Đọc báo Pháp – 27/01/2020

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 27/01/2020

Virus siêu nhỏ làm điêu đứng

Trung Quốc 1,4 tỉ người của Tập Cận Bình

Thụy My

Dịch bệnh từ virus corona là đề tài bao trùm trên các báo Pháp hôm nay. « Coronavirus, thế giới tổ chức đối phó » – tựa trang nhất của La Croix. « Coronavirus, Trung Quốc chống chọi như thế nào » – tít lớn của Les Echos. Le Figaro chạy tựa « Coronavirus bùng nổ tại Trung Quốc, cả hành tinh báo động ». Bên cạnh đó là bầu cử đô trưởng Paris, và hồ sơ Venezuela, nhân chuyến thăm thủ đô nước Pháp của thủ lãnh đối lập Juan Guaido.

Hoảng loạn trong các thành phố ma ngày Tết

Les Echos trong bài « Trung Quốc huy động tổng lực trước nạn dịch đang tăng vọt » mô tả một Trung Quốc tự giam hãm khi bước vào năm Canh Tý, không tiếng pháo cũng như múa lân, múa rồng.

Vũ Hán và nhiều vùng lân cận đã bị cách ly với thế giới. Ở phía nam, Hồng Kông nâng mức cảnh báo tối đa, trường học đóng cửa đến giữa tháng Hai ; ở phía bắc, Thiên Tân, Tây An cho xe đò ngưng chạy. Còn tại thủ đô, đường phố hoang vắng, các lễ hội đều hủy bỏ, rạp xi-nê, công viên giải trí, các địa điểm du lịch như Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành đóng cửa. Sáng hôm qua, cư dân Bắc Kinh nhận được tin nhắn yêu cầu không bắt tay nhau.

Trên mạng xã hội lan truyền các video cho thấy dân làng các nơi dựng rào cản để chận người từ Vũ Hán chạy sang, những người bệnh nằm bất tỉnh trên đường phố, đội ngũ y tế quá tải…làm hàng triệu người khiếp vía. Tại các thành phố lớn mọi người ra đường đều tự động mang khẩu trang, còn đối với 110 triệu dân tỉnh Quảng Đông thì đã là bắt buộc. Le Figaro cho biết người từ Vũ Hán bị các khách sạn và nhà hàng từ chối đón tiếp.

Cái chết của bác sĩ nổi tiếng Lương Vũ Đông (Liang Wudong), người chữa trị các bệnh nhân bị virus corona lại càng khiến những lời đồn trở nên đáng tin. Những lời chứng từ các bệnh viện mô tả khung cảnh hỗn loạn, nhân viên y tế thiếu thốn mọi thứ, kể cả khẩu trang và găng tay. Một nhà báo trên Twitter cho biết bác sĩ Hu Yi, trưởng khoa Hô hấp của bệnh viện trung tâm Vũ Hán « phải dùng túi nhựa màu vàng bao giày lại, còn bác sĩ đứng cạnh thậm chí không có kính bảo vệ lẫn khẩu trang N95 ».

Cuộc chiến còn dài đối với Tập Cận Bình

Le Figaro kể thêm « Tại Bắc Kinh, dân chúng ẩn nấp trong nhà với hy vọng ngày mai trời lại sáng ». Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, đường sá và trung tâm thương mại trở nên vắng teo, nhà hàng, chợ thực phẩm đóng cửa, trông như một thành phố bị vây hãm. Ngay cả hàng ngàn chiếc taxi hai màu xanh vàng thường ngang dọc thành phố cũng biến đâu mất, còn gọi xe Didi (xe công nghệ như Uber) phải chờ hơn 20 phút mới có.

Hôm Chủ nhật 26/1, công an ở các khu vực xung quanh Bắc Kinh đi từng nhà để kiểm tra xem có giấu người bệnh không. Loa phóng thanh kêu gọi dân cư đến ngay bệnh viện nếu cảm thấy không ổn, đô trưởng Bắc Kinh hôm qua cho biết có thể thêm cả ngàn người nữa bị nhiễm, dựa trên con số bệnh nhân nhập viện nhưng chưa có kết quả xét nghiệm.

