào tuần trước.

Kênh truyền hình BFM TV đưa tin rằng chính phủ đang xem xét biện pháp phong tỏa một tháng kể từ nửa đêm ngày thứ Năm 29/10, nhưng văn phòng của ông Macron vẫn chưa xác nhận.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tin-tuc-the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-29-10-joe-biden-nham-gioi-tinh-chong-ba-harris-ro-ri-ghi-am-hunter-biden-thua-nhan-lam-an-voi-trum-gian-diep-dcstq.html

Điểm tin thế giới tối 29/10:

Mỹ tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông;

Bầu cử 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ

Hải Lam

Mục lục bài viết          

Mỹ tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông

Bầu cử 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ

Ông Joe Biden cùng vợ đi bỏ phiếu sớm

Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù

Mỹ: Philadelphia lệnh giới nghiêm vì bạo loạn

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (29/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Mỹ tăng cường hợp tác với Indonesia ở Biển Đông

Reuters đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 29/10 cho biết Washington sẽ tìm kiếm cách thức mới để hợp tác với Indonesia tại Biển Đông.

“Tôi mong đợi hai bên sớm hợp tác cùng nhau theo những cách thức mới để đảm bảo rằng an ninh hàng hải sẽ bảo vệ một số tuyến thương mại đông đúc nhất thế giới”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 29/10.

Trước đó, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia, ông Pompeo đã hoan nghênh “hành động quyết đoán” của Jakarta trong việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia tại vùng biển gần quần đảo Natuna, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng yêu sách của Trung Quốc là “trái pháp luật”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia cho biết bà mong muốn thấy một khu vực Biển Đông “ổn định và hòa bình”, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.

Bà Retno nói thêm rằng Indonesia và Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng bằng cách tăng cường mua sắm quân sự, huấn luyện và tập trận, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực.

Bầu cử 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ

Theo ước tính của Trung tâm Phản ứng Chính trị (CRP), tổng chi phí cho cho các chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ dự kiến đạt mức kỷ lục gần 14 tỷ USD, gấp đôi chi phí cho cuộc bầu cử cách đây 4 năm.

Bà Sheila Krumholz, Giám đốc của Trung tâm Chính trị Đáp ứng, cho biết, các nhà tài trợ đã rót số tiền kỷ lục vào giữa năm 2018, năm 2020 dường như là sự tiếp nối của xu hướng này – nhưng được tăng cường hơn. Bà nói thêm rằng, 10 năm trước, một ứng cử viên tổng thống quyên được tài trợ hàng tỷ USD là rất khó nhưng lần này, cả 2 ứng viên đều thu hút được số tiền tài trợ lớn.

Trung tâm ước tính, chỉ riêng chi tiêu cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 sẽ là 6,6 tỷ USD, trong khi chi tiêu cho cuộc chạy đua vào Nghị viện sẽ là 7,2 tỷ USD.

Con số này cao hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2016, trong đó các chiến dịch tranh cử tổng thống chi khoảng 2,3 tỷ USD và các chiến dịch Nghị viện chi 4,1 tỷ USD.

Tính đến ngày 14/10, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã huy động được 938 triệu USD trong quỹ vận động. Tổng thống Donald Trump đã huy động được 596 triệu USD tính đến giữa tháng 10.

Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Dân chủ đang chi gấp đôi đảng Cộng hòa. Chi tiêu cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ ước tính là 6,9 tỷ USD trong cuộc bầu cử năm 2020, trong khi chi tiêu của đảng Cộng hòa ước tính là 3,8 tỷ USD.

Ông Joe Biden cùng vợ đi bỏ phiếu sớm

Trang ABC đưa tin, vợ chồng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp hôm 28/10 tại tòa nhà Carvel ở thành phố Wilmington, bang quê nhà Delaware của ông, trở thành hai trong hơn 74 triệu người Mỹ đi bầu sớm.

Trước khi bỏ phiếu, ông Biden đã dành cả ngày để tham gia các cuộc họp với các quan chức y tế địa phương về đại dịch viêm phổi Vũ Hán và dự kiến ​​sẽ có bài phát biểu ở bang Delaware.

