Đọc báo Pháp – 28/04/2020
Pháp – Covid-19: Dỡ bỏ phong tỏa, chuyện không đơn giản -Anh Vũ
Ngày 28/04/2020, trước Quốc Hội thủ tướng Edouard Philippe trình bày kế hoạch chi tiết dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở nước Pháp. Nội dung của kế hoạch được dư luận Pháp mong đợi không kém gì thời điểm ngày 11/05. Vì thế các báo trong ngày đều tập trung vào sự kiện này cũng như về cuộc khủng hoảng y tế của Pháp.
Nếu như người dân Pháp đang mong chờ từng ngày được ra khỏi phong tỏa, lệnh do tổng thống Emmanuel Macron ban bố từ ngày 17/03 thì chính phủ Pháp đang đau đầu và bị sức ép rất lớn làm sao giải tỏa được cuộc sống cho người dân khi nguy cơ bệnh dịch vẫn còn đó. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất : « Dỡ bỏ phong tỏa, một kế hoạch dưới sức ép lớn », tương tự Le Figaro nhận định : « Philippe, dưới sức ép tối đa để dỡ bỏ phong tỏa ».
Chính phủ cho biết kế hoạch sẽ được chia thành 6 mảng chính : y tế (gồm các vấn đề khẩu trang, xét nghiệm, cách ly…), trường học, việc làm, thương mại, giao thông và các cuộc tụ tập. Với mỗi chủ đề như vậy, thủ tướng Pháp phải trình bày cụ thể đâu là cơ sở để hành pháp cho phép trở lại các hoạt động mà vẫn tránh được dịch bệnh tái phát.
Mục đích nội dung như vậy, nhưng chính phủ đã phải làm việc rất nhiều để có được kế hoạch thực hiện. Theo Le Figaro, chính phủ đã phải thảo luận với nhau rất căng thẳng. Cho đến tận sáng ngày hôm qua (27/04), tại phủ thủ tướng, các cuộc họp vẫn liên tục diễn ra để bàn về vô số các vấn đề đặt ra khi dỡ bỏ phong tỏa trước làn sóng Covid-19 thứ 2 vẫn luôn rình rập đâu đó và trong khi tiếng kêu cứu của các ngành nghề kinh tế, xã hội ngày thêm nhiều. Bên cạnh đó, đến lúc này các đường hướng quyết định chính trị dường như chưa thuyết phục được giới khoa học cũng như của phe đối lập, mà trong đó không ít người luôn muốn đóng vai trò của thủ tướng nhiều hơn là phản biện .
Khẩu trang, không còn là chuyện nhỏ của chính phủ
Liên quan đến dỡ bỏ phong tỏa, chủ đề chính của báo Libération dành nói về chiếc khẩu trang, một vật dụng bảo hộ y tế đơn giản nhưng đang chiếm một vị trí không nhỏ trong kế hoạch giải tỏa của chính phủ.
Với tựa lớn chiếm cả trang nhất: « Khẩu trang, dối trá và chểnh mảng », Libération có bài phóng sự điều tra lật lại vấn đề vì sao nước Pháp rơi vào trình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trầm trọng khi Covid-19 lan tràn. Dựa trên các nguồn tin chính thức cũng như ý kiến của các nhà khoa học, Libération đã cho thấy, khi cuộc khủng hoảng virus corona bùng lên, vấn đề sử dụng khẩu trang để phòng dịch đã được đặt ra. Nhưng do lơ là để kho hàng chiến lược phòng dịch này bị cạn từ 10 năm qua, chính phủ lấy lý do là khẩu trang chỉ cần thiết và có tác dụng cho nhân viên y tế và người bị bệnh, phải dành dụm không đem sử dụng đại trà. Giờ đây khi thấy khẩu trang là vật dụng thiết yếu phòng dịch lây lan thì chính phủ lại nói rằng cách tiếp cận vấn đề đã thay đổi…
Libération khẳng định, không hề có sự thay đổi nào trong cơ sở lý luận hết mà chính phủ đã cố ý nói dối dân để che lấp sự sai lầm về quản lý kho dự trữ khẩu trang hơn 1 tỷ chiếc trong suốt hai nhiệm tổng thống từ François Hollande đến Emmanuel Macron.