Trước tình hình nguy ngập, Tập Cận Bình phải « xuất tướng » để dập tắt những chỉ trích, tuyên bố « tình hình là trầm trọng » – một lời thú nhận đáng chú ý đối với chế độ Bắc Kinh có thói quen giữ bí mật những tin xấu. Ông Tập nhấn mạnh, Trung Quốc phải « chiến thắng » nạn dịch. Theo Le Figaro, cuộc chiến còn dài đối với tổng tư lệnh của 1,4 tỉ người.

Virus corona làm kinh tế Trung Quốc thêm khốn đốn

Tờ báo cánh hữu dẫn nhật báo Barrons ước tính virus corona có thể làm kỹ nghệ điện ảnh thiệt mất 10 tỉ đô la, còn báo chí Hoa lục cho biết tỉ lệ đặt phòng khách sạn chỉ còn 20%. Bộ Thương Mại Trung Quốc dự báo vận chuyển hàng không giảm 41,1%, đường sắt giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Le Monde, tuy hãy còn quá sớm để ước lượng hậu quả, tuy nhiên dịch SARS năm 2002-2003 đã làm tăng trưởng Trung Quốc mất đi 2 điểm. Nhưng hồi đó tiêu thụ của các hộ gia đình chỉ khoảng 40% GDP, còn nay lên đến 60%. Việc cô lập Vũ Hán (11 triệu dân), Hoàng Cương (7,5 triệu dân) và nhiều thành phố xung quanh sẽ tác động trực tiếp đến công nghệ. Vũ Hán vốn là trung tâm sản xuất xe hơi với các hãng Đông Phong, PSA, Renault, Nissan ; và có nhiều trường đại học danh tiếng với 1 triệu sinh viên.

Les Echos dẫn lời Shaun Roache, nhà phân tích của Standard & Poor’s nhấn mạnh : « Nạn dịch diễn ra đúng vào Tết âm lịch tại Trung Quốc, thời kỳ mà các gia đình mạnh tay chi cho du lịch, giải trí và quà cáp ». Chỉ riêng phim ảnh, số thu đến hôm thứ Bảy 25/1 chưa đến 1,8 triệu nhân dân tệ (260.000 đô la) trong khi năm 2019 là 1,5 tỉ nhân dân tệ (216 triệu đô la), có nghĩa là doanh thu sụt giảm đến 84 lần !

Kiều dân Pháp tại Vũ Hán nóng lòng chờ đợi di tản

Les Echos nói về tình cảnh của các công dân Pháp bị kẹt ở Vũ Hán. Một chủ nhà hàng Pháp qua điện thoại cho biết thành phố như hoang mạc, chỉ có vài siêu thị, bệnh viện và đồn công an là mở cửa. Các gia đình có con nhỏ hoảng loạn, yêu cầu chính phủ giúp đưa về nước càng sớm càng tốt. Hiện có 500 công dân Pháp trong danh sách của lãnh sự quán, nhưng còn những người không đăng ký hay doanh nhân bị kẹt lại ở khách sạn.

Chính phủ dự định hồi hương những người Pháp ở Vũ Hán bằng đường hàng không vào giữa tuần này, sau đó họ sẽ bị cách ly trong 14 ngày. Trước đó Paris loan báo sẽ đưa xe buýt chở công dân Pháp đến Trường Sa cách Vũ Hán 300 km, tuy nhiên ý kiến này bị phản đối. Một giám đốc trong ngành xe hơi nói : « Người Vũ Hán bị coi như dịch hạch, sẽ không khách sạn nào chịu chứa chúng tôi. Và để rồi bị cách ly ở Trường Sa chăng ? »

Le Figaro cho biết nhiều người đã tỏ ra mất kiên nhẫn, cảm thấy bị bỏ rơi, nhất là sau khi Hoa Kỳ đã thương lượng được với Bắc Kinh : một chiếc Boeing 767 với các bác sĩ đi kèm sẽ cất cánh ngày mai để giải cứu các công dân Mỹ kẹt tại Vũ Hán. Điều khó chịu nhất là không biết tình hình sẽ kéo dài đến bao giờ.

