Đọc báo Pháp – 28/09/2017
Châu Âu có thể
tái lập kiểm soát biên giới trong khối Schengen
Hôm qua 27/09/2017, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất thay đổi các quy định của khối Schengen, thông báo khả năng tái lập việc kiểm soát biên giới các nước thành viên tối đa 3 năm trong một số trường hợp đặc biệt, để phòng chống các mối đe dọa, chẳng hạn nguy cơ tấn công khủng bố. Đồng thời Bruxelles ấn định mục tiêu tiếp đón 50.000 di dân trong vòng 2 năm, trực tiếp từ một nước thứ ba, ví dụ Lybia hoặc Niger, nhằm đảm bảo các di dân tới châu Âu một cách an toàn và hợp pháp, tránh nguy cơ di dân thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải bất hợp pháp như tình trạng hiện nay.
Trong bài viết « Biên giới : Bruxelles sẵn sàng xem xét lại vấn đề tự do đi lại », báo Le Figaro nhận định các đề xuất trên của Ủy Ban Châu Âu vừa cứng rắn, vừa rất nhân đạo.
Theo quy định hiện hành của Liên Hiệp Châu Âu, việc kiểm soát biên giới một nước khối Schengen chỉ được phép thực hiện trong trường hợp an ninh quốc gia đó bị « đe dọa mạnh », với thời hạn 6 tháng. Thời hạn trên được đặc biệt kéo dài tối đa 2 năm nếu xảy ra tình trạng hỗn loạn tại biên giới giữa Liên Hiệp Châu Âu với bên ngoài, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng di dân trầm trọng.
Nhiều nước, đứng đầu là Pháp và Đức, đã khẩn thiết đề nghị Ủy Ban Châu Âu sửa đổi các quy định hiện hành về kiểm soát biên giới để thích ứng với các nguy cơ mới về tấn công khủng bố.
Hôm qua, ủy viên châu Âu Frans Timmermans cho biết : « Các nước thành viên phải có quyền hành động trong các trường hợp đặc biệt, khi họ phải đối mặt với các mối nguy nghiêm trọng ».Nhưng quan chức châu Âu trên cũng nhấn mạnh « các nước này phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt ». Ông Frans Timmermans cũng cho biết các thủ tục cần thiết sẽ được xác định rõ ràng để tránh việc các quốc gia thành viên lạm dụng việc kiểm soát biên giới.
Mặc dù hoan nghênh đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, ủy viên châu Âu Dimitris Avramopoulos, phụ trách các vấn đề nội vụ và di dân, lại muốn Bruxelles sửa đổi hẳn luật biên giới trong khối Schengen, chứ không đơn thuần là kéo dài thời hạn kiểm soát biên giới hiện hành tại một số nước thành viên.
Châu Âu « trong mơ » của TT Pháp Macron
Vẫn liên quan tới Liên hiệp Châu Âu, ngày 26/09/2017, tại giảng đường lớn của Đại học Sorbonne, Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày trước giới sinh viên một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tái thiết Liên Hiệp Châu Âu.
Trong bài xã luận « Châu Âu mà Emmanuel Macron ước mong », Le Monde nhận định cho dù công luận thấy việc tổng thống Pháp lại nói về châu Âu một cách hào hứng, lạc quan và muốn hướng tới một châu Âu đoàn kết hơn, dân chủ hơn là một điều khác thường, nhưng có lẽ vị tổng thống trẻ tuổi của Pháp đã không nhầm.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, giai đoạn mà những hoài nghi về châu Âu ngày càng lớn, nước Anh ra khỏi Liên Hiệp và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, tổng thống Pháp Macron là lãnh đạo duy nhất trong số 27 lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thúc đẩy mạnh cải cách sâu rộng Liên Hiệp. Tại Pháp, trước tổng thống Macron chỉ có tổng thống François Mitterand (1981-1994) là đặt nhiều niềm tin vào châu Âu đến như vậy.