Theo tờ báo ngay từ tháng Hai, khi virus corona bắt đầu lây lan ở Pháp thì khi dự trữ khẩu trang của Nhà nước đã cạn kiệt. Thế nhưng các giới chức y tế của chính phủ vẫn khẳng định không sợ khan hiếm khẩu trang. Đến giữa tháng 3, khi tình trạng đã bắt đầu nguy ngập, lúc đó các cơ quan y tế mới thông báo trong kho chiến lược chỉ còn 117 triệu chiếc khẩu trang y tế loại FFP2, trong khi mà 10 năm trước đó con số này là 1 tỷ 600 triệu.
Điều tra của Libération cho thấy trong 10 năm, các chính phủ đã không để ý quan tâm đến tích trữ kho hàng chiến lược phòng dịch này, do cắt giảm ngân sách đầu tư cho y tế, mặc dù các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo cần phải bổ sung liên tục nguồn dự trữ vật tư chiến lược phòng dịch bệnh. Hậu quả là khi bị dịch Covid 19 tấn công các cơ sở, nhân viên y tế bị rơi vào tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.
Tờ báo đưa ví dụ, như tại bệnh viện Mulhouse, tâm dịch đầu tiên của Pháp, vào lúc cao điểm dịch Covid-19, bệnh viện này cần khoảng hơn 100 nghìn khẩu trang chuyên dụng các loại mỗi tuần, trong khi Nhà nước chỉ có thể cung cấp khoảng 25 nghìn chiếc mỗi tuần. Đến cuối tháng 3, cao điểm của dịch trong cả nước, Pháp cần ít nhất 40 triệu khẩu trang mỗi tuần, trong khi đó 8 tuần lễ, chính phủ mới tích góp được 69 triệu khẩu trang, theo một tài liệu chính thức của bộ Y Tế. Chính phủ không đủ khả năng cung cấp khẩu trang cho cả người bệnh cũng như các nhân viên chăm sóc họ. Các đơn đặt hàng gấp được ký nhưng đã quá muộn.
Libération khẳng định trong bài xã luận tình trạng khủng hoảng khẩu trang mà bài điều tra cho thấy trách nhiệm, sự yếu kém và thất bại của chính phủ trong chính sách y tế. « Những sai lầm đó làm suy yếu thủ tướng Edouard Philippe, khi mà hôm nay ông trình bày kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa từng phần cho dân chúng từ ngày 11/05. Một kế hoạch để thành công và tránh được làn sóng dịch thứ 2 thì nhất thiết phải dự trù đủ số lượng khẩu trang, xét nghiệm, đây lại là điều chưa có được. Nếu muốn thuyết phục được mọi người, thủ tướng phải cụ thể và chắc chắn và còn phải biết thừa nhận những sai lầm của chính phủ », Libération kết luận.
Châu Âu rục rịch dỡ bỏ phong tỏa
Chuyển qua với nhật báo Le Figaro, chủ đề dỡ bỏ phong tỏa vẫn bao trùm khắp mặt báo. Nhìn qua khắp châu Âu, tờ báo ghi nhận việc dỡ bỏ phong tỏa đang bắt đầu diễn ra nhưng ở mỗi nơi mỗi kiểu theo các bước khác nhau.
Theo ghi nhận của Le Figaro, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn lâu mới bị đẩy lùi, các nước bị dịch nặng nề nhất của châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức đều đã bắt đầu rục rịch các bước khởi động thoát ra khỏi vòng phong tỏa, một giai đoạn được đánh giá là « cốt yếu và rất khó xử ».
Theo Le Figaro, đây là giai đoạn mà các chính phủ phải đối mặt với bài toán : Làm sao vừa phải giữ được các chuẩn mực vệ sinh y tế để đề phòng làn sóng dịch thứ 2, vừa phải khởi động lại cỗ máy kinh tế trước nỗi lo về đời sống của dân chúng ngày càng lớn. Tuy nhiên, mỗi nước đều dỡ bỏ các hạn chế một cách thận trọng với ưu tiên của mỗi nơi cũng khác nhau. Ý chọn chiến lược làm dần từng mảng, Đức thì mỗi vùng làm theo cách riêng phù hợp với hoàn cảnh của mình .