Tổng thống Trump hôm 24/10 cũng đã đi bỏ phiếu sớm trực tiếp tại một thư viện ở thành phố West Palm Beach, bang Florida, nhưng đệ nhất phu nhân không đi cùng. Ông Trump chuyển đăng ký thường trú và đăng ký cử tri từ New York về Florida vào năm ngoái.

Ứng cử viên Joe Biden, 77 tuổi, hay nói nhầm trong các cuộc vận động tranh cử, làm dấy lên lo ngại ông không đủ trí lực để điều hành đất nước nếu được bầu làm tổng thống Mỹ.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bị kết án 17 năm tù

Ông Lee, 78 tuổi, giữ chức Tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013, bị truy tố hồi tháng 4/2018 với cáo buộc về tội tham ô và nhận hối lộ.

Các công tố viên cho biết hầu hết các hành vi sai phạm của ông Lee diễn ra trong thời gian ông nắm quyền, hoặc khi ông còn là ứng viên trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007. Ông Lee bị cáo buộc nhận khoảng 10 triệu USD tiền hối lộ từ tập đoàn Samsung, cơ quan tình báo Hàn Quốc và cựu giám đốc điều hành một ngân hàng. Ngoài ra, ông Lee đã biển thủ khoảng 30 triệu USD từ một công ty phụ tùng ô tô mà ông sở hữu và trốn khoảng 280.000 USD tiền thuế doanh nghiệp.

Tại toà, ông Lee Myung-bak luôn phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và việc truy tố ông là đòn “trả thù chính trị” của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in do cái chết của cố tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của ông Lee.

Mỹ: Philadelphia lệnh giới nghiêm vì bạo loạn

Fox News đưa tin, thành phố Philadelphia, Mỹ hôm 28/10 đã ban bố lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối thứ tư đến sáng hôm sau khi các cuộc phá hoại và cướp bóc vẫn liên tiếp diễn ra tại đây.

Nhiều thiết bị nổ đã được tìm thấy bên trong một chiếc xe tải gần trung tâm thành phố Philadelphia vào đêm 28/10, buộc cảnh sát đặc nhiệm thành phố và cảnh sát điều tra liên bang phải vào cuộc.

Trong khi đó, những kẻ cướp bóc đang nhắm vào các cửa hàng trong khu Wynnfield của thành phố, không xa Đại học St. Joseph. Cảnh sát cho biết họ đã thực hiện 81 vụ bắt giữ, trong khi có 23 cảnh sát đã bị thương khi làm nhiệm vụ.

Tình trạng bất ổn an ninh ở Philadelphia đã gia tăng sau khi cảnh cảnh sát đã bắn chết một thanh niên da màu mang theo dao hồi đầu tuần.

Trước đó, cả Tổng thống Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đều bình luận về tình hình bất ổn ở Philadelphia. Ông Trump gọi tình hình bất ổn tại Philadelphia là “khủng khiếp” và đổ lỗi cho lãnh đạo đảng Dân chủ ở bang Pennsylvania.

Ông nói: “Thị trưởng hay bất cứ ai có liên quan đều phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng bạo loạn và cướp bóc tại đây. Đó là một điều khủng khiếp. Tôi đã chứng kiến mọi ​​sự việc. Chính phủ liên bang cũng đang xem xét điều này…”

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-29-10-my-tang-cuong-hop-tac-voi-indonesia-o-bien-dong-bau-cu-2020-ton-kem-nhat-lich-su-my.html

Tạp chí tiêu điểm

« America First ! » của D.Trump 

hay chính sách đề cao lợi ích của Mỹ ?

Minh Anh

Ngày 03/11/2020, người dân Mỹ bầu chọn một tổng thống mới giữa hai ứng viên là Donald Trump – tổng thống sắp mãn nhiệm thuộc phe Cộng Hòa – và Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, thuộc đảng Dân Chủ. Đây cũng là dịp để điểm lại chính sách đối ngoại của một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Một nhiệm vụ mà giới quan sát đánh giá là không kém phần cam go

Mỗi tổng thống, khi kết thúc một nhiệm kỳ đều muốn để lại một dấu ấn trong chính sách đối ngoại. Với người tiền nhiệm Barack Obama, người ta có thể nói đến « học thuyết Obama » được thể hiện rõ ở ba sự kiện tập trung chủ yếu trong nhiệm kỳ thứ hai : Từ chối oanh kích Syria năm 2013 sau vụ chế độ Damas dùng vũ khí hóa học tấn thường dân ; Khởi động bình thường hóa quan hệ với Cuba vào cuối năm 2014 và Ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna tháng 7/2015.