Theo báo Le Monde, trong bối cảnh Hoa Kỳ rút lui khỏi chính trường quốc tế, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi không ngừng lớn mạnh, châu Âu không còn sự lựa chọn. Nếu muốn tồn tại, nếu không muốn bị gạt ra bên lề sân chơi quốc tế, các thành viên Liên Hiệp phải đoàn kết.
Chủ quyền, giá trị, lợi ích của châu Âu chỉ được đảm bảo nếu các nước thành viên gắn kết chặt chẽ, ít nhất là trong các lĩnh vực mà tổng thống Pháp đề xuất : an ninh, bảo vệ đường biên giới của Liên Hiệp, cơ cấu lại việc tiếp đón di dân, kiểm soát các đại tập đoàn công nghệ số, bảo vệ môi trường, cảnh quan và văn hóa, bảo vệ thị trường châu Âu trước các hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Tổng thống Pháp cũng đề xuất hàng loạt dự án cụ thể đi kèm.
Tổng thống trẻ tuổi Macron sẽ theo đuổi một cuộc chiến chính trị dài hơi : chống lại sự hoài nghi, chán ghét Liên Hiệp Châu Âu, chống lại sự bi quan ở châu Âu. Và bi quan, vốn lại là một đặc trưng của người Pháp. Châu Âu trong mơ ước của tổng thống Pháp tươi đẹp tới mức ông Macron nghĩ tới khả năng nước Anh sẽ trở lại Liên Hiệp trong 10 năm nữa. Kết luận của Le Monde là « Tại sao lại không nhỉ ? »
Thụy Điển tập trận với NATO để đối phó với Nga
Trong lĩnh vực quân sự, trước mối đe dọa từ Nga, Thụy Điển đã phối hợp tổ chức và tiến hành tập trận với nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thành viên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO.
Trong bài viết « Đối phó với Nga: Thụy Điển phối hợp tập trận với các nước », báo Le Monde cho biết từ ngày 11 đến ngày 29/09/2017, gần một nửa số quân nhân Thụy Điển – 19.500 người – tập trận chung với 1.800 binh lính Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Estonia, Mỹ, Pháp … . Chiến dịch Aurora hiện đã bước vào giai đoạn cuối, với các bài tập bắn đạn thật, ở thị trấn Trosa, phía nam Stockholm.
Mặc dù mục tiêu là thử nghiệm khả năng phòng vệ của Thụy Điển, nhưng các cuộc tập trận cũng nhằm phô trương lực lượng của Thụy Điển. Bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hutlqvist giải thích là Quốc Hội Thụy Điển vào năm 2015 đã ra quyết định phát triển quốc phòng và tổ chức tập trận quy mô lớn để gửi tới thế giới thông điệp là Thụy Điển sẵn sàng chiến đấu để phòng vệ, tăng cường sức mạnh quân sự và đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác.
Tại Thụy Điển, nơi đa phần dân chúng phản đối việc gia nhập NATO, kịch bản đợt tập trận theo đó Thụy Điển bị tấn công bất ngờ từ phía Đông, hàm ý nói tới nước Nga, đã chịu nhiều chỉ trích. Dân biểu cánh tả Stig Henriksson, phụ trách các vấn đề quốc phòng cho rằng, kịch bản tập trận giả định là có các đơn vị quân đội nước ngoài đóng tại Thụy Điển, kể cả trong thời bình, điều này là một dấu hiệu nguy hiểm, có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc Phòng Peter Hutlqvist trấn an công luận là Thụy Điển vẫn độc lập với mọi liên minh quân sự, nhưng có thỏa thuận với một số nước, trong đó có vài thành viên NATO và phải tập trận chung để đảm bảo Thụy Điển sẵn sàng tiếp cận được sự trợ giúp từ bên ngoài hoặc phối hợp với nước ngoài để tiến hành các chiến dịch tại Thụy Điển.
Phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng đã bị một tập hợp gồm 20 tổ chức vì mục đích « ngưng chiến dịch Aurora » phản đối. Chủ tịch tổ chức « Nói không với NATO » đánh giá: Khi tiến về phía NATO, Thụy Điển sẽ không thể thực hiện chính sách độc lập trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng, trong khi đây lại là thời kỳ quan trọng nhất để đảm bảo sự trung lập giữa Nga và NATO.