Con virus nhỏ bé đe dọa 1,4 tỉ người do thiếu minh bạch

Trong bài xã luận mang tựa đề « Con virus của sự nghi ngờ », Le Figaro nhận xét, Trung Quốc đã trưng ra một màn diễn đầy ấn tượng với việc huy động lực lượng theo kiểu nhà binh để chống lại virus 2019-nCoV. Có chính thể nào khác ngoài chế độ độc tài này cách ly được gần 60 triệu người, làm vắng hẳn bóng người trên những con đường của thành phố 11 triệu dân như Vũ Hán ? Giao thông công cộng bị ngưng lại, trường học đóng cửa, và một bệnh viện 1.000 giường được xây dựng chỉ trong vòng một tuần.

Chính sách tập quyền và bàn tay sắt của Tập Cận Bình dường như cho đến nay trấn an được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khiến tổ chức này chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thế giới. Tuy vậy đã có 13 nước phát hiện những trường hợp bị nhiễm bệnh. Một sự bùng nổ là không thể tránh khỏi, như các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu nhìn nhận. Có thể lây ngay trong thời gian ủ bệnh, virus corona mới tuy không gây chết người nhiều bằng SARS năm 2003 nhưng có thể biến đổi.

Cũng chế độ độc tài Bắc Kinh hiện nay phải chịu trách nhiệm về phản ứng chậm chạp khiến không ngăn được nạn dịch ngay từ đầu. Không chỉ các quan chức địa phương không muốn làm mất lòng « hoàng đế đỏ » khi chuyển lên những tin xấu, nhưng chính quyền lực trung ương cũng đã che giấu tầm cỡ của vấn đề : cách đây mới một tuần Bắc Kinh còn tuyên bố dịch corona « có thể kiểm soát được ». Những ai biết về Trung Quốc cộng sản hiểu rằng đó là dối trá, khi thấy báo chí nhà nước không đưa tin những trường hợp đầu tiên.

Thế nên một con virus độc hại siêu nhỏ có thể đe dọa an ninh của quốc gia khổng lồ Trung Quốc với 1,4 tỉ dân. Bài học này cũng dành cho những xã hội tự do như Pháp : sự minh bạch chính là vũ khí tốt nhất để đối phó với tin đồn và hỗn loạn. Một khi thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng y tế Agnès Buzyn tuân thủ nguyên tắc này, thì người dân Pháp không có lý do gì để lo sợ.

Trump, kinh tế sụt giảm, virus… Trung Quốc « họa vô đơn chí »

Nhìn chung, tác giả Nicolas Baverez trong bài « Khi Trung Quốc đóng cửa, thế giới chia rẽ » trên Le Figaro nhận xét, tình hình kinh tế xã hội Trung Quốc đang căng thẳng.

Tăng trưởng theo con số chính thức là 6,1% trong năm 2019, thấp nhất từ 30 năm qua, và sẽ không vượt quá 5,7% năm 2020. Nợ công và tư gần 270% GDP, các công ty mất khả năng chi trả tăng 5%, và dòng vốn không ngừng chảy khỏi Hoa lục. Tín dụng được mở van nhưng không che giấu được khủng hoảng cấu trúc của mô hình phát triển ồ ạt dựa vào kỹ nghệ và xuất khẩu, xâm hại môi trường, nợ công.

Cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ do ông Donald Trump khởi động đã khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc bị ngưng. Thỏa thuận giai đoạn 1 vừa ký vẫn chưa giải quyết được nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và trợ giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đã kết thúc ảo tưởng Mỹ-Trung cùng song hành để đi lên.