Thế còn Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thì sao ? Nhiều nhà quan sát cho rằng thật hoài công tìm thấy một sự gắn kết chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của Donald Trump. Quả thật, ngoài một số suy nghĩ ám ảnh cá nhân, ông Donald Trump dường như không đề xuất một chính sách đối ngoại nào thật sự.

Bốn năm ông Trump ngự trị ở Nhà Trắng là bốn năm thế giới hồi hộp theo dõi những dòng tweet nhắn, những tuyên bố trái ngược trong cùng một hồ sơ quốc tế cũng như là giữa ông với các cố vấn. Đó cũng là bốn năm nền ngoại giao Mỹ bị mô tả là « hỗn loạn » và « bốc đồng ».

Đối ngoại và Đối nội phải là « một » !

Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng sẽ thật là sai lầm khi nói là Donald Trump không có một chính sách đối ngoại cụ thể. Nhà báo Renaud Girard, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo Le Figaro năm 2019 từng khẳng định nền ngoại giao của Trump tựu chung ở cụm từ : Mục tiêu tái tranh cử !

Mục tiêu này của ông được xoay theo bốn trục chính : Bổ nhiệm người vào Tòa án Tối cao, Di dân, Đối nội và Đối ngoại. Từ bốn điểm này, người ta thấy rõ là mỗi quyết định, mỗi tuyên bố của ông Trump đều có cùng một đích ngắm duy nhất : Cử tri Mỹ. Dĩ nhiên, mối bận tâm bầu cử, ở một số thời điểm cụ thể nào đó trong nền ngoại giao Mỹ, đều có thể nằm trong số các tiêu chí để ra quyết định, nhưng Donald Trump là một vị tổng thống sử dụng thường xuyên, có hệ thống, yếu tố hướng nội này.

Do vậy, theo quan điểm của bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc nghiên cứu văn phòng cố vấn German Marshall Fund of the United States, chi nhánh tại Paris, trên đài France Culture, đây chính là một điểm gắn kết chặt chẽ trong chính sách đối ngoại của Donald Trump: « Ông Trump liên kết được các phát biểu của mình với chính trị trong nước. Ông ấy cuối cùng đã xích lại gần hơn với người dân Mỹ, đã tìm được một cách thức mới để nói những vấn đề quan hệ quốc tế và vai trò của Mỹ với người dân. Ông thực hiện điều đó sao cho những thách thức quốc tế phải được hiểu rõ trên bình diện chính trị trong nước. »

Cách thức này đã được nguyên thủ Mỹ thể hiện rất rõ trong ba hồ sơ quốc tế lớn : Bắc Triều Tiên, Afghanistan và Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Barhein. Dù rằng kết quả đạt được từ ba hồ sơ đó còn phải được đánh giá lại, nhưng đối với nguyên thủ Mỹ, hình ảnh đưa ra có tầm quan trọng lớn và có sức biểu tượng cao, bởi vì đó còn là một thông điệp mà Donald Trump muốn gởi đến cử tri Mỹ : « Quý vị thấy đó, tôi đã làm được điều mà những người tiền nhiệm không làm được ! »

Những tuyên bố thiếu nhất quán ?

Không hẳn là thế ! Nhiều nhà quan sát cho rằng Donald Trump có một sự kiên định đáng nể trong việc thể hiện lập trường. Trong suốt các cuộc vận động tranh cử năm 2016, và trước đó trong những lần phát biểu trước công chúng những năm 1980, cũng như là khi đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump không ngừng tấn công các định chế, các tổ chức đa phương quốc tế. Nguyên thủ Mỹ muốn đoạn tuyệt với « nguyên trạng » hiện nay. Ông đặt lại vấn đề ý tưởng « chủ nghĩa ngoại lệ » từng được ví như là một trong những công cụ tạo nên « quyền lực mềm » của Mỹ.