Nhưng quan điểm trên lại khiến bộ trưởng Quốc Phòng Thụy Điển bực tức. Ông Peter Hutlqvist đáp trả rằng Thụy Điển không phải là một quốc gia hiếu chiến, nhưng nước này có quyền tập trận trong bối cảnh quốc phòng và chủ quyền có nguy cơ bị đe dọa. Mặc dù xác suất bị Nga tấn công rất thấp, nhưng Stockholm cũng phải lưu ý tới tình hình trong khu vực : Nga đã sáp nhập bán đảo Crimée và có xung đột với Ukraina, Nga hiện cũng đang gây sức ép tới các nước vùng Baltic.
Úc chi tiền để người Rohingya « trở về cõi chết »
Trại tị nạn của Úc trên đảo Manus, thuộc Papua New Guinea, mà báo Le Figaro gọi là « biểu tượng đáng hổ thẹn cho chính sách nhẫn tâm của chính quyền Canberra đối với người di cư, tị nạn trái phép » sẽ phải đóng cửa vào ngày 31/10/2017.
Hiện chính phủ của thủ tướng MalcolmTurnbull đang tìm mọi cách để giải quyết số người đang bị giam giữ trên đảo Manus. Một trong những biện pháp là « Úc trả tiền cho người Rohingya để họ trở về nhà », như tiêu đề một bài viết trên báo Le Figaro.
Số tiền mà Canberra đề xuất trả cho mỗi người Rohingya hiện đang bị giam giữ trên đảo Manus là 25.000 đô Úc để họ trở về Miến Điện, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc, đang diễn ra nạn « thanh lọc sắc tộc » nhắm vào cộng đồng Hồi Giáo thiểu số Rohingya.
Le Figaro dẫn lời báo Anh The Guardian gọi đó là « tấm vé một chiều đi tìm cái chết, với những đồng đô la trong túi ». Dù đề xuất này của Úc bị coi là sỗ sàng, nhưng một số người tị nạn Rohingya lại cho The Guardian biết là họ thà trở về và chết ở Miến Điện còn hơn phải sống cảnh tù đày ở đảo Manus, mà một số tổ chức nhân quyền gọi là « địa ngục », nơi họ bị lạm dụng tình dục, hành hạ cả về thể xác và tinh thần.
Biến đối khí hậu : người nghèo bị ảnh hưởng trước tiên
Chuyển sang lĩnh vực môi trường, khí hậu, báo Le Figaro trích kết luận của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong một nghiên cứu về hậu quả của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế, theo đó « Biến đổi khí hậu tác động trước tiên tới người nghèo ».
So với 15 năm đầu thế kỷ XX, nhiệt độ trong vòng 15 năm đầu thế kỷ XXI đã tăng trung bình 1,4 độ ở các nước phát triển (thường ở khu vực khí hậu ôn đới), 1,3 độ ở các nước có nền kinh tế mới nổi và 0,7 độ ở các nước đang phát triển (tập trung chủ yếu ở khu vực có khí hậu nóng hơn). Nhưng điều đó không có nghĩa là kinh tế của các nước đang phát triển ít chịu tác động của biến đổi khí hậu hơn so với các nước giàu.
Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, vào năm 2100, trái đất nóng dần sẽ làm giảm 9% thu nhập tính theo đầu người tại các nước kém phát triển nhất. Mực nước biển dâng cao sẽ đe dọa vài trăm triệu cư dân, nhất là người nghèo, và chỉ khoảng 4 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng. Còn hạn hán và ngập lụt cũng đe dọa các quốc gia kém phát triển, mà Bangladesh là một ví dụ điển hình.
Trang nhất các báo Pháp
Hồ sơ được các báo Pháp quan tâm đưa lên trang nhất và dành nhiều trang bài phân tích, bình luận là dự toán ngân sách quốc gia 2018 mà chính phủ Pháp công bố ngày hôm qua 27/09.