Nhìn chung, nhiều nước đã cho mở lại dần dần trường học, như ở Đức, bắt đầu từ ngày 4/5 hay Đan Mạch thì sớm hơn từ ngày 14/4. Nhưng cũng có nước thận trọng đề nghị đến tháng 9 mới mở trường học trở lại như Ý hay Rumani. Pháp, Tây Ban Nha, hay Anh việc mở lại trường học trên nguyên tắc từ ngày cho dỡ lệnh phong tỏa, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc nên chưa có chủ trương dứt khoát.
Có vẻ như khởi động lại cỗ máy kinh tế đang là ưu tiên của các nước. Trước tiên là mở lại các cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở sản xuất quan trọng nhưng vẫn phải dưới sự giám sát chặt chẽ của các quy định phòng dịch. Quán ăn, khách sạn, tụ điểm vui chơi giải trí vẫn còn chờ tiến triển tình hình dịch.
Một vấn đề khác được Le Fgaro nêu lên là việc lưu thông qua biên giới. Đây là điểm mấu chốt trong việc dỡ lệnh phong tỏa. Thế nhưng hầu hết các nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng như trong khối Schengen đều rất thận trọng chưa muốn đưa ra quyết định cụ thể. Ưu tiên của các nước lúc này vẫn là lo tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng trong mỗi nước đã và sẽ còn bị đảo lộn lâu dài vì trận dịch này.
Covid-19 : Vì sao Trung Quốc sợ minh bạch ?
Trên trang « Dư luận » của báo Le Figaro có bài viết với tựa đề khá hấp dẫn liên quan đến Trung Quốc của nhà báo, nhà văn Renaud Girard : « Vũ Hán : Cần có một cuộc điều tra quốc tế ».
Tác giả viết : Để trả lời một thảm họa quốc tế thì phải có một cuộc điều tra quốc tế. Thế nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ không muốn chấp nhận điều đó. Trước đề nghị của Úc mở một cuộc điều tra quốc tế dưới sự chỉ đạo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về dịch Covid-19, đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã trả lời là « không » và còn đe dọa sẽ tẩy chay, trả đũa nếu chính phủ Úc tiếp túc theo đuổi ý tưởng này.
Tác giả nhắc lại, đến nay người ta còn chưa biết gì nhiều về hoàn cảnh ra đời tại Vũ Hán hồi tháng 11/2019 một căn bệnh sau này bùng phát khắp thế giới giết chết hàng trăm nghìn người. Còn rất nhiều câu hỏi xung quanh bệnh dịch này dưới nhiều góc độ khác nhau để thế giới tìm hiểu, ngăn chặn dịch.
Vậy có chính đáng khi các nước lớn trên thế giới muốn hiểu rõ điều gì đã xảy ra ở Trung Quốc hay không ? Hiển nhiên là chính đáng, như vậy chỉ để ngăn chặn các đại dịch không tái xảy ra từ nước lớn này mà thôi, theo tác giả.
Trong khi đó các tin đồn, thuyết âm mưu rộ lên liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc với virus corona chủng mới. Tại sao Trung Quốc lại từ chối sự minh bạch, bác bỏ một cuộc điều tra quốc tế ? Phải chăng họ có điều gì phải giấu ?
Tác giả bài báo nhắc lại khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima 2011, chính phủ Nhật ngay lập tức kêu gọi các chuyên gia của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế tới trợ giúp. Vậy tại sao Trung Quốc không làm như Nhật ?
Tác giả kết luận : « Trên bình diện công nghệ, Trung Quốc đã hưởng lợi quá nhiều trong việc mở cửa với thế giới phương Tây. Những thập kỷ gần đây, con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh cũng không ngừng đòi phương Tây mở cửa rộng hơn. Vậy mà giờ đây Trung Quốc chủ trương đóng cửa, sau khi đã xuất khẩu một thảm họa sức khỏe chưa từng có từ một thế kỷ nay ».
Tin tổng hợp
(Reuters) – Kim Jong Un có thể đi tránh virus corona.
Theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc ngày 28/04/2020, lãnh đạo Bắc Triều Tiên không dự lễ kỷ niệm 108 năm ngày sinh Kim Nhật Thành hôm 15/04 là do áp dụng các biện pháp phòng dịch, chứ không phải là do vấn đề sức khỏe. Rất nhiều hoạt động lễ hội và bữa tiệc truyền thống nhân sự kiện này cũng đã bị hủy do lo ngại virus corona lây lan.