Trong nhãn quan của chủ nhân Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã bị các nước đồng minh lường gạt, toàn cầu hóa gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông chỉ trích những người tiền nhiệm đã để cho những nước khác lợi dụng sự hào phóng của Mỹ và thiếu tôn trọng nước Mỹ. Tất cả những điều đó đã góp phần làm suy yếu nước Mỹ trên thế giới. Do vậy, nước Mỹ dưới thời Donald Trump không tìm cách bảo vệ một trật tự và những giá trị tự do mà chỉ đơn giản bảo đảm thế ưu việt quân sự và kinh tế trước các đối thủ.

Điều gây lo ngại cho các đối tác quốc tế chính là tính cách khó lường, một nét đặc trưng của chính quyền Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ lần lượt đơn phương đưa ra các quyết định « trên phương diện đối ngoại bất kể đó là về Iran, Syria, Afghanistan, hay như thoái lui khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí…, mà không tham vấn bất kỳ đồng minh nào và ưu tiên chủ nghĩa đơn phương hay song phương qua việc chọn một kiểu ngoại giao gây sốc, trực diện như trong trường hợp Bắc Triều Tiên », theo như phân tích của nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ thuộc German Marshall Fund.

Một sự tiếp nối

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà quan sát, đường lối đối ngoại này của ông Donald Trump phần nào cũng cho thấy rõ có sự thay đổi cách nhìn về thế giới của đảng Cộng Hòa trong bốn năm qua. Các cuộc tranh cãi đã diễn ra trong nội bộ đảng Cộng Hòa về một số chủ đề đối ngoại cho dù đó là vấn đề cuộc chiến thương mại, thái độ cứng rắn với Trung Quốc hay triệt thoái quân khỏi nhiều chiến trường thời kỳ hậu 11/09/2001. Bởi vì, theo đánh giá của chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer « đôi khi chính đảng Cộng Hòa cũng muốn chứng tỏ là còn ‘diều hâu’ hơn cả Donald Trump đối với Trung Quốc, Nga, với các đồng minh châu Âu đặc biệt là trong vấn đề công nghệ như vụ mạng 5G, Hoa Vi… ».

Mặt khác, giới phân tích ghi nhận dù có những sự đoạn tuyệt với các nền ngoại giao truyền thống từ phương pháp, cách tổ chức nhân sự hay trong phong cách lãnh đạo, nhưng chính sách đối ngoại của Donald Trump vẫn có một sự tiếp nối trong một số vấn đề do có sự đồng thuận giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, khi quan sát giai đoạn Obama/Trump và hậu Trump thì người ta thấy rõ « ông Donald Trump đã thúc đẩy nhanh rất nhiều khía cạnh chính sách đối ngoại của Obama trong nhiều hồ sơ, từ ‘xoay trục sang châu Á’, các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ và theo một cách nào đó, một giọng điệu cứng rắn hơn đối với các đồng minh, nhất là đồng minh châu Âu trong hồ sơ Afghanistan. Vấn đề chia sẻ gánh nặng chi phí cũng không phải là mới, ông Trump chỉ làm phồng to vấn đề lên vì chưa có một đời tổng thống nào làm cả. Do vậy, nếu ông Biden có đắc cử, ông ấy sẽ thực hiện cùng một kiểu áp lực. »

Thế nên, vẫn theo quan điểm của nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ, bất kể ai là người đắc cử, trong một số hồ sơ, chủ nhân Nhà Trắng tương lai vẫn duy trì cùng một đường lối. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn sẽ tiếp diễn. Thời kỳ dễ dãi với Trung Quốc đã qua.

Đối với bà Alexandra de Hoop Scheffer, ở đây có một điểm lý thú : Chính Donald Trump là người đưa ra bảng tổng kết về điều được gọi là « di sản của chiến tranh lạnh », hậu quả của sự lơ là và quá ngây thơ từ những vị tổng thống tiền nhiệm cũng như nhiều nước phương Tây, tạo đà thuận lợi cho Trung Quốc đi lên thành cường quốc, mà sai lầm lớn nhất là cho phép Bắc Kinh được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Do vậy, chủ nhân Nhà Trắng « mong muốn ‘thanh toán’ sự kế thừa đó khi nói rằng ‘‘quý vị thấy đó, chúng ta đã quá chú tâm vào việc phô trương sức mạnh, nhất là quân sự Mỹ trên nhiều mặt trận và trong thời gian này chúng ta đã để cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và trỗi dậy như là một trong những siêu cường cạnh tranh với Hoa Kỳ’’.»