Nhật báo Le Monde nói về « Người được, kẻ mất trong kế hoạch ngân sách đầu tiên dưới thời tổng thống Macron ». Báo Le Figaro khái quát « Ngân sách 2018 : Thuế thu nhập giảm, chi tiêu vẫn tăng ». Trong khi đó, báo công giáo La Croix chạy tít « Ngân sách 2018, những điều đang chờ quý vị ». Còn « Ngân sách : Các mức thuế mới năm 2018 » là tít trang nhất của báo kinh tế Les Echos.
Nhật báo Libération quan tâm tới cuộc đối đầu giữa vùng Catalunya và chính quyền Tây Ban Nha về việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị. Libération chơi chữ : « Catalunya, vết đứt gãy ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170928-schengen-uy-ban-chau-au-va-de-xuat-moi-ve-kiem-soat-bien-gioi
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Núi lửa Bali có thể sắp phun. Hôm nay, 28/09/2017, đã có gần 104.000 cư dân đảo Bali sơ tán khỏi khu vực xung quanh núi lửa Agung, do sợ thảm họa. Các rung chuyển dưới lòng đất và khói trắng trào lên từ đỉnh núi khiến người ta tin rằng núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào. Dân sơ tán được tạm thời trú ẩn ở một số trụ sở chính quyền hay nhà thể thao của một số ngôi làng xung quanh.
(AFP) – Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck đang ở Dubai. Chính quyền Bangkok hôm nay 28/09/2017 loan báo cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, bị kết án khiếm diện 5 năm tù giam hôm qua, hiện nay đang ở Dubai, nơi có anh bà là Thaksin Shinawatra đang sống lưu vong. Báo chí và các nhà phân tích cho rằng đã có một sự thỏa thuận ngầm giữa bà Yingluck và nhà cầm quyền trong vụ đào thoát này, để giới tướng lãnh có thể rảnh tay tổ chức lại chính trường, tuy chính quyền quân sự luôn bác bỏ điều đó.
(Reuters) – Trung Quốc cấm nhập 24 loại rác thải làm giá bao bì tăng. Theo Reuters hôm nay 28/09/2017, lệnh cấm nhập 24 loại rác thải (giấy, nhựa, vỏ xe…) của Trung Quốc khiến giá bột giấy để làm bao bì tăng gấp đôi, trong khi năm ngoái có đến 31 tỉ kiện hàng được giao cho khách đặt mua tại Hoa lục. Một số hãng tàu biển như Hapag-Lloyd đã ngưng nhận vận chuyển phế liệu nhựa và giấy phế thải đến Trung Quốc sau ngày 31/12 năm nay.
(Reuters) – Tướng Nga, bị giết tại Syria, từng chỉ huy một đơn vị quân đội của Damas. Tướng Valeri Assapov, 51 tuổi, là sĩ quan Nga cao cấp nhất tử trận tại Syria. Theo thông báo của bộ tổng tham mưu quân đội Nga hôm qua, 28/09/2017, viên tướng bị thiệt mạng tuần trước trong một cuộc tấn công của Daech đã từng chỉ huy binh đoàn 5, một đơn vị của lính tình nguyện Syria, được thành lập cuối năm 2016, được coi là một trong các đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Damas.
(AFP) – Nga tiêu hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa loan báo Nga đã tiêu hủy số vũ khí hóa học cuối cùng còn sót lại từ thời chiến tranh lạnh vào ngày 27/09/2017. Ông Putin nói rằng đây là « một sự kiện lịch sử », đồng thời nhấn mạnh « rất tiếc là Hoa Kỳ không thực hiện nghĩa vụ của mình trong vấn đề này ».
(AFP) – Pháp Ý đạt thỏa thuận về xưởng đóng tàu STX. Ngày 27/09/2017, nhân thượng đỉnh Pháp Ý tại Lyon, Paris và Roma đồng ý cộng tác để thành lập một đại công ty trong lĩnh vực đóng tàu. Fincantieri mua lại một phần xưởng đóng tàu STX của Pháp, kiểm soát 51 % vốn. Dự án đã bị đình trệ trong nhiều tháng do bất đồng về hoạt động cung cấp trang thiết bị cho Hải quân Pháp. Cuối cùng, đôi bên tìm ra đồng thuận : Fincantieri sẽ cùng với hãng Pháp Naval Group tiếp tục đóng tàu sân bay, tàu khu trục cho bộ Quốc Phòng Pháp.