Giấc mộng Trung Hoa bị khựng lại với số sinh giảm mạnh nhất kể từ nạn đói khủng khiếp năm 1961. Dân số hoạt động giảm dẫn đến thị trường lao động thiếu người, tiền lương tăng. Trung Quốc sẽ già đi trước khi thực sự giàu, và nạn dịch do virus corona đã đưa ra ánh sáng tình hình vệ sinh dịch tễ của đất nước khổng lồ này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh tiếp tục giam hãm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, phố biến việc giám sát bằng công nghệ nhận diện.

Giấc mộng Trung Hoa thành ác mộng Trung Hoa

Những dấu hiệu phản kháng đầu tiên đối với chủ nghĩa toàn trị dựa trên công nghệ đã xuất hiện, như tại Hồng Kông. Thất bại nặng nề nhất là tại Đài Loan, nơi bà Thái Anh Văn thắng giòn giã trước các ứng viên thần phục Bắc Kinh, nhờ tái khẳng định chủ quyền trước các đe dọa cũng như dẫn dụ của Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông, kiểm soát những cơ sở chiến lược thậm chí cả những đất nước bằng bẫy nợ liên quan đến « Con đường tơ lụa mới » gây ra những chống đối ngày càng mạnh mẽ. Trung Quốc gây lo sợ từ Việt Nam, Malaysia đến Nhật, Úc, New Zealand.

Trước bàn cờ đã thay đổi này, Tập Cận Bình đi con đường ngược với Đặng Tiểu Bình năm 1978. Về kinh tế, Trung Quốc khép kín cửa, tập trung vào thị trường nội địa mênh mông của mình. Ưu tiên được dành cho việc giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ, Trung Quốc công khai đối đầu với Hoa Kỳ trên toàn cầu.

Ba chọn lựa : đóng cửa, cứng rắn về ý thức hệ và quyền lực tuyệt đối, sẽ biến giấc mộng Trung Hoa thành ác mộng. Câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ dẫn đưa Trung Quốc làm bá chủ thế giới, hay, giống như hồi cuối thế kỷ 15 dưới thời nhà Minh, cắt đứt Hoa lục khỏi thời kỳ hiện đại.

http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200127-virus-si%C3%AAu-nh%E1%BB%8F-l%C3%A0m-%C4%91i%C3%AAu-%C4%91%E1%BB%A9ng-trung-qu%E1%BB%91c-14-t%E1%BB%89-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%E1%BB%A7a-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh

 

Tin tổng hợp

(AFP) – Louis Vuitton là thương hiệu Pháp có giá nhất. 

Theo xếp hạng thường niên BrandZ Top 50 France năm 2020 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar của Anh Quốc, thương hiệu túi xách cao cấp Louis Vuitton của đại tập đoàn hàng hiệu LVMH đứng trên cả thương hiệu Chanel và Hermes. Giá trị thương hiệu Louis Vuitton đã tăng 15%, đạt 53,4 tỉ đô la, so với con số 43 tỉ đô la của Chanel và 34,6 tỉ của Hermes. Tiếp theo ba thương hiệu Pháp hàng đầu này là thương hiệu mỹ phẩm l’Oréal và tập đoàn viễn thông Orange.

(AFP) – Billie Eilish ngôi sao sáng chói trên bầu trời âm nhạc Mỹ. 

Trong lễ trao giải Grammy 2020 đêm 26/01/2020 tại Los Angeles, nữ ca sĩ Billie Eilish 18 tuổi đoạt bốn giải thưởng quan trọng nhất của làng nhạc Hoa Kỳ. Đó là các giải dành cho đĩa hát hay nhất (với album When We All Fall Asleep, Where Do We Go ?) ; giải thưởng dành cho tác phẩm có chất lượng thu âm tốt nhất (với Bad Guy) ; giải thưởng dành cho bài hát xuất sắc nhất và giải dành cho tài năng mới trong năm. Billie Eilish là nghệ sĩ trẻ tuổi nhất đoạt cùng lúc bốn giải lớn tại Grammy Awards và mới 18 tuổi, cô đã đánh bại nhiều nghệ sĩ đàn chị từ Ariana Grande, Taylor Swift, Lana Del Rey hay Lady Gaga.

(Reuters) – Bầu cử địa phương tại Ý : Đảng cực hữu Liên Đoàn thất bại.