Trung Quốc, Nga và EU : Quan hệ Đối tác – Đối thủ ?

Nếu với Trung Quốc là một đối thủ, Donald Trump đã có những lời lẽ gay gắt, thì với châu Âu dù là đồng minh, nguyên thủ Mỹ cũng không nhẹ nhàng hơn. Vì sao Donald Trump có thái độ cứng rắn, nghiêm khắc trong khi mà châu Âu có thể có một vai trò có lợi cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ?

Về điểm này, giới quan sát tại Pháp đều có chung một nhận xét : Không riêng gì Donald Trump, từ đời các tổng thống tiền nhiệm, Hoa Kỳ luôn duy trì một thái độ mâu thuẫn với Liên Hiệp Châu Âu. Đó vừa là một đồng minh trong một số hồ sơ quốc tế lớn nhưng cũng vừa là một đối thủ cạnh tranh, thế nên phải luôn tìm cách gây chia rẽ.

Chỉ có điều khác với những người tiền nhiệm, quan điểm này được ông Donald Trump thể hiện một cách công khai, đôi khi có phần thô bạo khi đánh giá « Liên Hiệp Châu Âu như là một đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác. Đó còn là một kẻ thù của Mỹ, thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc », theo như giải thích của bà Alexandra de Hoop Scheffer.

Vậy còn trong mối quan hệ Nga-Mỹ thì sao ? Nhà Trắng mỗi khi đổi chủ đều tuyên bố phải « Reset – làm lại từ đầu » mối quan hệ song phương giữa hai nước. Donald Trump không là một ngoại lệ, thậm chí ông có nhiều phát biểu rất thân thiện với Nga nhưng mối quan hệ vẫn luôn trong trạng thái băng giá.

Về điểm này, nhà nghiên cứu về Mỹ thuộc German Marshall Fund trước hết nhìn nhận cũng giống như với Trung Quốc, đây là những mối quan hệ phức tạp. Bởi vì, « đó vừa là một đối tác trong một số chủ đề, một đối tác ràng buộc như trong một số mặt trận ví dụ Syria, Libya hay ở Trung Phi, khu vực mà Nga đang trở thành một tác nhân cực kỳ quan trọng. Nhưng trên bình diện chiến lược, địa chính trị đó còn là một đối thủ. Làm thế nào tìm được một chính sách có thể cân bằng giữa hai khía cạnh này là một điều cực kỳ phức tạp.(…) Những kiểu mối quan hệ này, thật sự mang tính đối ngẫu : Đối tác – Đối thủ, rất là khó xử lý. Thế nên, người ta mới có điều gọi là một sự tách bạch trong quan hệ với những nước này. Chúng ta phải hợp tác với họ trong một số chủ đề chiến lược, môi trường, nhưng đồng thời phải đối đầu với họ trong một số hồ sơ khác. »

Từ những phân tích trên, bà Alexandra de Hoop Scheffer tóm tắt như sau về chính sách « America First ! » của Donald Trump : « America First ! Đó là một chính sách làm rõ các lợi ích của Mỹ. Nghĩa là một nước Mỹ không úp mở, công khai bảo vệ các lợi ích của mình trên hết. America First cũng chính là một nước Mỹ luôn tìm cách đối thoại hay đàm phán lại những thỏa thuận không chỉ với các đồng minh mà cả với những đối thủ chừng nào nước Mỹ vẫn luôn là một cường quốc hàng đầu. Những gì chúng ta thấy hiện nay là gì ? Nước Mỹ hiện vẫn là một siêu cường quân sự, nhưng trên nhiều lĩnh vực khác để có thể là một cường quốc kinh tế, công nghệ thì chính ở đó Hoa Kỳ bị cạnh tranh mạnh mẽ, thậm chí bị Trung Quốc qua mặt. Điều này dẫn đến những hốt hoảng, phải thương lượng và đàm phán lại với những nước như vậy. »

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20201029-donald-trump-america-first-loi-ich-doi-ngoai-doi-noi