(Le Figaro) – TT Mỹ Donald Trump nói đã có thông tin về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo BTT Kim Jong Un.
Trong cuộc họp báo ngày 27/04/2020 tại Nhà Trắng, khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh đang có rất nhiều tin đồn, ông Trump nói ông có « một ý rất hay » nhưng nhưng « không thể nói ngay bây giờ ». Tổng thống Mỹ còn nói rất có thể mọi người sẽ sớm được nghe nói về chuyện này « trong một tương lai không xa lắm ».
(AFP) – Sẽ không có Thế Vận Hội Tokyo 2021 nếu dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành.
Ngày 28/04/2020, ông Yoshiro Mori, người đứng đầu ban tổ chức, cho biết không thể hoãn thêm một lần nữa Thế Vận Hội nên sự kiện này có thể sẽ bị hủy nếu không kiểm soát được tình hình dịch từ giờ đến năm 2021. Thế Vận Hội Tokyo, theo dự kiến diễn ra vào mùa hè 2020 đã phải hoãn sang năm 2021, từ ngày 23/07 đến 08/08.
(AFP) – Hai tầu chở hơn 500 người Rohingya trôi dạt, Liên Hiệp Quốc khẩn thiết yêu cầu Bangladesh cho cập bờ.
Trong thư gửi chính quyền Bangladesh ngày 27/04/2020, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet nhấn mạnh những người này « rất cần lương thực, chăm sóc y tế và mọi hỗ trợ nhân đạo cần thiết » để tránh một thảm họa nhân đạo. Tuần trước, chính quyền Dacca cho biết « không nhận bất kỳ người Rohingya nào khác ». Có khoảng 1 triệu người Rohingya Miến Điện hiện sống tị nạn ở Bangladesh.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ : Hơn 400 người bị câu lưu vì có hành vi « khiêu khích trên các mạng xã hội » liên quan đến đại dịch Covid-19.
Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 27/04 cho biết cảnh sát đã tiến hành 402 vụ bắt giữ kể từ tháng 3. Trong vòng 42 ngày, bộ Nội Vụ xác định được 6.362 tài khoản mạng xã hội có hành vi khiêu khích và 855 nghi phạm. Chính quyền Ankara đang truy tìm những người bị nghi ngờ gieo rắc tin đồn về virus corona hoặc chỉ trích chính phủ về công tác quản lý dịch bệnh. Còn tại Istanbul, một đền thờ Hồi giáo trở thành nơi cung cấp thực phẩm miễn phí cho người nghèo.
(AsiaNews) – Luật sư người Hoa tại Mỹ Trần Quang Thành : Đảng Cộng Sản Trung Quốc là virus nguy hiểm nhất.
Phát biểu tại một diễn đàn được tổ chức Faith & Law hợp tác với Viện Sinh Thái Con Người, Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, tổ chức hôm 24/04/2020, nhà hoạt động Trung Quốc tị nạn tại Mỹ, luật sư Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) gọi đảng Cộng Sản Trung Quốc là « virus lớn nhất và nguy hiểm nhất trong mọi loại virus ». Luật sư Trần Quang Thành chỉ ra rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc giữ im lặng về sự lây lan của virus ở Vũ Hán và thao túng các số liệu về số người nhiễm bệnh và tử vong trong nước, vi phạm nhân quyền. Ông Trần cũng nhấn mạnh Bắc Kinh lợi dụng đại dịch để trấn áp các nhà bất đồng chính kiến, lấy cớ cách ly để giam giữ họ.
(RFI) – Brazil: Tổng thống Jair Bolsonaro trong tầm nhắm của tư pháp.
Tiếp theo tố giác của cựu bộ trưởng tư pháp Sergio Moro, một thẩm phán liên bang Brazil ra lệnh điều tra sơ bộ về những lời tố cáo tổng thống Jair Bolsonaro can thiệp vào công việc của tư pháp. Theo lệnh của thẩm phán Celsode Mello, cảnh sát điều tra có 60 ngày để thẩm vấn Sergio Moro, cựu bộ trưởng tư pháp. Nhân vật có tiếng chống tham ô đã đột ngột từ chức hôm 24/04 và tố cáo tổng thống Brazil gây áp lực cách chức chỉ huy trưởng cảnh sát liên bang và nhiều vụ bê bối khác. Tổng thống Jair Bolsonaro bị cáo buộc ít nhất 7 tội trong đó có hành vi cản trở công lý và tắc trách trong nhiệm vụ lãnh đạo hành pháp.