Đảng liên Đoàn của Matteo Salvini đã thất bại trong việc chiếm lĩnh Emilia-Romagna, thành trì của cánh tả từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, trong cuộc bầu cử địa phương ngày 26/01/2020. Ứng viên của đảng cực hữu Liên Đoàn chỉ được 43,7% phiếu bầu so với 51,4% của đối thủ phe Dân Chủ. Lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini từng hy vọng sẽ chiến thắng trong kỳ bầu cử địa phương để làm lung lay chính phủ liên minh. Ngày 27/01/2020, thư ký đảng trung tả nhấn mạnh Salvini đã thất bại trong việc đẩy nội các Ý vào tình trạng bất ổn.

(AFP) – Pháp ngừng sử dụng lựu đạn giải vây. 

Ngày 26/01/2020, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner thông báo là cảnh sát kể từ nay không còn sử dụng loại lựu đạn giải vây trong các cuộc biểu tình. Loại lựu đạn này bị tố là đã gây thương tích trầm trọng cho nhiều người biểu tình. Lựu đạn GLI-F4 có ba tác dụng: phát ra hơi cay, gây tiếng nổ rất lớn và thổi khí rất mạnh, và trong đó có chứa chất nổ (26g TNT), thường được cảnh sát dùng để giải vây cho một người đang bị một nhóm tấn công, bao vây. Pháp là nước duy nhất ở châu Âu mà cảnh sát còn sử dụng loại lựu đạn này.

(AFP) – Tòa đại sứ Mỹ ở Bagdad trúng rocket. 

Washington kêu gọi chính quyền Irak bảo vệ các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ. Lần đầu tiên, đêm 26/01/2020, ba quả đạn pháo nhắm vào tòa đại sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Irak. Vụ việc xảy ra vào lúc hàng ngàn người tuần hành tại Bagdad chống chính phủ. Cảnh sát bắn đạn thật giải tán đám đông làm hai người chết. Trước mắt, chưa ai nhận là tác giả vụ tấn công nói trên nhưng Washington quy trách nhiệm cho các nhóm dân quân thân Iran.

(AFP) – Bão tại Brazil : ít nhất 44 người thiệt mạng.

Cơn bão ở miền đông nam Brazil kéo dài từ hôm thứ Năm 23/01/2020, kèm theo những trận mưa như trút nước, đã gây ngập lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Viện Khí tượng Thủy văn Quốc gia ghi nhận lượng nước mưa đạt mức cao nhất kể từ 110 năm qua. Ngày 26/01, nhà chức trách cho biết vẫn còn 19 người mất tích, 12 người bị thương và 17.000 người ở 58 thị trấn thuộc bang Minas Gerais phải di tản. Chính quyền Brazil và bang Minas Gerais thông báo khoản trợ cấp khẩn cấp khoảng 22 triệu đô la.

(AFP) – Một huyền thoại bóng rổ Mỹ tử nạn. 

Kobe Bryant, một huyền thoại của bóng rổ và của thể thao nói chung, vừa thiệt mạng trong một tai nạn trực thăng hôm 26/01/2020, tại California. Trong số 9 nạn nhân của tai nạn này còn có một trong 4 con gái của Kobe Bryant là Gianna,13 tuổi. Cái chết của cựu vô địch bóng rổ đã gây chấn động làng thể thao. Trong đêm 26/01, nhiều tên tuổi trong Giải Bóng rổ Mỹ NBA đã bày tỏ sự xúc động. Năm nay 41 tuổi, sau khi giành được 5 giải NBA, Kobe Bryant đã ngừng thi đấu kể từ năm 2016.

http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200127-tin-tong-hop

 

Điểm tin thế giới 27/1:

Triệu Hằng

Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (27/1) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:

Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết thêm 3 ngày

vì virus corona

Reuters thông tin, số vụ tử vong vì dịch viêm phổi ở Trung Quốc đã tăng lên 81 người vào thứ Hai (27/1), chính phủ nước này thông báo kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và nhiều doanh nghiệp lớn đóng cửa hoặc cho nhân viên làm việc tại nhà.