(Reuters) – Du khách tàn phá môi trường Địa Trung Hải. Thông báo của Quỹ Bảo Vệ Thiên Nhiên, WWF công bố ngày 27/09/2017, báo động Địa Trung Hải đang bị tàn phá do lượng du khách quá tải. Theo ước tính của tổ chức này, mỗi năm ngành du lịch giúp thu về 450 tỷ đô la trong khu vực.
(AFP) – Google, Facebook và Twitter phải điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ về hồ sơ Nga. Cả Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ hôm 27/09/2017 đều chính thức yêu cầu các đại tập đoàn công nghệ Google, Facebook và Twitter ra điều trần trong khuôn khổ các cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Đại diện các tập đoàn này phải trả lời trước Ủy ban Tình báo Thượng Viện vào ngày 1/11 tới, còn Ủy ban Tình báo Hạ Viện cũng gởi yêu cầu hôm qua, nhằm xác định xem các hệ thống này có đã bị Nga sử dụng để gây ảnh hưởng hay không.
(RFI) – Tổng thống Mỹ công bố chương trình cải cách lớn về thuế. Hôm qua, 27/09/2017, tại tiểu bang Indiana, tổng thống Donald Trump đã thông báo dự án cải cách, mà ông cho là « lịch sử », dự kiến cắt giảm mạnh mẽ thuế cho các doanh nghiệp, giảm mức thuế tối đa cho những gia đình giàu có, cũng như một số biện pháp nhắm vào tầng lớp trung lưu. Cuộc cải cách thuế được coi là một trắc nghiệm quan trọng về uy tín đối với tổng thống Trump, sau thất bại trong dự định hủy bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare.
(RFI) – Canada sẽ « kháng cự » lại Mỹ trong vụ áp thuế chống phá giá với phi cơ Bombardier. Hôm qua, 27/09/2017, chính phủ vùng Quebec và Canada, cũng như nhiều đảng đối lập, đã lên án quyết định của chính phủ Mỹ. Theo người đứng đầu chính phủ vùng Quebec, cuộc chiến còn lâu mới chấm dứt, cho dù hãng Boeing của Mỹ đã tạm thời chiến thắng. Công Đảng Anh kêu gọi Luân Đôn đưa vụ việc ra Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Hãng Bombardier sử dụng 4.200 nhân công tại Bắc Ai Len, thuộc Anh.
(AFP) – FBI : Các vụ tấn công tin học càng ngày càng tinh vi. Điều trần trước thượng viện Hoa Kỳ ngày 27/09/2017, lãnh đạo Cục Điều Tra Liên Bang FBI, Christopher Wray cho biết trong 10 tháng đầu năm 2017, các nhà điều tra không tài nào thâm nhập 6.000 chiếc máy, trong đó có điện thoại, vi tính, máy tính bảng … Xác định vị trí các ổ tội phạm cũng ngày càng khó khăn hơn. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo rất lợi hại trong lĩnh vực tấn công mạng.
(AFP) -Sáng lập viên tạp chí Mỹ Playboy qua đời. Hugh Hefner vừa từ trần tại Mỹ ngày 27/09/2017, thọ 91 tuổi. Năm 1953, ông cho ra đời số báo Playboy đầu tiên chuyên đăng ảnh khỏa thân. Ảnh bìa với minh tinh màn bạc Maryline Monroe rất khêu gợi đến nay vẫn được xem là một trong những bức ảnh mang tính nghệ thuật nhất của làng báo thế giới. Playboy góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng tình dục ở những năm 1960 tại Hoa Kỳ và sau đó đã lan tỏa ra thế giới. Playboy hiện được phát hành tại 20 quốc gia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170928-tin-doc-nhanh