(AFP) – Ý : Rác thải y tế, mối họa tái nhiễm bệnh ?
Các bệnh viên Ý trên tuyến đầu chống dịch giờ có nguy cơ đối mặt với núi rác thải y tế, nguồn nhiễm bệnh tiềm tàng. Lượng rác thải y tế tại các vùng Cremone hay Lombardia đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần trong vòng một tháng. Theo lãnh đạo một bệnh viện, dịch Covid-19 đã làm cho việc sàng lọc và xử lý rác thải y tế bội phần khó khăn.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200428-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 28/4:
Ông Tedros nói thế giới coi nhẹ cảnh báo của WHO
Lục Du
Chào mừng quý độc giả của Đại Kỷ Nguyên đến với chuyên mục Điểm tin thế giới. Sáng nay, thứ Ba (28/4), chuyên mục của chúng tôi có những tin sau:
Ông Tedros nói thế giới coi nhẹ cảnh báo của WHO
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm thứ Hai, than thở rằng tổ chức của ông từ sớm đã phát đi cảnh báo nguy hiểm cấp độ cao nhất đối với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng các quốc gia đều bỏ ngoài tai, theo SBS News.
Theo ông Tedros, từ rất sớm, vào ngay từ 30/1, WHO đã khuyến cáo thế giới rằng Covid-19 đã hình thành ổ dịch và có nguy cơ tạo ra “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”.
WHO đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế vì đồng lõa với Bắc Kinh trong việc che giấu quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Hơn 1 triệu người đã ký đơn trực tuyến yêu cầu Tổng giám đốc Tedros từ chức.
Pháp chặn lô khẩu trang lớn đang tuồn ra chợ đen
Fox News hôm Chủ nhật đưa tin, cảnh sát Pháp đã ngăn chặn một lô hàng gồm 140 nghìn khẩu trang, loại mặt hàng đang khan hiếm do dịch Covid-19, bị tuồn ra chợ đen nhằm thu lợi nhuận lớn hơn.
Cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông đang dỡ các thùng hàng khẩu trang từ một chiếc xe ở một khu phố thuộc vùng ngoại ô Paris, nhật báo Le Parisian của Pháp cho hay. Một nguồn tin nói với AFP rằng hai người đàn ông này có ý định bán lô khẩu trang cho người lao động với giá cao.
Vào tháng trước, chính phủ Pháp đã trưng dụng tất cả các khẩu trang trên thị trường để có đủ nguồn bảo hộ cho các nhân viên y tế. Giá khẩu trang ở Pháp đã tăng gấp 3 lần trước khi giới chức Pháp đưa ra quyết định này.
Covid-19: Cố vấn Nhà Trắng lên án Trung Quốc
Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, hôm thứ Hai, đã chỉ trích chính quyền Trung Quốc “trục lợi” từ việc xuất khẩu sang Mỹ các bộ dụng cụ xét nghiệm virus Vũ Hán chất lượng thấp và thậm chí là hàng giả, theo Reuters.
Cố vấn của Nhà Trắng cũng lên án Bắc Kinh khiến dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra toàn cầu bằng quyết định “giấu dịch trong 6 tuần”.
“Họ đã có thể kiểm soát nCoV ở Vũ Hán”, ông nói. Nhưng “họ đã không làm thế. Họ đã gieo rắc mầm bệnh ra thế giới khi cho hàng trăm ngàn người Trung Quốc lên máy bay tới Milan, tới New York và những nơi khác”.
Venezuela: Maduro bổ nhiệm tội phạm ma túy làm bộ trưởng
Reuters đưa tin, chính phủ Nicolas Maduro, hôm thứ Hai, đã bổ nhiệm ông Tareck El Aissami làm bộ trưởng dầu mỏ, bất chấp thực tế là ông này bị Hoa Kỳ truy tố vì tội buôn bán ma túy.