Kỳ nghỉ Tết kéo dài tới ngày 2/2 giữa lúc dịch viêm phổi do chủng virus mới họ corona (nCoV) lan rộng. Theo lịch trước đó người Trung Quốc nghỉ Tết đến hết ngày 30/1 nhưng được kéo dài thêm ba ngày, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết hôm nay.

Trường học cũng được nghỉ thêm, nhưng ngày trở lại trường chưa được thông báo.

Trung Quốc kế hoạch đầu tư

hơn 43 triệu đô la xây dựng bệnh viện ở Vũ Hán

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) có kế hoạch đầu tư tới 300 triệu nhân dân tệ (43,5 triệu đô la) để xây dựng các bệnh viện ở Vũ Hán phục vụ bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi virus corona, Reuters trích nguồn từ cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã nói hôm thứ Hai (27/1).

5 triệu người dân đã rời Vũ Hán trước lệnh phong tỏa

Tờ SCMP thông tin hôm 26/1, khoảng 5 triệu cư dân đã rời Vũ Hán trước khi lệnh phong tỏa vì dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới có họ corona (nCoV) được ban hành hôm 23/1.

Khoảng 9 triệu người đang ở lại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp, Thị trưởng Chu Tiên Vượng cho biết trong cuộc họp báo ngày 26/1.

Ông Chu nói thêm rằng trong 2.700 người đang được theo dõi, khoảng 1.000 người có thể sẽ được xác nhận nhiễm nCoV. Hồ Bắc chiếm hơn nửa trong khoảng 2.500 bệnh nhân nhiễm nCoV ở Trung Quốc.

Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad trúng rocket

AFP thông tin hôm nay (27/1), 3 quả rocket đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Iraq hôm 26/1.

Một quả rocket lao trúng quán ăn bên trong đại sứ quán, hai quả còn lại rơi gần đó. Ít nhất một người bị thương nhưng hiện chưa rõ mức độ vết thương nghiêm trọng tới đâu và người này là công dân Mỹ hay nhân viên người Iraq làm việc tại đây. Đại sứ quán chưa đưa ra bình luận. Chưa rõ nhóm nào chịu trách nhiệm về cuộc tấn công nhưng Washington đã nhiều lần cáo buộc cho các phe quân sự được Iran hậu thuẫn ở Iraq.

Bom tự chế phát nổ

ở khoa cấp cứu của bệnh viện Hồng Kông

Một quả bom tự chế đã phát nổ tại một bệnh viện ở Hồng Kông vào thứ Hai (27/1), buộc bệnh viện phải sơ tán bệnh nhân và tạm thời hạn chế các dịch vụ tại khoa cấp cứu.

Tờ SCMP hôm nay (27/1) dẫn lời một phát ngôn viên của bệnh viện cho biết quả bom nổ tại nhà vệ sinh tại Trung tâm Caritas Medical Centre ở Cheung Sha Wan vào khoảng 2h30′ sáng (giờ Hồng Kông), không có ai bị thương.

Triêu Tiên hối thúc công dân “vượt qua rào cản”

với viễn cảnh áp lực của Mỹ và quốc tế

Trong khi thời hạn của Triều Tiên yêu cầu Mỹ làm dịu lập trường đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân đã qua đi mà không có gì xảy ra trong năm mới, thì truyền thông nhà nước và các nỗ lực tuyên truyền đã đưa ra một viễn cảnh đối đầu lâu dài với Mỹ.

Reuters thông tin hôm 27/1, trong những tuần gần đây chính phủ Triều Tiên đã sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước, áp phích tuyên truyền và những buổi biểu diễn để cảnh báo công chúng về một con đường gập ghềnh trước mắt dưới áp lực của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Tuyên truyền bao gồm yêu cầu người Triều Tiên “vượt qua rào cản” và củng cố đất nước.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-27-1-trung-quoc-keo-dai-ky-nghi-tet-them-3-ngay-vi-virus-corona.html