Vào tháng Ba, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Aissami cùng 14 quan chức đương nhiệm và về hưu của chính phủ Maduro tội danh tham nhũng, buôn bán ma túy và khủng bố. Cáo trạng của Mỹ nói rằng El Aissam đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và nhúng tay vào hoạt động buôn bán ma túy.
Ngoài việc cất nhắc El Aissami, Maduro cũng bổ nhiệm ông Asdrubal Chavez, một người anh em họ của cố Tổng thống Hugo Chavez, làm lãnh đạo lâm thời của công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA.
Iran: Hàng trăm người chết vì uống rượu để chữa Covid-19
Hơn 700 người ở Iran đã chết sau khi uống rượu để chữa bệnh viêm phổi Vũ Hán, theo bản tin hôm Chủ nhật của Aljazeera.
Các quan chức Iran cho hay, ngộ độc rượu đã cướp đi sinh mạng của 728 người trong khoảng thời gian từ 20/2 tới 7/4, khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước này. Trong khi đó tổng số ca tử vong vì rượu ở Iran trong năm 2019 là 66 ca.
Người phát ngôn của Bộ Y tế Iran, Kianoush Jahanpour, cho biết 5.011 người đã bị ngộ độc rượu, trong đó có khoảng 90 người mất thị lực hoặc bị tổn thương mắt.
Điểm tin thế giới chiều 28/4:
Hàn Quốc nói Kim Jong Un có thể đi tránh Covid-19
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Ba (28/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Hàn Quốc nói Kim Jong Un có thể đi tránh Covid-19
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul hôm nay cho rằng Kim Jong Un không xuất hiện trong lễ kỷ niệm ngày sinh ông nội Kim Nhật Thành (Ngày Mặt trời) hôm 15/4 vì lo ngại Covid-19.
Theo ông Kim Yeon-chul, từ giữa tháng 1, có ít nhất hai lần Kim Jong-un vắng mặt gần 20 ngày. “Tôi nghĩ điều này không có gì bất thường trong tình hình dịch bệnh hiện tại”, ông nói.
Những đồn đoán về sức khỏe của Kim Jong Un dấy lên từ khi ông vắng mặt trong Ngày Mặt trời, ngày lễ được coi là quan trọng nhất ở Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh họ không phát hiện động thái bất thường nào ở Triều Tiên và phản bác những thông tin cho rằng Kim Jong Un bị bệnh.
Thủ tướng Nhật Bản theo dõi sát sao tin tức về Kim Jong Un
Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay phát biểu trong một phiên họp của Quốc hội rằng, ông đã biết về việc truyền thông đưa tin về sức khỏe của Kim Jong Un và hiện đang theo dõi tình hình.
Đài Loan cảm ơn Mỹ vì ủng hộ hòn đảo gia nhập WHO
Theo Reuters, trong cuộc họp trực tuyến vào cuối ngày 27/4, Bộ trưởng Y tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih-chung) đã cảm ơn Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar vì đã ủng hộ mạnh mẽ hòn đảo gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Bộ Y tế Đài Loan cho biết thêm rằng ông Azar “tái khẳng định việc Mỹ sẽ hỗ trợ liên tục và cụ thể trong việc mở rộng sự tham gia của Đài Loan tại WHO và các tổ chức y tế toàn cầu”.
Bộ trưởng Alex Azar viết trên Twitter rằng, ông đã cảm ơn ông Trần vì “những nỗ lực chia sẻ các nguồn lực tốt nhất của Đài Loan với Mỹ”.
Ấn Độ trả lại kit xét nghiệm, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) hôm 27/4 nói rằng, họ sẽ trả lại khoảng 500.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nhập từ Công ty Công nghệ sinh học Wondfo Quảng Châu và Công ty Công
nghệ chẩn đoán Livzon Chu Hải do chất lượng kém. Quan chức Trung Quốc lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của Ấn Độ là “không công bằng và vô trách nhiệm”.
“Mặc dù nhà sản xuất hứa hẹn bộ kit xét nghiệm sẽ có hiệu suất tốt cho mục tiêu sàng lọc bệnh dịch, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy độ nhạy của sản phẩm khác xa cam kết”, hãng tin IANS trích thông báo của ICMR. ICMR cũng khuyến cáo các bang ngừng sử dụng các kit xét nghiệm và gửi lại cho ICMR để trả về các nhà cung cấp.